1. Học ngoại ngữ
Thời buổi này thất học không phải là câu chuyện không biết đọc, biết viết nữa. Thất học bây giờ là chuyện không thể sử dụng một loại ngoại ngữ. Đó không nhất thiết phải là tiếng Anh, nếu bạn thấy tiếng Anh không hợp hãy tìm đến tiếng Hàn, Nhật, Pháp, Trung… Thế giới phẳng rồi, mình phải tự trở thành công dân toàn cầu trước khi muốn làm điều gì to tát hơn.
2. Đọc sách
Tập thói quen đọc sách, mọi tri thức của nhân loại đều nằm ở trong những trang sách. Còn trẻ, chính là ta có nhiều thời gian hơn để tiếp cận tri thức của nhân loại. Hãy đọc những gì mà mình thích, hãy tích luỹ và biến dần nó thành của mình. Cái hay của tri thức là biến cái của người khác thành của mình mà không sợ mất cắp, càng cho đi ta lại càng mở rộng hơn. Đến sách mà không chịu đọc, chắc chắn không cần tham khảo bất kỳ thông tin nào trong bài viết này nữa…
3. Dám mơ và mơ những giấc mơ lớn.
Nếu tuổi trẻ không có mơ ước thì chắc hẳn chẳng còn khi nào ta có được mơ ước. Đằng nào cũng phải nghĩ hãy nghĩ lớn chút, đằng nào cũng mất công sống, sống cho ra dáng chút. Đằng nào cũng làm người hãy làm người tử tế, hào sảng, khoan dung.
Tuồi trẻ mà, cứ đạp lên mọi định kiến xã hội mà sống, đừng tự bó buộc vào những định kiến của xã hội, nhất là ở Việt Nam vì nó có quá nhiều thứ không còn phù hợp với thế giới hiện đại nữa. Trước khi anh em nhà Wright chế tạo ra máy bay, con người có ai nghĩ mình có thể bay khỏi mặt đất, trước khi con người chế tạo ra kính hiển vi chẳng ai buồn tin rằng thế giới có vi khuẩn… Mọi chân lý chẳng qua chỉ nằm ở khả năng hiểu biết của chúng ta mỗi giai đoạn, thế nên cứ nghĩ thoáng, nghĩ lớn, nghĩ xa chút chút. Trẻ tuổi mà, sai lầm đâu có sao, nó sẽ nuôi ta lớn dần.
4. Xác định lý tưởng sống cho bản thân
Thái độ quyết định đến 65-70% trong công việc, nên việc xác định được con đường, hướng đi hay thứ mà ta muốn trở thành sẽ quyết định đến tương lai rất nhiều. Nếu không biết lý tưởng là gì thì hãy làm tất cả những gì mà bạn đam mê, bởi lẽ khi bạn Đam mê đến tận cùng bạn sẽ tìm thấy được lý tưởng của mình. Có lý tưởng ta sẽ tìm ra được chân lý của cuộc sống. Như tôi này, chẳng hiểu sao nhưng tôi có khao khát cháy bỏng là xuất khẩu nông sản, đưa các sản phẩm của Việt Nam đến nhiều hơn với các nước. Chẳng biết có ra ngô ra khoai gì không nhưng mình sẽ phải tự mày mò để tiến bước từng ngày thôi.
5. Nhấc mông lên mà đi ( Xách ba lô lên mà đi )
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” câu nói vô cùng chính xác cho tuổi trẻ. Phải đi xa nơi ta đang sinh sống để quan sát, tìm hiểu, học hỏi xã hội bên ngoài. Chúng ta ai cũng là con ếch cả, chỉ có điều cái giếng của mỗi người khác nhau mà thôi. Hãy nhớ, đi là để trải nghiệm, học tập, trau dồi kiến thức xã hội chứ không phải đi a dua, đi để check in. Hãy tiết kiệm chút ít tiền hàng tháng ( 300k – 500k ) là mỗi năm bạn có thể đến một đất nước trong 1 tuần rồi đấy, không quá khó như bạn nghĩ đâu!
6. Hãy tìm cho mình những người “Thầy”
Tôi luôn tự vấn bản thân rằng: “Mỗi giai đoạn của cuộc đời, phải tìm cho mình một người Thầy”. Ta rất khó tự phát triển nếu không có một người cầm đèn chỉ lối, hãy tìm cho mình một người Thầy trong mỗi một lĩnh vực, một người combo thì càng tốt. Nhưng đừng để họ làm Thầy ta quá lâu, cố gắng tối đa 3 năm thôi, khi ấy ta đã học đủ và phải ngang tầm với Thầy rồi, lúc ấy ta cần lên một Level mới và một người mới sẽ xuất hiện. Đừng quá vội vàng, khi người học trò đã sẵn sàng, người Thầy sẽ tự đến. Chính bản thân tôi tự nghĩ ra và chính tôi tự kiểm nghiệm điều này nên với tôi nó luôn luôn đúng. Về việc chọn Thầy đừng nhìn vào vị trí, chức danh hay học vấn của họ, hãy nhìn vào “nhân cách” của họ ấy. Bởi ta không chỉ gắn liền với tri thức họ truyền đạt mà còn gắn liền với nhân cách họ xây dựng cho ta nữa, cho nên việc “chọn Thầy” cũng hết sức lưu tâm. Nhưng nếu ta không hào sảng, khiêm tốn, nghĩ lớn mà tiểu nông vụn vặt thì “Thầy” tốt cũng khó tìm ấy nha:))
7. Tiêu tiền đúng cách
Có rất nhiều tiêu trí để đánh giá một cá nhân như vị trí, chức danh, học vị, tài sản… mỗi người có những tiêu chí khác nhau phụ thuộc vào quan điểm riêng. Ta không thể bình phẩm quan điểm nào đúng sai vì nó phụ thuộc vào hoàn cảnh. Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm chúng ta có 4 dạng tài sản là Thể lực, Trí lực, Nhân cách và Vốn sống. Những thứ khác cơ bản là phương tiện để hoàn thiện cuộc sống. Tiền là một thứ rất quan trọng nhưng nó chỉ là công cụ để ta hiện thực những mục tiêu, lý tưởng của bản thân. Trẻ tuổi, không nên đánh giá con người qua thành tích, tài sản hay vị trí để đưa ra quan điểm. Nếu chúng ta đưa ra tiêu chí ấy thì tự mình đưa mình vào tiêu chuẩn “hào hoa” ấy, nó sẽ làm thay đổi tiêu chí nỗ lực của bản thân mình.
Việc tiêu tiền cũng vậy, hãy mua những thứ cần thiết có tính gía trị sử dụng cao hơn giá trị hình ảnh. Nếu IP X không có tính năng cần thiết hơn IP 7, chỉ vì chip nhanh hơn, camera tốt hơn hay Model mới hơn thì cũng không cần thiết. Nếu ta đánh giá người khác bằng “Nhân cách” thì hãy để họ đánh giá chúng ta bằng phương pháp ấy cũng được mà
8. Học cách đừng trì hoãn
Nếu có đức tính gì đó ở tuồi trẻ mà khó rèn luyện nhất theo tôi thì đó là “Tính kỷ luật”. Người trưởng thành giữ được kỷ luật đã khó huống chi thanh niên trẻ tuổi, khi có quá nhiều cạm bẫy, cám dỗ và thú vui ngoài kia. Thực ra, nếu tính kỷ luật mà ta tự rèn được thì thật sự mọi đức tính khác, mọi khó khăn khác ta đều vượt qua hết. Nếu ta để cuộc sống tự trôi, sống trong mớ hỗn loạn mất kiểm soát thì thật sự đó là một sứ lãng phí vô cùng lớn của tuổi trẻ. Nhưng đừng lo, như đã nói bên trên chúng ta còn có những người Thầy. Ta chọn họ để làm gương và học tập, họ chọn ta để truyền nghề, truyền đạo. Nên chỉ cần chúng ta sẵn sàng, chúng ta cam kết thì chúng ta sẽ vượt qua. Hãy cam kết hành động, đừng trì hoãn thêm nữa. Thời điểm tốt nhất để bắt đầu không bao giờ tốt hơn là chính lúc này cả. Khoảng cách giữa thành công hay không chỉ đúng bằng khoảng các từ cái đầu xuống bàn tay thôi. Just only one word : “Just do It”
9. Tập thể thao
Tuổi trẻ có tam Phong cần luyện đó là : Ngôn phong, Văn phong và Tác phong. Ngôn phong và văn phong do giao tiếp thường xuyên, gặp gỡ nhiều người và rèn luyện lâu ngày mà có thì tác phong được định hình theo thời gian từ lối suy nghĩ, hành động và lời nói. Công dân toàn cầu tác phong cần gọn gàng, mau lẹ, bước đi vững trãi, sẵn sàng bảo vệ phái yếu, lẽ phải mọi lúc mọi nơi. Những điều ấy một phần lớn nhờ vào rèn luyện thể thao, rèn luyện sức bền sức dẻo, vượt qua giới hạn bản thân mà thành. Nếu bạn còn là sinh viên, ngoài học thêm ngoại ngữ theo tôi hãy đi học thêm chút võ thuật (Vovinam là một gợi ý). Nếu bạn đủ kiên trì luyện võ vượt qua 5 năm thì bạn chắc chắn sẽ cứng cáp, kỷ luật, hào sảng, kiên cường, kiêm tốn hơn rất nhiều.
10. Làm quen với sự cô đơn
Hãy nghĩ rằng cô đơn là một dạng cảm xúc đầy quý tộc mà những kẻ đang yêu vô cùng thèm muốn. Chớ thấy ai đó có đôi, có cặp mà lòng đầy hậm hực, nó không tốt cho tim và có hại cho phổi đấy nha. Nếu bồ kết ai thì tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương biết (nhớ là đủ chín và ngoại cảnh phù hợp nha), nếu thấy không ổn thì ta rút quân. Thường thì chúng ta tiếc nuối những điều ta không làm, chứ không mấy khi tiếc vì đã làm điều đó. Thực ra sau này, khi ta đi làm, va vấp xã hội còn nhiều sự đơn độc còn đáng sợ hơn cô đơn thời tuổi trẻ. Nó không còn là sự cô đơn bình thường nữa, mà nó là sự đơn độc đến tủi lòng chẳng mấy ai hiểu được. Càng lên cao người ta càng trở lên cô đơn và lạnh lẽo. Có những nỗi buồn hay tự an ủi là “thượng lưu” chỉ ít người dám lăn xả mới có được. Chút cô đơn thời tuổi trẻ có thấm gì đâu, nó chỉ là phút lẻ loi mà thôi. Nghĩ thử coi, có phải ta còn quá nhiều thứ cần làm, cần hoàn thiện, cần bổ sung phải không? Nếu ta “hành động” thì đâu còn dư giả thời gian cho “phút lẻ loi” nữa đâu!
8X, 9X, 10X chúng mình cần tự cường, tự lực và tự thân. Ta sống cuộc sống của bản thân và tự chịu trách nhiệm về nó. Ta Thích thì ta làm, nếu đủ thích ta sẽ tìm được đam mê, đam mê đến tận cùng ta sẽ tìm được lý tưởng cuộc đời. Đam mê là tự phát, mỗi người có ưu, nhược điểm của riêng mình và những sở thích khác nhau, vì thế đừng vì người khác mà từ bỏ đi đam mê của mình, cũng không cần sống trên đam mê của người khác. Tuổi trẻ là để mơ ước và học hỏi những thiếu sót và sai lầm.
Chúng ta là thế hệ tân tiến, con người chính trực, liêm chính nên đâu cần quá quan tâm đến chuyện làm đẹp lòng vừa ý của người khác. Điều quan trọng chính là hoàn thiện, nâng cao nội lực của bản thân. Khi level của ta tăng lên sẽ có học trò tự tìm đến, sẽ có người Thầy tự xuất hiện. Khi ta là cây ngô đồng, phượng hoàng sẽ tìm đến, chính ta là biển lớn trăm sông sẽ hội tụ. Khi ta đến level nhất định, ta sẽ có những mối quan hệ tương xứng, không phải chiều ngược lại.
Điều quan trọng là hành động, hành động và hành động. Hãy bắt đầu bằng mua sách, đăng ký học ngoại ngữ, thể thao, giao lưu múa hát, văn hoá các nước. Đọc sách nhưng đừng tin sách, biến của họ thành của ta và tự ta trải nhiệm.
Việt Nam có trăm triệu người, chỉ cần 1 triệu người hào sảng, lanh lợi, giỏi giang, đoàn kết, không tiểu nông thiển cận thì chắc chắn đất nước sẽ phát triển vượt bậc. Đừng dựa vào “xã hội” chỉ dựa và Ta và “Thầy” ta mà thôi…!
Gr Khởi nghiệp Shark Tank – Việt Nam