Bà Nguyễn Thị Nhàn (TPHCM) là hộ kinh doanh cá thể, ngành bán tạp hóa, đăng ký thuế ngày 3/4/2018. Cơ quan thuế khoán doanh thu 50.000.000 đồng/tháng và ra thông báo nộp thuế 750.000 đồng/tháng, lệ phí môn bài năm 2018 bậc 1, mức 1.000.000 đồng/năm.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, bà Nhàn hỏi, cơ quan thuế tính lệ phí môn bài như vậy đúng hay sai?
Bà Nhàn căn cứ Công văn số 590/TCT-TNCN ngày 24/2/2017 của Tổng cục Thuế và cho rằng mức lệ phí môn bài năm 2018 đối với hộ kinh doanh của bà là bậc 2, số tiền 500.000 đồng/năm.
Còn đối với năm 2019, nếu doanh thu bình quân tháng đối với hộ kinh doanh của bà Nhàn không thay đổi thì doanh thu tính thuế TNCN năm 2019 là 600.000.000 đồng/năm. Vì vậy, tổng doanh thu tính thuế TNCN của một năm 2019 là 12 tháng có thay đổi, dẫn đến tăng mức phí môn bài bậc 2 lên bậc 1.
Bà Nhàn hỏi, bà xác định mức nộp lệ phí năm 2019 nêu trên có đúng quy định pháp luật không?
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 của Chính phủ về lệ phí môn bài quy định:
“Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm…”.
Tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính về lệ phí môn bài hướng dẫn:
“Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm;
b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;
c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.
Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình tại khoản này là tổng doanh thu tính thuế TNCN theo quy định của pháp luật về thuế TNCN.
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nêu tại khoản này có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu tính thuế TNCN của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra kinh doanh trong năm thì mức doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN.
Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của năm.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: Cá nhân mới ra kinh doanh; cá nhân kinh doanh thường xuyên theo thời vụ; cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp, nếu kinh doanh không trọn năm thì cá nhân được giảm thuế khoán phải nộp tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm
Ví dụ 1: Ông A bắt đầu kinh doanh từ tháng 4 năm 2015, và dự kiến có doanh thu khoán của 09 tháng thực tế kinh doanh là 90 triệu đồng (trung bình 10 triệu/tháng) thì doanh thu tương ứng của một năm (12 tháng) là 120 triệu đồng (>100 triệu đồng). Như vậy, Ông A thuộc diện phải nộp thuế GTGT, phải nộp thuế TNCN tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh từ tháng 4 năm 2015 là 90 triệu đồng…”.
Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với hộ, cá nhân kinh doanh là tổng doanh thu tính thuế TNCN năm trước liền kề theo quy định của pháp luật về thuế TNCN.
Trường hợp hộ, cá nhân mới ra kinh doanh trong năm thì mức doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí môn bài là tổng doanh thu của năm tính thuế theo quy định của pháp luật thuế TNCN.
Theo quy định của pháp luật thuế TNCN thì doanh thu tính thuế TNCN của năm đối với trường hợp kinh doanh không trọn năm bao gồm cả trường hợp mới ra kinh doanh trong thời gian của 06 tháng đầu năm là doanh thu tính thuế TNCN của một năm (12 tháng).
Như vậy, trường hợp bà Nguyễn Thị Nhàn ra kinh doanh từ tháng 4/2018 thì bà thuộc diện nộp lệ phí môn bài của cả năm 2018 tính theo mức doanh thu của 12 tháng.
Đối với năm 2019, mức lệ phí môn bài được tính theo doanh thu 12 tháng của năm trước liền kề là năm 2018.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ