1. Đối với khởi nghiệp, do nguồn lực ít nên sau khi đã có sản phẩm được chấp nhận và phản hồi tốt trên thị trường thì bắt đầu nghĩ tới việc thương mại hoá, vậy lúc này nhóm nên tự xây dựng team để thực hiện xây dựng thương hiệu hay tìm một đơn vị ngoài giúp xây dựng thương hiệu?
Cái này phụ thuộc vào 3 yếu tố: nguồn lực con người, nguồn lực tài chính và quy mô của doanh nghiệp.
Nếu quy mô doanh nghiệp chưa đủ lớn, việc thuê tư vấn bên ngoài là không cần thiết. Bỏ tiền ra thuê tư vấn chuyên nghiệp chỉ là khâu đầu. Khâu triển khai sau tư vấn mới quan trọng. Có kết quả tư vấn (cứ cho là may mắn tìm được tư vấn tốt) nhưng không con người đủ hiểu biết để triển khai thì rất phí tiền.
2. Làm thế nào để biết sản phẩm của mình có tốt hay không để quyết định làm thương hiệu ngay từ đầu hay để sau một thời gian rồi mới làm thương hiệu ạ? Vì theo tâm lý chung, đứa con mình sinh ra ai cũng cho là tốt nhất, vậy làm thế nào để có đánh giá khách quan nhất về sản phẩm của mình?
Chỉ nên làm thương hiệu (nghĩa là xây dựng chiến lược thương hiệu và quảng bá về nó một cách bài bản) trên nền tảng một sản phẩm tốt. Mình cần nhắc lại điều này vì thương hiệu bền vững ngày nay cần có nền tảng lõi vững vàng thay vì mải mê chạy theo các chiêu trò bề nổi. Việc tự đánh giá sản phẩm của mình đủ tốt hay chưa để yên tâm đầu tư tiền bạc và con người xây dựng thương hiệu cho nó bản thân doanh nghiệp phải là người hiểu rõ nhất.
Nghiên cứu thị trường để lấy đánh giá khách quan từ khách hàng là cần thiết nhất là đối với những sản phẩm khái niệm như thế nào là tốt khá mơ hồ (cafe đắng sánh đậm đối với người này là chuẩn của ngon nhưng người khác đó không phải là cà phê mà bột ngô có vị cà phê). Người đánh giá đúng nhất khách quan nhất chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp chính là khách hàng của họ. Tuy nhiên việc có theo khách hàng hay đủ sức mạnh định hướng như cầu của khách hàng một lần nữa đo lường năng lực quản trị thương hiệu của chính chủ doanh nghiệp.
3. Như em biết sản phẩm mới ra thị trường, sẽ mất một thời gian để test chất lượng sản phẩm có tốt hay không. Nhưng nếu trong quá trình test sản phẩm, có đối thủ cũng học theo và đưa ra sản phẩm có chất lượng bằng hoặc tốt hơn, truyền thông mạnh hơn thì mình sẽ bất lợi cho mình. Vậy giải pháp tối ưu ở đây là gì ạ?
Khó có thể trả lời giải pháp tối ưu khi dữ liệu câu hỏi chỉ đưa ra tình huống chung chung.
Đối với sản phẩm mới có hàm lượng sáng tạo và tiên phong để tạo ra nhu cầu mới, chỉ nên public khi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực triển khai sau khi ra mắt. Đủ ngân sách để chiếm lĩnh share of voice trên phân khúc mục tiêu. Đủ hàng rào ngăn cản sự bắt chước (về sản phẩm, concept) hoặc làm chậm sự bắt chước.
4. Branding và Marketing – cái nào quan trọng hơn cái nào? sao em thấy ai làm gì cũng chỉ muốn bảo vệ lĩnh vực họ làm vậy anh.
Dường như có xu hướng rào dậu riêng lĩnh vực của mình thành cái sân chơi biệt lập.
Khi động cơ đã như vậy, chúng ta đã sai ngay từ cách tiếp cận rồi.
Branding hay marketing cũng chỉ là một cái mắt xích trong chuỗi hoạt động tạo giá trị của doanh nghiệp. Các mắt xích đều bình đẳng và không cần thiết so sánh cái nào quan trọng hơn cái nào.
Nguồn: Nguyễn Đức Sơn