Các startup Việt Nam đa số vẫn tập trung vào vấn đề thương mại chứ không có nhiều các dự án hướng đến giải quyết các vấn đề của phát triển bền vững trên thế giới
Reyhan Jamalova, CEO và là người sáng lập công ty Rainrery, chia sẻ trong Hội nghị Thanh niên Khởi nghiệp Sáng tạo Xã hội châu Á – Thái Bình Dương – Youth Co: Lab Summit 2019 tại Hà Nội về startup của mình từ nỗi băn khoăn về các nguồn năng lượng tái tạo. “Chúng ta có thể tạo ra năng lượng từ mặt trời, nước, từ gió, thậm chí từ hạt nhân mà tại sao không lấy năng lượng từ mưa nhỉ?”.
Câu hỏi đó đã khiến một cô bé 14 tuổi Reyhan 2 năm trước bắt đầu hành trình dài và đầy khó khăn để biến ý tưởng của mình thành một dự án giúp các quốc gia có lượng mưa hàng năm lớn giải quyết được vấn đề thiếu hụt năng lượng.
Reyhan Jamalova là diễn giả khách mời với startup được UNDP đánh giá là phù hợp với các mục tiêu phát triển vững của Liên Hợp Quốc (SDGs). Dự án này đã được chính phủ Azerbaijan hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu lên đến 20.000 USD và thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Ấn Độ, đồng thời cũng giúp cô trở thành người Azerbaijan đầu tiên có mặt trong danh sách bình chọn “30 Under 30 Asia 2018” của Forber.
Trong 36 startup cộng đồng đến từ hơn 20 quốc gia trong khu vực được Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP lựa chọn có hai đại diện đến từ Việt Nam là công ty Vulcan Augmetics và dự án FLY của công ty SCDeaf.
Cần thêm nhiều startup hướng về cộng đồng
Giống như Rainergy, thiết bị công nghệ về y tế của Vulcan Augmetics là một trong những dự án giải quyết được 3 trong số 17 mục tiêu của SGDs bao gồm mục tiêu sức khoẻ, tăng việc làm và công nghiệp sáng tạo.
Vulcan Augmetics là startup với những cánh tay robot dành cho cộng đồng người khuyết tật chân tay, giúp họ lấy lại khả năng thực hiện các hoạt động cơ bản như cầm, nắm và và lao động trở lại. Sản phẩm này có giá thành thấp hơn từ 10-20 lần so với các sản phẩm có công nghệ tương tự được bán trên thị trường các nước phát triển.
Vulcan cũng là startup sáng tạo xã hội nổi tiếng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.
Chia sẻ về các startup sáng tạo xã hội, Trịnh Khánh Hạ, đại diện Vulcan, nhận định: “Họ đều đưa ra các giải pháp để giải quyết những vấn đề lớn của thế giới và khu vực, hướng đến cộng đồng người yếu thế trong xã hội. Đây là đối tượng mà các startup thông thường không hướng tới vì rất khó để có thể đáp ứng và lợi nhuận thì mơ hồ. Họ là những người dám đánh cược về thời gian, công sức tuổi trẻ”.
Ngoài ra những doanh nhân cộng đồng muốn startup thành công cần có sự quan tâm sâu sắc đến cộng đồng mình hướng đến, cảm thấy nhức nhối với những vấn đề họ gặp phải và đồng cảm với hoàn cảnh của họ. Ngoài ra, các doanh nhân còn cần sự lạc quan, có niềm tin vào các giải pháp của mình cũng như khả năng truyền cảm hứng để có thể kêu gọi các nguồn lực như nhân lực, vốn tài trợ, truyền thông…
Các startup Việt Nam hiện nay đa số vẫn tập trung vào mục đích thương mại mà thiếu các dự án hướng đến giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững trên thế giới.
Tính bền vững – điểm yếu của các startup Việt?
Chia sẻ về tính bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Saigon Innovation Hub – Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam, đồng thời là diễn giả khách mời của sự kiện này cho biết, nếu so sánh một số hệ sinh thái startup khác trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan…, Việt Nam vẫn chưa có các startup mang có giá trị phát minh cao.
Để startup thành công, không phải chỉ có ý tưởng là đủ. Muốn phát triển bền vững, startup phải giải quyết được 3 vấn đề. Thứ nhất, đó phải là một vấn đề đủ lớn để đòi hỏi một giải pháp đủ lớn, từ đó startup mới có thể đạt được đến chất lượng quốc tế.
Thứ hai, khi đã nhìn ra được được vấn đề thì cần tìm ra giải pháp. Có một sự thật là không phải tất cả các vấn đề đều phải được giải quyết bằng startup, các vấn đề có thể giải quyết được bằng nhiều mô hình khác nhau.
Cuối cùng là câu hỏi “Cần làm gì?”. Các startup cần có nguồn tài chính để hình thành sản phẩm, nguồn nhân lực đủ mạnh và xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể, rõ ràng.
“Nhưng đây cũng là những điểm yếu của startup Việt Nam” – bà Nguyễn Phi Vân nhận định.
Theo bà, để được đánh giá có trình độ và giá trị cao, các startup Việt Nam cần có yếu tố phát minh, đó là những phát minh mới có khả năng thay đổi hoàn toàn một ngành công nghiệp truyền thống nào đó. Nếu nhìn từ khía cạnh này, có thể thấy rằng các startup Việt chưa đủ sẵn sàng.
Việt Nam đã và đang xây dựng được một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ cho giới trẻ Việt Nam, tuy nhiên cũng đòi hỏi một hệ sinh thái startup với những dự án có chất lượng để được phát triển, tăng tốc và có giá trị cao trong tương lai. Đây là điều Việt Nam chưa làm được nhưng cần phải làm để theo kịp các hệ sinh thái startup trong khu vực.
Nguồn: news.zing.vn
Xem thêm:
Lời khuyên của Shark Hưng dành cho bạn trẻ muốn khởi nghiệp
Hướng dẫn cho người mới bắt đầu để thành công khi khởi nghiệp
Muốn khởi nghiệp – startup thành công, bạn cần biết những điều này!!