Từng có một nhà đầu tư “cá mập” hỏi một startup (doanh nghiệp khởi nghiệp): “Nếu thất bại, em làm thế nào hoàn vốn lại cho anh?”. Câu hỏi quả thật là quá khôn! Nó thể hiện đầy đủ tính chất háu ăn và “ma lanh” của loài cá mập. Nhà đầu tư bỏ tiền vào doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp khởi nghiệp, đâu phải là cho vay vốn mà hỏi rằng nếu thua lỗ, doanh nghiệp lấy gì hoàn vốn lại? Đã bỏ tiền đầu tư thì phải đồng hành cùng doanh nghiệp và cùng chấp nhận rủi ro – thắng thì cùng nhờ, thua thì cùng phải chịu, cớ sao chỉ muốn phần thắng?
Một nhà đầu tư khác hỏi một bạn nữ khởi nghiệp rằng nếu thất bại, cô ấy có cam kết làm thuê cho anh ta vài năm với mức lương vài triệu đồng/tháng không. Cũng là một câu hỏi mang tính ban phát và đòi trả công. Hóa ra, nhà đầu tư này bỏ tiền vào doanh nghiệp như một ân huệ và chỉ muốn chắc ăn. Nếu chẳng may doanh nghiệp thất bại, người chủ doanh nghiệp phải bồi thường hoặc trả công bằng cách đi làm thuê cho anh ta với mức lương rẻ mạt!
Hai trường hợp trên diễn ra trong một show truyền hình về nhà đầu tư cá mập. Tuy chúng không phản ánh toàn diện tính chất khắc nghiệt của việc gọi vốn đầu tư của các doanh nghiệp cần vốn, nhưng phần nào nói lên tham vọng có phần quá đáng của các nhà đầu tư, mà hầu hết là các nhà đầu tư tài chính, với mục đích tài chính (thường là ngắn hạn), thay vì đầu tư kinh doanh, với mục đích kinh doanh (vốn thường phải dài hơi).
Những tập đoàn lớn của Việt Nam gần đây liên tục cầu cứu về vốn, về việc xin hoãn trả nợ đến hạn, xin miễn hoặc giảm lãi vay… hầu hết đều là những tập đoàn từng khát vốn và từng được rót vốn rất nhiều. Dòng tiền được rót vào rất dồi dào, như dòng máu được bơm vào cơ thể, sao doanh nghiệp không khỏe mạnh hơn, phát triển hơn, mà ngày càng sa sút, suy sụp đến mức nguy ngập, phải liên tục kêu cứu?
Người viết bài này từng ngồi trong hội đồng quản trị (HĐQT) của một công ty đại chúng được quỹ đầu tư rót vốn thông qua việc cho vay kèm theo điều kiện được mua trái phiếu chuyển đổi của công ty. Quỹ đầu tư sau khi rót vốn, đã cử người tham gia vào HĐQT, tham dự các cuộc họp HĐQT. Vị này là một chuyên gia tài chính, được giao nhiệm vụ định hướng công ty thực hiện một chiến lược tài chính đi kèm các hoạt động tài chính sao cho có lợi nhất cho quỹ đầu tư trong vòng vài năm. Tại các cuộc họp HĐQT, vị đại diện quỹ đầu tư liên tục đưa ra những đề xuất nặng về tài chính để “lái” công ty đi theo hướng có lợi nhất về mặt tài chính trong ngắn hạn, bất chấp những hậu quả về mặt kinh doanh trong dài hạn.
Các cuộc họp HĐQT luôn xảy ra tranh cãi nảy lửa giữa một bên là “phe tài chính”, bao gồm vị đại diện quỹ đầu tư và những thành viên HĐQT đã bị vị này “thuốc” cho mê mệt về kết quả tài chính trước mắt, và bên kia là các thành viên tâm huyết với chiến lược kinh doanh đường dài. Từ bất đồng, dẫn đến xung đột, rồi chiêu trò triệt hạ, làm mất uy tín nhau, lôi kéo cả ban kiểm soát vào vòng đấu đá. Mấy năm liền, công ty chẳng làm ăn gì được, doanh số sụt giảm, giá cổ phiếu tụt thảm hại, nhà cung cấp nước ngoài cắt cơ chế độc quyền phân phối hàng hóa… Cuối cùng, quỹ đầu tư cũng tìm cách rút vốn và bỏ chạy, để lại một đống ngổn ngang cho công ty.
Một trong những chiêu trò mà các nhà đầu tư tài chính rót vốn vào doanh nghiệp thường dùng là “xúi” công ty thực hiện các giao dịch chuyển giá giữa các công ty trong tập đoàn để đem lại lợi ích thiên lệch cho một nhóm cổ đông, để rồi gây bất bình cho các cổ đông khác. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì các nhà đầu tư rót vốn tìm cách chen chân vào công tác điều hành, chi phối các hoạt động kinh doanh, gây áp lực thay đổi nhân sự theo hướng có lợi cho họ trong ngắn hạn. Nếu bạo tiền, bạo gan hơn, họ mua cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối, nắm quyền điều hành công ty và làm cho nó đi theo hướng của mình trong vài năm rồi chốt lời, thoái vốn, hoặc bán đứng công ty cho đối tác khác.
Thứ quan trọng nhất là chiến lược kinh doanh, hệ thống, phương pháp và các công cụ quản lý chuyên nghiệp, bài bản mà nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được hỗ trợ khi có nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thì có vẻ như không mấy doanh nghiệp thực sự được hỗ trợ đúng nghĩa. Một phần là vì chính các nhà đầu tư cũng không mạnh về các lĩnh vực này, phần khác là vì họ không quan tâm đến chiến lược đường dài, mà chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn theo mục tiêu ngắn hạn đã đề ra ngay từ đầu khi đầu tư (nhưng không nói ra).
Vậy thì, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hãy cẩn trọng khi cần vốn. Hãy đánh giá và lựa chọn thật kỹ nhà đầu tư chứ không chỉ tìm cách “mông má” cho đẹp để lọt vào “mắt xanh” của họ. Cá mập được quyền chọn mồi, nhưng con mồi khôn ngoan cũng phải biết cách lựa chọn cá mập tử tế. Hãy là “con mồi” khôn ngoan!
Chia sẻ từ bài đăng tại Groups Khởi nghiệp từ Tâm