Trong thế giới ngày nay, nhiều thị trường đã không còn tồn tại các nhà cung cấp độc quyền, thay vào đó là một nhóm các đối thủ cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp phải đổi mới mình và đã thành một khái niệm song hành với hoạt động kinh doanh. Tất cả chúng ta đều cần đổi mới kinh doanh. Nhưng đổi mới kinh doanh là như thế nào? và phương hướng đổi mới là gì?
Đổi mới trong kinh doanh thường được định nghĩa bằng các hoạt động nghiên cứu, phát triển, đưa ra sản phẩm mới. Thực tế cho thấy nhiều công ty thường đổ xô đi tìm cơ hội ở cùng một nơi, đưa ra những sản phẩm mới na ná nhau, cải tiến kỹ thuật thì giống nhau. Trong khi đó ở những công ty thành công, đổi mới trong kinh doanh bao hàm nhiều nghĩa rộng hơn chứ không chỉ đơn thuần về mặt sản phẩm hay kỹ thuật. Đổi mới trong kinh doanh là tạo ra những giá trị mới, những cảm nhận mới cho khách hàng. Những giá trị trong cuộc sống và cảm nhận của con người thì vô cùng phong phú và tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy có thể thực hiện đổi mới trong kinh doanh ở rất nhiều khía cạnh. Trong nhiều trường hợp, những cải tiến mang đến thành công lại chẳng liên quan gì đến kỹ thuật hay sản phẩm chính của công ty. Vấn đề khó khăn của doanh nghiệp là làm sao biết đổi mới, cải tiến những khía cạnh nào trong kinh doanh. Chiếc la bàn dưới đây được xem là công cụ trợ giúp hữu ích để các doanh nghiệp có thể tự tìm ra những hướng đổi mới phù hợp.
–> Bốn phương hướng đổi mới
1. Lợi ích của sản phẩm
Khi cải tiến sản phẩm, dịch vụ, để tránh đi vào lối mòn, cần nhớ một điều cơ bản mà nhà quản trị Peter Drucker đã lưu ý. Đó là cái mà khách hàng mua và đánh giá không phải là chính bản thân sản phẩm mà là những gì sản phẩm đó có thể mang lại. Do đó, chúng ta phải cải tiến những lợi ích của sản phẩm. Lợi ích theo cảm nhận của khách hàng rất khác nhau nên luôn có nhiều cách cải tiến. Ví dụ CNN không phải là kênh thời sự thế giới duy nhất và cũng chưa chắc cung cấp thông tin nhanh hoặc chính xác nhất nhưng CNN đã làm một “cuộc cách mạng” khi trở thành kênh truyền hình đầu tiên có chương trình thời sự liên tục 24 giờ.
2. Khách hàng
Khi cải tiến theo hướng này, doanh nghiệp cần rà soát để tìm ra những nhóm khách hàng mới hay có tiềm năng mà chưa được khai thác trên thị trường. Ở bất cứ thị trường nào cũng có thể tìm ra nhiều thị phần đang bị lãng quên. Ví dụ thị trường điện thoại di động ở Mỹ và Canada rất khốc liệt và tưởng chừng đã bão hòa từ lâu nhưng Virgin Mobile mới hoạt động cách đây vài năm lại thành công lớn nhờ hướng đến nhóm khách hàng dưới 30 với những mẫu điện thoại được thiết kế trẻ trung, giá không quá mắc nhưng lại có thể tải nhạc và phim. Hiện nay nhiều sản phẩm dịch vụ ở Việt Nam chỉ tập trung vào giới khách hàng từ 30-50 tuổi, có thu nhập ổn định, mà bỏ quên các nhóm khách hàng là sinh viên học sinh và người lớn tuổi, trong khi đây lại là một thị trường không nhỏ đang chờ đón các doanh nghiệp.
Trong hướng đổi mới này, dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng cần được chú trọng cải tiến vì chính nó tạo ra sự khác biệt cho doanh nghiệp. Ví dụ hai công ty vận tải hành khách cùng sử dụng một loại xe chở khách, cùng chạy một tuyến đường và có chung bến bãi nhưng thái độ phục vụ của nhân viên bán vé và tài xế sẽ tạo những cảm nhận và sự hài lòng khác nhau nơi khách hàng.
3. Phân phối tiếp thị
Đây là một hướng quan trọng để cải tiến vì giỏi sản xuất nhưng lại yếu kém trong khâu phân phối tiếp thị thì cũng khó mà phát triển. Một xu hướng nổi bật ở nhiều nước là các công ty thường liên kết với nhau để phát triển mạng phân phối và đẩy mạnh tiếp thị. Ví dụ vé đi tàu, vé xem ca nhạc có thể bán ở các tiệm thuốc Tây, nhà sách, siêu thị… Ngân hàng có thể liên kết với doanh nghiệp để tiếp thị các dịch vụ thẻ thanh toán và tín dụng. Doanh nghiệp có thể hợp tác với các công ty lữ hành quốc tế và hãng hàng không để quảng bá hình ảnh và vươn ra thị trường nước ngoài.
4. Quy trình hoạt động và tổ chức công ty
Các công ty thường chú trọng vào việc cải tiến sản phẩm dịch vụ để cạnh tranh nhưng lại lãng quên việc đổi mới chính mình. Thực tế ở nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay đã chứng minh không thể đổi mới trong kinh doanh nếu vẫn giữ cách làm việc và tổ chức như cũ. Thực tế cũng cho thấy nhiều công ty đã thành công nhờ có quy trình hoạt động và tổ chức phù hợp. Dù gần đây hãng máy tính Dell gặp một loạt sự cố về sản phẩm, nhưng họ từng là công ty máy tính cá nhân số một thế giới không phải nhờ có sản phẩm tốt nhất mà nhờ những đột phá trong quy trình hoạt động đưa sản phẩm đến trực tiếp với người mua một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Nguồn: Trường doanh nhân HBR