1. Năm 1959, thuộc địa Tân Gia Ba (tên gọi của Singapore theo cách nói của người Việt trước năm 1975) được trao quyền tự trị từ người Anh. Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng đầu tiên của một đảo quốc độc lập với “gia tài” hưởng từ người Anh là một nền kinh tế èo uột, tham nhũng hoành hành, thất nghiệp tràn lan, xung đột sắc tộc luôn âm ỉ và cơ sở vật chất hạ tầng tồi tệ. Ấy vậy mà 50 năm sau khi tự chủ chính quyền, dưới tài lãnh đạo của ông, thu nhập đầu người hàng năm từ 500 đô la Singapore (SGD) lên 50.000 SGD; thất nghiệp hầu như bằng không và 85% người dân đều được sở hữu nhà ở.
Singapore đã may mắn có Lý Quang Diệu không chỉ là một lãnh tụ chính trị mà còn là người biết cách khởi nghiệp để lèo lái đất nước vượt qua khó khăn, thịnh vượng và có chỗ đứng trên trường quốc tế. Một trong những bằng chứng sinh động cho câu chuyện khởi nghiệp của ông Lý là thành công của Singapore Airlines (SIA). Năm 1975, do sân bay Payar Lebar bị quá tải với trên dưới 4 triệu hành khách hàng năm, chính phủ Singapore đã quyết định xây một sân bay mới mang tên Changi với số tiền đầu tư ban đầu là 1,5 tỉ SGD. Theo ông Lý, nhờ phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông vận tải, Singapore có thể trở thành một đầu mối hàng không và hàng hải. Ông Lý nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu của chính phủ khi đầu tư xây dựng sân bay mới là Singapore phải thành công với vị trí của một đầu mối hàng không (air junction) và SIA cũng đóng vai trò quan trọng bằng cách có thêm nhiều thương quyền vận tải (traffic right) từ các nước khác, khi nhiều hãng hàng không cùng muốn bay đến Singapore sẽ kéo theo nhiều lợi ích bổ sung trong đó có du lịch với những nguồn thu từ khách sạn, mua sắm, giải trí…
Ông Lý nói theo cách của người làm doanh nghiệp: “Thế mạnh của chúng ta là chi phí nhân công thấp, ý chí học hỏi và làm việc, để phục vụ hiệu quả với nụ cười trên môi, làm hành khách thoải mái, vui vẻ và quan trọng hơn hết là giúp họ đến nơi an toàn và đúng giờ. Chúng ta có thể vận hành sân bay Singapore hiệu quả và lịch sự với những tiện ích hiện đại, bảo dưỡng tốt, sạch sẽ không tì vết, xử lý nhanh chóng thủ tục hải quan, y tế và xuất nhập cảnh.” Và rồi mơ ước của ông cũng đã thành hiện thực: “Cho phép tôi bày tỏ niềm hy vọng khi ngồi trên máy bay SIA, tôi sẽ thấy và cảm nhận hương vị biểu trưng của Singapore. Các bạn phải làm sao để SIA thành biểu tượng của Singapore, một xã hội dựa trên giá trị và thành tích của một con người, những phẩm chất chẳng có liên quan gì đến sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, hay thân thế gia tộc, hoặc quan hệ thân quen”.
2. Trong một bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước, ông Ngiam Tong Dow, một cựu quan chức đã từng giữ nhiều chức vụ cao cấp trong bộ máy chính quyền Singapore kể rằng năm 1992, trên cương vị chủ tịch của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) ông đã dự một buổi chiêu đãi để tôn vinh Patrick Ngiam, nhà sáng lập và Tổng giám đốc của tập đoàn IPC, công ty máy tính cá nhân đầu tiên của Singapore. Thành phần khách mời khoảng 120 người bao gồm giới ngân hàng, kiểm toán, luật sư, môi giới, đại lý quảng cáo, tư vấn – nói chung là những con người chuyên nghiệp đẳng cấp và tất cả đều mong được cung cấp dịch vụ cho một công ty khởi nghiệp mà tiếng Anh gọi ngắn gọn là “Start-up”.
Ông Ngiam tâm sự rằng tối hôm đó về nhà ông cảm thấy căng thẳng trong suy nghĩ, và tự hỏi tại sao Singapore lại ít có những người tạo ra tài sản (wealth creator) mà lại có quá nhiều kẻ quản lý tài sản (wealth manager). Khác với những quốc gia lớn, để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, Singapore không có lựa chọn nào khác là mời gọi các công ty đa quốc gia của nước ngoài đến mở nhà máy hay cơ sở hậu cần. Trong những năm 1970, chỉ có Singapore và Hồng Kông mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các tập đoàn đa quốc gia (MNC) đến Singapore mang theo công nghệ cùng nhiều cơ hội thị trường và người Singapore chỉ nghĩ đến việc nâng cao kỹ năng để phục vụ doanh nghiệp. Theo ông Ngiam, trong quá trình đó Singapore đã không nghĩ đến việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà tìm cách mở rộng (chứ không tăng trưởng) theo nhịp phát triển của MNC với lao động có tay nghề trung bình nhưng lương thấp. Kinh tế Singapore nhanh chóng tiến tới toàn dụng (full employment) vào giữa thập niên 70 và mặt trái của tình trạng này là người Singapore thích nhảy việc và đòi lương cao hơn. Chi phí nhân công tăng khiến MNC phải tìm cách chuyển cơ sở sang các nước khác rẻ hơn như Trung Quốc và Việt Nam. Nhiều người Singapore lâm vào tình trạng thất nghiệp cơ cấu; lương thấp thì không muốn làm nhưng kỹ năng thì không phải ai cũng đáp ứng được đòi hỏi của công việc trả lương cao.
Trong khi đó các đối thủ cạnh tranh của Singapore như Đài Loan và Hàn Quốc thì có cách tiếp cận khác, theo đó chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp từ những bước ban đầu và tiếp cận công nghệ mới. Mãi đến năm 2002 Singapore mới có Viện Công nghệ và Nghiên cứu Khoa học (A*Star) tập trung vào lĩnh vực y sinh học, đặc biệt là nghiên cứu tế bào gốc. Câu hỏi mà ông Ngiam đặt ra là liệu đây đã là ưu thế cạnh tranh của Singapore hay nên chăng theo đuổi những lĩnh vực đã có kinh nghiệm và năng lực như thiết kế cơ khí, xây giàn khoan ở cảng nước sâu chẳng hạn?
3. Cách đây đúng 19 năm, tôi là một thanh niên Việt Nam tuổi chưa tròn 28, chẳng phải là con cái nhà ai, với hành lý nặng 60 ký bước lên chuyến bay VN741 của Hàng không Việt Nam sang Singapore làm Trưởng đại diện một ngân hàng thương mại đối ngoại hàng đầu lúc bấy giờ. Trình độ tiếng Anh của tôi lúc đó có lẽ không bằng các bạn trẻ được đào tạo bài bản như bây giờ mà chỉ đủ để giao tiếp và xử lý các công việc liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng. Nhưng vũ khí giúp tôi “chiến đấu” là khát vọng cống hiến vì sự nghiệp của ngân hàng với nhiệm vụ cụ thể là duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác với các định chế tài chính ngân hàng nước ngoài, giải quyết các vướng mắc về thanh toán và cung cấp các thông tin cho khách hàng tại Singapore và các nước trong khu vực. Sau khi hết nhiệm kỳ ba năm, vì một số lý do chủ quan và khách quan, tôi chia tay với ngân hàng và ở lại Singapore để tiếp tục vừa học vừa làm. Tôi làm đủ thứ nghề từ tiếp thị và bán sản phẩm Việt Nam như bánh kẹo, chả giò và cà phê đến tư vấn bảo hiểm, bất động sản, tư vấn du học hay dịch thuật…
Cuộc sống nơi đất khách quê người đã khiến tôi trở thành chủ một doanh nghiệp tư vấn nhỏ phục vụ nhiều đối tượng khách hàng đa dạng từ khắp năm châu bốn biển.
Thuở ban đầu khởi nghiệp, đã có những lúc tôi tủi thân vì mình cũng chỉ là một doanh nhân tép riu giữa đại dương bao la. Nhưng rồi những câu chuyện thành công vượt qua thử thách, đứng lên từ thất bại của đất nước và con người Singapore như Lý Quang Diệu hay Ngô Khánh Thụy đã truyền cảm hứng cho tôi ngẩng cao đầu và đứng vững. Có những buổi sáng tôi thức dậy và tự hỏi lý do mình đang ở một nơi xa lạ trong lúc nhiều bạn bè thân hữu không nhất thiết phải ra nước ngoài nhưng con cái vẫn được nuôi dạy tử tế, có nhiều cháu không có học bổng hay có tiền du học nhưng vẫn giỏi tiếng Anh, có công ăn làm việc ổn định, sống hạnh phúc trong bầu không khí cộng đồng hay gia đình. Một vài người bạn từ Việt Nam hay các nước khác sang thỉnh thoảng hỏi tại sao đến giờ này tôi vẫn còn đang ở đây.
Nhưng vẫn còn đó cái tự hào vốn dĩ của người con mang dòng máu Việt và thực tế thua kém của doanh nghiệp Việt trên thương trường quốc tế là động lực giúp tôi cố gắng nhiều hơn trước. Tôi luôn để bản thân mình bận bịu và cố gắng thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và thậm chí bỏ qua cái thông lệ mừng sinh nhật.
Với tôi, mỗi ngày mở mắt dậy là một tuổi mới. Tôi đã trở thành một con người thực tế và sẵn sàng nói không với những đề nghị hay dự án tào lao. Nhưng khát vọng cống hiến cho quê nhà vẫn cháy trong tôi và thật hạnh phúc khi những đề nghị hợp tác của mình được doanh nghiệp Việt lắng nghe và chấp nhận. Ngày càng có nhiều người từ Việt Nam sang Singapore tìm cơ hội khởi nghiệp, tôi mừng nhưng lòng vẫn có chút băn khoăn, chợt nhớ lại câu nói của người bác sĩ Singapore khám sức khỏe trước khi nhà nước Singapore cấp thẻ xanh cách đây 14 năm: “Nhiều người Singapore chúng tôi đang tìm cách đi nơi khác, bạn trở thành thường trú nhân để làm gì?”.
0
0
đánh giá
Đánh giá bài viết