Đây cũng là lần thứ 2 “cá mập bà ngoại” của Shark Tank Việt Nam tuyên bố đầu tư không cần lợi nhuận, sau màn rót vốn vào startup “hồi sinh rác thải” Revival Waste.
“Liệu các Shark đã từng ở khách sạn nào mà các Shark cảm thấy quý mến lễ tân, có thể trở thành người thân và đi du lịch cùng họ? Khách ở Be Home đã làm được điều này”.
“Mọi người không thể tưởng tượng đâu, khách của em đi du lịch mà còn mua xe máy cho bọn em chạy”, Lê Tiêu Linh (tên thật là Lê Tiểu Luân) giải thích về điểm đặc biệt trong mô hình của mình.
Theo lý giải của Linh, hiện tại, các cơ sở khách sạn 3, 4 sao tuy sang trọng nhưng không thể đem lại không khí gần gũi cho khách hàng. Với các hộ kinh doanh homestay, họ làm được vế sau nhưng lại thiếu đi tính chuyên nghiệp trong khâu quản lý hệ thống, sales và marketing. Vì vậy Be Home ra đời là sự kết hợp ưu điểm cả 2 mô hình, nhấn mạnh đặc biệt vào trải nghiệm “như ở nhà” của khách hàng.
Đến nay Be Home hoạt động tập trung tại Phú Quốc và đã có 5 cơ sở.
Tại Shark Tank Việt Nam, Linh muốn kêu gọi 5 tỷ đồng cho 15% cổ phần. Khoản vốn này sẽ được dùng để mở rộng thêm 25 cơ sở ở 2 tỉnh thành tiếp theo, trong đó có 6 cơ sở họ sẽ thuê nhà và xây dựng homestay, còn lại là ký hợp đồng quản trị thay cho chủ nhà.
“Ngoài mang lại vốn đầu tư cho Be Home, em còn muốn mang lại tiếng nói cho cộng đồng chuyển giới: Những gì người bình thường làm được thì cộng đồng chuyển giới cũng làm được và làm tốt”, Linh giải thích thêm về mục đích của mình.
Năm 2018, Be Home ghi nhận doanh thu 4,9 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ đạt 7,5%. Dự kiến có thêm nguồn đầu tư từ các Shark, con số doanh thu và lợi nhuận tương ứng là 27 tỷ và 7 tỷ.
Cá mập bà ngoại xuống tiền vì mong muốn giúp đỡ những người chuyển giới cùng phát triển
Là người có kinh nghiệm trong mảng bất động sản, Shark Hưng nhanh chóng chỉ ra 2 rủi ro của Be Home: Nếu không có khách, mô hình vẫn phải trả tiền cho chủ nhà; nhưng nếu có khách, công ty có thể bị chủ nhà lấy lại phòng.
Shark khuyên startup định vị lại mô hình, hoặc chuyên về quản lý, kết hợp với chủ nhà để ăn chia, hoặc không thì phải là người chủ thực sự. Sau đó cá mập đến từ Cenland nhanh chóng rút lui.
Trong khi đó, Shark Nguyễn Thanh Việt cho biết ông cũng có đất ở Phú Quốc nên sẽ cố gắng xây dựng mô hình phù hợp để cùng hợp tác với Be Home, thay vì rót vốn đầu tư.
Shark Bình nhận định bản thân không phù hợp nên cũng quyết định rút lui.
Về phía mình, Shark Nguyễn Mạnh Dũng thừa nhận sau khi đầu tư vào Luxstay, việc mua cổ phần của Be Home sẽ là một lợi thế rất lớn vì Shark sẽ có hai doanh nghiệp nằm trong cùng một chuỗi giá trị. Tuy vậy để tránh trường hợp bị nói “vừa đá bóng, vừa thổi còi” Shark Dũng không rót vốn nhưng hứa sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cho công ty.
Là “cá mập” lên tiếng cuối cùng, Shark Liên cho biết bà đầu tư vì người sáng lập và cũng vì mong muốn giúp cộng đồng LGBT cùng phát triển.
“Tôi không muốn chia lợi nhuận. Giống như tôi cho bạn mượn tiền phát triển, khi nào thành công các bạn trả tôi vốn và dùng lợi nhuận giúp lại các bạn chuyển giới để các bạn ấy có việc làm và phát triển lên. Đến khi nào các bạn cảm thấy cần thì mới phải trả tôi tiền hoặc nếu chia lợi nhuận cũng dùng tiền ấy làm từ thiện”, Shark Liên khẳng định.
Cá mập bà ngoại đề nghị chi 5 tỉ đồng cho 35% kèm điều khoản bắt buộc là Tiêu Linh không được rời khỏi công ty. Sau quá trình thương thuyết, hai bên đồng ý với tỷ lệ 5 tỷ đồng nhưng chỉ còn 30% cổ phần. Thương vụ chính thức khép lại với cái bắt tay của Shark Liên và hai thành viên Be Home.
Nguồn: Cafebiz