Bài viết với mục đích trang bị
nền móng kiến thức vững chắc, tạo nguồn thu nhập thứ 2 cho hành trình
tự do tài chính –
tranthinhlam.com
Thị trường chứng khoán là “sân chơi” lớn giúp chúng ta có thể đầu tư tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp (sở hữu một phần của doanh nghiệp). Từ đó, kiếm tiền từ việc nhận cổ tức & giá trị cổ phiếu tăng lên dựa vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo thời gian.
Bài viết này hi vọng cung cấp thêm một số thông tin hữu ích để những ai là newbie (người mới) bước vào thị trường có định hướng TỰ HỌC & đầu tư chứng khoán hiệu quả hơn…
1. TỰ HỌC & ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN CÓ KHÓ KHÔNG?
“Tất cả kiến thức chúng ta cần cho thị trường chứng khoán là môn toán lớp 4”
Đó là câu nói nổi tiếng của Peter Luych. Thực tế chúng ta không cần phải quá thông minh hay cần kiến thức cao siêu cho hoạt động đầu tư này.
Việc mua chứng khoán & đầu tư một mã cổ phiếu nào đó khá dễ dàng. Tuy nhiên chúng ta lại có nguy cơ mất tiền nếu không trang bị đủ kiến thức.
VÌ SAO 95% NHÀ ĐẦU TƯ (NĐT) CÁ NHÂN THƯỜNG MẤT TIỀN TRONG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN?
- Không trang bị vững kiến thức (mua theo cảm tính, mua theo lời khuyên của người khác mà không hiểu lý do)
- Mua theo hiệu ứng Fomo, ở giai đoạn bùng nổ của thị trường
- Ham rẻ, mua những cố phiếu không tốt, khiến giá trị ngày càng sụt giảm & mất đi giá trị
- Thiếu tầm nhìn dài hạn, chỉ đầu tư ngắn hạn & muốn có lợi nhuận nhanh
- Tâm lý đầu tư bất ổn, dễ bị tác động bởi tin tức
- Giao dịch mua bán hàng ngày (trader, trở thành “con bạc” muốn thắng lớn, dùng đòn bẩy,…)
- Không hiểu về MHKD của doanh nghiệp, không biết đọc BCTC để lựa chọn DN tốt & an toàn
- Mua vào & bán ra sai thời điểm
- …
2. CASESTUDY TĂNG ĐỘNG LỰC NGHIÊN CỨU
Lưu ý: Đây là các case lý tưởng, thực tế chúng ta rất khó chọn đúng cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất & “mua đáy bán đỉnh” được như thế!
- Case 1: Nếu 2008 chúng ta bỏ ra 100 triệu mua cổ phiếu VNM, thì 10 năm sau ở giai đoạn 2018 số tiền chúng ta kiếm được là 2,7 tỷ (chưa kể cổ tức nhận được hàng năm).
- Case 2: Charlie Munger, “cánh tay phải” của Buffett, ông ấy kiên nhẫn nghiên cứu & chờ đợi 50 năm, để có một cơ hội đầu tư vàng. Từ 10 triệu đô đầu tư vào một cty phụ tùng & dịch vụ oto đã giúp ông tạo ra 80 triệu (từ năm 2003 – 2006). Sau đó ông bán ra & tiếp tục đầu tư vào thị trường Trung Quốc để từ 80tr đó thành ~800 triệu đô. Tăng 80 lần!
- Case 3: Warren Buffett năm 30 tuổi ông có 1 triệu đô. Nhờ đầu tư vào cổ phiếu & sức mạnh của lãi kép trong dài hạn, đến nay khi ở tuổi 89 số tài sản của ông đã 80-90 tỷ đô. Và nó sẽ còn tiếp tục tăng với những kinh nghiệm & triết lý đầu tư giá trị của ông. Tăng 8000-9000 lần!
- Case 4: Từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 7/2014, sau 5 năm vốn hoá của MWG đã tăng trưởng gấp 8 lần. Hay PNJ từ giai đoạn 2009 đến 2019 cũng tăng gấp 11 lần. Nếu đầu tư ở những giai đoạn đầu & nắm giữ lâu dài, tính cả nhận cổ tức & tiếp tục mua thêm để nắm giữ thì số tiền chúng ta đầu tư ban đầu cũng tăng lên rất nhiều.
- Case 5: Giả sử ở năm 1980 chúng ta mua 1 đôi giày Nike với các phiên bản đắt đỏ có giá $2000-3000. Thay vì mua đôi giày với số tiền đó, sử dụng nó để mua cổ phiếu NKE nắm giữ đến hôm nay, sẽ giúp chúng ta CÓ TRÊN MỘT TRIỆU ĐÔ.
Bài học rút ra từ case số 5: mỗi chúng ta cần hết sức trận trọng trong chi tiêu. Hạn chế mua TIÊU SẢN & lãng phí, dùng tiền tích lũy được để đầu tư vào các tài sản có thể sinh lời tốt.
3. LÝ DO LỰA CHỌN KÊNH ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN?
Lưu ý: Với một hoạt động gì đó mới, chúng ta cần tìm ra lý do & động lực đủ lớn để mình bắt đầu. Và bên dưới là một số lý do của riêng mình, bạn có thể tham khảo & tự liệt kê thêm.
- Thị trường chứng khoán Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt trong 20 năm qua & ở đây có các cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư cá nhân
- Mình có NIỀM TIN LỚN vào SỰ TĂNG TRƯỞNG của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10-30 năm tới
- Là kênh đầu tư phổ biến, an toàn (so với các hình thức khác như crypto, forex,…)
- Giai đoạn 2020-2023 là CƠ HỘI VÀNG để chúng ta tham gia thị trường
- Là kênh đầu tư ít tốn thời gian (nghiên cứu 1 lần, dựa vào các nguyên tắc/kiến thức có sẵn và đầu tư dài hạn 5 năm, 10 năm)
- “Chia trứng vào nhiều giỏ”, đa dạng hóa nguồn thu nhập, có thêm lựa chọn đầu tư mới thay vì chỉ tập trung vào bất động sản, mua vàng hay gửi tiết kiệm.
- Phát huy SỨC MẠNH CỦA LÃI KÉP (con đường giúp mình x3-10 lần tài sản trong dài hạn nếu có lựa chọn hướng đầu tư đúng đắn)
- Số vốn đầu tư linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng & quy mô (dựa vào đó mình có thể đưa ra các lời khuyên giúp teamwork có thêm nguồn thu nhập thứ 2 thay vì chỉ nhận lương ở công ty)
- Mở rộng thêm hiểu biết (về kinh tế vĩ mô, vi mô, cách hoạt động của doanh nghiệp hàng đầu,…)
- Bổ sung KIẾN THỨC cho hoạt động kinh doanh hiện tại tốt hơn, lựa chọn các chiến lược phù hợp để giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững
- …
Đây có thể nói là lựa chọn tốt nhất cho mình kiếm tiền dựa vào VỐN NHÀN RỖI + ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ + KIẾN THỨC + TÍNH KỶ LUẬT + LÃI KÉP và cuối cùng tạo ra TỰ DO TÀI CHÍNH (đa triệu phú)
4. NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ & GIAO DỊCH
Lưu ý: Đây là những điều mình đã nghiên cứu & đúc kết được từ việc đọc >20 cuốn sách về đầu tư chứng khoán, theo dõi hầu hết các chuyên gia, channel, group, bài viết,… để đúc kết được nó. Các nguyên tắc này là lựa chọn riêng của bản thân, nó không hoàn toàn đúng & bạn không nên rập khuôn dựa theo nó, hãy tự học & tạo ra nguyên tắc cho riêng mình. Nội dung này của mình chỉ giúp bạn đọc tham khảo & so sánh…
- Lựa chọn 2 triết lý: ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ (chọn cổ phiếu tốt, giá rẻ, nắm giữ lâu dài,…) & ĐẦU TƯ TĂNG TRƯỞNG (cổ phiếu tăng nhanh, có tính chu kỳ)
- Nghiên cứu thật kỹ doanh nghiệp muốn đầu tư, phải hiểu thật rõ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó (đọc BCTC, tìm hiểu thông tin bằng nhiều phương pháp,…)
- Chỉ đầu tư mua CỔ PHIẾU TỐT (doanh nghiệp tốt)
- Chọn THỜI ĐIỂM TỐT để mua vào, RẤT QUAN TRỌNG (“dùng 40 xu để mua món đồ $1”). Lưu ý: thời điểm tốt đôi khi còn quan trọng hơn cả cổ phiếu tốt!
- Lọc ra 15-25 doanh nghiệp tốt nhất theo các tiêu chí để theo dõi & chờ đợi thời điểm vàng mua vào
- Danh mục đầu tư: mua đồng thời 2-4 mã cổ phiếu (khi vốn <5 tỷ) & 5-7 mã cổ phiếu (khi vốn >10 tỷ). Không bao giờ đầu tư quá 10 mã cổ phiếu cùng thời điểm.
- Mỗi ngành chỉ chọn 1 doanh nghiệp tiềm năng nhất. Và chỉ chọn những ngành nghề mà mình có hiểu biết về MHKD & quen thuộc với nó
- Đầu tư DÀI HẠN. Nắm giữ cổ phiếu 3-5 năm theo chu kỳ tăng trưởng, và 5-10 năm theo cổ phiếu giá trị.
- Giữ vững tâm thế “thắng không kiêu, bại không nản”. Không để bản thân bị tiêu cực khi thị trường sụt giảm ngắn hạn.
- Luôn ghi nhớ QUY TẮC SỐ 1: “KHÔNG BAO GIỜ ĐỂ MẤT TIỀN”
- Dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư (không vay mượn, không dùng đòn bẩy – margin).
- Không tất tay vào thị trường, chủ đầu tư ~30% tài sản. Còn lại dành cho kênh an toàn hơn là BĐS (60%), Vàng & Gửi Tiết Kiệm (10%)
- Luôn GHI CHÉP lịch sử giao dịch mua & bán của bản thân (lý do mua/bán, giá thời điểm mua/bán, các phân tích cổ phiếu mua ở thời điểm đó,…)
- Dành thời gian ĐỌC SÁCH, NGHIÊN CỨU KỸ DOANH NGHIỆP, SUY NGẪM,…
- Khi xuống tiền với các danh mục đầu tư tốt xong, hạn chế tối đa thời gian theo dõi bảng điện, tin tức, giá cả, nghe ngóng, lời khuyên chuyên gia,… (chỉ 1-2 tháng dành ra 1 ngày để cập nhật tình hình thị trường)
- Hạn chế tối đa số lần giao dịch, không nên mua bán “ra-vào” quá nhiều, hay thay đổi danh mục đầu tư liên tục
- KHÁC BIỆT với “đám đông”:
– Mua khi người khác sợ hãi
– Giữ dài hạn ít nhất 3 năm (trừ các phát sinh đặc biệt)
– Bán khi cổ phiếu sắp đạt đỉnh (cái này khó biết thời điểm nào?)
– ĐỨNG NGOÀI thị trường ở những thời điểm giá cổ phiếu đã đi quá xa (P/E trung bình >20 là thời điểm cần thận trọng), giữ tiền mặt & chờ đợi cơ hội tốt hơn. Có thể thời gian chờ đợi sẽ kéo dài 2-3 năm (quan trọng là phải KIÊN NHẪN đủ lâu)
– Đầu tư VỐN LỚN khi có các cơ hội thực RÕ RÀNG
– Nghĩ khác & làm ngược lại “đám đông”
– …
- Theo dõi & phân tích “vết chân người khổng lồ”, các giao dịch của Quỹ Lớn & Cổ Đông Lớn trong doanh nghiệp.
- Không được phép cẩu thả, giao dịch theo cảm xúc & bị tác động từ “chuyên gia”, tin tức. Phải thật trận trọng & soi xét kỹ trong mỗi giao dịch
- Luôn chuẩn bị sẵn TIỀN MẶT cho các cơ hội lớn đến (khi thị trường xuất hiện “thiên nga đen”)
- …
4.1 MỤC TIÊU CỦA BẢN THÂN: (rõ ràng & khả thi)
- Vốn đầu tư 3-5 tỷ tiền mặt cho giai đoạn 2020-2021 (có thể rót thêm khi có các cơ hội rõ ràng hơn)
- Đạt lợi nhuận trung bình >15% (liên tục >10 năm). Điều này đồng nghĩa có những giai đoạn kiếm được lợi nhuận 30-50%, nhưng cũng có những giai đoạn đi ngang hoặc sụt giảm. Lãi kép 10 năm cho mức >15% cũng đã x3-5 lần, nếu may mắn & đầu tư tốt có thể đạt kết quả tốt hơn.
- Kiếm được triệu đô trên thị trường chứng khoán (10 năm tới)
- …
4.2 TRANG BỊ TÂM LÝ & CÁC LƯU Ý CHO BẢN THÂN:
- Thoải mái khi đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng & quyết đoán trong các quyết định
- Không mất thời gian quá nhiều cho hoạt động này, chỉ tập trung ở giai đoạn đầu nghiên cứu
- Kìm hãm lòng tham & lý tưởng hoá. Tránh cầu toàn “bắt đáy, bán đỉnh”, dự đoán các xu hướng. Chỉ cần mua cổ phiếu tốt nắm giữ dài hạn, “mua gối, bán vai” cũng đã rất thành công rồi!
- Không tiếc nuối các cơ hội bỏ lỡ, nhưng cần ghi nhớ các bài học này & các lần sau
- Chuẩn bị tâm lý vững vàng & các phương án đầu tư phù hợp cho giai đoạn thị trường #đi ngang (có thể 2-4 năm), suy thoái & đình trệ (2-4 năm), phục hồi & bùng nổ (3-6 năm)
- Luôn tạo thêm DÒNG TIỀN từ nguồn thu nhập khác, TÍCH LŨY TỐI ĐA & TIẾT KIỆM. Không vì tâm lý kiếm tiền dễ dàng ở một số giai đoạn mà chi tiêu lãng phí
- Không khoe khoang với các thành tích nếu có của bản thân. (“Lúc nào bản thân cảm thấy muốn khoe khoang cũng là thời điểm cân nhắc để bán ra”)
- Không rủ rê bạn bè/người thân, chia sẻ mã cổ phiếu cho những người mới (phần ngọn, không phải gốc rễ), vì điều này rất dễ khiến họ mất tiền. Nếu muốn giúp ai đó, hãy khuyên họ tự dành thời gian nghiêm túc để nghiên cứu rồi hãy đầu tư & chịu trách nhiệm theo các quyết định của mình.
- Không tham gia mua vào các đợt vừa mới IPO
- Không mua cổ phiếu ở quy mô quá nhỏ, tính thanh khoản thấp
- Không mua bán ở thị trường OTC
- Để vợ giữ tài khoản & giao dịch. Như vậy các quyết định sẽ thận trọng, tránh cẩu thả & mang tâm lý “con bạc” giao dịch.
- …
Đây là công việc không đòi hỏi chân tay, nhưng sẽ khiến đầu óc chúng ta rất mệt mỏi, nhất là khi mất tiền. Nhận thức lớn về SỨC KHOẺ & TINH THẦN. Cần duy trì tốt nó để SỐNG LÂU, sử dụng sức mạnh của lãi kép để đầu tư hiệu quả như Warren Buffett.
5. NHỮNG THÔNG TIN CẦN NGHIÊN CỨU ĐỂ CÓ CƠ SỞ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN HIỆU QUẢ
(Dưới là một số gợi ý của mình đã nghiên cứu qua & thấy nó rất hữu ích. Mình chia sẻ lại để bạn có định hướng tìm hiểu thêm)
- Đọc kỹ >20 cuốn sách về đầu tư chứng khoán. (Rất hiếm người thực sự đọc sách một cách nghiêm túc, nếu bạn thuộc nhóm chăm chỉ đọc sách thì đã có lợi thế hơn 95% còn lại rồi. Có những cuốn sách mình phải đọc lại 2-3 lần để nắm thông tin sâu sắc hơn, vì não bộ chúng ta thường quên sau một thời gian).
- Nghiên cứu kỹ số liệu lịch sử trong 10-20 năm qua trên sàn chứng khoán: Tại thị trường VN, Mỹ, Trung Quốc. Các biến động lớn, chu kỳ,…
- Số lượng nhà đầu tư mở tài khoản qua các năm?
- Chỉ số P/E trung bình qua các năm cho từng thị trường (VN, Mỹ, Trung Quốc,…)
- Phân tích BCTC của hàng trăm doanh nghiệp, xem lịch sử 5-10 năm & nghiên cứu kỹ hơn với các doanh nghiệp có trong danh mục theo dõi
- Nghiên cứu kỹ về chu kỳ kinh tế & các hiện tượng thiên nga đen trong 100 năm qua (quan trọng)
- Tìm hiểu thêm các hình thức đầu tư khác như: bất động sản, vàng, crypto,… khi có thời gian để so sánh & có thêm các góc nhìn đa chiều. Nhưng lưu ý không nên tham gia thị trường crypto (P/s: quan điểm cá nhân).
- Học hỏi các case study đầu tư thất bại & thành công trong quá khứ để đúc kết (ghi chép & phân tích hàng trăm case khác nhau để có thêm kinh nghiệm cho bản thân)
- Theo dõi các page, channel, blog, group,… chia sẻ về chủ đề này. (Chỉ nên theo dõi nhiều ở giai đoạn tự học lúc đầu, về sau cần hạn chế theo dõi để tránh bị ảnh hưởng tâm lý)
- Tại sao doanh nghiệp cần IPO lên sàn?
- Tại sao các quỹ lớn rót tiền vào thị trường chứng khoán VN?
- Tiền của chúng ta đầu tư mua cổ phiếu có ý nghĩa & mang lại giá trị gì?
- Những rủi ro lớn nhất khi đầu tư chứng khoán?
- …
6. CÁCH TÌM RA Ý TƯỞNG ĐỂ LỰA CHỌN CỔ PHIẾU TỐT NGHIÊN CỨU
- Theo dõi danh mục đầu tư của các quỹ lớn đầu tư vào thị trường VN (VOF, VEIL, PYN ELYTE,…). Các quỹ lớn thường có quá trình phân tích & nghiên cứu DN rất kỹ nên sẽ #yên_tâm hơn
- Dạo một vòng & nghe ngóng từ các diễn đàn, forums, group & chuyên gia,… (chỉ mục đích tìm hiểu & phân tích, đừng nghe theo bất cứ ai). Trên các môi trường này chủ yếu là “đội lái”, trader & cũng rất nhiều newbie…
- Sử dụng bộ lọc theo chỉ số ROE, P/E trên các công cụ, website hỗ trợ để tìm ra các DN tiềm năng. (Mình hay dùng “bộ lọc cổ phiếu” của #Vietstock)
- Xem quảng cáo truyền hình (Doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán đang có động thái quảng cáo, truyền thông mạnh?)
- Top 3-5 các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất theo từng ngành nghề? (Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xây dựng, bất động sản, bán lẻ, CNTT, sản xuất, tiện ích, nông nghiệp,…)
- Top các doanh nghiệp trả cổ tức cao?
- Top doanh nghiệp trả lương cao?
- Các sản phẩm, dịch vụ của DN mà bản thân đang sử dụng?
- Quy mô từng ngành & sự tăng trưởng của các ngành nghề trong tương lai?
- Top các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh ở VN, Thế Giới trong 10-20 năm qua? (Nhận định lý do vì sao, tìm hiểu kỹ hoạt động kinh doanh của họ
- Top các doanh nghiệp thua lỗ & phá sản trên sàn chứng khoán. (Nhận định vì sao? Rút ra bài học & tránh đầu tư vào các DN này)
- Dự đoán nhu cầu thị trường, doanh nghiệp nào & ngành nào có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm tới ở VN? (Câu hỏi quan trọng)
- Ai sẽ lọt vào danh sách các tỷ phú đô la ở VN tiếp theo?
- Danh mục cổ phiếu theo chu kỳ & cổ phiếu dự phòng tốt nhất?
- Doanh nghiệp nào có tham vọng mở rộng, tham vọng tỷ đô trong tương lai?
- Top doanh nghiệp An Toàn trên sàn chứng khoán? (Tài sản nhiều, ít vay, MHKD lợi thế,…)
- Sử dụng phương pháp “lời đồn đại” của Philip Fisher
- …
»»» Dựa vào các gợi ý trên. Để chúng ta có thể tìm hiểu hàng trăm doanh nghiệp, lọc ra danh mục 15-25 cổ phiếu thực sự tiềm năng để theo dõi & tìm hiểu kỹ hơn.
7. KINH NGHIỆM TỰ HỌC PHÂN TÍCH BÁO CÁO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP?
(Quan trọng, bạn phải dành 1 ngày để học thành thạo điều này nếu muốn tự đầu tư chứng khoán hiệu quả!)
- Đọc hướng dẫn trong sách của Adam Khoo (2 cuốn: Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú, Chiến Thắng Trò Chơi Chứng Khoán)
- Tìm hiểu về lời khuyên đọc BCTC của Warren Buffett chia sẻ (tại sách: Sách lược đầu tư của W.Buffett)
- Tìm hiểu hướng dẫn qua các video, bài viết trên mạng (Thái Phạm, Phan Lê Thành Long,…)
- …
Có thể bạn sẽ thấy rối ren, rất khó tiếp thu các kiến thức này nếu không nhạy việc nghiên cứu các con số & các chỉ số/thuật ngữ mới. Sau đây là một số kinh nghiệm tự học của mình:
- Hãy học với một cái não mở & muốn tiếp thu thông tin, trong một trạng thái thoải mái thời gian (nên hiểu rằng đây là bước khó nhất của việc tự học đầu tư chứng khoán, vượt qua được nó mọi thứ còn lại rất dễ dàng)
- Hãy bắt đầu làm quen với các THUẬT NGỮ mới như: cổ tức, cổ phiếu, trái phiếu, cách đọc 3 bảng báo cáo tài chính, nắm công thức tính & hiểu ý nghĩa từng chỉ số/từng con số phản ánh điều gì, P/E, ROE, EPS,…
- Luôn có sổ ghi chép bên cạnh để ghi lại các thông tin quan trọng
- Tự thực hành với 1-2 BCTC đầu tiên, search nghe video các phân tích BCTC của các chuyên gia khác để so sánh & hoàn thiện khả năng phân tích
- Khi đã có thể bắt nhịp được ổn rồi, hãy tiếp tục phân tích hàng chục BCTC khác được tóm tắt lại các chỉ số quan trọng, mình hay xem trên website VietStock.
- …
MỞ RỘNG THÊM:
- Cách đọc bảng giá chứng khoán trực tuyến trên sàn – xem bảng điện tử (search google)
- Học cách Phân Tích Kỹ Thuật (cái này hơi khó hiểu, nhưng nếu dành thời gian ngâm cứu vẫn có thể tự học được. Nếu không bỏ qua cũng được vì mình thấy đã có các công cụ hỗ trợ & tỷ lệ chính xác cũng không cao lắm đâu)
- Học cách phân tích “biểu đồ giá chứng khoán từng mã theo thời gian”. Mình hay xem trên #Traderview & xem phân tích xu hướng mua/bán tại đây luôn.
- Nắm các thủ thuật “làm đẹp” BCTC của doanh nghiệp để tránh đưa ra các quyết định sai lầm
- Nắm cách “cá mập”, “đội lái” nuốt chửng “cá con” là các NĐT cá nhân như thế nào để biết cách tránh nó
- …
8. CÁC PHƯƠNG PHÁP & 10 TIÊU CHÍ LỌC CỔ PHIẾU TỐT? (Quan trọng)
- Dựa vào “PHƯƠNG PHÁP CANSLIM” – William O’Neil (hãy search Google hoặc đọc sách “Làm Giàu Từ Chứng Khoán”)
- Dựa vào “NGUYÊN TẮC 4M” – Phil Town
- Dựa vào triết lý ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ – Của Warren Buffett & Benjamin Graham
- Dựa vào 8 Tiêu Chuẩn Chọn Cổ Phiếu Của Adam Khoo (trong sách)
- Dựa vào “15 tiêu chí vàng lựa chọn cổ phiếu sinh lời tốt nhất của Philip Fisher”
- …
Có nhiều phương pháp được chia sẻ trong các sách & từ các chuyên gia, và mình nhận thấy các phương pháp này có nhiều điểm chung. Bản thân cũng tự chắt lọc để có các tiêu chí phù hợp…
MỘT SỐ TIÊU CHÍ MÌNH CHẮT LỌC ĐƯỢC: (Phù hợp cho thị trường VN)
- Tiêu chí 1: dựa vào chỉ số ROE. Doanh nghiệp có ROE >30% là rất đáng quan tâm. Đây là chỉ số ưu tiên số 1 của Warren Buffett khi ông đọc BCTC doanh nghiệp
- Tiêu chí 2: tỷ lệ vay nợ. VAY NỢ <3 lần THU NHẬP RÒNG. Là công ty khá an toàn về chỉ số tài chính. (tuy nhiên cũng cần lưu ý đặc thù mỗi ngành nghề sẽ có tỷ lệ vay nợ & sự an toàn khác nhau)
- Tiêu chí 3: chỉ số P/E. Dựa vào chỉ số trung bình ngành, trung bình thị trường & chỉ số P/E trong quá khứ của doanh nghiệp đó. Lưu ý: sẽ không có con số cố định, chỉ có dựa vào kinh nghiệm khi phân tích hàng trăm doanh nghiệp sẽ cho chúng ta biết PE ở mức bao nhiêu là rẻ hay mắc.
- Tiêu chí 4: chọn những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực & MHKD chúng ta có AM HIỂU về nó. Hoặc doanh nghiệp mà ta đang làm việc tại đó (ví dụ như bạn đang làm ở ngân hàng Tiên Phong Bank, có thể lựa chọn mua cổ phiếu TPB nếu tin vào sự tăng trưởng của nó)
- Tiêu chí 5: chọn doanh nghiệp có đội ngũ BAN LÃNH ĐẠO có [TÂM + TÀI + TẦM -> TIN TƯỞNG] để đặt niềm tin. ĐẶC BIỆT BLĐ liệu có KHÁT VỌNG LỚN để tiếp tục mở rộng quy mô hay không? Có làm việc vì lợi ích của NĐT hay không? (Cũng nên xem kỹ tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn, nếu quyền lợi của LÃNH ĐẠO đủ lớn & gắn liền với DN thì mới có động lực phát triển tốt được)
- Tiêu chí 6: chọn doanh nghiệp có TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG tốt trong 3-5 năm. (Theo mình >25%/năm ổn định cũng rất đáng quan tâm rồi, cũng tuỳ thuộc vào giai đoạn thị trường & kỳ vòng mỗi NĐT có thể đặt các mức cao hoặc thấp hơn)
- Tiêu chí 7: doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai bởi các yếu tố mới như: sản phẩm mới, thị trường mới, công nghệ mới,…
- Tiêu chi 8: doanh nghiệp có SẢN PHẨM TỐT, THƯƠNG HIỆU TỐT, QUẢN TRỊ TỐT,… (có các hoạt động R&D, Marketing, Quảng Cáo, Truyền Thông,… hiệu quả hay không?).
- Tiêu chí 9: quy mô doanh nghiệp đủ lớn (theo mình tài sản >1000 tỷ đã khá ổn, ưu tiên DN >5000 tỷ để an toàn hơn. Với những DN quá lớn cũng sẽ có sự “cồng kềnh” nhất định về tốc độ tăng trưởng)
- Tiêu chí 10: doanh nghiệp có “Con Hào Kinh Tế” rộng (bởi hệ sinh thái, quy mô, thương hiệu, công nghệ tiên tiến, bằng sáng chế,…). “Có lợi thế KHÁC BIỆT, ĐẶC BIỆT & DUY NHẤT!” (Câu này của #idol Đặng Lê Nguyên Vũ)
Lưu ý: chúng ta sẽ rất khó sàng lọc để có những doanh nghiệp hoàn hảo. Nhưng dựa vào “10 tiêu chí” mình tổng hợp được từ các phương pháp để giúp bạn có thể chọn ra những doanh nghiệp tuyệt vời, tạo ra LỢI NHUẬN PHI THƯỜNG. (Cũng đừng quá rập khuôn & cầu toàn để đáp ứng đủ các gợi ý mình nêu ra)
Để lựa chọn được CỔ PHIẾU TỐT + GIÁ RẺ. Chúng ta cần nắm “CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU”. Nội dung này bạn đọc thêm trong các sách & search trên Google để biết cách xác định.
9. XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM MUA VÀO?
(Nguyên tắc cá nhân, áp dụng cho giai đoạn từ 9/2020 ở TTCK VN)
- Mua vào ở thời điểm giá cổ phiếu đang có xu hướng tăng. “Đừng cố bắt lấy con dao đang rơi”. Cách để xác định CP đang ở xu hướng tăng bởi phân tích kỹ thuật, hoặc xem gợi ý phân tích bởi các công cụ.
- Mua vào khi DN có nguồn tiền lớn từ các quỹ đầu tư rót vào cho việc mở rộng (đi theo vết chân người khổng lồ)
- Mua vào khi thị trường chứng khoán suy giảm một thời gian dài & đang bước vào giai đoạn phục hồi (cũng cố)
- Chọn cổ phiếu tốt ở vùng giá đã giảm 30-50% với đỉnh, 15-30% so với giá trị giai đoạn đầu năm nay. (Chọn các doanh nghiệp có chỉ số tài chính an toàn, kinh doanh bị ảnh hưởng & giá cổ phiếu giảm bởi covid)
- Theo dõi kết quả BCTC quý 3,4 sắp tới (sẽ có nhiều DN có kết quả kinh doanh không tốt, lúc đó giá cổ phiếu có thể sẽ giảm mạnh)
- Theo dõi kết quả bầu cử Mỹ
- Theo dõi các quỹ lớn, động thái của NĐT thiên tài Warren Buffett. (Giai đoạn này ông ấy vẫn đang giữ rất nhiều tiền mặt & nhận định chưa có cơ hội nào thực sự rõ ràng. Vì thế chúng ta cũng không cần quá gấp gáp)
- Chờ đợi xuất hiện “thiên nga đen”, các cơ hội rõ ràng hơn. (Như đợt tháng 3/2020 – thị trường tụt về mốc 659 điểm & phục hồi lại rất nhanh sau đó. Điều này là minh chứng cho tiềm năng kinh tế VN ở thời điểm hiện tại)
- Chờ đợi khi có thông tin tiêu cực nào đó ảnh hưởng đến tâm lý NĐT cá nhân, ví dụ như:
+ Thay đổi ban lãnh đạo (CEO)
+ Scandal, tin xấu nào đó
+ Một số quỹ bán vì thay đổi danh mục đầu tư, chốt lời, giữ tiền mặt,… (tức DN đó vẫn tốt & tiềm năng, nhưng Quỹ lớn vẫn có thể bán ra vì một số lý do nào đó)
+ Thể hiện kết quả kinh doanh giảm sút
+ Những tác động ảnh hưởng đến tâm lý & thị trường (bởi chính phủ, thế giới,…)
+ …
Sẽ rất khó xác định được thời điểm & mức giá chính xác. Trong diễn biến hiện tại tiếp tục chờ đợi sẽ có những cơ hội rõ ràng hơn.
Hiện tại thị trường chứng khoán VN đang ở vùng 900 điểm. Với những cổ phiếu tốt mà giá đã sụt giảm 20-50% so với đỉnh năm 2018, giảm 15-30% so với đầu năm 2020, thì NĐT có thể CÂN NHẮC để mua vào (với 1/2 hoặc 1/3 tiền vốn đầu tư).
Đừng lo lắng về việc sụt giảm giá trị của cổ phiếu trong ngắn hạn, khi đã chọn các DOANH NGHIỆP TỐT thì khả năng phục hồi sau đó sẽ rất nhanh thôi!
10. XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM BÁN RA?
- Khi thị trường ở giai đoạn #BÙNG_NỔ của chu kỳ kinh tế
- Khi P/E đã vượt khá cao (theo mình P/E trung bình mà >20 thì chúng ta cần hết sức cân nhắc). P/E tăng mạnh là bởi KỲ VỌNG LỚN vào tương lai của NĐT, do đó giá đã đi quá xa với giá trị thực của doanh nghiệp
- Khi giá cổ phiếu đã tăng x2-5 lần & đạt target
- Khi cần giữ tiền mặt & chờ đợi các cơ hội rõ ràng hơn
- Thời điểm thị trường tràn ngập tin tốt (NĐT mới mở tài khoản nhiều, dòng tiền mới từ NĐT CÁ NHÂN đổ tiền vào TTCK). Đây là giai đoạn “hút máu” của cá mập
- Khi ai cũng chiến thắng trên TTCK, các NĐT khoe khoang thành tích ở khắp nơi.
- …
Một số trường hợp khác:
- Khi chúng ta cần thay đổi danh mục đầu tư, vì có các lựa chọn tốt hơn
- Khi chúng ta đã lỡ quyết định sai & chấp nhận cắt lỗ
- Khi doanh nghiệp có những động thái tiêu cực gây ảnh hưởng về dài hạn
- Khi doanh nghiệp không còn các LỢI THẾ TĂNG TRƯỞNG nữa (bởi đối thủ, thị trường, động lực từ BLĐ,…)
- …
11. TỔNG HỢP NHỮNG LỜI KHUYÊN, CÂU NÓI HAY & NGUYÊN TẮC BẤT BIẾN KHI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN:
- Thị trường thường VÔ LÝ, nó bị tác động bởi tâm lý NĐT & tin tức
- Phần lớn người ta mua bán theo cảm xúc, chứ không phải dựa vào phân tích
- Các cổ phiếu tăng nhiều nhất thường đến bởi kết quả kinh doanh đột biến trong quý/năm đó của doanh nghiệp. Và ngược lại, giá cổ phiếu sẽ giảm mạnh nếu kết quả kinh doanh trong quý/năm thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra
- Cổ phiếu giá cao sẽ tiếp tục tăng giá & ngược lại. Doanh nghiệp tốt & tăng trưởng nhanh thường có P/E rất cao
- Người tham lam luôn muốn mua ở đáy bán đỉnh. Người kinh nghiệm mua ở vùng an toàn, bán ra khi sắp lên đỉnh
- Dù là NĐT giỏi đến mấy, vẫn phải có lúc cắt lỗ
- Nguồn tin đáng tin cậy nhất đó là BCTC của doanh nghiệp, đã được kiểm toán bởi đơn vị tin cậy.
- KHÔNG AI CÓ THỂ DỰ ĐOÁN XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG TRONG NGẮN HẠN
- Thị trường tăng bởi một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt
- Người khổng lồ luôn để lại dấu chân
- Nếu không mua cổ phiếu tốt, sớm muộn bạn cũng phải rời khỏi cuộc chơi
- Cổ phiếu tốt & DN hoạt động ổn định vẫn sẽ bị ảnh hưởng khi thị trường gặp tin xấu. Đây là cơ hội tốt để mua vào!
- “Biên lợi nhuận” quyết định khả năng mở rộng của doanh nghiệp
- Tâm lý học: con người thường nghĩ mình thông minh hơn người khác (tôi thông minh hơn, tôi sẽ thắng, tôi sẽ thoát kịp thời,…). Nhưng cũng vì điều đó mà phần lớn NĐT bị mất tiền
- Khi thị trường đi lên ai cũng là chuyên gia. Khi thị trường đi xuống mới biết ai đang tắm truồng.
- Tốt hơn là nên mua một công ty tuyệt vời với mức giá hợp lý hơn là công ty hợp lý với mức giá tuyệt vời.
- Đặc thù của TTCK là thị trường của ĐÁM ĐÔNG. Tuy nhiên, 95% đám đông thường mất tiền
- Hiện tượng “thiên nga đen” không phải là một điều xấu. Nó là cơ hội tốt để mua cổ phiếu với giá rẻ
- Đầu tư vào thời điểm không chắc chắn, lúc nào cũng có lãi cao hơn khi mọi thứ đã quá rõ ràng
- …
12. TỔNG KẾT
Tại sao không NĐT nào giàu như Warren Buffett?
“Vì chẳng ai muốn giàu chậm cả!”
Đầu tư giá trị, cứ để cổ phiếu tăng trưởng theo đúng với giá trị của nó. Bị tác động bởi tin tức & giao dịch quá nhiều sẽ khiến chúng ta mất tiền. Đôi khi người chết lại đầu tư hiệu quả hơn người còn sống, hay người ở trong tù lại kiếm tiền tốt hơn người tự do. Chúng ta CHỈ NÊN TẬP TRUNG RẤT ÍT GIAO DỊCH VỚI CHẤT LƯỢNG CAO!
Những nội dung mình chia sẻ có nhiều ý lấy từ các lời khuyên của chuyên gia, ở trong các sách. Đó là những gì mình đúc kết được nên khó tránh trùng lặp ý.
Trong một bài viết thế này cũng rất khó truyền tải chi tiết các ý. Và cũng nhiều quan điểm có thể sai, do đó bài viết chỉ mang tính tham khảo & mỗi NĐT nên tự nghiên cứu kỹ & chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.
Mình cũng KHÔNG KHUYẾN KHÍCH người mới tham gia thị trường. Nếu đọc tới đây & bạn thấy chứng khoán là hình thức đầu tư rủi ro & khó hiểu. Đừng tham gia thị trường & lựa chọn những hình thức khác an toàn hơn để tránh mất tiền.
Hoặc bạn có hứng thú bởi nó? Hãy nên tự nghiên cứu để trang bị kiến thức NỀN MÓNG giúp mình đầu tư hiệu quả hơn. Sau quá trình tự học & nghiên cứu, không khó để chúng ta chọn ra các cổ phiếu tốt, nhưng điều khó nhất đó là các QUYẾT ĐỊNH mua vào, bán ra ở thời điểm thực sự đúng đắn.
TỰ TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA & ĐẦU TƯ THEO CÁC NGUYÊN TẮC CỦA MÌNH.
Chúc bạn tự học & đầu tư chứng khoán hiệu quả!
Chia sẻ bởi: Trần Thịnh Lâm – Founder ATP Software
5
3
đánh giá
Đánh giá bài viết