THƯƠNG HIỆU DOANH NGHIỆP, THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN
Tôi từng chia sẻ chủ đề thương hiệu sản phẩm, thương hiệu cá nhân tại một buổi offline của Group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt. Sáng nay, tình cờ xem một chương trình TV về thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu cá nhân, tôi muốn chia sẻ một góc nhìn có thể khác hoàn toàn!
Lẽ đương nhiên, về lâu dài, thương hiệu doanh nghiệp là rất quan trọng, nó có thể trường tồn theo thời gian, còn thương hiệu cá nhân thì khá mong manh, dễ bị tổn thương vì những giới hạn về sức khoẻ, đời sống, tuổi tác, và vì cá nhân có thể từ bỏ doanh nghiệp giữa chừng.
Tuy vậy, với những doanh nghiệp khởi nghiệp, và những doanh nghiệp mang yếu tố gia đình ở quy mô nhỏ và vừa, thương hiệu cá nhân của người đứng đầu có khi lại rất quan trọng. Chính uy tín, hình ảnh, nhân cách, tính cách người đứng đầu doanh nghiệp sẽ đem lại niềm tin cho cho khách hàng, nhà cung cấp, đối tác, và cả những bạn đồng hành của mình.
Trong nhiều trường hợp, người đứng đầu doanh nghiệp phải dùng chính thương hiệu cá nhân của mình để bảo trợ cho thương hiệu doanh nghiệp còn non trẻ. Những phòng khám, bệnh viện tư nhân, nhất là các phòng khám chuyên khoa (mắt, mũi, xương khớp…) thường nhờ một bác sĩ chuyên khoa có uy tín đứng tên và thường xuyên xuất hiện để khám chữa bệnh. Những doanh nghiệp tư vấn, đào tạo thường dựa vào năng lực, uy tín của các chuyên gia hàng đầu. Một chuỗi cửa hàng bán đồ thể thao cũng thường sống nhờ vào thương hiệu cá nhân của một cầu thủ nổi tiếng…
Không tuyệt đối hoá thương hiệu cá nhân vì những lý do đã nêu trên, nhưng cũng đừng coi thường vai trò của thương hiệu cá nhân khi xây dựng thương hiệu doanh nghiệp hay thương hiệu sản phẩm. Không ít thương hiệu SP và cả thương hiệu doanh nghiệp, dù độc lập, khác tên họ, với thương hiệu cá nhân, nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi cá nhân người chủ có vấn đề. Khách hàng sẵn sàng tẩy chay sản phẩm, và cả doanh nghiệp nếu hình ảnh của người đứng đầu doanh nghiệp bỗng nhiên xấu đi.
Group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt là một ví dụ. Trong giai đoạn đầu phát triển (và cho đến tận bây giờ), khi không ai hoặc còn ít người biết cái Group này là Group gì, chúng tôi phải dùng chính thương hiệu cá nhân của mình để bảo trợ cho thương hiệu Group. Và trong cách thức truyền thông về Group, về những năng lực của nó, và về những giá trị mà nó có thể mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, chúng tôi cũng phải dùng chính kinh nghiệm, năng lực, uy tín của bản thân mình để “làm thương hiệu” cho Group. Rồi khi nó bị tấn công, chúng tôi lại phải dùng chính “thân xác” của mình làm bia đỡ đạn, và chịu tổn thương, cho nó khỏi bị tổn thương…
Những người đứng đầu tổ chức luôn làm vậy với những đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra. Phải hiểu đúng điều này thì mới hiểu đúng mối tương quan giữa thương hiệu DN và thương hiệu cá nhân. Nếu không hiểu đúng, chúng ta, nhất là những người đứng ngoài doanh nghiệp thường hay thắc mắc vì sao có nhiều DN, khi ở quy mô chưa đủ lớn, thương hiệu DN luôn phải gắn với thương hiệu cá nhân của người chủ.
Như tôi đã nói, về lâu dài, khi doanh nghiệp đủ mạnh, và trong nhiều trường hợp khác, thương hiệu cá nhân nên “nhường bước” và tách rời khỏi thương hiệu doanh nghiệp (và thương hiệu SP). Khi nào “nhường bước”, khi nào tách rời hay rút lui, và rút lui ở mức độ nào, phụ thuộc vào tình huống cụ thể, nhưng chắc chắn là chỉ khi doanh nghiệp có thể ĐỨNG VỮNG, ĐI ĐÚNG HƯỚNG, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, mà không phục thuộc vào cá nhân người đứng đầu!
Ngược lại, khi còn thấy nhiều nguy cơ, mà đứa con của mình còn chưa đủ cứng cáp, vững vàng trước giông bão, người đứng đầu vẫn bắt buộc phải dang cánh chở che…
Nguồn: Long Nguyen Huu – Group PTDNV