Chúng ta không còn nghi ngờ gì về sức mạnh của mô hình chuỗi. Sự phát triển thần kỳ và rất đáng kinh ngạc của những thương hiệu ngay tại Việt Nam như TGDĐ đã minh chứng cho điều đó.
Tại sao xuất phát điểm chỉ là 1 cửa hàng nhỏ, trong khi tại thời điểm đó F đã sở hữu tới 13 công ty, thâu tóm 90% thị phần di động và doanh thu toàn tập đoàn đã sấp xỉ 1 tỷ $. Nhưng chỉ sau hơn 10 năm, TGDĐ đã vượt qua cả về quy mô cửa hàng lẫn doanh số. Có thể gọi là một sự bứt phá thần kỳ.
Và tại sao F cũng tham gia mô hình chuỗi từ rất sớm, chỉ sau TGDĐ 1 năm. Với điều kiện về tài chính, nền tảng công nghệ, nguồn hàng, kinh nghiệm.. hơn hẳn, nhưng chỉ sau 10 năm đã bị TGDĐ bỏ xa.
Chúng ta cùng tìm hiểu 5 nhân tố dưới đây.
1 – Công thức tạo ra sản phẩm
Chúng ta bước vào quán gà rán K hay quán trà sữa P, chúng ta nhận thấy rằng tất cả sản phẩm của họ đều có chất lượng đồng đều. Bởi sản phẩm của họ đã có được công thức chung. Tỉ lệ nguyên, vật liệu và ngay cả thời gian chế biến cũng có quy trình cân đo đong đếm nghiêm ngặt.
Công thức tạo ra sản phẩm trong một vài trường hợp cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt. Nếu không có công thức tạo ra sản phẩm thì không thể quản lý được chất lượng, khi chất lượng sản phẩm không đồng đều thì không thể xây dựng mô hình chuỗi thành công.
2 – Số lượng mã sản phẩm
Năm 2007 TGDĐ bắt đầu xây dựng chuỗi cửa hàng, họ không bị áp lực về lựa chọn thương hiệu. Bởi vậy, TGDĐ hầu như có thể lựa chọn tất cả các mẫu mã hiện có trên thị trường, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Trong khi đó F bị ràng buộc bởi các hãng, không được phép bán các sản phẩm của đối thủ ngoài những thương hiệu mà F đang phân phối ( F khi đó đang là npp của Nokia, Samsung, Moto ) Chính điều này đã giúp cho TGDĐ có lợi thế cạnh tranh, khi thời điểm đó các sản phẩm giá rẻ như Q.mobile, hàng xách tay phát triển như vũ bão và được thị trường đón nhận tích cực.
Từ “Chính hãng” trước đây thể hiện quyền lực của F, nhưng trong mô hình chuỗi lại là rào cản rất lớn để cạnh tranh với chàng tí hon TGDĐ.
Lựa chọn số lượng mã sp và thương hiệu sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường là một yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển chuỗi.
3 – Diện tích cửa hàng
Năm 2008 F bắt đầu tham gia mô hình chuỗi với cửa hàng đầu tiên ở 45 Thái Hà, HN với thương hiệu [ in ]. Với sức mạnh tài chính của tập đoàn khi đó, những lãnh đạo đã định hướng F là phải to, phải hoành tráng.
Chính sự định hướng phải to, hoành tráng nên việc tìm mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn do số lượng bị hạn chế và giá thành thuê rất cao.
Và kết quả sau 1 năm, năm 2009 F phát triển được 9 cửa hàng còn TGDĐ đã là 40 cửa hàng.
Trong mô hình chuỗi, độ phủ và tốc độ phủ chính là sức mạnh của chuỗi. Khi F muốn thể hiện khả năng của một ông lớn thông qua bộ mặt hoành tráng của các cửa hàng trong bối cảnh lúc đó vẫn còn hàng ngàn cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ với các dịch vụ đa dạng thì việc cạnh tranh để tồn tại đã là một bài toán khó.
TGDĐ thông minh hơn khi lựa chọn diện tích cửa hàng vừa phải, đủ trưng bày những mã sản phẩm cần thiết mà không bị chi phí quá cao. Việc tìm kiếm và nhân bản cũng dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều.
Số lượng mã sản phẩm, diện tích cửa hàng là những chỉ số cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, phải phù hợp với bối cảnh thị trường, phù hợp với khả năng tài chính cũng như khả năng nhân bản.
4 – Biển bảng và mã thiết bị phục vụ bán hàng
Sự khác biệt của mô hình chuỗi với các cửa hàng đơn lẻ chính là nhận diện thông qua màu sắc và cách bài trí.
TGDĐ không phải là đơn vị đầu tiên phát triển mô hình chuỗi trong ngành di động. Trước đó, năm 2006 chuỗi cửa hàng điện thoại lớn nhất Việt Nam được mệnh danh “cơn lốc màu da cam” mang tên Nettra ra đời. Chỉ sau 3 tháng, Nettra đã phát triển gần 60 cửa hàng trên toàn quốc. Và cũng chỉ sau đó 1 năm cơn lốc màu da cam bị phai màu và biến mất.
Phải công nhận Nettra khi đó đã tạo ra một luồng gió mới cho thị trường bán lẻ ĐTDĐ, cũng nhờ nó mà TGDĐ mới tìm ra được con đường đi cho riêng mình.
Nettra đã tạo ra được sự khác biệt về việc nhận diện thông qua màu sắc, nhưng theo như các chuyên gia về thương hiệu, thì màu sắc Nettra lựa chọn là một sai lầm.
Theo các nghiên cứu của các công ty trên thế giới về màu sắc đã được kiểm chứng khi họ thử nghiệm với các màu sắc là: màu da cam, màu xanh, màu vàng, màu đen. Kết quả, trong kinh doanh màu da cam thường đem lại cảm giác không đáng tin cậy, màu của sự thay đổi thất thường, dân VN hay gọi màu “đồng bóng”. Ngược lại, màu vàng, màu đen thể hiện quyền lực và sức quyến rũ, màu xanh thể hiện độ tin cậy.
Không phải ngẫu nhiên mà TGDĐ lấy màu vàng và đen làm màu sắc nhận diện hệ thống chuỗi của mình. Cũng giống như tại Mỹ, khi nhắc tới màu xanh người ta nghĩ ngay tới màu xanh của IBM.
Màu sắc và cách bài trí của mô hình chuỗi cũng giống như trang phục của con người. Nó thể hiện sự tinh tế, cảm xúc và độ tin cậy cho người đối diện.
5 – Số lượng nhân viên
Nhân tố cuối cùng chính là con người. Con người luôn là chìa khóa của bất kỳ mô hình nào để tạo ra sự thành công. Chỉ khác một điều là mức độ ảnh hưởng của con người trong từng mô hình là khác nhau.
Ở mô hình chuỗi, con người đóng vai trò kết nối giữa các nhân tố để tạo ra một chỉnh thể thống nhất – Một cửa hàng có thể đóng gói như một sản phẩm, có khả năng nhân bản và hoạt động y xì như cửa hàng đầu tiên.
Chính vì vậy, các nhân tố như: sản phẩm, số lượng mã sp, diện tích cửa hàng, màu sắc, trang thiết bị và số lượng nhân viên chính là “nguyên liệu” đầu vào để tạo ra sản phẩm mang tên “cửa hàng”. Và việc tạo ra cửa hàng cũng cần phải có công thức để dễ dàng đóng gói và nhân bản.
Nguồn: GR Phát triển doanh nghiệp việt