Instagram đang trở thành kênh bán hàng hiệu quả của nhiều doanh nghiệp. Thị trường mua sắm trên Instagram có thể đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2021.Một số nhà phân tích cảnh báo về thách thức mà các doanh nghiệp bán hàng qua Instagram có thể gặp phải.
Instagram rất tuyệt để chia sẻ ảnh, tương tác với những người nổi tiếng và khám phá vẻ ngoài thời thượng – mọi thứ mà ngay cả Amazon cũng rất khó khăn để hoàn thiện. Với Instagram, các công ty thời trang, nhà bán lẻ và các thương hiệu lớn đang nhìn thấy một cơ hội.
Xu hướng mới
Cho đến thời gian gần đây, các thương hiệu sử dụng Instagram chủ yếu như một công cụ quảng cáo để tiếp cận người tiêu dùng. Nhưng mạng xã hội này đã thực hiện một loạt các động thái để trở thành một trung tâm mua sắm, buộc các công ty phải điều chỉnh các chiến lược kỹ thuật số của họ.
Dù Instagram hiện vẫn chỉ là một công ty bán lẻ rất nhỏ, các nhà bán lẻ vốn quen thuộc với Amazon trong nhiều năm qua, sẽ có thể muốn trở thành người tiên phong sử dụng nền tảng này với một mục đích khác.
Tháng 3, Instagram giới thiệu tùy chọn thanh toán mới cho phép khách hàng mua sản phẩm trực tiếp từ một số trang của các công ty trong ứng dụng của mình. Trước đây, người mua hàng phải rời khỏi Instagram khi họ tìm thấy một sản phẩm trên ứng dụng và mua nó trên các trang web của nhà bán lẻ. Điều đó khiến họ khó chịu, theo như các nhà phân tích.
Instagram cũng thêm các công cụ cho phép khách hàng mua sắm các mặt hàng trên trang Câu chuyện (Stories) và Khám phá (Discover) của mình. Người dùng có thể trực tiếp mua sản phẩm trong các bộ sưu tập mà Kylie Jenner, Kim Kardashian West và những người nổi tiếng khác đang mặc trên Instagram của họ.
Instagram là một công cụ hữu ích để người mua sắm dễ dàng nhận biết cách phối hợp quần áo từ các thương hiệu và người nổi tiếng, các chuyên gia cho biết. Hình thức mua đồ online thường gây khó khăn cho khách hàng trực tuyến. Việc tìm kiếm quần áo là một thách thức trên các trang web và ứng dụng của Amazon hoặc các nhà bán lẻ, nơi người mua hàng thường phải tìm kiếm kiểu dáng quần áo qua hàng chục trang và hàng trăm sản phẩm.
“Giải quyết việc tìm kiếm và mua đồ chỉ trên một ô màn hình cửa sổ chính là điều mà mạng trực tuyến không thật sự làm tốt”, Andrew Lipsman, nhà phân tích tại eMarketer cho biết. “Instagram đang bắt đầu giúp đáp ứng nhu cầu đó cho người mua hàng.” Những nỗ lực của Instagram để biến thành một trung tâm mua sắm đã hấp dẫn một số thương hiệu.
Các công ty này nhìn thấy một thị trường chưa được khai thác để trực tiếp bán hàng hóa cho một lượng người theo dõi lớn trên tài khoản Instagram. Các công ty như Adidas cho biết họ đang tận dụng công cụ mới bằng cách tung ra giày thể thao và quần áo mới trên Instagram.
“Người tiêu dùng của chúng tôi dành rất nhiều thời gian cho Instagram, “Emily Maxey, Phó chủ tịch tiếp thị của Adidas cho biết:” Người tiêu dùng đang sử dụng nền tảng này để nghiên cứu sản phẩm của chúng tôi, kết nối với bạn bè để nhận các đề xuất về sản phẩm và cuối cùng là mua hàng”.
Chiến lược của Instagram giống với ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến WeChat ở Trung Quốc, ông Lipsman nói. WeChat, nền tảng nhắn tin hàng đầu ở Trung Quốc, đã thành công khi khiến người mua sắm mua hàng hóa trên ứng dụng này.
Cơ hội phát triển
Thị trường mua sắm trên Instagram có thể đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2021, theo Deutsche Bank. Nền tảng này cho phép các thương hiệu thu hút người mua hàng bên ngoài các trang web, cửa hàng truyền thống và Amazon.
Instagram cho biết, 80% người dùng ứng dụng theo dõi một doanh nghiệp. Hơn 130 triệu người dùng mỗi tháng nhấn vào bài đăng trên Instagram để xem về nội dung liên quan đến sản phẩm mua sắm.
Hơn 20 thương hiệu, bao gồm Nike, Adidas, Uniqlo, Warby Parker, Outdoor Voices, Prada, Dior và Kylie Cosmetics, đang thử nghiệm tính năng thanh toán được cập nhật trên Instagram. Các công ty này hy vọng tùy chọn sẽ giúp khách hàng dễ dàng mua hàng hơn thông qua Instagram và tăng doanh số bán hàng của họ bên ngoài nền tảng.
Các công ty như Adidas và Burberry cũng cho biết họ đang hợp tác với Instagram để bắt kịp xu thế mua sắm thông qua phương tiện truyền thông xã hội trong tương lai. “Chúng tôi có thể là người đầu tiên đi theo xu hướng này”, Maria Culp, phát ngôn viên của công ty đồ thể thao nói.
Dấu hiệu cảnh báo cho các nhà bán lẻ
Instagram không tiết lộ mức phí trung gian khi người dùng mua một sản phẩm từ ứng dụng. Các thương hiệu trên nền tảng này cần phải lên kế hoạch về tài chính.
Trái với sự lạc quan của Instagram và các thương hiệu đối tác, các nhà phân tích cho rằng có những thách thức đối với các nhà bán lẻ bán hàng thông qua Instagram và phụ thuộc vào nền tảng này.
Jason Goldberg, Giám đốc thương mại của công ty quảng cáo Publics cho biết, thật khó để các công ty kiếm được lợi nhuận trên Instagram. Trên mạng xã hội này, các nhà bán lẻ chỉ bán một mặt hàng tại một thời điểm cho người mua thay vì thôi thúc họ mua một giỏ hàng như các trang thương mại điện tử khác.
“Bạn không thể nói ‘Ồ, bạn có muốn đi tất với đôi giày đó không?’ Nếu ai đó muốn mua 2 thứ, họ phải thao tác 2 lần, “ông nói.
Sucharita Kodali, nhà phân tích của Forrester Research, lập luận rằng các thương hiệu nên cảnh giác khi trở nên quá phụ thuộc vào Instagram để bán hàng. Bởi vì các thương hiệu không có nhiều quyền kiểm soát đối với khách hàng của họ trên Instagram như tại các cửa hàng vật lý hoặc trang web thương mại điện tử của riêng họ.
“Về cơ bản, bạn đang chuyển đổi một số thông tin độc quyền quan trọng nhất cho các công ty không có cam kết về quyền riêng tư và không tôn trọng sự phân định giữa khách hàng của họ và của bạn”, bà nói.
Nguồn: Cafebiz.vn
Có thể bạn quan tâm:
LÀM SAO ĐỂ KHÔI PHỤC TÀI KHOẢN FACEBOOK KHI BỊ VÔ HIỆU HÓA?
Sự khác biệt giữa kinh doanh online có phương pháp và kinh doanh online không có phương pháp
Chặn Tính Năng Follow trên instagram và cách khắc phục nhanh nhất !
Gợi ý các màu sắc và font chữ phù hợp cho thương hiệu
6 Cách khôi phục lịch sử trình duyệt đã xóa 2019