Theo thông tin cập nhật mới nhất ngày 10/5/2021, công dân phải đi làm CCCD gắn chip trước 01/7/2021 nếu thẻ CMND, CCCD mã vạch thuộc các trường hợp sau trước 01/7/2021 (hiện nay đã ngừng cấp CMND và CCCD mã vạch):
– Công dân dùng thẻ Căn cước công dân mã vạch mà đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi hoặc CMND hết hạn sử dụng;
– Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
– Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
– Xác định lại giới tính, quê quán;
– Có sai sót về thông tin trên thẻ;
– Bị mất thẻ Căn cước công dân; CMND;
– Người đang dùng CMND mà thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
1. Thẻ Căn Cước Công Dân gắn chíp là gì?
Thẻ căn cước gắn chip hay còn được gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID). Đây là thiết bị nhận dạng thông minh cho phép tích hợp lượng lớn dữ liệu về bảo hiểm, bằng lái… Nó đóng vai trò làm thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Về cơ bản, e-ID là thiết bị xác thực điện tử tích hợp chip bên trong. Con chip có kích thước tương tự như trên thẻ ATM. Để truy cập vào thông tin nằm trong chip, các thẻ sẽ có điểm kết nối kim loại trên bề mặt hoặc cho phép đọc dữ liệu không cần tiếp xúc nhờ ứng dụng công nghệ nhận diện qua sóng vô tuyến (RFID).
Thẻ căn cước điện tử có thể nằm trong cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI), lưu trữ chứng nhận điện tử được mã hóa do nhà cung cấp PKI phát hành, đi kèm nó là những thông tin cá nhân đã được tổng hợp lại của công dân.
2. Những lợi ích mang lại từ thẻ Căn Cước Công Dân gắn chíp
Được biết, CCCD gắn chip có những ưu thế so sánh với những loại giấy tờ tùy thân hiện nay. Ngoài việc cho phép chính quyền quản lý, truy xuất dữ liệu công dân nhanh, chính xác và đơn giản, thẻ căn cước điện tử còn cho phép người sử dụng có thể truy cập và sử dụng các quy trình dịch vụ công.
Thẻ Căn Cước Công Dân gắn chíp còn tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với những thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… vì thế công dân chỉ cần mang theo CCCD gắn chip mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm những thủ tục hành chính như trước đây… Đồng thời, cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây.
3. Công dân xin cấp thẻ Căn Cước Công Dân gắn chíp ở đâu? Thủ tục làm thẻ Căn Cước Công Dân gắn chíp.
Làm thủ tục trực tiếp tại khu vực tiếp nhận cấp thẻ Căn Cước Công Dân
Công dân cần mang theo CCCD mã vạch đã được cấp và các giấy tờ hợp pháp xác nhận về việc có thay đổi thông tin công dân nếu sự thay đổi này chưa được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bước 1: Điền vào Tờ khai Căn cước công dân
Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện hoặc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện (nếu đã triển khai) hoặc khai Tờ khai điện tử trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.
Bước 2:
– Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần đổi thẻ.
– Trường hợp công dân thông tin có sự thay đổi, chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì yêu cầu công dân xác định thông tin chính xác và xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong Tờ khai căn cước công dân.
– Trường hợp đủ điều kiện, thủ tục thì tiến hành thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay; trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó. Chụp ảnh chân dung của công dân.
Bước 3: Nộp lệ phí theo quy định
Bước 4: Cán bộ cơ quan quản lý CCCD cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD cho người đến làm thủ tục.
Bước 5: Nhận kết quả tại nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc trả qua đường bưu điện.
– Với trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ CCCD qua đường chuyển phát nhanh đến địa chỉ theo yêu cầu: Tiến hành thu CCCD, cắt góc và trả lại sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp CCCD.
– Với trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ CCCD tại đơn vị cấp: Tiến hành thu hồi, cắt góc và trả lại CCCD khi trả thẻ CCCD gắn chíp điện tử.
– Đối với CCCD bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy CCCD
Hướng dẫn làm thẻ Căn Cước Công Dân gắn chíp online trên zalo
Lưu ý: Hiện nay, mới chỉ có một số địa phương cấp CCCD gắn chip qua Zalo. Vì thế, không phải người dân nào cũng xin cấp CCCD qua Zalo được. Đồng thời, việc tiến hành thủ tục cấp CCCD gắn chip qua Zalo thực chất chỉ là điền Tờ khai và hẹn thời gian đến thực hiện thủ tục, công dân vẫn phải đến trực tiếp Công an để chụp ảnh và lấy dấu vân tay.
Bước 1: Truy cập Zalo phiên bản mới nhất
Bước 2: Tìm kiếm cơ quan công an nơi cư trú, chọn Quan tâm
Tại ô tìm kiếm, bạn nhập tên cơ quan công an nơi bạn cư trú và chọn Quan tâm.
Bước 3: Chọn cấp CCCD tại mục Thủ tục hành chính
Bước 4: Điền thông tin vào tờ khai CCCD điện tử
Bạn điền đầy đủ thông tin vào các ô, đặc biệt những thông tin có dấu * là bắt buộc.
Bước 5: Chọn ngày lên nộp hồ sơ và lấy dấu vân tay
Khi đi nộp hồ sơ, bạn nhớ lưu ý mang theo:
- CMND cũ, sổ hộ khẩu.
- Giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp pháp khác (Trong trường hợp thông tin công dân khai trên tờ khai đề nghị cấp CCCD gắn chip có thay đổi so với thông tin trong sổ hộ khẩu hoặc trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.)
4. Một số thông tin quan trọng về thẻ Căn Cước Công Dân gắn chíp
Có bắt buộc phải đổi thẻ CCCD gắn chíp điện tử với mọi trường hợp đã được cấp chứng minh nhân dân và CCCD trước đó?
Bộ Công an cho biết, theo quy định của Luật CCCD và pháp luật hiện hành, công dân vẫn được sử dụng ba loại thẻ (Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số và CCCD mã vạch) đến khi thẻ hết giá trị sử dụng.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử.
Lệ phí đổi thẻ CCCD gắn chíp điện tử như thế nào?
Theo Thông tư 112/2020/TT-BTC, kể từ ngày 1-1-2021 đến hết ngày 30-6-2021, lệ phí cấp Căn cước công dân bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC ngày 30-8-2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.
Kể từ ngày 1-7-2021 trở đi, mức thu lệ phí nêu trên thực hiện theo Thông tư 59/2019/TT-BTC.
Cụ thể mức thu lệ phí như sau:
Các trường hợp miễn lệ phí đổi, cấp lại thẻ CCCD?
Đổi thẻ CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;
Công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;
Công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Các trường hợp không phải nộp lệ phí khi cấp, đổi thẻ CCCD?
Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ CCCD lần đầu
Đổi thẻ CCCD theo quy định: thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;
Đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD.
Tính bảo mật trong thẻ CCCD có gắn chíp điện tử như thế nào?
Bộ Công an cho biết, chíp sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, bảo đảm độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.
Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực bảo đảm chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, bảo đảm an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.
Khi đề xuất sử dụng CCCD có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án bảo đảm tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, bảo đảm bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.
Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử có bị kiểm soát hoạt động cá nhân không?
Bộ Công an khẳng định chíp được gắn trên thẻ CCCD là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ CCCD với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, ngày 3-2-1999, của Chính phủ về chứng minh nhân dân quy định về việc đổi, cấp lại chứng minh nhân dân
1. Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:
a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
2. Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.Theo mục 4, phần I, Thông tư 04/1999/TT-BCA, ngày 29-4-1999 hướng dẫn một số quy định về chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm.
Điều 23 Luật Căn cước công dân quy định các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này đó là thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi
b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
d) Xác định lại giới tính, quê quán;
đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
e) Khi công dân có yêu cầu.
2. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;
b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Nếu mất thẻ Căn Cước Công Dân gắn chíp có ảnh hưởng nghiêm trọng không?
Như nói đến ở trên, Căn cước công dân gắn chip thể hiện khá nhiều nội dung cá nhân của người được cấp, đồng thời còn tích hợp nhiều thông tin chuyên ngành khác về bảo hiểm, ngân hàng… do đó, nhiều người bày tỏ lo ngại nếu không may làm mất loại thẻ Căn cước này, hoặc bị đánh cắp thẻ, thì liệu nội dung cá nhân của mình có dễ dàng bị lọt ra ngoài…
Trong thực tế, chỉ những cơ quan chức năng mới được trang bị đầu đọc chip chuyên dụng để trích xuất nội dung. vì vậy, người dân thực sự có thể hoàn toàn yên tâm rằng, nếu có bị mất Căn cước công dân gắn chip, thì người nhặt được cũng khó thực sự có thể đọc được nội dung của người mất mà chip trên thẻ đang lưu giữ.
Khác với chip, mã QR lại dễ dàng có thể quét được, chỉ cần sử dụng ứng dụng trên điện thoại sáng tạo. Tuy vậy, trên mã QR không chứa đựng khá nhiều nội dung cần “bảo mật” như trên chip.
5. Ý nghĩa các dãy số trên thẻ Căn Cước Công Dân gắn chíp
Số của thẻ căn cước công dân chính số định danh cá nhân. Theo Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP, dãy số này gồm 12 số, có cấu trúc gồm 06 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 06 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Nguồn Tổng hợp:
luatvietnam.vn
chonthanh.binhphuoc.gov.vn
nhandan.com.vn
ATP SOFTWARE