Sáng tạo dường như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, bởi nếu không, chúng ta sẽ mãi chỉ đi chiếc xe ngựa kéo thay vì ngồi trong oto. Sẽ phải ghi chép lại các sự kiện trên đá, đất sét, thậm chí trên da, tre hay dải lụa thay vì những trang giấy trắng như ngày hôm nay.
Nhưng tại sao chúng ta lại không làm điều đó thường xuyên hơn?
Nếu mỗi ngày bạn ngồi xuống buộc dây giày và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ta cho chiếc giày vào lò nướng rồi gọi nó là bánh “dày”, chắc chắn sẽ chiếm hết phần lớn thời gian của bạn để làm việc khác. Đúng vậy, rõ ràng không cần phải sáng tạo trong mọi việc, nhưng chính tư duy ấy lại là “hòn đá tảng” mỗi khi chúng ta cố gắng nghĩ ra một điều gì đó khác biệt.
Dưới đây là 03 “hòn đá” cản trở trực tiếp đến tư duy sáng tạo của chúng ta.
1. Dừng lại ở ý tưởng đầu tiên.
Từ mẫu giáo cho tới tận khi học đại học. phần lớn hệ thống giáo dục dạy chúng ta phải tìm ra “câu trả lời chính xác duy nhất”. Điều này thực sự tốt trong các kỳ thi nơi mà bạn làm ra một đáp án khác sẽ chẳng ai tuyên dương đâu. Nhưng cuộc sống ngoài kia vốn dĩ không như vậy – mơ hồ & rất nhiều câu trả lời – tất cả phụ thuộc vào quan điểm của bạn.
Một vết chấm trên bảng bằng phấn đối với các cô nhóc, cậu nhóc 3 tuổi có thể là tàn thuốc lá, một vết chân chim, một ngôi sao hay một quả trứng ung nhưng đối với người lớn chúng ta, đó đơn giản chỉ là một vết chấm.
Câu trả lời thứ 2, thứ 3 thường kỳ quặc hoặc trái với lẽ thường, điều đó làm chúng ta – với bộ não vốn bị đóng băng theo thời gian cảm thấy không quen. Nhưng đây là điều kiện cần để bạn nhìn vấn đề theo một cách mới mẻ.
Một vài kỹ thuật để bắt đầu cho ra lò những câu trả lời đúng thứ 2. thứ 3, thậm chí tới vài chục thứ như: Nếu … thì sao, đảo ngược vấn đề, phá vỡ những luật lệ hay chỉ đơn giản lựa chọn từ ngữ khác để đặt câu hỏi. Phải có câu trả lời thứ 2 bởi nếu không bạn sẽ chỉ loanh quanh giải quyết vấn đề theo cách cũ. Và sớm muộn bạn sẽ nhận ra rằng giải pháp của ngày hôm qua chẳng thể nào giải quyết được vấn đề của ngày hôm nay.
2. Điều đó thực sự không logic.
Chúng ta đã quá quen với việc phải suy nghĩ logic. Khi đối mặt với vấn đề, ngay lập tức công tác bán cầu não trái được bật: “Hãy đi sâu vào bản chất của sự việc”, “Đừng vòng vo nữa”. Nhưng điều này vô tình khiến chúng ta không bao giờ xem xét tới những khả năng khác.
Suy nghĩ không logic thường cũng không được người khác đánh giá cao. Rằng điều đó là ngu ngốc, rằng xưa nay chẳng ai làm như thế cả. Những bạn designers có lẽ là người hiểu rõ nhất cảm giác này: “Em hãy thiết kế sao cho thật sáng tạo” nhưng rồi khi gửi lại thì client nói: “Chị thấy nó cứ sao sao, thôi làm giống cái này cho chị đi”.
Một phương pháp rất tốt để giáng một cú đánh giúp bạn thoát khỏi vấn đề tư duy logic đã được Roger Von Oech đề cập đến trong cuốn sách “Cú đánh thức tỉnh trí sáng tạo”: Tư duy mềm dẻo. Nguyên tắc của phương pháp này rất đơn giản: Tìm kiếm sự tương đồng và kết nối giữa những sự vật thông qua phép ẩn dụ. Về cơ bản bạn đang dùng ý tưởng này để nêu bật ý tưởng khác. Lần tới nếu gặp một vấn đề hãy so sánh chúng với những điều xung quanh bạn, nó sẽ mang tới một quan điểm mới và hữu hiệu về vấn đề. Sau đây là một bài tập thể dục nhỏ cho não bộ: Ý nghĩ của cuộc sống là gì? Cứ tạo ra phép ẩn dụ về cuộc sống, hãy thử với thức ăn nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu.
3. Sáng tạo chỉ dành cho một số người.
Quan trọng nhất nhưng lại là một quan niệm sai lầm phổ biến nhất & đáng buồn thay lại được chúng ta tin là đúng: TÔI KHÔNG SÁNG TẠO. Chính điều này đã cản trở chúng ta bước tới khu vực tưởng trượng của trí não, chơi đùa với kiến thức, mạo hiểm để tìm kiếm câu trả lời chính xác thứ 6, thứ 10.
Nhiều người cho rằng, sáng tạo chỉ dành cho những người như Einstein, Thomas Edison hay Leonardo Da Vinci. Đúng, họ đều là những thiên tài. Không. Phải nói là sáng tạo siêu việt trong lĩnh vực của mình, nhưng phần lớn ý tưởng của họ đều xuất phát từ những thứ rất đỗi bình thường, chơi đùa với chúng và biến chúng thành những ý tưởng lớn thực sự.
Bởi vậy, sự khác biệt duy nhất giữa nhóm có khả năng tuôn trào 100 ý tưởng trong 1 phút với những người dù có kiến thức thực tế sâu sắc nhưng vẫn không thể đưa ra một ý tưởng sáng tạo nào đó là tự cấp phép sáng tạo cho chính mình. Thậm chí dù không biết câu hỏi đó có thể dẫn tới đâu, nhưng họ biết rằng, ý tưởng lớn sẽ xuất hiện và tin mình có khả năng biến điều đó xảy ra.
Nếu bạn đã từng dùng chiến điện thoại làm thước kẻ, túi nilong để buộc giày đi mưa, lá khô làm giấy vệ sinh hay đơn giản dùng cuốn vở để lót chỗ ngồi thì bạn hoàn toàn có khả năng sáng tạo. Chỉ cần bạn tin điều đó và bắt đầu học cách để trở nên sáng tạo.
Nguồn: Học viên thương hiệu Plato