CHỢ ĐẦU MỐI VÀ NHỮNG BÍ MẬT KINH DOANH GIA TRUYỀN
Trong công cuộc mở rộng tầm ảnh hưởng của một số nhãn hiệu thì chợ đầu mối đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nó có thể chiếm tới 50% thậm chí hơn thế trong cơ cấu doanh thu của một số doanh nghiệp đặc thù.
Chính vì nó quan trọng như vậy nên đã không ít doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và tiền của để cố gắng đưa được hàng vào đó. Tuy nhiên, đây không phải sân chơi dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm cách tiếp cận nhưng chưa có câu trả lời.
Nói đến các chợ đầu mối lớn, như: chợ Đồng Xuân, chợ Bình Tây, chợ Lớn.v.v. người ta thường liên tưởng tới các bà, các cô, các chị chua ngoa, đanh đá.. sẵn sàng “thua đủ” với đối tác, hay với ngay cả khách hàng khi không vừa ý. Và hai chữ “con buôn” từ lâu đã được gắn mác cho những hộ kinh doanh tại các chợ này. Tuy nhiên, đó chỉ là góc nhìn của những người ngoài cuộc.
Đa phần họ đều là những con người rất chuyên nghiệp. Có khả năng làm việc thần kỳ. Cùng lúc sử dụng cả 5 giác quan. Như nghe điện thoại hai tai, nói chuyện với người đối diện, tay nhanh thoăn thoắt ghi các con số một cách chính xác mà không cần hỏi lại. Tất cả các hành động đó đều cùng diễn ra một lúc.
Với hơn 15 năm làm ăn với các bạn hàng trong các chợ đầu mối lớn nhỏ trên cả nước. Đồng thời, tôi sinh ra từ Tổng Nủa xưa kia, nơi có truyền thống hơn 300 năm thương mại (gần một nửa số sạp tại chợ Đồng Xuân là người bà con gốc quê tôi) nên tôi cũng có chút hiểu biết về họ. Vì vậy, tôi xin phép được chia sẻ những kinh nghiệm của mình về kênh phân phối đặc biệt này. Hằng mong giúp các anh chị có một góc nhìn thấu đáo hơn về các chợ đầu mối để phục vụ công việc hiệu quả.
Khi lựa chọn viết về chủ đề Chợ Đầu Mối, tôi hiểu đó là một chủ đề rất khó khăn. Nhưng vì vai trò của nó rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt nên tôi cố gắng viết, mặc dù trong phạm vi kiến thức hiểu biết của mình còn nhiều thiếu sót.
Việt Nam với 90% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, kinh doanh theo hình thức hộ gia đình. Sản phẩm sản xuất trong nước phần lớn theo đặc tính làng nghề vùng miền. Chưa nhận thức rõ về vai trò của thương hiệu cũng như các hình thức kinh doanh trên trường quốc tế. Vậy họ có thể tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá ở đâu?? Nếu không phải là các hệ thống chợ đầu mối lớn nhỏ trên cả nước.
Chợ đầu mối không chỉ đóng vai trò là nơi mua bán, trao đổi thông thường mà còn là nơi hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm địa phương, bảo vệ thị trường nội địa cho các doanh nghiệp Việt còn non trẻ, chưa đủ sức cạnh tranh. Làn sóng siêu thị nước ngoài ồ ạt được mở ra và đẩy hàng hoá của các doanh nghiệp Việt ra khỏi sân chơi thì chợ đầu mối chính là nơi tiêu thụ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp trong nước. Chúng ta cần hiểu rõ vai trò đặc biệt quan trọng này để giữ gìn và phát triển phù hợp với sự tiến bộ xã hội, chứ không phải là những góc nhìn tiêu cực như một số bài viết của những người ngoài cuộc.
Nhật Bản mặc dù là quốc gia phát triển kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng họ vẫn duy trì các chợ đầu mối truyền thống của họ như một nét văn hóa kinh doanh đặc thù. Hay như Trung Quốc, đi tới đâu họ cũng thiết lập các chợ đầu mối và hình thành các khu kinh tế cộng đồng, được gọi là Chinatown nhằm duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nội địa.
Với nhiều biến cố lịch sử, các chợ đầu mối của Việt Nam được hình thành và phát triển có sự đan xen văn hoá giữa người Việt và người Việt gốc Hoa (chủ yếu khu vực phía Nam). Tạo ra những giá trị tinh tuý trong cách tư duy, tầm nhìn, nhân cách và ứng xử rất đặc biệt. Nhờ những giá trị đó đã sản sinh ra các doanh nhân thành đạt nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Và điều quan trọng là những giá trị tinh tuý đó vẫn còn giữ nguyên giá trị cho tới ngày nay.
Vậy, những giá trị đó là gì? Mời các anh chị cùng tham khảo.
GIÁ TRỊ TINH TUÝ CỦA MỘT MỐI QUAN HỆ
Cách đây nhiều năm, khi còn làm việc tại công ty kinh doanh hàng tiêu dùng, tôi được cử vào Nam để xây dựng lại một mối quan hệ đặc biệt. Đó là một khách hàng lớn, lớn nhất khu vực phía nam, có trụ sở ở Q5, khu vực Chợ Lớn. Khách hàng này, nhiều năm nay được một anh phụ trách kinh doanh trước đó xây dựng quan hệ rất tốt, họ ăn cùng nhau, ngủ cùng nhau và coi nhau như anh em trong nhà. Tôi nghe mọi người kể vậy.
Nhưng vì bất đồng với cấp trên, anh kinh doanh này xin nghỉ việc, chuyển sang công ty đối thủ và kéo theo luôn cả khách hàng lớn nhất này qua đó. Đã có rất nhiều người được cử đi xây dựng lại mối quan hệ này nhưng đều thất bại. Suốt gần 6 tháng, khách hàng lớn này không hề phát sinh giao dịch. Ban giám đốc như ngồi trên đống lửa và đã tìm mọi cách nhưng không có giải pháp hiệu quả.
Tôi được giao nhiệm vụ, một nhiệm vụ rất khó khăn và có vẻ như bất khả thi. Ban giám đốc gần như xác định mất đi khách hàng lớn này. Không một ai tỏ ra còn nhiều hy vọng và rất buồn rầu. Bởi, công ty không những tụt giảm doanh thu đáng kể mà còn bị đối thủ vượt lên chiếm lĩnh thị phần.
Với một nhiệm vụ khó khăn như vậy, tôi biết phải làm sao đây??
( còn nữa )
Nguồn: Gr PTDNV