Việc nhãn hiệu trà sữa nổi tiếng và lâu đời của Đài Loan – Ten Ren thông báo đóng cửa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho thị trường trà sữa nói chung và thị trường F&B nói riêng. Thị trường trà sữa tuy nóng bỏng, đầy thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội. Ngoại trừ những nhãn hiệu trà sữa tư nhân nhỏ lẻ, Ten Ren là gã khổng lồ đầu tiên “ngã ngựa” trong cuộc chơi cam go này. Tuy nhiên, cuộc rút lui này mang lại rất nhiều bài học giá trị cho bất kì công ty khởi nghiệp nào.
1, NỀN TẢNG KINH DOANH LÀ CON NGƯỜI
Một thương hiệu lớn như Ten Ren chắc chắn sẽ chọn lựa đối tác vô cùng cẩn thận để đảm bảo sự thành công trong kinh doanh cũng như danh tiếng của họ. Trong đó, The Coffee House nổi lên như một người vô cùng có kinh nghiệm trong ngành F&B, quản lý chuỗi và hệ thống tại Việt Nam với những thành tích đáng nể. Mặc dù, The Coffee House không thể đưa ra một bản kế hoạch cụ thể, chi tiết và rõ ràng cho chiến lược phát triển Ten Ren tại VN nhưng Ten Ren vẫn chấp nhận bắt tay bởi vì đơn giản mọi kế hoạch chỉ là…giấy. Kể cả những nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới cũng không thể vẽ ra một kế hoạch đảm bảo chính xác 100% như những gì diễn ra tại thực tế. Vậy nên, điều quan trọng là chúng ta cần có một đội ngũ nhân sự đủ kiến thức và đầy kinh nghiệm để sẵn sàng ứng phó với bất kì tình huống nào. Những con người đủ nhạy cảm để nắm bắt theo từng hơi thở của thị trường, phát hiện những điều bất thường và đưa ra quyết định kịp thời.
Tôi vẫn nhớ trong chương trình Shark Tank. Các Shark đã quyết định đầu tư cho một dự án xây dựng app không hề có ý tưởng xuất sắc hay nổi bật. Các Shark không đặt tin tưởng vào app nhưng lại vô cùng an tâm với đội ngũ nhà phát triển (developer) từng làm việc tại Google, CEO tốt nghiệp quản trị Standford. Vậy nên, vốn quý nhất của doanh nghiệp chính là con người. Một dự án không quá xuất sắc nhưng có những nhân sự tuyệt vời thì vẫn sẽ được đầu tư.
2, KHỞI NGHIỆP LIỀN, KHÔNG KHỞI NGHIỆP LIỀU
Ngay khi trà sữa bùng nổ trở lại thị trường Việt Nam, The Coffee House đã muốn một phần trong chiếc bánh béo bở này. Nếu quá cẩn thận, nghiên cứu quá lâu thì The Coffee House hoàn toàn có thể bỏ lỡ cơ hội tốt. Vậy nên, The Coffee House đã quyết định bắt tay cùng Ten Ren để tấn công thị trường. Tuy nhiên, hành động này không phải là quyết định lỗ mãng, vội vàng mà là một kế hoạch có bài bản. Bắt tay với các “ông lớn” trên thế giới là cách nhanh nhất để rút ngắn thời gian tham gia thị trường. Cách thức này là xu thế và tỏ ra vô cùng hiệu quả, điển hình như sự bắt tay của Vinfast với BMW. Những “ông lớn” này sẽ cung cấp bí quyết kinh doanh như nguồn nguyên liệu, công thức chế tạo sản phẩm, quy trình phục vụ…cho người nhận nhượng quyền. Đó là những kinh nghiệm tinh túy, cách làm hiệu quả nhất được đúc rút trong hàng chục năm kinh doanh và hàng ngàn cửa hàng. Mặt khác, The Coffee House đề ra thời gian 3 năm thử thách để hiểu về thị trường và tìm một hướng đi, công thức thành công cho chính mình. Đó chính là giới hạn mà The Coffee House tự đặt ra, đi cùng với sự chuẩn bị về nhân sự, vốn…để đảm bảo Ten Ren có thể vận hành trơn tru. Kế hoạch kinh doanh vốn đầy rủi ro nhưng The Coffee House có kế hoạch quản lý và xử lý rủi ro của họ. Chính vì vậy, khi bước tới nước cuối là Ten Ren rút khỏi Việt Nam, The Coffee House vẫn có thể đứng vững với chuỗi café của mình vì tất cả đều nằm trong dự tính. Kế hoạch có thể có rủi ro nhưng phải quản lý được rủi ro đó.
3, TRÁNG SĨ CHẶT TAY – CẮT LỖ
Việc rút lui của Ten Ren chắc chắn đã khiến The Coffee House đau đầu suy tính trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Chi phí chìm của hành động này rất lớn. Toàn bộ chi phí nhượng quyền, vận hành hệ thống, thương hiệu…đã bỏ ra sẽ mất trắng, không thể cứu vãn được. Thậm chí, The Coffee House cũng phải chi một khoản tương đối để dừng kinh doanh trà sữa (chi phí ngừng hợp đồng với Ten Ren, chi phí tháo dỡ cửa hàng, chi phí ngừng thuê mặt bằng, chi phí để giải quyết công việc nhân viên…). Tuy nhiên, The Coffee House hạ quyết tâm thà mất một khoản chi phí lớn hiện tại còn tốt hơn lỗ dai dẳng, chảy máu dài hạn.
Nhưng ngoài cái đau của việc “chặt tay”, The Coffee House còn phải can đảm để vượt qua “cám dỗ”. Theo các chuyên gia F&B, thị trường trà sữa vẫn tiếp tục tăng trưởng 5,7%/năm với khách hàng từ 13-35 tuổi (30% dân số Việt Nam). Nếu Ten Ren có thể vươn lên thì tiềm năng phát triển không phải là không có. Tuy nhiên, hiện nay Bobabop đã có 150 cửa hàng, Ding tea có 95 cửa hàng, Tocotoco có 61 cửa hàng toàn quốc. Muốn vào được top 3 thị trường, Ten Ren chắc chắn sẽ phải đầu tư rất lớn các nguồn lực, bao gồm cả tài chính và nhân lực. Hiện nay, Ten Ren thậm chí còn không thực hiện được kế hoạch có 40 cửa hàng trong 3 năm của mình (hiện nay có 23 cửa hàng). Vậy thì, một lần quay trở lại ngoạn mục sẽ vô cùng khó khăn. Mặt khác, không giống với tình hình của thị trường trà sữa nóng đến phát bỏng, trung bình cứ 4 ngày lại có 1 quán trà sữa mới, The Coffee House vẫn duy trì chuỗi tăng trưởng doanh thu có lãi trên 100%/năm cho chuỗi café của mình trong 4 năm liền. Việc loại bỏ trà sữa và tập trung vào café là chiến lược hoàn toàn có lý từ cái đầu đầy sỏi của The Coffee House.
P/s: Bài viết dựa trên những thông tin đã được công bố. Chiến lược phát triển và lý do rút lui của Ten Ren đã được The Coffee House trả lời phỏng vấn trên các báo.
Nguồn: Facebook Vũ Minh Trường