Nghiên cứu từ khóa là một phần quan trọng trong SEO nhưng không phải ai cũng biết cách khai thác sao cho HIỆU QUẢ, nhất là Google giờ ngày một thông minh hơn khi áp dụng thuật toán Rankbrain về trí tuệ nhân tạo cho bộ máy tìm kiếm của mình.
Các bạn đã nghe nói đến vấn đề NGỮ NGHĨA ? Các THỰC THỂ? Mối QUAN HỆ trong đời sống hàng ngày?
Nếu giờ đây tôi nói từ khóa giờ không phải là “chuỗi ký tự” mà là tham chiếu của một cái gì đó trong đời sống thì các bạn có tin không?
Ở bài viết này tôi sẽ hướng dẫn các bạn 6 chiến lược nghiên cứu từ khóa thực sự hiệu quả mà chưa chắc đối thủ của bạn đã từng làm.
Thay vì lên các công cụ nghiên cứu từ khóa các SEOer đang dùng như: Google keywords Planner, Keywordstool.io, Ubersuggess,… Tôi sẽ hướng dẫn các bạn có một tư duy SEO khác hẳn đám đông.
1. Wikipedia
Các bạn có thấy rằng Google rất tin tưởng các thông tin từ Wikipedia? Bất cứ một thực thể, thông tin nào có mặt trên Wiki đều được chiếm TOP trên Google tìm kiếm và thường được xuất hiện ở bảng hiển thị biểu đồ kiến thức (Google Knowledge Graph).
Chắc ở bài viết này tôi không giới thiệu quá sâu về Wikipedia, tôi chỉ nói đến phần nghiên cứu từ khóa thế nào trong cái “công ty gia đình” của Google này mà thôi.
Hãy truy cập vào Wikipedia và tìm kiếm với từ khóa liên quan đến ngành nghề của mình. Ví dụ: Tôi bán đồ tập GYM liên quan đến thể dục thể thao.
Tôi tìm kiếm trong Wiki với từ khóa “thể dục”. Xin hãy chú ý “Mục lục” trong kết quả trả về.
Các bạn đã có ý tưởng từ khóa cho đống mục lục “liên quan” này? Tôi thường khuyên học viên của mình: “Hãy giúp đỡ người dùng ở ngành nghề mình đang kinh doanh, sau đó hãy cài cắm các Textlink có ngữ cảnh để giúp trải nghiệm người dùng tốt hơn, đừng cố gắng viết theo từ khóa đã định trước”.
Nếu tôi ở trường hợp này tôi sẽ có những bài viết cho từng phần trong mục lục như: “các kiểu bài tập thể dục buổi sáng”, “sự ảnh hưởng của thể dục đến hệ tuần hoàn, hệ miễn dịch,…”. Viết xong phần giúp đỡ khách hàng mới đến phần “cài cắm” từ khóa khiến khách hàng chuyển đổi tự nhiên.
Tôi lấy ví dụ cho các bạn dễ hình dung: Tôi sẽ viết 1 bài viết về “Các bài tập giảm cân cho những người béo phì” (Lấy trong đầu mục 4.1 – Mục đích giảm cân).
Ở bài viết này rõ ràng bạn đang giúp người dùng giảm cân, nhưng trong ngữ cảnh bài viết bạn hoàn toàn có thể cài thêm 1 số sản phẩm áo tập GYM như người mẫu trong ảnh đang tập hoặc các từ khóa cần SEO.
Giảm cân liên quan đến thể dục, thể dục liên quan đến GYM, GYM liên quan đến áo tập. Các bạn hàng ngày đều tạo những nội dung giúp đỡ người dùng và có liên quan đến ngành hàng của mình như vậy, khi chủ để ngày một “dầy” lên, đó chính là lúc bạn chiếm được vị trí TOP 1 ở một từ khóa khó lúc nào không hay.
2. Yahoo hỏi đáp
Thông thường những gì họ không tìm kiếm được trên Internet chính là lúc họ phải đặt câu hỏi, hãy vào Yahoo hỏi đáp và gõ từ khóa của mình vào, nhớ là loại trừ mấy ông Seeding “tự sướng” ra là ok.
Chính những câu hỏi của khách hàng liên quan đến ngành hàng là chủ đề đáng được bạn viết nhất. Hãy xem thêm một vài website hỏi đáp khác, có lượng người hỏi đáp nhiều để tìm được những từ khóa tốt nhất cho mình.
3. Ebook
Ở đây tôi nói các Ebook chuyên ngành hoặc Ebook liên quan đến ngành nghề của mình, hãy chú ý phần “Mục lục” của Ebook đó nhé. Vấn đề ngữ nghĩa ở đó chứ đâu!!!
Mỗi đầu mục đó nếu tận dụng tốt, nó là những từ khóa tốt nhất để bạn viết bài và cung cấp trải nghiệm cho khách hàng của mình.
4. Tìm kiếm liên quan trên Google Search
Thay vì dùng Google Keywords Planner (GKP) giống như đối thủ, vì GKP sẽ liệt kê các từ mở rộng của từ khóa chính.
Còn ở “Tìm kiếm liên quan” của Google Search nó còn gợi ý nhiều hơn đến những từ “liên quan mà người dùng muốn tìm” cho ngành hàng của bạn.
Hãy nán lại khi Search từ khóa về ngành hàng của mình trên Google Search và đừng quên kéo xuống dưới để có thêm 8 gợi ý tốt nhất từ Google, nơi mà chúng ta đang chơi trên sân chơi của nó. Ngữ nghĩa ở đó chứ đâu?
5. Từ khóa giúp đỡ
Hãy bồi thêm các từ khóa giúp đỡ như: “hướng dẫn”, “cách”, “làm thế nào”,… để có thể chuyển đổi bán hàng 1 cách tốt nhất.
Tôi lấy ví dụ: Đợt trước tôi có làm ở công ty bán máy lọc nước. Tôi có Video cho từ khóa “Lắp đặt máy lọc nước”, hình như nó vẫn TOP1 từ khóa này, giờ cũng được tầm 50k View, chắc chủ yếu đến từ mấy anh cửa hàng điện lạnh, mấy anh kỹ thuật ở đâu đó và phần lớn đến từ… đối thủ.
Rõ ràng từ khóa giúp đỡ cạnh tranh thấp, đã khiến đại lý của công ty cũ của tôi tăng dần lên.
Quy trình của các anh ấy như sau: Tìm kiếm trên Google Search, xem Video Clip, thấy hữu ích, tìm hiểu về sản phẩm công ty khi tôi cố tình để ở Description Video đường dẫn về Website (cài cắm backlink). Thấy sản phẩm tốt, bảo hành OK, gọi điện hỏi làm đại lý. Vậy thôi.
Đôi khi SEO những từ khóa cạnh tranh thấp lại mang đến doanh số bán hàng hơn hẳn từ khóa chính.
6. Hỏi đáp, Comment của khách
Nếu các bạn có những sản phẩm bán giống những thằng lớn lớn như TGDD thì hãy vào trực tiếp mục hỏi đáp hoặc những comment về sản phẩm của nó rồi tìm cho mình những ý tưởng từ khóa tuyệt vời nhất nhé.
Theo fb Lê Thanh Sang