Tuổi 20 là khoảng thời gian tuyệt vời với tất cả mọi người, bởi cuối cùng bạn cũng có thể đặt ra những quy tắc của riêng mình, và bạn hiểu thế nào là giá trị của sự tự do. Tuy nhiên, một phần của tự do chính là tự chủ về tài chính. Theo Life Hack, dưới đây là 9 mục tiêu tài chính mỗi người cần đạt được trước khi bước sang tuổi 30.
1. Trả hết nợ
Thanh toán hết các khoản nợ sẽ giúp bạn không cảm thấy luôn thiếu thốn.
Tất cả các khoản nợ, từ vay vốn học Đại học cho đến nợ thẻ tín dụng, đều phát sinh tiền lãi. Môt số thậm chí có lãi suất rất cao. Hãy tập trung vào việc thanh toán hết nợ nần trước, bởi nợ và lãi suất của chúng sẽ luôn khiến túi tiền của bạn thâm hụt.
Trả hết nợ sẽ giúp tiết kiệm tiền trở nên dễ dàng hơn và đưa bạn tiến gần hơn tới các mục tiêu tài chính của mình. Và tuyệt vời hơn nữa là bạn sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi rũ bỏ được chúng.
2. Thiết lập ngân sách hàng tháng
Tiết kiệm và trả nợ sẽ dễ thực hiện hơn khi bạn đã có sẵn kế hoạch chi tiêu cho bản thân. Hãy dành ra một buổi tối viết lại hết tất cả các khoản thu chi, và nhớ để dành riêng một khoản cho tiền nhà, thức ăn, giải trí, các loại hóa đơn, tiết kiệm và trả nợ. Khi đã dành sẵn một khoản tiền, bạn sẽ nhận ra rằng bạn đang tiết kiệm mà không phải suy nghĩ quá nhiều về việc đó.
3. Không “vung tay quá trán”
Tiêu xài bừa bãi sẽ làm thâm hụt tiền tiết kiệm. Và đó là sự hoang phí không đáng có. Trước khi quyết định mua cái gì; hãy tự hỏi bản thân: Liệu bạn có thực sự cần cái này không? Vì sao? Bạn đang dùng ngân sách chi tiêu hay tiền tiết kiệm để mua nó?
Nguyên tắc là nếu bạn mua thứ gì đó bằng tiền tiết kiệm, hãy đặt nó về chỗ cũ. Còn nếu mua nó bằng ngân sách đã được dành ra, hãy quay lại vào ngày hôm sau nếu bạn vẫn muốn có nó.
4. Lập mục tiêu tài chính dựa trên sự nghiệp
Có thể bạn đã có kế hoạch phát triển sự nghiệp và kiếm nhiều tiền hơn, nhưng việc viết các kế hoạch đó ra giấy sẽ khiến bạn vững chắc niềm tin, cũng như tạo động lực phấn đấu. Hãy tự đặt cho mình giới hạn thời gian để đạt được mục tiêu. Bằng cách này bạn cũng sẽ kiểm tra được liệu mình có đang đi đúng hướng hay không.
5. Nói không với hàng xa xỉ
Hầu hết mọi người đều có một vài món đồ đắt đỏ nào đó mà họ thường xuyên mua. Hãy luôn để mắt tới số tiền bạn chi mỗi th.á.n.g để xem liệu bạn có lỡ phung phí ở đâu đó hay không.
Ví dụ, rất nhiều người có thói quen ăn trưa hoặc uống cà phê bên ngoài. Nếu chuyển sang ăn đồ tự chế biến tại nhà, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt khá lớn về tài chính. Nhưng đôi khi bạn có thể ăn ngoài một bữa như tự thưởng cho sự nỗ lực tiết kiệm của mình.
6. Thanh toán hóa đơn đúng thời hạn
Một trong những mục tiêu tài chính quan trọng nhất của tuổi 20 là trả các hóa đơn đúng hạn. Nợ hóa đơn sẽ khiến bạn mang tiếng xấu, và khi chúng bị dồn đống lại thì sẽ càng khó trả hơn. Hãy khắc phục bằng cách sử dụng dịch vụ thanh toán tự động và bạn sẽ không bỏ sót hóa đơn nào.
7. Tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp.
6 tháng sinh hoạt phí có vẻ là một số tiền lớn, nhưng nếu chăm chỉ tiết kiệm thì bạn sẽ nhanh chóng có được thôi. Chẳng ai đoán trước được tương lai, nhưng ít nhất bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu có sẵn phương án dự phòng cho trường hợp tệ nhất.
8. Mua nhà
Việc mua nhà ở tuổi 20 là chưa quá cần thiết, nhưng nếu bạn đã trả hết nợ thì đó sẽ là một ý tưởng không tồi. Đây rõ ràng là một mục tiêu dài hạn, và bạn càng bắt đầu sớm thì sẽ càng nhanh chóng đạt được nó, nếu như bạn thực sự quyết tâm.
9. Đầu tư thông minh
Đầu tư là một cách kiếm tiền hiệu quả, nhưng bạn phải thật tỉnh táo khi quyết định. Hãy tìm tới các chuyên gia để được hướng dẫn và hỗ trợ trước khi bạn quyết định rót tiền vào đâu đó. Bạn cũng nên tập thói quen ghi chép vì chúng có thể giúp bạn đưa ra các quyết định về tài chính sáng suốt hơn.
Sưu tầm
Nguyên Phong – ATP Software
Tổng hợp