1. Nhận Thức Thẳng Thắn Thói Quen Xấu Của Chính Mình
Nếu bạn chưa thấy được thói quen xấu tồn tại trong mình thì bạn sẽ chưa thể hành động chiến thắng nó. Do đó, trước tiên, hãy nhìn nhận chính mình, thấy được quãng thời gian mà bạn đã để cho việc trì hoãn diễn ra quá nhiều, bạn đã lỡ bao nhiêu việc, nếu làm đúng tiến độ thì kết quả đã thay đổi tốt hơn ra sao và bạn có thể làm được tốt hơn hay không.
Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang “dung túng” cho thói quen trì hoãn công việc như: vắt chân lên cổ để làm cho xong deadline ngày cuối cùng, chờ khi có “hứng” mới bắt tay vào làm, không có “hứng” thì đi uống cafe, tám chuyện, làm những việc lặt vặt không tên khác, đọc email hàng tiếng mà không bắt tay vào giải quyết vấn đề.
Khi nhận thức về thói quen xấu, bạn nên tìm lý do gây nên thói quen này của mình. Tại sao bạn lại có thói quen này, thói quen này bắt nguồn từ đâu, và có ảnh hưởng gì đến công việc cũng như mọi người xung quanh hay không… Một vài lý do có thể đưa ra thông thường như: chưa yêu thích công việc, chán ghét công việc, kỷ luật kém, không có tổ chức, quá tự tin vào khả năng của bản thân, thiếu người giám sát chỉn chu.
Khi nhìn nhận chính điểm yếu này của mình, tìm ra nguyên nhân của thói quen xấu, và quyết tâm từ bỏ nó thì bạn mới có thể dứt bỏ được nó một cách dứt khoát.
2. Lên Kế Hoạch Công Việc Và Có Deadline Cụ Thể
Hãy bắt đầu bằng việc lên kế hoạch cho công việc của mình, các đầu việc nên cụ thể, rõ ràng, càng chi tiết càng tốt để bạn có thể thực hiện theo. Bên cạnh đó bạn cũng phải ghi deadline hạn cuối cụ thể để bản thân theo đó thực hiện.
Ưu tiên những việc quan trọng, gấp rút trước và các công việc nhỏ hơn sau. Bằng cách này bạn sẽ thấy được các công việc trong ngày/tuần/tháng mà mình phải thực hiện, nếu không hoàn thành công việc trong ngày sẽ ảnh hưởng đến kết quả tuần/tháng… Khi bạn nhìn rõ các công việc có ảnh hưởng đến nhau như vậy thì sẽ thúc giục bạn làm nhanh hơn, không được trì hoãn như xưa.
3. Lập Thời Khóa Biểu Linh Hoạt
Khi lên kế hoạch công việc và lập thời khóa biểu, nên linh hoạt thêm các hoạt động bên lề, hoạt động thể thao, giải trí (như chơi thể thao, bơi, tập thể dục, gym, yoga…) để sau mỗi giờ làm, hoàn thành công việc bạn có thể vui vẻ hào hứng hơn.
Tránh việc thời khóa biểu lập ra chỉ có việc, việc và việc khiến chính bạn cũng ngán ngẩm, não nề mỗi khi bắt đầu làm việc. Mà theo quy luật, càng ức chế, bạn lại càng không muốn làm và thói quen trì hoãn tiếp tục có cơ hội tung hoành rồi đó.
4. Tìm Không Gian Làm Việc Hiệu Quả
Không nên làm việc trong khi xung quanh đang diễn ra những hoạt động giải trí rầm rộ, ti vi nhạc ầm ĩ khiến bạn mất tập trung. Nếu trong môi trường công sở thì bạn cũng nên chọn nơi yên tĩnh, tập trung tối đa, tránh những nơi nói chuyện nhiều, âm thanh náo loạn…
Việc tập trung rất quan trọng vì khi bạn bị làm phiền bởi những yếu tố tác động bên ngoài, bạn sẽ rất dễ làm hòa với nó, bỏ dở công việc để tham gia với những hoạt động đó. Vô hình chung bạn sẽ trì hoãn công việc lâu hơn.
5. Đặt Ra Quy Định Thưởng, Phạt Với Chính Mình
Khi gò mình vào việc phải chiến thắng thói trì hoãn, bạn cũng nên đặt ra quy tắc thưởng phạt công minh dù là cho chính mình. Mức thưởng đôi khi rất nhỏ như được thoải mái 30 phút xem những trang web bạn yêu thích, được thư thái 15 phút uống cà phê tán gẫu với đồng nghiệp… nhưng nó sẽ khiến bạn vui hơn khi hoàn thành công việc đúng tiến độ.
Còn khi bạn không hoàn thành công việc đúng thời hạn thì có thể rút ngắn thời gian thưởng lại và dành thời gian cho công việc nhiều hơn. Tất nhiên bạn không nên quá hà khắc với bản thân mà từ từ, vị tha để dần dần có thói quen tốt hơn.
6. Nhờ Người Khác Giúp Đỡ
Nếu tự mình quyết tâm không được, bạn có thể nhờ đồng nghiệp, người thân, bạn bè, chuyên gia… giúp đỡ. Những người sẽ nhắc nhở bạn khi bạn chưa hoàn thành công việc, đốc thúc bạn làm đúng deadline…
Trên đây chỉ là một số cách để bạn có thể vận dụng chiến thắng thói quen trì hoãn công việc. Để chiến thắng tốt nhất vẫn là tự bản thân bạn mà thôi, nếu có quyết tâm bạn sẽ làm được, còn nếu không quyết tâm thì căn bệnh cố hữu này sẽ còn đeo bám bạn lâu dài.