Ngày hôm qua, khi ngồi góp ý cho một doanh nghiệp trẻ tiềm năng, sau khoảng 15-20 phút đặt câu hỏi về họ, tôi gạch đầu dòng nhanh ra 7 giả định về họ nêu trên. Ngẫm nghĩ lại, tự đặt câu hỏi chiêm nghiệm lại tại sao tôi lại gạch ra nhanh được như vậy những điều này, tôi nhận thấy không chỉ những bạn trẻ rất tài giỏi này có thể mắc những lỗi đó. Thực ra rất nhiều doanh nghiệp khác, bao gồm cả những tập đoàn lớn, cũng đang mắc phải những điều tương tự ở những quy mô khác nhau.
Chúng ta không thấy những điều chúng ta không thấy. Chúng ta không nghĩ rằng chúng ta cần biết những điều chúng ta chưa biết. Và như đã nhắc tới nhiều lần với các bạn trong các buổi chia sẻ, các buổi huấn luyện, chúng ta ảo tưởng sức mạnh của mình, bao gồm ảo tưởng sức mạnh của người khác (ví dụ khi tuyển dụng sai). Chúng ta sập hầm, mắc bẫy những điều vô hình nói trên.
Đau đớn! Lãng phí! Nhưng chúng ta có nhận ra được những lỗi lầm của chúng ta đang mắc phải mang tính hệ thống? Nếu không nhận ra, làm sao chúng ta biết đường nâng cấp doanh nghiệp của mình? Làm sao chúng ta biết xây dựng con đường, bản đồ phát triển khi chúng ta thiếu quá nhiều thứ và loay hoay giải những bài toán lặt vặt của việc vận hành hàng ngày mà quên đi, hoặc không nhận thấy nhiệm vụ của mình là phải giải những bài toán lớn. Chúng ta phải tạo những động lực để toàn đội gắn kết, yêu thương và tiến nhanh, tiến mạnh, bền vững về phía trước, cao hơn, xa hơn.
Hãy cùng nhìn vào 7 điều nêu trên…
1. Chưa rõ bức tranh lớn về doanh nghiệp của mình
Bạn muốn khách hàng mỉm cười, hài lòng về những điều bạn đem đến, bạn làm cho họ. Nhưng bạn có biết thực sự họ muốn gì? Bạn có đang đem lại điều họ muốn? Đo lường “chất lượng” những điều bạn đang làm như thế nào? Những điều bạn đang làm có làm TRÁI TIM KHÁCH HÀNG HÁT? Điều gì sẽ làm họ yêu bạn?
Chức năng từng bộ phận trong hệ thống của bạn là gì?
Các bộ phận đang tương tác như thế nào?
Từng người trong bộ phận đã hiểu sâu sắc nhiệm vụ của bộ phận và nhiệm vụ của cá nhân mình, gắn kết nó với nhiệm vụ của toàn bộ tỏ chức?
Tầm công ty, toàn bộ tổ chức đã nắm rõ nhiệm vụ?
Tầm ngành, toàn bộ đã biết ngành hoạt động ra sao, có điều gì mới xuất hiện, có điều gì cũ đang loại bỏ?
Tầm xã hội, đất nước, mọi người đã biết rõ và hiểu rõ những điều đang xảy ra ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp của mình?
Tầm thế giới, có bao nhiêu điều sẽ thay đổi ảnh hưởng đến doanh nghiệp bạn? Hãy hình dung taxi truyền thống và Uber, Grab!
Bạn đang và sẽ làm gì để nắm được bức tranh lớn?
2. Chưa rõ chi tiết về doanh nghiệp
Có bao nhiêu yêu cầu được xử lý qua bao nhiêu bước? Có bao nhiêu bước là lãng phí như bao nhiêu email phải gửi kèm cho bao nhiêu người đọc mà công việc vẫn không chạy.
Từng người đang làm gì vào lúc này, hôm nay?
Họ có đang làm việc hiệu quả?
Họ có biết họ đang làm việc hiệu quả tới mức nào?
Họ có biết họ cần làm gì để hoàn thành công việc của mình?
Họ có biết cần làm gì để phối hợp hiệu quả với người khác?
Nếu họ không biết, bạn có biết và đang giúp họ biết?
3. Chưa xây dựng được hệ thống hiệu quả và văn hóa mạnh
Hệ thống không chỉ dừng ở các công cụ, biểu mẫu mà chúng ta định rõ được từng bộ phận cần làm gì, từng cá nhân cần làm gì, hướng tới việc phục vụ và chăm sóc khách hàng, biến khách hàng thành fan hâm mộ cuồng nhiệt của công ty mình. Từng người trong hệ thống biết cách tương tác với người khác.
Họ đã thực sự hiểu và tuân thủ những luật định mà bạn tốn biết bao nhiêu công sức soạn ra? Trong số 100 trang các loại quy định mà bạn soạn ra, có bao nhiêu điều được mọi người ghi khắc trong tim, tin tưởng và quyết liệt làm theo? Và còn Có bao nhiêu điều không cần ghi mà mọi người cũng cần làm theo mà chúng ta vẫn nói một cách văn hoa là “văn hóa”. Chúng ta có thực sự hiểu hệ thống và văn hóa là gì? Cần xây dựng hệ thống và văn hóa là CẦN LÀM NHỮNG ĐIỀU GÌ?
Hệ thống và văn hóa được hình thành dựa trên những triết lý, nguyên tắc và những giá trị nào? Mọi luật của một đất nước đều dựa trên Hiến pháp. Vậy bạn đã có Hiến pháp của doanh nghiệp mình? Nó xây dựng trên Sứ mệnh, Tầm nhìn, Giá trị cốt lõi, Nguyên tắc làm việc cụ thể nào?
Bạn đã có kế hoạch và đang triển khai những điều cần làm để có hệ thống và văn hóa mạnh?
4. Chưa thấu hiểu được con người
Bạn có thường gặp chuyện làm một điều gì đó mà người khác bất ngờ không thích? Hoặc ngược lại người khác làm điều gì đó mà bạn cực kỳ khó chịu? Chúng ta đang chưa thấu hiểu nhau và giao tiếp với nhau thiếu hiệu quả. Con người có những điểm mạnh như yêu thương, gắn kết, quan tâm đến người khác, cảm thông, khát khao vươn lên, tôn trọng và biết cách tôn trọng người khác… Bạn có biết cách kích hoạt những điều tốt đẹp và ngăn chặn được những điều không tốt một cách hiệu quả?
Mọi người trong đội ngũ của bạn có:
… khát khao đòi nâng chỉ tiêu được giao?
… học hỏi, đọc sách, tìm hiểu, đào sâu để nâng cấp chính mình?
… giúp đỡ người khác học tập một cách có hệ thống, có phương pháp?
… tự chủ, độc lập, tự quản lý, chủ động trong công việc?
… biết yêu thương lẫn nhau, chăm sóc và giúp đỡ nhau?
… hay bạn đang gặp những điều ngược lại những điều nêu trên?
Những người dẫn đầu (lãnh đạo) được mọi người tin tưởng, yêu quý, sẵn lòng làm việc cùng, sẵn sàng làm thêm nếu được yêu cầu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong tổ chức có bao nhiêu người? Hay chỉ là những người có chức danh đang luôn hò hét, ép mọi người phải làm, mọi người mới nhúc nhích?
5. Chưa có thông tin đầy đủ về doanh nghiệp
Số liệu (data) là những con số vô hồn. Bạn có cả biển thông tin. Việc biến những số liệu này thành những thông tin có giá trị cần kiến thức, rèn luyện và thực sự yêu công việc mình đang làm. Bạn có biết cần phải đo lường, phân tích những gì để bạn có những thông tin quý giá giúp bạn đẩy doanh nghiệp mình lên tầm cao mới?
Số lượng đơn hàng là số liệu.
Làm sao để đạt được nhiều khách hàng mới (đơn hàng mới) và khách hàng cũ đặt hàng nhiều hơn (nhiều đơn hàng mới hơn) là thông tin.
Bạn đang có bao nhiêu thông tin?
**
6. Chưa có định hướng phát triển
Chúng ta đang lao vào những dự án phát triển. Cử nhân viên đi học kỹ năng A, bằng cấp B,… Những điều này có thực sự đem lại sự thay đổi? 6 tháng sau khi đi học, người được cử đi học có những thay đổi vượt trội gì? Nếu bạn đã từng đi học, có bao nhiêu điều bạn đem về ứng dụng ở công ty mình? Bao nhiêu điều, bao nhiêu bài học bạn đã quên? Sếp cử đi học, nhưng nhân viên có muốn đi? Chúng ta đang lãng phí nguồn lực rât ít ỏi của mình sa đà vào giải những bài toán rất nhỏ.
Những mục tiêu phát triển của bạn cho doanh nghiệp mình ra sao theo từng giai đoạn?
Các mục tiêu có gắn kết với nhau?
Các mục tiêu có chỉ rõ ra được điều cần làm – hành động là gì?
Các mục tiêu có đi vào trái tim của mọi người và giúp gắn kết toàn tổ chức hay chỉ là những áp đặt của sếp, những con số vô hồn?
Từ mục tiêu tương lai kích hoạt khát khao của mọi người, chúng ta có thiết kế được con đường, bản đồ để phát triển giúp mọi hoạt động ngày càng mạnh, ngày càng nhịp nhàng hơn?
7. Chưa sáng tạo, học tập, rèn luyện
Chuỗi tiệm sách của Border, Barnes & Noble, chuỗi bán lẻ của Sears hoạt động rất tốt cho tới khi Amazon xuất hiện. Border đã phá sản. Sears sắp. B&N thì gặp khó khăn.
Các hãng taxi truyền thống cạnh tranh đánh nhau vỡ đầu cho tới khi Uber xuất hiện.
Một loạt kiến thức mới, cách tư duy, giải quyết vấn đề mới, các kỹ năng mới cần rèn luyện xuất hiện.
Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể tiếp tục theo cách bạn đang làm trong doanh nghiệp của mình một thời gian nữa. Nhưng đến lúc cần thay đổi, đến lúc áp lực thay đổi trở nên cấp bách, bạn đã không có kiến thức, kỹ năng, và đội ngũ cần có sẵn sàng cho sự thay đổi. Thay đổi, sáng tạo, đổi mới không mua được, không săn được, không mượn được. Nó cần được trồng, được chăm bón, được thiết kế xây dựng với sự quan tâm, kiên nhẫn của những cấp cao nhất.
Tài liệu đã có mặt ở nước ta, nhưng bao nhiêu người đọc?
Những người đọc có bao nhiêu người hiểu?
Những người hiểu có bao nhiêu người làm, luyện?
Những người làm, luyện có bao nhiêu người thực sự kiên trì để đi đến thành công?
Bạn có phải là người đi đến cùng để xây dựng hệ thống học tập rèn luyện và một tổ chức học tập đúng nghĩa tại doanh nghiệp mình?
Kết luận
Chúng ta nhìn thấy những điều bực dọc, những khó chịu trong công việc hàng ngày. Ai cũng cảm nhận được. Nhưng ít ai ngồi phân tích từ những “triệu chứng” đó tới “vấn đề gốc”, từ “vấn đề gốc” làm sao tìm ra “giải pháp, thiết kế”, từ “giải pháp, thiết kế” làm sao xây lên được “kết quả” mong muốn?
Và chúng ta chấp nhận những bực dọc, khó chịu đó như một thực tế đương nhiên.
Cho đến lúc những người làm theo cách khác xuất hiện trong ngành mình, trước mắt mình.
Bạn sẽ làm gì?
Nguồn : FB Hải Trần Xuân