Ngày hôm qua tới sáng nay trên mạng đồng loạt đăng bài về cây xăng của nhật
Trên cafebiz
Trên trang cafeF
Bạn có thấy motif này rất giống với vụ việc cạnh tranh giữa taxi truyền thống và uber, grap không?
Quảng cáo ngày nay rất khác so với thời của chúng tôi, lứa tuổi 7x. Hồi xưa xửa xừa xưa, những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, cũng có tivi, báo và thậm chí cả internet. Khi một sản phẩm nào đó quảng cáo nó chỉ quảng cáo duy nhất trên một phương tiện tùy theo đối tượng nhắm vào.
Sản phẩm hoặc quảng cáo trên tivi hoặc trên một tờ báo nào đó hoặc chạy banner trên một website nào đó. Rất ít sản phẩm quảng cáo trên toàn bộ các phương tiện một lúc vì nó rất tốn kém và có tiền cũng không làm được.
Ngày đó đã có khái niệm quảng cáo đa phương tiện. Nhưng đa phương tiện được hiểu là trên nhiều phương tiện một cách rời rạc, không có sự phối hợp với nhau.
Ngày nay một quảng cáo có thể xuất hiện trên tất cả các phương tiện cùng trong một khoảng thời gian. Quảng cáo ngoài trời, màn hình trong thang máy, tivi ở nhà, toàn bộ các website khi ở trên mạng…Cho dù bạn có là ai cũng không thể tránh được việc tiếp cận với nó bằng cách này hay cách khác. Nhìn một lần không tin, nhìn hai lần nghi ngờ, nhìn ba lần thì ấn tượng.
Mạng xã hội là tập hợp xã hội thực tế ở trên mạng. Nơi một thế giới khác, người ta có thể sống thật với chính mình. Có người đã bảo, thế giới trên mạng mới là thế giới thật, thế giới thực tế là thế giới ảo. Trong thế giới thực tế không phải lúc nào bạn cũng nói đúng cái bạn nghĩ, sống đúng với con người thật của mình.
Trên mạng, con người sống đúng với cảm xúc của mình, để cảm xúc của mình lèo lái hành vi. Còn ngoài đời, đa phần thời gian dẫn dắt bởi lý trí. Lý trí phân tích lợi hại rồi quyết định làm cái gì. Cảm xúc thì không, ngay cả hại tới chính bản thân nó còn dẹp sang bên huống hồ là làm hại cho người khác.
Khi cảm xúc dẫn dắt, con người thấy bất bình thì chửi bới, thấy khổ sở thì thương sót, thấy trừng phạt thì hả hê, thấy bạo lực thì sợ hãi, thấy đẹp thì khen nức nở, lợi một tí thì bù lu bù loa lên cứ như là trúng Vietlot,….Túm lại cái tôi được dịp thể hiện.
Facebook có chạy các banner quảng cáo của riêng họ nhưng những cá nhân trên mạng mới là thành phần quảng cáo hiệu quả nhất. Chỉ cần tác động vào đúng điểm, họ sẽ quảng cáo cho bạn miễn phí và cực kỳ hiệu quả.
Nhìn từ thực tế những gì đã diễn ra, ta có thể hình dung được cách quảng bá thương hiệu mất ít tiền nhất mà hiệu quả cao nhất.
Grab taxi – Kẻ đáng thương cần được bảo vệ
B1: Một bài báo đưa tin về sự phản đối của taxi truyền thống. Trong đó lời lẽ phải đả kích thật mạnh Grab. Đăng trên một website bất kỳ, có thương hiệu cũng tốt. Và đương nhiên có thể là do chính khổ chủ Grap đăng.
B2: Sử dụng một số tài khoản facebook có lượng friend lớn share bài viết với lời lẽ kéo về tiêu cực hoặc tích cực. Ví dụ: ” Grab là xu thế của tương lai mang lại lợi ích….; mấy ông taxi truyền thống giá đắt, phục vụ thì kém,…” và “Taxi truyền thống đóng thuế đầy đủ, giúp thành phố quản lý được, nhiều con đương ô tô có biển taxi không vào được, cạnh tranh như vậy là thiếu công bằng”
B3: Cho dù đó là ý kiến gì thì luôn có lượng người phản đối và lượng người đồng tình. Người ta lại rất thích nêu ý kiến của mình mà facebook thì không có kiểm duyệt. Like, share, comment cứ là điên loạn, máu chưa kịp lên não thì đã share với like xong rồi . Vì ưu thế nằm phía Grab nên số người bảo vệ grap chiếm đa số; nhiều người biết tới grab, người đã biết thì thông qua tranh luận in sâu vào tiềm thức rằng Grab rất tốt.
B4: Cứ khi thông tin có vẻ lắng xuống, tiếp tục đăng các bài viết nhìn ở nhiều góc độ khác nhau để khơi dậy tiếp sự tranh luận.
B5: Thuê hoặc phỏng vấn một bố chuyên gia trong ngành đưa ra phân tích cực kỳ chí lý. Bài viết này sẽ mang tính chất chốt hạ cho các tranh luận. Được đăng tải trên một trang web nào đó như vnexpress chẳng hạn.
B6: Thằng phản đối thì quá nửa tin vào chuyên gia; thằng ủng hộ thì hả hê. Túm lại thương hiệu được quảng bá, in sâu vào tâm trí khách hàng với quá ít tiền.
Grap thuộc về mô típ kẻ vô tội bị vu oan và rất cần mọi người minh oan. Sự kiện mà nhân vật chính có hơn 80% dư luận ủng hộ vô tội và chỉ có 10% không ủng hộ. Trạm xăng của Nhật đầu tiên cũng đang có mô típ tương tự. Ta sẽ thấy bài viết về trạm xăng đó sẽ còn đăng vài tuần nữa.
Các sự kiện thương hiệu Vinfast của Vingroup, tăng học phí của Vinschool, phương pháp giáo dục của trường Lương Thế Vinh, trong nước uống có ruồi của Tân Hiệp Phát….Lúc nào trên mạng xã hội cũng phải có cái gì đó để tranh luận.
Trong các sự kiện có sự kiện DN chủ đích đưa mình vào thế bị hại và cũng có sự kiện DN ở thế bị động thực sự. Nếu ở thế bị động thì DN vẫn có thể lèo lái tin tức theo hướng có lợi cho bản thân miễn là phải bình tĩnh suy xét.
Các sự kiện bộc phát như bà phó chủ tịch đậu xe trái phép, bà phó bí thư mặc váy đứng bè cho nhân viên kéo,…thường sẽ tự cho thiên hạ đưa đẩy. Các nhân vật chính nếu biết cách và có tiềm lực có thể lèo lái dư luận, còn không cho dù có thanh minh các kiểu thì cũng chỉ bị thiên hạ quây vào đập, nhất là đám đông vốn đã có thành kiến.
Ô tô Vinfast – Tự hào dân tộc
Ta thấy mấy ngày gần đây chủ đề Vinfast có vẻ lắng xuống; trước đó kể từ khi Vinfast bắt đầu xây dựng nhà máy tại hải phòng thì các tin tức dồn dập nổi lên. Nổi bật xuyên suốt đó là “DN Việt Nam cũng có thể thể nghĩ lớn làm lớn”.
Một trong những định kiến của người Việt Nam là xính đồ ngoại. Những đồ càng công nghệ càng ưu tiên dùng hàng ngoại nhập. Song song với quá trình gọi vốn, xây dựng thiết kế, xây dựng nhà máy, phân phối ra thị trường thì VIN phải thay đổi được định kiến đó. Định kiến còn thì cho dù xe Vinfast có tốt tới mấy cũng không thể cạnh tranh được với các thương hiệu khác. Nếu Vin giảm giá, các hãng cũng thừa sức giảm giá hơn VIN bởi quy mô thị trường của họ là toàn thế giới trong khi thị trường của VIN chỉ mới nhìn thấy là ở nội địa.
Nhìn sự thất bại của Bphone ta có thể thấy rõ điều này. Đa phần chúng ta đơn giản là chưa bao giờ thử, thậm chí là không muốn thử. Những gì ta biết chỉ là tin truyền miệng, quảng cáo,…Và những tin đó thì thế nào? Một hình ảnh ông NTQ thường nói quá lên mọi thứ, một thương hiệu không là gì nhưng dám sánh với Iphone của Apple. BKAV cũng đánh vào tự tôn dân tộc nhưng họ lại nói quá lên so với thực tế dẫn tới phản cảm. VIN cũng đang nói quá lên đối với sản phẩm của mình. Sẽ chẳng sao nếu sản phẩm thực gần giống với quảng cáo, nếu không thì cũng giống Bphone của BKAV. VIN chỉ có một lần thử, thất bại lần đầu cũng là thất bại các lần sau; cũng giống như Bphone, có cho ra bao nhiều đời máy nữa cũng sẽ vẫn thất bại.
Vinamilk, THtruemilk, Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Viettel, FPT,…là những DN làm rất tốt phương thức này. Họ kiên nhẫn xây dựng từ từ niềm tin trong người tiêu dùng.
Mỗi cảm xúc của con người đều có thể dựa vào đó để quảng bá thương hiệu. Con người bản chất lương thiện, yêu cái đẹp, cảm thông với nỗi đau nhưng họ cũng sẵn sàng trà đạp lên người khác để thỏa mãn cái tôi của mình, thỏa mãn sự sinh tồn của mình. Chỉ cần người làm quảng cáo gắn kết được sản phẩm của mình với một cảm xúc nào đó là họ có thể xây dựng một chiến dịch quảng cáo hiệu quả với chi phí thấp. Tất nhiên với mỗi mức dân trí khác nhau đòi hỏi cách tác động mạnh yếu khác nhau. Rồi người dân cũng sẽ có lý trí hơn trước mỗi bình luận, mỗi like; nhưng cho dù thỏ thông minh tới đâu thì cáo vẫn có cách săn mồi.
Nguồn : Chiến lược sống