Samsung đã có mặt ở Việt Nam hơn hai thập kỷ, song tập đoàn Hàn Quốc này chỉ thực sự đầu tư lớn về sản xuất từ năm 2008. Tính đến cuối năm 2016, thị trường thế giới đã ghi nhận hàng triệu sản phẩm điện thoại Samsung từ Việt Nam xuất sang các nước.
“Gian khổ lắm”…
Năm ngoái, Samsung Việt Nam đã đạt doanh số kỷ lục hơn 46,3 tỷ USD, xuất khẩu là 39,9 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2015 và chiếm 22,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là những con số chưa một doanh nghiệp FDI nào đạt được trong lịch sử thương mại Việt Nam.
“Đế chế Samsung” đang hình thành tại Việt Nam không chỉ có điện thoại di động mà còn mở rộng sản xuất màn hình TV, máy tính, linh kiện điện tử. Đến nay, số doanh nghiệp Việt lọt vào chuỗi cung ứng linh kiện phụ trợ cho “đế chế” này đã lên tới 198, gồm 20 nhà cung ứng cấp 1 và 178 nhà cung ứng cấp 2. Dự kiến năm 2017, Samsung Việt Nam sẽ nâng số nhà cung ứng cấp 1 lên 29 doanh nghiệp.
Công ty TNHH Nhựa Việt Hưng là một trong những nhà cung ứng đầu tiên cho Samsung tại Việt Nam, hiện cung cấp hai mặt hàng là vỏ nhựa và bao bì. Ông Hoàng Anh Tuân, Chủ tịch Nhựa Việt Hưng kể, trở thành doanh nghiệp vệ tinh cho Samsung cũng “gian khổ lắm”, chứ không “sướng” như mọi người nghĩ.
Đầu tiên, các doanh nghiệp phải mất từ 3-6 tháng để Samsung thẩm định máy móc, công nghệ, sau đó họ sẽ cử người hỗ trợ làm các sản phẩm đầu tiên, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục nâng công suất, trở thành nhà cung cấp chính thức.
“Samsung đưa ra điều kiện cứ hai tiếng giao hàng một lần, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam nghe thấy vậy đã lắc đầu. Các khâu đều được điện tử hoá, họ chỉ cho phép tồn kho trong một thời gian ngắn. Vì vậy, buộc nhà cung cấp phải giao hàng chính xác”, ông Tuân nói.
Theo ông Tuân, yếu tố chính xác về thời gian vô cùng quan trọng, nếu chậm giao hàng có thể gây thiệt hại lớn và bị loại ra khỏi cuộc chơi, giống như quay vào ô mất lượt.
“Tết này, công ty chỉ được nghỉ vài tiếng đón giao thừa, sau đó lại xắn tay làm tiếp. Thời gian đầu, nhiều nhân viên công ty còn tỏ ra đối phó, song với kết quả hiện hữu, tư duy đã thay đổi”, ông Tuân nói và cho rằng những thành quả này có thể xem là thước đo để tham gia vào các chuỗi cung ứng khác. Hiện Việt Hưng còn tham gia cung cấp bao bì cho các đối tác LG, Canon…
Vào được chuỗi đã khó, nhưng nếu không làm tốt, ngay lập tức sẽ bị loại ra. Hàng năm, Samsung có xếp loại các nhà cung cấp hạng A, B, C, D. Nếu xếp vào loại C, D tức là mắc nhiều lỗi, cận kề khả năng bị loại.
Ông Tuân cũng nhấn mạnh, chuỗi cung ứng của Samsung được tổ chức minh bạch, cởi mở với tất cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt nào tính cách “đi đêm” để vào chuỗi giá trị của họ sẽ bị loại ngay lập tức.
… và “quả ngọt”
Việt Hưng đang dự kiến đầu tư thêm để sản xuất các linh kiện khác. Quá trình mở rộng sản xuất đều dựa trên nhu cầu của Samsung.
Theo ông Tuân, không thể đầu tư nóng vội, nếu không sẽ vỡ trận. Samsung hoạt động theo mô hình theo chuỗi, bất cứ một trục trặc nào có thể gây rủi ro trong toàn chuỗi. Do đó, dù có tham vọng làm được các linh kiện đòi hỏi chất xám cao hơn, song ông vẫn cho rằng cần thời gian để hoàn thiện, cải tiến và nâng cao công nghệ.
Kể từ khi trở thành doanh nghiệp vệ tinh cho Samsung, Việt Hưng được hỗ trợ về công nghệ, thay đổi mô hình quản lý hiệu quả, chất lượng nhân sự. Doanh thu công ty tăng trưởng nhanh, năm 2016 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó giá trị cung ứng cho Samsung đóng góp một nửa, đặc biệt là mảng vỏ nhựa.
Ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, chuỗi cung ứng không phân biệt doanh nghiệp Việt Nam hay FDI, mà lựa chọn trên lợi thế cạnh tranh, đáp ứng đúng tiêu chuẩn.
“Tỷ lệ nội địa hoá của Samsung Việt Nam đã tăng nhanh chóng, năm 2015 là 35%, năm 2016 là 51%. Chúng tôi đang cố gắng nội địa hoá cao nhất có thể”, ông Han nói và cho biết hiện doanh nghiệp Việt đã có thể sản xuất được bao bì, hộp, vỏ nhựa, còn các linh kiện điện tử phức tạp hơn thì các doanh nghiệp Việt với nền tảng công nghệ thấp vẫn chưa làm được.
Ông nói, sắp tới, Samsung sẽ có chương trình hỗ trợ thêm về công nghệ, song mấu chốt vẫn là các doanh nghiệp vệ tinh phải có ý chí vươn lên.
“Trước đây Hàn Quốc cũng vậy, chúng tôi không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI, nhưng từ quá trình tích luỹ kinh nghiệm, không ngừng đổi mới mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đã dần thay thế các doanh nghiệp FDI. Việt Nam cũng vậy, chúng ta cần thời gian”, ông Han nói.
Hiện Samsung đã đầu tư khoảng 14,8 tỷ USD vào Việt Nam và đang dự kiến đầu tư thêm 2,5 tỷ USD. Số lao động sử dụng lên tới 140.000 người. Trong đó, Samsung chỉ sử dụng khoảng 190 đặc phái viên là chuyên gia, kỹ sư Hàn Quốc, còn lại đều là người Việt.