Ứng dụng số 1 thế giới hiện nay là Tik Tok, một sản phẩm của Bytedance, startup Trung Quốc không nhiều người biết đến nhưng “khủng” hơn cả Uber.
Ứng dụng nào không phải game được tải nhiều nhất trên iOS trong quý I/2018? YouTube, WhatsApp, Facebook Messenger? 3 cái tên nói trên dù vô cùng nổi tiếng vẫn phải xếp sau Tik Tok, ứng dụng đến từ Trung Quốc. Ngày 17/7/2018, Tik Tok tuyên bố chạm mốc 500 triệu người dùng.
Tổng quan về TikTok
TikTok cho phép mọi người tạo video riêng của mình thuộc mọi thể loại: khiêu vũ, nhảy tự do, trình diễn… Tác giả tự do tưởng tượng và thể hiện bản thân. Nó cũng giúp nhanh chóng, dễ dàng tạo ra các video có độ dài chỉ 15 giây để chia sẻ với bạn bè và cả thế giới.
TikTok tích hợp vô số hiệu ứng đặc biệt, âm nhạc và sticker bằng công nghệ AI, tạo nên sự sống động cho video thông qua việc sử dụng phần mềm nhận diện chuyển động của cơ thể. Một trong các tính năng được ưa thích nhất là hát nhép, xuất hiện nhan nhản trên khắp các mạng xã hội.
Nhà phát triển còn giới thiệu vài tính năng mới như Duet, Gaga Dance Machine để cho 2 người tương tác cùng nhau. Nói cách khác, ứng dụng biến smartphone thành studio, dễ dùng như trang bị công nghệ hiện đại để giúp người dùng thỏa mãn bày tỏ ý tưởng.
Bytedance , công ty đứng sau thành công của Tik Tok, được thành lập năm 2012 bởi Zhang Yi Ming (Trương Nhất Minh) . Tổng cộng, startup này có 8 sản phẩm, bao gồm Toutiao, Xigua video, Vigo video, musical.ly, News Republic, TopBuzz, BuzzVideo và Tik Tok. Hồ sơ Bytedance viết: “Chúng tôi nhìn thấy cơ hội trong việc kết hợp sức mạnh AI với sự phát triển của Internet di động để cách mạng hóa cách mọi người tiếp nhận thông tin. Bytedance cho phép mọi người tận hưởng nội dung được kiểm soát bởi máy học và AI”.
Tik Tok hiện có hơn 45 triệu người dùng mỗi ngày tại Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ nền tảng nào khác. Bytedance cũng mở rộng dấu chân trên thị trường toàn cầu, đặc biệt tại Đông Nam Á: Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Thái Lan, TikTok là ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store vào tháng 1/2018. Đến tháng 3, ứng dụng đạt tổng cộng 10 triệu lượt tải, tương đương 15% dân số nước này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “hiện tượng” TikTok. Theo hãng truyền thông KrAsia, thành tích của TikTok tại thị trường nước ngoài có được nhờ địa phương hóa chiến dịch tiếp thị và nội dung. Chẳng hạn, tại Thái Lan, TikTok ra mắt các sticker lễ hội dành riêng cho lễ hội tại nước, thu hút hơn 40.000 lượt sử dụng trong 3 tuần diễn ra.
Bên cạnh đó, TikTok còn có mạng lưới người nổi tiếng, có ảnh hưởng đến giới trẻ xuyên suốt khu vực. Họ bắt tay với những nhân vật có hơn 100.000 người hâm mộ/theo dõi, cá biệt có người sở hữu hàng triệu “fan”. Công ty cũng đầu tư mạnh mẽ vào tiếp thị nhờ “ăn theo” các ngôi sao được nhiều người yêu thích.
Will Wu, chuyên gia tiếp thị của hãng Momentum Works, cho biết khoảng 30% dân số Đông Nam Á có độ tuổi từ 18 đến 24, là phân khúc hoàn hảo cho TikTok. Họ dành nhiều thơi gian trên mạng xã hội để tìm kiếm những nơi có thể thể hiện bản thân, chia sẻ với bạn bè, gia đình. Hơn nữa, chỉ có vài đối thủ trong khu vực nên TikTok không thực sự đối mặt với cạnh tranh.
Tuy vậy, Tik Tok không phải luôn đi trên con đường trải hoa hồng. Ứng dụng từng bị chính phủ Indonesia “tuýt còi” vì chứa “nội dung tiêu cực”, gây hại đến trẻ nhỏ.
Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã nhận được hơn 2.800 báo cáo từ công chúng, phản ánh về ảnh khiêu dâm và xúc phạm tôn giáo.
TikTok đã phải cải tổ các tính năng quyền riêng tư sau khi vấp phải phản ứng tại Indonesia. Nó cho phép người dùng cài đặt quyền riêng tư cho video và vĩnh viễn xóa tài khoản. Phụ huynh được phép theo dõi lượng thời gian mà con em mình truy cập dịch vụ và nội dung được xem. Indonesia đã lật lại lệnh cấm TikTok.
Lượng sử dụng các ứng dụng sáng tạo video được dự đoán tiếp tục tăng, đồng nghĩa với những nhà cung cấp dịch vụ Internet phải chuẩn bị kỹ càng nhằm đáp ứng tăng trưởng khủng trong tiêu thụ dữ liệu.
Nó cũng là dấu hiệu cho thấy video đang dần trở thành tiêu chuẩn trong giao tiếp trực tuyến, làm lu mờ các phần mềm dựa trên nhắn tin. WhatsApp, Messenger, Instagram… đều đang chuyển mình xoay quanh tính năng video.
Theo ICT News