Gần hết năm 2019, có vẻ tình hình kinh doanh, công việc… năm 2019 của nhiều bạn khá ảm đạm và có lẽ năm 2020 cũng sẽ có rất nhiều khó khăn phía trước, thậm chí thể thảm hơn. Vậy làm thế nào để khởi nghiệp, làm thế nào để giảm áp lực cạnh tranh và làm thế nào để công việc của bạn khá khẩm hơn?
Những khó khăn trong kinh doanh 2020 theo mình nó đến từ một số nguyên nhân sau:
(1) Môi trường thay đổi quá nhanh, trong khi nhiều người không chịu học và trang bị những kiến thức mới cho mình, cứ ngồi ở nhà và chê những người đang chia sẻ hàng ngày “toàn lý thuyết suông’’;
(2) Thông tin dễ dàng tiếp cận, nhà cung cấp ngày càng nhiều nên khách hàng ngày càng khó tính và khắt khe hơn;
(3) Sự phát triển bùng nổ của internet và dịch vụ giao hàng (shipper) làm cho việc kinh doanh dễ dàng hơn, gần như người người, nhà nhà ai cũng kiếm được cho mình cái gì đó để bán online;
(4) Tự động hóa và công nghệ đã lấy đi nhiều việc làm. Ví dụ như mấy móc tự động trong sản xuất, robot bán hàng, chatbot trong marketing online…
VẬY PHẢI LÀM SAO ĐỂ KHÔNG CHẾT CHÌM – KHI KINH DOANH Ở 2020 NÀY?
1. Biết mình là ai? tầm nhìn hay “miệng giếng”?
Đầu tiên, đối với những người không làm công việc kinh doanh, những người đang đi làm hưởng lương. Các bạn đừng tưởng mình giỏi, mình ngon, đừng ngồi ở nhà lo ăn nhậu, chơi game và tự khen mình giỏi. Thế giới họ đi xa lắm rồi, sắp xây nhà ở sao hỏa hồi, còn các bạn thì cứ mãi quanh quẩn ở lũy tre làng. Các khóa học miễn phí, có phí đủ thứ loại bây giờ rất nhiều.
Thứ hai, đối với những bạn đang làm kinh doanh hoặc đang có ý định khởi sự kinh doanh, nên xem xét và trả lời rõ 07 câu hỏi dưới đây thì may ra mới thành công.
2. Tự trả lời được 7 câu hỏi này trước đi đã
1. Sản phẩm, dịch vụ của bạn là gì?
Thông thường mỗi người chỉ mạnh ở một vài lĩnh vực nào đó thôi. Vì vậy trước tiên bạn phải xem sản phẩm, dịch vụ đó nó có thuộc sở trường, sở thích, đam mê của bạn hay không? Cách tốt nhất để né cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro là hãy tìm một sản phẩm ngách hoặc thị trường ngách. Ví dụ như sữa hạt dành cho bà bầu cũng là một sản phẩm ngách dành cho một thị trường ngách.
2. Khách hàng mục tiêu của bạn là ai?
Hộ gia đình, doanh nghiệp, bà mẹ bỉm sữa, công nhân, sinh viên hay doanh nhân…? Mỗi đối tượng khách hàng này có thu nhập và thói quen mua sắm khác nhau nên bạn phải thiết kế một chân dung khách hàng thật rõ để cách tiếp cận và truyền thông hiệu quả nhất.
3. Kênh phân phối của bạn như thế nào?
Bán hàng online hay offline, bán qua Facebook, Google hay thương mại điện tử? Bán qua hệ thống đại lý, siêu thị, tạp hóa hay bán trực tiếp cho người tiêu dùng? Giao hàng miễn phí hay tính phí…?
4. Từ việc chọn khách hàng mục tiêu và kênh phân phối nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc thiết kế giá bán như thế nào?
Ví dụ sản phẩm của bạn nhắm tới công nhân thì bạn chỉ có thể làm bao bì đơn giản, không cần phải hộp gỗ, nỉ, da… sang trọng, mục tiêu là bán số lượng nhiều chứ không thể bán giá cao được vì thu nhập của họ khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Ngược lại sản phẩm của bạn nhắm tới các quan lớn thì yếu tố sang trọng phải được đặt lên hàng đầu, bạn có thể định giá rất cao, nhưng số lượng bán chắc chắn không quá nhiều.
5. Giá trị gia tăng là gì?
Trong kinh doanh bây giờ sự khác biệt về công nghệ sẽ không quá lớn. Vì vậy để tạo sự khác biệt bạn nên tập trung vào tạo giá trị gia tăng cho khách hàng. Ví dụ như được đổi trả hàng trong vòng 1 năm; nhân viên phục vụ lễ phép; cô gái bán hàng là các hotgirl; giao hàng trong vòng 1 tiếng đồng hồ; khách hàng không hài lòng có thể không trả tiền; làm trước, thu tiền sau…
6. Dòng tiền đến từ đâu?
Cái này rất quan trọng nhưng nhiều người lại mông lung ở chỗ này. Nhiều khi dòng tiền của doanh nghiệp không đến từ việc bán sản phẩm, dịch vụ chính. Ví dụ công ty đào tạo nguồn thu chính của họ là từ bán sách và tư vấn cho doanh nghiệp; Spa làm đẹp nguồn thu đến từ việc đào tạo học viên; ứng dụng gọi xe nguồn thu đến từ việc cho vay tài chính cá nhân; Công ty nông sản nguồn thu đến từ việc mua bán nông trại… Nghe thì nó rất ngược đời nhưng nó rất logic và hợp lý.
7. Năng lực lõi của bạn là gì?
Bạn đừng tham để “làm tất ăn cả”. Hãy xem bạn mạnh mảng nào thì tập trung vào thế mạnh đó. Ví dụ bạn mạnh về kinh doanh nhưng yếu về sản xuất, kho vận có thể xem xét thuê ngoài; hoặc bạn kinh doanh nhà hàng nếu giỏi trồng trọt thì hãy đầu tư nông trại, nếu không hợp tác với nông trại để họ cung cấp rau, với vựa hải sản để họ cung cấp hải sản…
Những câu hỏi trên không có câu hỏi nào là quan trọng nhất, nhì, ba… nó tùy thuộc vào năng lực của bạn, điểm mạnh của bạn và cách bạn chọn lựa mục tiêu cho mình vì đơn giản CHIẾN LƯỢC LÀ MỘT SỰ LỰA CHỌN, không có ĐÚNG – SAI. Lựa chọn cái gì không quan trọng, quan trọng là bạn phải có một ý chí chiến đấu gan lì không bỏ cuộc, luôn mở cái đầu (open your mind) để học hỏi và tiếp thu những cái mới thì chắc chắn bạn không chết.
Nguồn: Facebook Mai Quoc Binh