Ngày nay có nhiều bạn trẻ học ra trường là lập tức muốn làm sếp, muốn làm lãnh đạo, hưởng nhiều bổng lộc, thu nhập cao, chế độ cao nhưng khi được bảo muốn lên cao vững em phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất, phải trải nghiệm để nắm và hiểu rõ sự vận hành của tổ chức, phải đóng góp cụ thể vào sự phát triển của tổ chức để chứng minh mình xứng đáng thì lại ngần ngừ hoặc rút lui. Có đời nào không muốn bỏ công chăm bón vườn cây trái một ngày nào mà lại có trái ngọt ăn ngay bạn nhỉ?
Tại sao nói làm lãnh đạo phải có tinh thần phục vụ? Lãnh đạo là phải nghiêm nghị, hét ra lửa để cấp dưới sợ mà làm việc cho tốt mới đạt mục tiêu đúng kỳ hạn chứ?
Xin thưa, lãnh đạo độc quyền độc đoán như vậy chỉ có thể khiến nhân viên làm việc vì tiền, một khi cty rơi vào cảnh khó khăn không thể trả bổng lộc hậu hĩnh thì không gì có thể giữ chân họ trung thành hết mình.
Người lãnh đạo, nhất là ở giai đoạn ban sơ, là người dẫn dắt cả một tập thể, vẽ ra mục tiêu, chiến lược kế hoạch hành động và hình ảnh tổ chức trong 5 năm, 10 năm hay thậm chí 20, 30 hoặc 50 năm nữa, những hình ảnh tương lai đó hiện tại không có gì chứng minh sẽ làm được. Vì vậy, từ buổi khởi đầu, người lãnh đạo muốn thành công phải có được niềm tin, sự ủng hộ và yêu mến của mọi người thì mới có thể khiển cổ máy tập thể vận hành tốt được, mới có thể khiến “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Muốn có được niềm tin và sự yêu mến của mọi người, đòi hỏi người lãnh đạo phải có nhiều tố chất và năng lực, trong phạm vi bài này đòi hỏi phải có những điều sau:
-Tinh thần hết mình vì tổ chức, vì anh em nhân viên: luôn suy tính hay làm mọi việc gì cũng vì sự phát triển của tập thể, vì để chăm lo đời sống của nhân viên ngày càng tốt hơn chứ không phải vì vụ lợi cá nhân hoặc tư túi.
-Năng lực cảm thông và năng lực truyền đạt: Người lãnh đạo cần phải xông pha trải qua những việc từ nhỏ đến lớn mới hiểu những khó khăn mà cấp dưới gặp phải để cảm thông để biết sắp xếp sự trợ giúp kịp thời và để truyền đạt các kinh nghiệm xử lý vấn đề mà mình đã trải qua một cách dễ hiểu và mau chóng nhất, cũng đồng thời để tránh bị nhân viên dắt mũi hay cho ăn bánh vẽ.
-Tinh thần học hỏi không ngưng nghỉ để tư duy tốt hơn, làm việc tốt hơn, phục vụ tốt hơn: lãnh đạo không ngừng học hỏi sẽ tạo nên văn hóa học tập cao cho tập thể, khiến mọi người không ngừng học tập lẫn nhau, phát huy năng lực, kiến thức bên trong và bên ngoài một cách cao độ, đóng góp vào sự đổi mới sáng tạo và phát triển khiến tập thể tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
-Có tinh thần hành động nhanh chóng, dứt khoát: Người lãnh đạo phải thổi vào tổ chức một tinh thần hành động không mệt mỏi, hành động, hành động và hành động. Vì nếu ta chỉ nói mà không làm gì hay hành động uể oải, chậm chạp sẽ bị các đối thủ vượt mặt và sẽ sớm bị loại khỏi cuộc đua. Một tập thể có được văn hóa hành động liên tục sẽ tạo nên sức sống, sức mạnh ghê gớm và đủ sức vượt qua mọi khó khăn nào.
Tôi có quen một người bạn, anh ấy là mẫu người của hành động và phục vụ, nhà anh ấy nghèo nên nghỉ học từ sớm, lăn lộn mưu sinh nhiều năm mới đi học lại bổ túc văn hóa, cứ vừa học vừa làm không ngưng nghỉ. Tôi mến anh vì dù nhà nghèo, xuất phát điểm thấp nhưng anh luôn nêu cao tấm gương về học tập, làm việc cống hiến hết mình ở các công ty anh làm qua, anh luôn xông vào làm không ngại khó ngại khổ, là trưởng phòng nhưng anh luôn sẵn sàng làm thêm giờ, thêm việc, có khi phát sinh công việc hơn 10g00 đêm anh vẫn lập tức phóng đi xử lý, anh quan niệm làm việc là làm hết việc chứ không phải chỉ làm hết giờ, tôi cũng cảm phục tinh thần phục vụ cộng đồng qua các chương trình thiện nguyện anh tham gia và tổ chức. Vì vậy, anh luôn được mọi người yêu mến, kể cả đồng nghiệp, nhân viên cũ ở các cty anh từng làm qua, và không mấy ngạc nhiên khi anh luôn được mời gọi nhiều vị trí khá cao với thu nhập tốt dù đã mất nhiều năm gián đoạn việc học.
Buồn thay, anh kể rằng ngày nay nhiều bạn trẻ không có được tinh thần dấn thân và phục vụ như vậy, có những người anh muốn cất nhắc, đào tạo để kế thừa những vị trí mà anh để lại, trách nhiệm cao hơn nhưng dĩ nhiên thu nhập cũng cao hơn hiện tại 2-3 hoặc thậm chí 4-5 lần và được thưởng cổ phần cổ phiếu, nhưng các bạn trẻ hình như đa số có tâm lý ăn xổi ở thì, mới vài tháng thử thách mà đã lộ ra sự thiếu kỷ luật, thiếu tinh thần phục vụ, thích hưởng thụ, lễ tết thì nghỉ sớm, làm trễ, không báo cáo, không xin phép,…. Những người vô kỷ luật và lười biếng như vậy thì dù có tài cũng không làm được việc gì lớn. Vì những người không có khao khát phục vụ, không khao khát chinh phục khó khăn, không có khát vọng chiến thắng mà lại vô kỷ luật và biếng nhác thì suốt đời sẽ chỉ mãi mất thời gian đi tìm việc, mãi là người thất bại và mãi mãi nhìn vào sự thành công của người khác mà ngưỡng mộ và ghanh tị.
Vì vậy, muốn trở thành lãnh đạo, trước tiên hãy có tinh thần phục vụ bạn nhé!
GR PTDNV