Hiện nay, trào lưu kinh doanh trên mạng xã hội đang nở rộ với quy mô thị trường ngày càng lớn, dần chiếm ưu thế hơn so với các mảng kinh doanh khác. Do đó, nhằm thiết lập một môi trường lành mạnh cho hoạt động kinh doanh đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Việc kinh doanh trên mạng xã hội cũng cần phải tuân thủ theo những quy định nhất định. Theo đó, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử.
Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi có nhu cầu đều được phép kinh doanh trên mạng xã hội dưới các hình thức kinh doanh online sau:
– Hình thức bán hàng thông qua các trang mạng xã hội đã được thiết lập dưới hình thức các sàn giao dịch thương mại điện tử (như Facebook, Twitter…). để giới thiệu dịch vụ, sản phẩm. Đây là hình thức kinh doanh trên mạng xã hội thông qua một bên trung gian. Các đơn vị trung gian này đều đã thực hiện việc xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc giấy phép mạng xã hội rồi nên khi kinh doanh theo hình thức này sẽ không phải tiến hành việc xin bất kỳ giấy phép nào cả.
– Hình thức bán hành thông qua website riêng. Đây là hình thức kinh doanh cần tuân thủ một số quy định theo Thông tư số 47/2014/TT-BCT. Cụ thể:
1, Website phải đăng ký với Bộ Công Thương
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 47/2014/TT-BCT, các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm:
– Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
– Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
– Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
2, Thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 47/2014/TT-BCT, thương nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Doanh nghiệp, tổ chức đăng nhập vào website của Bộ Công Thương để đăng ký đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống.
Doanh nghiệp, tổ chức cung cấp những thông tin sau:
– Tên thương nhân, tổ chức.
– Số đăng ký kinh doanh của thương nhân, số quyết định thành lập của tổ chức.
– Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động.
– Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức.
– Các thông tin liên hệ.
Bước 2: Trong vòng 3 ngày (tính theo ngày làm việc) Bộ Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra và duyệt hồ sơ online, sau đó sẽ có thông báo cụ thể cho thương nhân, tổ chức với các trường hợp sau:
– Thông báo xác nhận là hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Thương nhân, tổ chức được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3
– Trường hợp hồ sơ còn thiếu: thương nhân, tổ chức bổ sung thông tin theo yêu cầu.
– Trường hợp bị chối việc đăng ký tài khoản: thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký lại.
Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tiến hành khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký.
Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:
– Xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu thương nhân, tổ chức thực hiện tiếp Bước 5.
– Thông báo hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Khi đó thương nhân, tổ chức quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu.
Bước 5: Sau khi nhận được thông báo như mục thương nhân, tổ chức phải gửi hồ sơ đăng ký bằng bản giấy cho Bộ Công Thương.
Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký bản giấy đầy đủ, hợp lệ Bộ Công Thương tiến hành xác nhận đăng ký. Trường hợp hồ sơ bản giấy gửi về không khớp với những tài liệu, thông tin đã khai báo trực tuyến qua tài khoản truy cập hệ thống, Bộ Công Thương thông báo qua địa chỉ thư điện tử mà thương nhân, tổ chức đã đăng ký để thương nhân, tổ chức hoàn chỉnh hồ sơ. Khi xác nhận đăng ký, Bộ Công Thương sẽ gửi cho thương nhân, tổ chức qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thể hiện thành biểu tượng đăng ký. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin đăng ký tương ứng của thương nhân, tổ chức tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
3, Hồ sơ đăng ký
Điều 14 Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định hồ sơ đăng ký bao gồm:
– Đơn đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
– Bản sao được chứng thực Quyết định thành lập (đối với tổ chức), Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với thương nhân).
– Đề án cung cấp dịch vụ.
– Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các nội dung sau:
+ Các nội dung quy định tại Điều 38 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.
+ Cơ chế xử lý, thời hạn xử lý khi nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
– Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó.
– Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).
Kể từ ngày 1/1/2014 Nghị định 185/2013/NĐ-CP có hiệu lực, khi thiết lập website thương mại điện tử bán hàng, các cá nhân, tổ chức phải thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương nếu không sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000.
Theo Luật Dương Gia