Samuel Moore Walton là người sáng lập ra Wal-Mart – công ty bán lẻ lớn nhất và thành công nhất thế giới. Với số vốn 25.000 USD (trong đó 20.000 USD là vốn vay), trong vòng 44 năm, Walton đã biến cửa hàng bán lẻ của mình trở thành một người khổng lồ hoạt động trên toàn cầu với doanh số 256 tỷ USD vào năm 1999.
Ông đã tiến hành một số đổi mới mà ngày nay đã trở thành chuẩn mực của ngành bán lẻ, trong đó có phương pháp mua bán hàng chiết khấu – cách giúp ông mua hàng hóa với giá có chiết khấu từ các nhà bán sỉ rồi bán với giá thấp hơn các cửa hàng khác.
Ông còn là người khởi xướng chính sách tạo cơ hội cho nhân viên chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp (nhờ vậy mà nâng cao sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp) và chia sẻ dữ liệu bán hàng của Wal-Mart với các nhà cung cấp chính của mình qua hệ thống vi tính để bảo đảm hàng hóa luôn được cung cấp kịp thời ngay khi vừa hết hàng. Nhờ những đổi mới này, Wal-Mart đã trở thành công ty hàng đầu trong ngành bán lẻ.
Dưới đây là 10 bí quyết xây dựng doanh nghiệp được trích từ cuốn sách “Made in America” của Sam Walton:
Trung thành với mục tiêu kinh doanh của bạn.
Hãy là người có niềm tin lớn nhất vào mục tiêu này. Tôi nghĩ tôi có thể khắc phục tất cả những khiếm khuyết của mình bằng niềm đam mê mãnh liệt với công việc.Tôi không biết niềm đam mê ấy là thiên bẩm hay bạn có thể học nó. Nhưng tôi biết chắc bạn cần nó. Nếu bạn yêu thích công việc của mình, bạn sẽ có mặt ở công ty mỗi ngày và cố gắng hết sức để làm việc. Khi đó, niềm đam mê ấy sẽ nhanh chóng lan truyền sang mọi người xung quanh bạn, giống như một loại virus.
Hãy sẻ chia lợi nhuận của bạn với tất cả đồng sự.
Hãy xem họ như là đối tác trước, rồi họ cũng sẽ xem bạn như vậy. Khi đó, tất cả mọi người sẽ cùng nhau làm việc với hiệu quả vượt quá sự mong đợi của bạn. Hãy giữ nguyên mô hình tổ chức của công ty và duy trì sự kiểm soát nếu bạn thích. Tuy nhiên, hãy cư xử như là một “người lãnh đạo phục vụ” (servant leader) trong mối quan hệ đối tác. Hãy khuyến khích các đồng sự của bạn nắm cổ phần trong công ty bằng cách bán cổ phiếu với giá ưu đãi và trợ cấp cho họ cổ phiếu khi họ nghỉ hưu. Đó là điều tuyệt vời nhất chúng tôi từng làm.
Hãy luôn động viên nhân viên của bạn.
Chỉ có tiền bạc và quyền sở hữu thôi thì không đủ. Mỗi ngày, bạn nên cố gắng nghĩ ra những cách mới và thú vị hơn để động viên và thử thách nhân viên. Hãy tạo ra những mục tiêu hấp dẫn, khuyến khích sự cạnh tranh và… tính điểm, đồng thời chuẩn bị sẵn những khoản thưởng lớn. Nếu công việc của các nhà quản lý bắt đầu trở nên nhàm chán, hãy cho phép họ hoán đổi công việc với nhau để tiếp tục được thử thách. Hãy “bắt” mọi người phải đoán xem sắp tới bạn sẽ có “trò” gì nữa. Đừng để họ đoán được quá dễ dàng!
Hãy chia sẻ mọi điều bạn có thể với cộng sự.
Với nhiều thông tin, họ sẽ hiểu nhiều hơn và chú tâm vào công việc hơn. Một khi họ đã chú tâm, không có gì có thể ngăn cản họ được. Nếu bạn không tin tưởng các đồng sự đủ để cho biết tình hình, họ sẽ biết ngay bạn không thật sự xem họ là cộng sự. Thông tin là sức mạnh, và việc giao quyền cho đồng sự sẽ có lợi trong việc xử lý rủi ro nếu không may những thông tin đó lọt vào tay đối thủ cạnh tranh của bạn.
Hãy trân trọng mọi đóng góp của đồng sự.
Trong một số trường hợp, lương bổng và quyền mua cổ phần sẽ khiến nhân viên trung thành với bạn. Tuy nhiên, đừng quên là tất cả chúng ta đều thích nghe người khác bày tỏ sự trân trọng với những gì chúng ta đã làm cho họ. Chúng ta luôn thích nghe những lời này, đặc biệt khi chúng ta đã làm được những việc mà bản thân thật sự cảm thấy tự hào. Không gì có thể thay thế được một vài lời ngợi khen chân thành, đúng thời điểm và khéo léo. Chúng hoàn toàn miễn phí và lại rất đáng giá.
Hãy đón mừng những thành công của bạn.
Cố gắng biến thất bại của bạn thành một câu chuyện hài hước. Đừng gây áp lực quá mức cho bản thân. Hãy thư giãn, và mọi người xung quanh bạn cũng sẽ thư giãn theo. Hãy vui vẻ và luôn thể hiện sự nhiệt tình. Hãy nghĩ ra những trò giải trí của riêng bạn. Tất cả những việc này quan trọng và vui hơn bạn nghĩ, và nó thật sự làm giảm bớt sự căng thẳng của áp lực công việc.
Hãy lắng nghe mọi người trong công ty và tạo điều kiện để họ có thể nói lên tiếng nói của mình.
Những nhân viên làm việc trực tiếp với khách hàng – họ là những người biết rõ tình hình. Bạn nên tìm hiểu họ nắm được điều gì. Đây chính là điều mà người ta gọi là chất lượng toàn diện (total quality). Để phân bổ trách nhiệm trong tổ chức và giúp những ý tưởng hay có điều kiện phát triển, bạn phải lắng nghe những gì đồng sự của bạn muốn trình bày.
Hãy phục vụ khách hàng tốt hơn cả sự mong đợi của họ.
Nếu bạn làm được như vậy, họ sẽ luôn quay lại. Hãy cho họ nhiều hơn cái họ muốn, cho họ biết bạn trân trọng họ. Hãy đền bù cho sai lầm của bạn chứ đừng chỉ viện cớ hay xin lỗi. Hãy chịu trách nhiệm về mọi việc bạn làm. Câu quan trọng nhất mà tôi đã từng viết trên bảng hiệu đầu tiên của Wal-Mart là “Bảo đảm quý khách sẽ hài lòng”. Hiện nay những từ này vẫn còn nằm ở đó, và chính chúng đã tạo nên sự khác biệt.
Kiểm soát chi phí của bạn tốt hơn đối thủ để giành được lợi thế cạnh tranh.
Trong 25 năm trước khi Wal-Mart trở thành nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ, chúng tôi đứng hàng đầu trong ngành bán lẻ vì có tỷ suất chi phí trên doanh thu thấp nhất. Bạn có thể mắc nhiều sai lầm nhưng vẫn thể gượng dậy được nếu bạn điều hành doanh nghiệp có hiệu quả. Còn nếu việc kinh doanh không hiệu quả thì bạn vẫn có thể bị phá sản ngay cả khi bạn rất tài năng.
Mạnh dạn bơi ngược dòng.
Hãy thử đi một con đường khác, đừng theo lối suy xét thông thường nữa. Nếu mọi người đều đi theo hướng này, nhiều khả năng bạn sẽ có thể tìm được chỗ thích hợp của mình bằng cách đi theo hướng ngược lại. Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị tinh thần vì sẽ có nhiều người làm bạn nản lòng và nói rằng bạn đang đi sai hướng. Trong cuộc đời tôi, điều người ta thường nói với tôi nhất là một thị trấn với dân số dưới 50.000 người không đủ để giúp một cửa hàng bách hóa bán hàng giá rẻ tồn tại lâu dài, và tôi đã chứng minh quan điểm đó là sai lầm
Nguồn IM Group