Bên cạnh các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể cũng là một loại hình phổ biến trên thị trường kinh tế hiện nay. Hình thức hộ kinh doanh cá thể đã xuất hiện rất sớm ở nước ta. Cho đến nay, hình thức này vẫn đang khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế. Đây cũng là một sự lựa chọn phù hợp với những nhà đầu tư vốn mỏng hoặc có nhu cầu kinh doanh ở quy mô gia đình.
Cùng ATP Software tham khảo các thông tin liên quan để tìm hiểu về thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể nhé!
Hộ kinh doanh cá thể là gì?
Định nghĩa về hộ kinh doanh cá thể
Hộ kinh doanh cá thể do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ. Hình thức kinh doanh hộ gia đình như này chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Đối tượng đủ khả năng đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể được thành lập bởi 3 đối tượng sau: cá nhân, hộ gia đình và nhóm người.
Cá nhân tham gia hộ kinh doanh cá thể
Pháp luật hiện hành chỉ cho phép cá nhân là công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự được làm chủ hộ kinh doanh.
Hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh cá thể
Hộ gia đình là một đơn vị xã hội bao gồm nhiều thành viên sống trong một gia đình. Để tham gia vào hoạt động kinh tế cũng như thiết lập hộ kinh doanh, các thành viên trong hộ gia đình phải có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực kinh doanh khác do pháp luật quy định. Hộ gia đình phải cử ra một người đại diện hợp pháp gọi là chủ hộ. Người đại diện này sẽ thay mặt hộ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cả hộ. Nhưng mọi lợi nhuận và rủi ro vẫn sẽ chia cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình theo thoả thuận mà họ thiết lập với nhau.
Nhóm người tham gia hộ kinh doanh
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tất cả các cá nhân trong nhóm người này phải là công dân Việt Nam, từ đủ 18 tuổi và có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Cũng như hộ gia đình, nhóm người sẽ phải cử ra một người làm đại diện để thay mặt tất cả các thành viên tham gia các quan hệ xã hội. Lợi nhuận, rủi ro phát sinh cũng sẽ được chia cho tất cả các thành viên trong nhóm theo thoả thuận mà họ đã xác lập.
Những lưu ý trong thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
Việc đăng ký hộ kinh doanh khá đơn giản, tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần chú ý một số điều kiện sau:
Lưu ý về chủ thể đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Pháp luật cho phép các cá nhân, nhóm người bao gồm các cá nhân là công dân Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực chủ thể đầu đủ đều có quyền thành lập hộ kinh doanh. Tuy nhiên, vì mục đích giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, một bộ phận các chủ thể mặc dù đáp ứng đủ các điều kiện trên nhưng không được phép tham gia thành lập hộ kinh doanh, đó là: chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên công ty hợp danh.
Lưu ý về ngành nghề kinh doanh
Các nhà đầu tư chỉ được đăng ký hộ kinh doanh cá thể với những ngành nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành nghề bị cấm kinh doanh. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các nhà đầu tư phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình hoạt động. Ví dụ như:
- Kinh doanh thực phẩm (nhà hàng, quán ăn, quán cafe,…): phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
- Kinh doanh ngành Spa (Làm nail, Make-up, Làm tóc,…): phải có chỗ trông giữ xe
- Kinh doanh ngành thể hình (làm PT, giáo viên Yoga…): phải có bằng chứng nhận, chứng chỉ liên quan đến ngành
Lưu ý về địa điểm kinh doanh
Hình thức kinh doanh hộ gia đình là hình thức bị khống chế về địa điểm kinh doanh. Theo đó, mỗi cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký duy nhất một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Địa điểm này có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất, nơi đặt địa điểm thu mua giao dịch.
Pháp Luật Việt Nam cũng lưu ý rằng không được phép đặt địa điểm đăng ký hộ kinh doanh cá thể tại nhà chung cư và các khu đất dự án đang nằm trong quy hoạch.
Lưu ý về quy mô của hộ kinh doanh cá thể
Như đã nói ở trên, mỗi cá nhân chỉ được đăng ký thành lập duy nhất một hộ kinh doanh cá thể và địa chỉ đặt duy nhất tại một địa điểm. Cho nên, mô hình kinh doanh hộ gia đình không được phép mở thêm bất kì chi nhánh hay các văn phòng đại diện tại nhiều tỉnh như công ty.
Tiếp theo là về số lượng lao động. Số lượng nhân viên, nhân công tối đa cho một hộ kinh doanh cá thể là 9 người. Nếu đạt đến 10 lao động, chủ thể bắt buộc phải thành lập công ty thay vì kinh doanh hộ gia đình.
Quy trình đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ hợp lệ bao gồm các giấy tờ sau
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (theo mẫu ban hành kèm Thông tư 20/2015/BKHĐT về đăng ký kinh doanh);
- Bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hay hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân đăng ký hộ kinh doanh cá thể
- Bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hay hộ chiếu còn hiệu lực người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn đến Phòng Tài chính – Kế hoạch – Uỷ ban nhân dân cấp huyện và nhận giấy hẹn trả kết quả.
Bước 3: Nhận kết quả đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Đến ngày hẹn trả kết quả, bạn quay lại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện để nhận giấy kết quả và nộp những lệ phí sau đăng ký.
Nguồn: Luatvietnam.vn