TikTok muốn định vị bản thân trở thành ‘đồng đội’ của Youtube hay Facebook hơn là đối thủ. Tuy nhiên, việc đứng ở ‘chiến tuyến’ nào có vẻ không thể do TikTok quyết định mà do các nhãn hàng quyết định.
Mới đây, TikTok đã lần đầu tổ chức Hội nghị về Sáng tạo và tiếp thị nội dung Đông Nam Á tại Singapore.
Mục đích của Hội nghị, như chia sẻ từ TikTok, nhằm: mang đến thông tin giá trị về thế hệ Z – đối tượng khách hàng được “săn lùng” nhất hiện nay; thông qua đó, các nhà sáng tạo cũng như chuyên gia quảng cáo có thể tiến gần hơn đến mục tiêu tiếp cận thế hệ này thông qua TikTok, tận dụng sự lên ngôi của xu hướng nội dung dạng video ngắn, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.
Hoặc nói một cách ngắn gọn, Hội nghị này là dịp để TikTok thông báo với toàn thể Đông Nam Á, họ đang đẩy mạnh quá trình thương mại hóa ứng dụng trong năm 2019. Rằng: với những thế mạnh ‘độc nhất vô nhị’, họ sẽ là một nền tảng PR-marketing hiệu quả với các nhãn hàng cũng như chia sẻ những phương cách để các nhãn hàng có thể tối tưu hóa chi phí trên TikTok.
Cách đây chưa lâu, đại điện của TikTok Việt Nam – ông Nguyễn Lâm Thanh từng khẳng định với chúng tôi: “TikTok không coi việc vượt mặt Youtube hay Facebook là đích đến của mình, tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người dùng mới là ưu tiên số một” và cũng theo những gì TikTok thể hiện trong Hội nghị, có vẻ TikTok muốn định vị bản thân trở thành ‘đồng đội’ của Youtube hay Facebook hơn là đối thủ.
Tuy nhiên, việc đứng ở ‘chiến tuyến’ nào có vẻ không thể do TikTok quyết định mà do các nhãn hàng quyết định. Nên nhớ, phân khúc khách hàng chính của TikTok là thế hệ Y – Z và đó cũng là những người dùng chính của Facebook. Có thể, những giá trị cốt lõi của TikTok và YouTube khác nhau; nhưng về cơ bản, phương thức thể hiện nội dung của 2 bên giống nhau: đều thông qua các video clip.
Thế nên, phải qua thời gian, xem các nhãn hàng sẽ chi thêm tiền để tăng sự hiện diện trên TikTok hay ‘cắt xén’ bớt ngân sách dành cho marketing-PR trên YouTube và Facebook rồi đẩy qua TikTok; thì mới biết ‘tay chơi’ mới này là bạn hay thù của 2 ông lớn kể trên.
TikTok kiếm tiền như thế nào?
Sau gần 3 năm chỉ tập trung xây dựng hệ sinh thái, với việc đẩy mạnh thương mại hóa nền tảng, có vẻ TikTok thấy đã đến lúc mình cần thu ‘quả ngọt’. Và theo tiết lộ của ông Lionel Sim – Giám đốc Marketing và Giải pháp kinh doanh toàn cầu của TikTok với chúng tôi, về cơ bản, phương thức chính tạo ra thu nhập của họ là thực hiện các dịch vụ quảng cáo.
Cụ thể hơn, ông Yikai Li – lãnh đạo cấp cao khác của TikTok cho biết, để tăng độ nhận biết, tăng sự kết nối với khách hàng, nâng cao hình ảnh thương hiệu, xây dựng lòng trung thành và tăng khả năng chuyển đổi thành doanh thu; TikTok đã tạo rất nhiều phương cách marketing – PR – sale cho brand trên nền tảng này: từ brand takeover – quảng cáo hiển thị đầu tiên trên giao diện chờ, in-feed ads – quảng cáo hiển thị hàng ngày, hashtag challenge, brand effect – hiệu ứng thương hiệu, official account – tài khoản chính thức, mở cửa hàng, thông qua KOLs…
Trong tất cả, các số liệu nội bộ TikTok cho thấy, hình thức quảng cáo đang được các nhãn hàng ưa chuộng nhất là kết hợp với các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok để thực hiện video quảng bá sản phẩm. TikTok cũng cho rằng, đây là một phương thức toàn diện hơn rất nhiều, khi có thể tận dụng sức sáng tạo và khả năng truyền cảm hứng của các nhà sáng tạo nội dung để truyền tải câu chuyện – thông điệp của nhãn hàng.
“Như đã nói, TikTok là một nền tảng video ngắn hàng đầu thế giới. Chúng tôi có những thế mạnh nhất định trong việc quảng cáo video và đang dẫn đầu xu hướng thực hiện các chiến dịch quảng cáo với hình thức này.
Các thế mạnh của chúng tôi đến từ việc mang đến công cụ mới, như thử thách dưới dạng hashtag, hay là sự kết hợp của các nhà sáng tạo nội dung hợp tác thương hiệu để quảng bá sản phẩm. Theo tôi, sức hấp dẫn lớn nhất của TikTok là các nội dung được tạo ra từ chính người dùng.
Ngoài ra, chúng tôi đang liên tục đổi mới để đem đến những công cụ, hiệu ứng mới lạ hơn, tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho người dùng“, ông Lionel Sim nêu những thế mạnh của TikTok với các đồng nghiệp khác trên thị trường.
Cốt lõi của TikTok là nội dung nâng tầm bởi công nghệ machine learning – “máy học”. Đây là công nghệ giúp TikTok có thể cá nhân hoá nội dung và trải nghiệm của mỗi người dùng, giúp các thương hiệu tạo ra những câu chuyện riêng phù hợp cùng gắn kết chặt chẽ với mối quan tâm của từng người.
Các nhãn hàng cần làm gì để có thể tối ưu hóa chi phí của mình trên TikTok
Chiến dịch marketing – PR tiêu biểu mà TikTok đã thực hiện tại Việt Nam là kết hợp cùng Sunsilk để tạo ra thử thách #donnghiepthoate.Trong chiến dịch này, TikTok và Sunsilk ra mắt thử thách dưới dạng hashtag dựa trên phong tục tập quán của người Việt.
Người Việt thường dọn nhà, gội đầu để “xả xui” trước Tết, cũng như cầu mong may mắn và những điều tốt đẹp trong năm mới. Biết được điều này, TikTok đã tạo ra thử thách #donnghiepthoate, rồi cập nhật những hiệu ứng được thiết kế riêng theo chủ đề của chiến dịch cho người dùng trên TikTok.
Chiến dịch đã thu được kết quả nổi bật, đặc biệt là về lượt tiếp cận – khoảng 9 triệu lượt hiển thị trong vòng một tuần, gấp 2 lần so với con số trung bình trong ngành.
“Chiến dịch này là minh chứng rõ ràng nhất về mức độ hiệu quả của các thương hiệu trong việc tạo tương tác với khách hàng của mình thông qua các nội dung tiếp thị được địa phương hóa trên nền tảng TikTok.
Tất nhiên, mọi chiến dịch quảng bá đều hướng đến mục tiêu tăng doanh số bán hàng nhưng việc các đối tượng khách hàng mục tiêu ở cả hiện tại và tương lai có hiểu rõ về thương hiệu không cũng là một điều quan trọng không kém. Để xây dựng một thương hiệu mất rất nhiều thời gian.
Chúng ta sống trong một kỷ nguyên rất thú vị. Ở thế hệ trước, bố mẹ chúng ta cần đi tìm kiếm thông tin; hiện tại, chính thông tin sẽ tự tiếp cận người dùng. Cách tiếp nhận thông tin đã thay đổi trong kỷ nguyên của ‘siêu bản địa hóa’ như hiện nay“, Giám đốc Marketing và Giải pháp kinh doanh toàn cầu của TikTok kết luận.
Thử thách lớn nhất mà TikTok đang đối mặt chính là làm thế nào để thúc đẩy sự đồng sáng tạo các nội dung này, đồng thời giữ vững mối quan hệ của người dùng và thương hiệu.
Theo đó, TikTok đang giúp các nhà sáng tạo tăng doanh thu bằng nhiều cách khác nhau, như các brand có thể trả tiền cho những nhà sáng tạo nội dung nếu họ làm ra nội dung phù hợp với nhu cầu hiện tại và định hướng của nhãn hàng trong tương lai; trong tương lai, các KOLs trên TikTok có thể livestream và tương tác với người dùng trên đó, người dùng có thể tặng quà trực tiếp cho thần tượng khi họ livestream.
TikTok còn cố gắng tăng tương tác với khách hàng cho nhãn hàng bằng các hình thức như khuyến khích doanh nghiệp phát hành phiếu giảm giá, phiếu mua hàng trên nền tảng. Ở Mỹ, TikTok đã làm việc với nhãn hàng để phát hành phiếu mua hàng, phiếu giảm giá đến tận tay followers trên kênh của thương hiệu.
Định hướng sẽ ra mắt tiện ích thương mại điện tử trong tương lai
Qua những gì mà 2 lãnh đạo trên của TikTok trình bày, chúng ta có thể thấy thấp thoáng ý định xây dựng thêm tiện ích thương mại điện tử của brand này.
“Đúng là chúng tôi đang có ý định đưa thêm mảng thương mại điện tử để tích hợp trong app. Dự án này vẫn đang trong quá trình xây dựng, nên tôi không nói trước được gì.
Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ giờ định nghĩa TikTok là một siêu ứng dụng như Grab. TikTok luôn định vị mình là nền tảng mạng truyền thông xã hội – ứng dụng chuyên hỗ trợ các nhà sáng tạo sản xuất nội dung và tương tác với fan trên đó.
Những yếu tố còn lại là giúp cho người dùng không nhàm chán khi ở lâu trên TikTok và giúp các nhà sáng tạo nội dung có cơ hội phát triển thêm nguồn doanh thu, thông qua những chiến dịch hoặc qua những features mà chúng tôi phát triển trên ứng dụng“, ông An Bùi – Quản lý marketing của TikTok Việt Nam khẳng định.
Thận trọng hơn, bà Diệp Quế Anh – Giám đốc Truyền thông TikTok tại Việt Nam và các thị trường mới nổi, cho rằng: thương mại điện tử chỉ là viễn cảnh chung của TikTok khi mọi người nhìn vào, còn đối với thị trường Việt Nam, TikTok không xác nhận đó là một hướng đi của họ. Hiện tại, TikTok vẫn tập trung vào phát triển hệ sinh thái gồm 3 thành phần: người dùng, nhà sáng tạo nội dung và brand.
Làm sao để người dùng có thể thưởng thức những nội dung hay, nhà sáng tạo nội dung có thể chia sẻ tài năng của mình với người dùng cũng như có thể tương tác với fan của mình, còn brand có thể tận dụng ứng dụng hoặc những nội dung của các nhà sáng tạo để tiếp cận với người dùng tiềm năng của mình.