7 giá trị đáng giá của văn hóa kinh doanh của người Đức – Người Đức quan niệm rằng người lịch sự bao giờ cũng đến đúng giờ. Nếu chủ ý đến muộn để thể hiện cấp bậc của mình, hay quan niệm người quan trọng thì phải xuất hiện sau cùng sẽ phản tác dụng..
Là một đất nước có nền kinh tế hùng mạnh và dựa nhiều vào thương mại, ngoại thương, Đức luôn được đánh giá là có văn hóa doanh nghiệp rất chuyên nghiệp và hiệu quả. Bài toán kinh doanh để thu được lợi nhuận cao nhất luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của các doanh nhân và những nhà nghiên cứu thị trường.
Nhưng ở Đức, họ coi trọng việc tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức nghề nghiệp và không ngừng tìm cách để nâng cao hiệu quả công việc.
Đàm phán kinh doanh cũng phải ngay thẳng
Ngoại thương trở thành thành phần tất yếu mang tính sống còn trong nền kinh tế Đức nên người Đức có bề dày hàng trăm năm kinh nghiệm, kỹ năng về đàm phán quốc tế. Trước khi đàm phán với đối tác Đức cần có sự chuẩn bị thật kỹ về mọi mặt, và đưa ra nhiều phương án lựa chọn.
Đừng quá cố tìm cách để đạt được mục tiêu nào đó “trên bàn đàm phán” trừ khi bạn muốn ra về tay không. Những “chiêu trò” nhằm thu được lợi ích ngắn hạn, xâm hại đến lợi ích của người khác, chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ sẽ chỉ dẫn tới thất bại thôi.
Các doanh nghiệp Đức rất thận trọng. Vì thế bài thuyết trình của một nhà đầu tư vào Đức nên thật chi tiết và đừng quá cường điệu. Hãy đi thẳng vào những điểm chính và trình bày thật rõ ràng. Người Đức thích các kế hoạch và quan hệ đối tác dài hạn. Nếu đối tác Đức tin và hiểu bạn, họ sẽ hợp tác và cùng phát triển, kể cả khi bạn gặp khó khăn.
Bất kể một hành vi phi đạo đức nào cũng sẽ là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại
Các doanh nghiệp Đức không cạnh tranh nhau bằng giá rẻ mà chỉ cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Họ tìm kiếm lợi nhuận trong kinh doanh với một mức độ cần phải có và sẵn sàng chuyển phần lớn lợi nhuận để đầu tư vào chất lượng sản phẩm, phục vụ hậu mãi, nhằm đảm bảo phát triển doanh nghiệp bền vững.
Những trường dạy nghề ở Đức luôn có môn học về đạo đức kinh doanh. Một trong hai trường dạy nghề đầu tiên nổi tiếng ở Berlin đã lấy lời của chính trị gia Christian Beuth để làm khẩu hiệu:
Hối lộ và tham nhũng không nằm trong văn hóa kinh doanh của người Đức
Theo như trang đánh giá www.transparency.org, Đức đạt 79/100 điểm về việc chống tham nhũng và chỉ số tham nhũng là 13/176. Lĩnh vực xây dựng và đấu thầu được chính phủ Đức đặc biệt quan tâm nhằm cắt giảm nạn tham nhũng trong và ngoài nước.
Các luật chống tham nhũng áp dụng nghiêm ngặt cho các hoạt động kinh tế trong nước. Đức đã phê chuẩn Công ước về chống hối lộ năm 1998 qua đó làm giảm việc hối lộ của các quan chức nước ngoài của công dân Đức và các công ty ở nước ngoài.
Cán bộ Chính phủ bị cấm nhận quà tặng liên quan đến công việc của họ. Vì thế khi làm ăn, giao thương với người Đức, nếu có ý định “đi cửa sau” hoặc “bôi trơn” thì bạn sẽ có nhiều khả năng đánh mất niềm tin của họ vì đó không phải là hành vi được ủng hộ trong kinh doanh ở đất nước này.
Bảo vệ môi trường là chìa khóa trong kinh doanh
Chính phủ Đức nhìn nhận vô cùng nghiêm túc về vấn đề môi trường, việc thúc đẩy liên minh hợp tác giữa các Đảng, giữa doanh nghiệp và chính phủ trong những năm qua đã tác động to lớn đến mục tiêu chính sách về năng lượng và môi trường. Những hoạt động kinh doanh có yếu tố bảo vệ hoặc gây ít tác hại tới môi trường sẽ được cộng thêm điểm trong thứ tự ưu tiên của đối tác Đức.
Vạch rõ giới hạn và tuân thủ theo các nguyên tắc, quy định
Xét về nhiều góc độ thì người Đức được đánh giá là bậc thầy trong việc lập kế hoạch. Người Đức suy nghĩ rất thấu đáo, mỗi một khía cạnh của một dự án đều có một phương án chi tiết, kĩ càng. Thận trọng trong việc lập kế hoạch giúp cho người Đức luôn có phương án tối ưu nhất trong cả kinh doanh và cuộc sống, họ luôn đặt mình vào trong một giới hạn an toàn.
Mọi việc trong cuộc sống và công việc của người Đức hầu hết đều được vạch rõ và điều chỉnh bởi những quy định, thông qua luật pháp, nguyên tắc và thủ tục. Trong văn hóa kinh doanh của người Đức thì điều này được phản ánh trong việc tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh, làm giảm đi các phương án dự phòng hay hạn chế các tình huống tự phát trong quá trình diễn biến sự việc.
Người Đức không thích sự bất ngờ. Những thay đổi đột xuất trong các thương vụ kinh doanh thường không được chào đón mặc dù họ có thể đưa ra phương án giải quyết ngay lúc đó.
Nguyên tắc đúng giờ là bước đầu dẫn tới thành công
Đức là một xã hội có trật tự và chính xác về giờ giấc. Người Đức quan niệm rằng người lịch sự bao giờ cũng đến đúng giờ. Nếu chủ ý đến muộn để thể hiện cấp bậc của mình, hay quan niệm người quan trọng thì phải xuất hiện sau cùng sẽ phản tác dụng đối với người Đức.
Việc bạn đến muộn dù chỉ là vài phút khi gặp gỡ với người Đức cũng thể hiện ra sự thiếu tôn trọng đối với đối phương, do vậy bạn đừng trễ hẹn khi có cuộc gặp với họ. Nếu vì một lí do nào đó mà bạn đến trễ, hãy gọi điện và giải thích cho họ về tình huống khiến bạn trễ hẹn. Để có một cuộc hẹn thể hiện sự tôn trọng với đối tác, bạn hãy đến sớm 5 đến 10 phút.
Trang phục công sở cũng phải đẹp mắt và lịch sự
Diện mạo và khả năng thuyết trình là những điểm quan trọng của người Đức, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh thực tế. Trang phục được làm bằng những chất liệu tốt là rất quan trọng, ăn mặc tùy tiện và cẩu thả trong cả trang điểm đối với nữ giới đều không được đánh giá cao.
Khi làm việc với người Đức, bạn không nên cởi áo choàng hay tháo cà vạt trước họ. Phụ nữ được quy định là không trang điểm đậm hoặc đeo những bộ trang sức lớn lộng lẫy. Tuy nhiên bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy một người mang tất trắng với giầy và trang phục tối màu.