Làm cộng tác viên bán hàng online là việc đang được nhiều sinh viên, nhân viên văn phòng chọn để làm thêm trong thời gian rỗi với lợi thế không cần bỏ vốn, không phải ôm hàng.
Những quảng cáo tuyển dụng cộng tác viên bán hàng với nhiều ưu đãi như chi hoa hồng cao, không cần bỏ vốn mà chỉ với yêu cầu đăng bài bán hàng có thể dễ dàng bắt gặp tại các fanpage bán mỹ phẩm, quần áo thời trang, đặc sản quê hương, tại các diễn đàn tìm việc làm.
Kiểu kinh doanh ‘chẳng mất gì’
“Shop cần tuyển cộng tác viên tại Sài Gòn và các tỉnh khác để cùng kinh doanh và phát triển. Cộng tác viên không cần bỏ vốn, không lo hàng tồn, không bị ép doanh số, hưởng chiết khấu cao. Thời gian làm việc linh hoạt, thoải mái. Môi trường chuyên nghiệp”, là đăng tải tuyển cộng tác viên của một shop mỹ phẩm xách tay ở quận 3, TP.HCM.
Mỗi cộng tác viên sẽ nhận được ảnh của shop, có trách nhiệm quảng cáo mặt hàng trên trang cá nhân của mình, làm sao để tiếp cận với thật nhiều khách hàng, bán được hàng và thu lợi nhuận.Theo chia sẻ của shop này, cộng tác viên bán hàng sẽ là người hợp tác để bán hàng tại TP.HCM và các tỉnh xung quanh. Công việc không yêu cầu giới tính, tuổi tác, bằng cấp, chỉ cần online liên tục.
Nguyễn Thùy Dương (chủ shop quần áo thời trang trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM), cho biết nếu yêu thích kinh doanh, biết cách bán hàng hiệu quả thì đây sẽ là công việc có thu nhập khá cho các bạn trẻ.
“Làm cộng tác viên lợi nhất là không cần bỏ vốn hoặc bỏ vốn rất ít. Yêu cầu duy nhất là kỹ năng kích thích người mua. Khi có khách hàng, cộng tác viên sẽ hưởng hoa hồng từ đó”, chị Dương nói.
Hình thức này hút khách trẻ còn vì tránh được rủi ro, lừa đảo, không lo hàng tồn kho, chôn vốn.
Thùy Dương nhấn mạnh làm cộng tác viên bán hàng “chẳng mất gì” mà còn giúp người tham gia có thêm kỹ năng như tiếp xúc, trò chuyện, thuyết phục khách hàng, linh động đơn hàng, xử lý sự cố, kinh nghiệm. Những trải nghiệm thực tế, kiến thức marketing online cũng từ đó mà nâng lên.
Bùi Oanh, nhân viên truyền thông của một trung tâm ngoại ngữ, cho biết bạn tham gia làm cộng tác viên bán quần áo trẻ con cho một hệ thống cửa hàng mẹ và bé được 4 tháng nay. Tuy là việc tay trái, tập trung làm thêm lúc rảnh nhưng công việc này cũng giúp Oanh có thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng. Công việc của bạn là lấy hình sản phẩm trên web của shop đăng bán trên trang cá nhân, tương tác với khách hàng, giao hàng với những địa chỉ gần. Với những đơn hàng phải giao xa, số lượng nhiều thì chủ shop sẽ hỗ trợ mà không phải lo chi phí ship.
Mối quan hệ win-win
Không chỉ có người làm công việc này “chẳng mất gì” mà các chủ cửa hàng cũng tiết kiệm rất nhiều chi phí khi muốn tăng doanh số mà không phải đầu tư thêm vốn.
Chị Trần Minh Hương mở cửa hàng bán quần áo thời trang ở đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM). Công việc quá bận rộn không có nhiều thời gian chăm sóc cửa hàng, chị bắt tay xây dựng đội ngũ cộng tác viên.
“Tỷ lệ chiết khấu khoảng 5-20% giá trị sản phẩm. Ví dụ, 1 đôi giày đăng bán trên website giá 150.000 đồng, cộng tác viên bán ra 170.000 đồng.
Vậy lợi nhuận của các bạn là được chiết khấu 20% giá trị sản phẩm đăng trên web. Tức người bán hưởng 30.000 đồng (hoa hồng) + 20.000 (chênh lệch). Tổng lợi nhuận là 50.000 đồng”, chủ shop giải thích.
Cũng theo chủ shop này, với những cộng tác viên mới sẽ yêu cầu đặt cọc khoảng 60% giá trị sản phẩm, với người quen thì khi bán được hàng mới thanh toán tiền. Các cộng tác viên có doanh thu tốt còn được thưởng thêm.
Người làm cũng được yêu cầu đăng ký thông tin cơ bản như số chứng minh thư, điện thoại. Chị Hương cho biết cộng tác viên bán hàng của chị chủ yếu là dân văn phòng bán cho đồng nghiệp, sinh viên làm thêm khi rảnh rỗi.
“Việc phát triển đội ngũ ‘chân rết’ bán hàng này giúp cửa hàng tăng doanh số 30-40% mà không phải đầu tư thêm nhiều. Quan trọng hơn là shop được thêm kênh quảng bá sản phẩm, khách hàng mới tăng rất nhiều”, chị Hương nói thêm.
Tuy nhiên, với những người bán hàng, hình thức kinh doanh này gặp không ít rủi ro. Trên thực tế, các cộng tác viên chưa được tận mắt, tận tay nhìn và “sờ” vào sản phẩm, chỉ nghe những lời giới thiệu từ chủ cửa hàng nên dễ gặp phải tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Nguyễn My Trang (sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM), cộng tác viên cho một cửa hàng thời trang, từng bị khách hàng mắng té tát, thậm chí đăng cả trang cá nhân, số điện thoại lên mạng xã hội vì khách nhận về món đồ khác hẳn hình ảnh quảng cáo.
“Một lần khác, khi thấy sản phẩm giày đang rất hot, mình nhận order (đặt hàng) của khách khá nhiều. Nhưng khi lấy hàng thì chủ lại báo hàng đã hết. Khách liên tục phản hồi mắng vốn, không biết cách nào khác để giải quyết mình chỉ còn nước xin lỗi và chịu trận sự bức xúc của khách hàng”, My Trang nhớ lại.
Cũng có nhiều cộng tác viên không biết cách quảng cáo sản phẩm, dễ dẫn đến tình trạng chán nản vì rất khó bán được hàng.
“Thực tế rất khó tìm được cộng tác viên gắn bó lâu dài. Người làm lâu nhất chỉ được 6 tháng. Người làm vì thiếu kinh nghiệm, thiếu môi trường bán hàng nên rất dễ chán nản bỏ cuộc”, chị My (quận Bình Thạnh) chủ shop đồ điện tử nhận xét.
Theo Zing News
Muon dc tu van
Muon dc tu vấn lam ctv
Muốn lm ctv