Đã đến lúc bạn nên thay đổi mô hình kinh doanh từ dạng ống sang dạng nền tảng. Vậy mô hình kinh doanh nền tảng là gì ? chúng ta cùng tìm hiểu qua bài dưới đây nhé!
Mô hình ống
Các mô hình ống đã xuất hiện từ khá lâu và là loại mô hình kinh doanh chi phối trong thị trường. Công ty tạo sản phẩm, chuyển ra thị trường và bán cho khách hàng. Giá trị được tạo ra từ công ty và được tiêu thụ tại thị trường. Dòng chảy trong mô hình này là dòng tuyến tính, giống như nước chảy qua một đường ống.
Chúng ta bắt gặp mô hình này mọi chỗ. Tất cả hàng tiêu dùng mà ta đang sử dụng đến được tay ta thông qua mô hình ống. Tất cả doanh nghiệp sản xuất hoạt động theo mô hình ống. Truyền hình, radio truyền tải nội dung đến chúng ta qua ống. Hệ thống giáo dục cũng là mô hình ống khi giáo viên truyền tải tri thức cho học sinh. Trước khi Internet xuất hiện, đa số ngành dịch vụ cũng sử dụng mô hình này.
Khi Internet ra đời, người ta vẫn áp dụng mô hình này tại đây. Blog hoạt động dựa trên mô hình này, thương mại điện tử cũng sử dụng “ống”. Các mô hình SAAS đơn người dùng cũng hoạt động theo dạng ống, tức là doanh nghiệp tạo phần mềm và bán cho người dùng theo hình thức trả bao nhiêu dùng bấy nhiêu.
Mô hình nền tảng
Nếu như không có Internet, chúng ta sẽ không bao giờ chứng kiến sự xuất hiện của mô hình kinh doanh nền tảng (platform). Khác với mô hình ống, mô hình nền tảng không chỉ tạo và đưa sản phẩm ra thị trường, mà mô hình này còn cho phép người dùng có thể tạo và thu giá trị. Trong công nghệ, các lập trình viên có thể mở rộng tính năng của nền tảng bằng cách sử dụng các giao diện API. Trong kinh doanh, công ty có thể tạo giá trị trên nền tảng để người tiêu dùng sử dụng. Hình thức này là một bước thay đổi đáng kể từ bất cứ mô hình kinh doanh nào đã từng biết đến trong lịch sử.
Các kênh truyền hình hoạt động theo mô hình ống, nhưng YouTube hoạt động theo mô hình nền tảng. Encyclopaedia Britannica áp dụng mô hình ống nhưng Wikipedia đã thay đổi và xây dựng giá trị dựa trên mô hình nền tảng.
Thất bại trong mô hình kinh doanh
Sự khác biệt giữa các mô hình kinh doanh này là gì?
Nếu bạn khởi nghiệp theo mô hình nền tảng nhưng lại làm theo các bước trong mô hình ống thì chắc chắn bạn sẽ thất bại. Doanh nghiệp đã quen sử dụng mô hình ống trong nhiều năm qua, và giữ thói quen đó khi chuyển sang mô hình nền tảng. Ngành truyền thông đang phải chật vật để thích nghi với việc mô hình thay đổi. Các hãng bán lẻ truyền thống, người sử dụng mô hình ống, đang gặp sự cạnh tranh từ việc nổi lên của các thị trường và công nghệ nội bộ mà sử dụng mô hình nền tảng.
Tư duy mô hình ống và Tư duy mô hình nền tảng
Vậy làm thế nào để tránh tình trạng trên?
Dưới đây là tóm tắt nhanh về khác biệt giữa 2 mô hình kinh doanh trên.
Tăng lượng người dùng
Trong mô hình ống, doanh nghiệp trước tiên thu hút người dùng về sản phẩm/dịch vụ của họ và sau đó thuyết phục người dùng mua hàng/sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng mô hình platform cũng áp dụng chiến lược như trên, tuy nhiên mới đầu các doanh nghiệp platform chưa mang đến nhiều giá trị cho người dùng. Họ gặp phải vấn đề kinh điển: con gà có trước hay quả trứng có trước. Trong đó 2 thách thức chính bao gồm:
- Giải quyết vấn đề con gà, quả trứng để doanh nghiệp và người dùng cùng tham gia.
- Đảm bảo doanh nghiệp hoạt động và tạo ra giá trị cho người dùng.
Nếu không giải quyết được hai vấn đề này thì có thu hút được khách hàng nhưng lượng người dùng sẽ không tăng lên.
Tư duy mô hình ống: Tối ưu các kênh chuyển đổi để tăng lượng khách.
Tư duy mô hình nền tảng: Xây dựng hiệu quả hệ thống trước khi tối ưu hóa chuyển đổi.
Thiết kế và quản lý sản phẩm
Tạo ra mô hình ống khác với tạo ra nền tảng.
Tạo mô hình ống yêu cầu doanh nghiệp phải lấy khách hàng làm trọng tâm. Trong khi trong mô hình nền tảng, bạn phải chú ý đến cả người tạo và người tiêu thụ giá trị.
Ví dụ về mô hình ống như website du lịch, giao diện và tính năng trong web phải được tối ưu sao cho khách hàng có thể sử dụng dễ nhất. Còn như trong mô hình platform như YouTube, phải có công cụ cho người tạo giá trị (đăng tải video) cũng như cho người tiêu thụ (đánh giá, chia sẻ…).
Tư duy mô hình ống: Người dùng tương tác với phần mềm chúng ta tạo ra. Sản phẩm đó là giá trị.
Tư duy mô hình nền tảng: Người dùng tương tác với nhau, sử dụng phần mềm chúng ta tạo ra. Sản phẩm không có giá trị trừ khi người dùng sử dụng chúng.
Tạo lợi nhuận
Cách kiếm tiền cho doanh nghiệp “ống” rất đơn giản. Tính toán chi phí vận hành trong ống từ lúc sản xuất đến lúc sản phẩm về tay khách hàng và đảm bảo rằng giá thành = chi phí + lợi ích cận biên mong muốn.
Trong doanh nghiệp platform, tạo lợi nhuận không đơn giản như vậy. Khi người tạo giá trị và người tiêu thụ giá trị giao dịch, một trong hai bên sẽ phải trả cho nền tảng một khoản tiền.
Tư duy mô hình ống: Tính tiền khách hàng đổi lấy giá trị tạo ra.
Tư duy mô hình nền tảng: Tìm ra ai là người tạo giá trị và ai sẽ phải trả tiền cho chúng ta để tiêu thụ giá trị đó.
Tư duy nền tảng áp dụng cho tất cả doanh nghiệp Internet
Nếu không có Internet, các doanh nghiệp vẫn đa số sử dụng mô hình ống. Internet, không chỉ là một mạng lưới mà còn là một nền tảng, cho phép bất kỳ doanh nghiệp nào có thể sử dụng để thúc đẩy các thuộc tính của mô hình kinh doanh nền tảng.
Trong phần trên của bài có nói rằng blog, thương mại điện tử, dịch vụ SAAS sử dụng mô hình ống, tuy nhiên, thực tế các hoạt động này đều thực hiện qua Internet, vì thế cũng sở hữu các yếu tố của mô hình nền tảng. Blog tạo ra giá trị cho người đọc qua sản phẩm là bài viết, nhưng người đọc cũng có thể tạo giá trị cho blog qua đánh giá, bình luận, khiến blog có đặc điểm của nền tảng. Tương tự, trên các trang thương mại điện tử, người mua cũng có thể đưa ra đánh giá, nhận xét, tạo giá trị cho doanh nghiệp, một đặc điểm rất “nền tảng”.
Cái kết cho mô hình ống
Trong tương lai, tất cả công ty sẽ sử dụng công nghệ. Chúng ta đã chứng kiến thay đổi này diễn ra hàng ngày, công ty tái cấu trúc mô hình kinh doanh theo cách sử dụng dữ liệu để tạo giá trị.
Chúng ta đang di chuyển từ mô hình đường tuyến tính sang một hệ thống kết nối, từ mô hình ống sang mô hình nền tảng thông minh. Tất cả doanh nghiệp đều cần chuyển đổi hoặc phải chịu rủi ro cạnh tranh từ các đối thủ nền tảng.
Theo Platformed