Trong suốt hơn 8 năm làm quản lý dự án tại Viện nghiên cứu trực thuộc một trường đại học tương đối lớn, tôi được làm việc với nhiều đối tác về công nghệ trong và ngoài nước. Và trong những năm gần đây, cụm từ mà nhiều người hay nhắc tới nhất trong các hội thảo cũng như sự kiện về khởi nghiệp chính là “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Tham gia một số hội thảo và tài liệu, tôi học được rằng từ khóa được lặp đi lặp lại và nhấn mạnh nhiều lần trong “cách mạng công nghiệp lần thứ 4” này chính là “Digital transformation” hay tạm dịch là “chuyển đổi số”. Theo tôi hiểu, “chuyển đổi số” là quá trình tạo ra một “phiên bản số” hay “thực thể số” trên mạng của đối tượng mà chúng ta quan tâm để từ đó có thể tìm ra “insight” nhằm phục vụ cho việc chăm sóc khách hàng hoặc “nguyên nhân sâu xa” nào đó để có giải pháp phù hợp cho các vấn đề nội tại.
Khi tất cả khách hàng, người tiêu dùng đều kết nối lên Internet, mạng xã hội và các mô hình nền kinh tế chia sẻ qua các ứng dụng di động ngày càng phát triển thì việc các doanh nghiệp quan tâm đầu tư hơn cho hệ thống công nghệ thông tin để quản lý doanh nghiệp là việc khó tránh khỏi. Nhưng liệu một công ty khởi nghiệp nhỏ có thể đầu tư cả trăm triệu USD cho hệ thống quản lý chuỗi bán hàng, logistics, hệ thống chăm sóc khách hàng như một công ty bán lẻ T nào đó? Và chắc là công ty khởi nghiệp cũng không có nổi vài ngàn tỷ đồng để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, logistics, rồi chuỗi bán lẻ để làm nên chuỗi cung ứng nông sản hoành tráng như tập đoàn V hùng mạnh?
Vậy làm thế nào các công ty khởi nghiệp vừa phải lo giải quyết bài toán tăng trưởng lại phải chuẩn bị sẵn nền tảng công nghệ thông tin để có thể hoạch định chiến lược và điều chỉnh mô hình kinh doanh nhanh chóng theo nhu cầu của thị trường?
Chúng ta sẽ quay lại một chút về quản lý dữ liệu trong quy trình vận hành từ khâu sản xuất cho tới bán hàng:
– Dữ liệu thu thập về thị trường phải có độ tin cậy cao.
– Từ dữ liệu đó, những con người đủ am hiểu về thị trường cũng như ngành nghề để phân tích và hoạch định chiến lược một cách chính xác là không thể thiếu.
– Khi đã hoạch định được chiến lược, thì việc triển khai và giám sát liên tục để đảm bảo đến được mục tiêu sau cùng lại càng quan trọng.
– Và để làm được điều này thì tư duy “chuyển đổi số” để thông tin truyền đạt từ lãnh đạo xuống các phòng ban, bộ phận, tới khách hàng rồi sau đó phản hồi ngược lại để điều chỉnh cần phải NHANH GỌN và CHÍNH XÁC nhất có thể theo phương pháp “LEAN”.
Tôi tin rằng hầu hết các công cụ công nghệ thông tin, những trang thông tin chính phủ, các chương trình hỗ trợ đều có rất nhiều và chúng ta gần như có thể “Google mọi thứ chúng ta cần”. Và từ đó, các doanh chủ SMEs hay Startup có thể tính toán, dự trù kinh phí, quản trị rủi ro, trích lập dự phòng dựa trên các báo cáo nội bộ cũng như ý kiến từ các mentor giàu kinh nghiệm trong ngành. Việc này có lẽ không tốn kém quá nhiều và dễ dàng cho các doanh nghiệp nhỏ cho tới khi doanh nghiệp đó tái cấu trúc lại để chuyển sang quy mô mới.
Tôi nhận ra, quá trình này nhanh hay chậm là tùy vào chính “tư duy chuyển đổi số” của chính những con người trong doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp có tầm nhìn sẽ hiểu được đặc trưng ngành nghề của mình để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng PHÙ HỢP NHẤT cho từng giai đoạn phát triển thị trường.
Trước đây, tôi hay lo lắng rằng Việt Nam chúng ta không có đủ nền tảng công nghệ hay kinh nghiệm so với các nước phát triển nhưng sau này thì tôi nhận ra mình đã sai lầm. Vì nền tảng công nghệ chỉ là một phần rất nhỏ, không ai có thể rập khuôn hoàn toàn một mô hình nào đó từ nước ngoài sang Việt Nam ngay cả mà đều phải có những bước thăm dò, thử nghiệm cho phù hợp với nền tảng văn hóa, điều kiện, chính sách từng nơi. Và tôi nhận ra, những điều mà trước đây mình hay phàn nàn mỗi ngày trong cuộc sống chính là cơ hội tuyệt vời cho các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam hướng tới các thị trường ngách.
Chỉ cần có những con người phù hợp và xây dựng ngôi nhà doanh nghiệp với nền móng vững chắc thì doanh nghiệp Việt sẽ có thể vươn xa. Với lý do đó, tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia offline “THIẾT KẾ VÀ XÂY DỰNG NGÔI NHÀ DOANH NGHIỆP” vào cuối tuần này để học hỏi và mài rìu thêm như anh Long hay dạy. Anh chị nào cũng tham gia chung thì cho cái like ủng hộ với nha.
Nguồn: GR Phát Triển Doanh Nghiệp Việt