Tên thương hiệu là một vấn đề cực quan trọng và gây đau đầu khiên các nhà quản trị, kinh doanh phải luôn dành rất nhiều thời gian để cân nhắc. Đặc biệt nếu bạn định hướng và sứ mệnh của thương hiệu đặt ở tầm cao bạn càng phải cân nhắc kỹ về vấn đề bản quyền, văn hóa, sắc tộc và đặc biệt hơn là phù hợp với yếu tố con người, sản phẩm. Để đặt được 1 cái tên thương hiệu phù hợp thật sự không phải dễ, hãy cùng tham khảo một số nguyên tắc trong vấn đề đặt tên thương hiệu dưới đây nhé.
Tên thương hiệu là gì?
Tên thương hiệu là một cái tên được cấu thành bởi những chữ cái và các âm tiết có thể mô tả về sản phẩm, dịch vụ, cá tính, ý nghĩa về doanh nghiệp, thương hiệu…
Tên thương hiệu có những đặc điểm dưới đây:
– Đó cũng có thể là một từ ghép hoặc một từ được tạo ra hoàn toàn mới mà không hề có trong từ điển.
– Đặc biệt, nó là đại diện cho công ty để giao tiếp với khách hàng, đối tác mục tiêu.
– Nếu tên thương hiệu của công ty bạn chuyên nghiệp, thu hút thì mới có thể gia nhập thị trường dễ dàng.
– Với một cái tên rõ ràng và ý nghĩa thì khách hàng sẽ lưu tâm hơn, ghi nhớ hơn và sản phẩm, dịch vụ sẽ dễ dàng được gọi tên, mô tả trong các câu chuyện của họ.
– Tên thương hiệu phải mang tới thông điệp của thương hiệu, truyền đạt cảm xúc, giá trị của sản phẩm và dịch vụ.
9 nguyên tắc đặt tên thương hiệu người kinh doanh cần lưu ý
YẾU TỐ BẢO HỘ VỚI TÊN THƯƠNG HIỆU
Nguyên tắc đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khi bạn đặt tên của thương hiệu mình là đảm bảo được tính độc quyền của nó. Tên thương hiệu phải được bảo hộ về mặt pháp lý, tránh những trường hợp bị đạo nhái, gây nhiều rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy, khi đặt tên, bạn nên tránh tạo ra những điểm tương đồng với những đơn vị khác cùng ngành. Hay để đảm bảo nhất, hãy tiến hành kiểm tra tại Dữ liệu sở hữu trí tuệ Quốc gia trước khi đưa vào sử dụng trên thực tế. Trường hợp bất đắc dĩ, doanh nghiệp có thể cân nhắc phương án bảo hộ cho mình bằng hình ảnh (logo) thay vì cái tên. Nhưng trên tất cả vẫn cần đảm bảo đúng tính chất độc quyền của thương hiệu mình.
ĐẶT TÊN LƯU Ý GIẢM THIỂU SỰ NHÀM CHÁN, TẺ NHẠT
Người tiêu dùng hiện nay đang ngày ngày bị choáng ngợp với các tên công ty và sản phẩm ganh đua để có sự chú ý và lựa chọn của họ. Thông thường, các thương hiệu chỉ có một vài giây để tạo ấn tượng với khách hàng. Chọn một tên nhàm chán, tẻ nhạt hoặc na ná thương hiệu khác sẽ đặt bạn vào thế bất lợi ngay từ đầu – mọi người chỉ bị lôi cuốn bởi một cái tên gợi cảm, ý nghĩa và mang tính cá nhân.
ĐẢM BẢO TÊN MIỀN WEBSITE KHÔNG TRÙNG
Hầu hết các website đều được đặt theo tên thương hiệu để dễ dàng tìm kiếm và ghi nhớ. Do đó, nếu không thể đăng ký tên miền thì doanh nghiệp nên cân nhắc việc thay đổi, phát triển tên khác để đảm bảo việc đăng kí diễn ra sớm nhất có thể. Hãy nhìn ví dụ sau: Trang web đầu tiên của Uber có tên UberTaxi.com. Trong năm 2010, Uber đã mua lại tên miền Uber.com từ phía chủ của nó là Universal Music Group. Dù mới là doanh nghiệp non trẻ, startup này đã sử dụng vốn chủ sở hữu để mua tên miền với giá khoảng 1 triệu đô la. Bốn năm sau, giá trị của Uber được báo cáo là 17 tỷ đô la.
Ngoài ra, nếu tên miền giống nhau hoặc tương tự nhau, doanh nghiệp có nguy cơ sẽ gây nhầm lẫn cho khách hàng hoặc có thể tiếp tục gặp phải vấn đề liên quan tới đăng ký bản quyền thương hiệu. Trước khi quyết định một tên ngắn hơn, hãy chắc chắn rằng mình đã tiến hành việc nghiên cứu và tìm hiểu thị trường kĩ càng.
SIRI, CORTONA, ALEXA… CÓ THỂ ĐÁNH VẦN HAY PHÁT ÂM ĐƯỢC KHÔNG?
Với sự phát triển của tìm kiếm bằng giọng nói, tên miền hay tên thương hiệu của bạn không nên làm robot bối rối bởi chúng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc truy cập trang web và lựa chọn sản phẩm giups con người. Ngoài ra, robot hay con người cũng có thể mắc một số lỗi sai chính tả nên bạn cần lường trước các trường hợp có thể xảy ra và mua lại để chuyển hướng các tên miền tương tự về website của mình.
ĐỀ CAO TÍNH ĐƠN GIẢN, DỄ NHỚ
Sự đơn giản thường là yếu tố tác động mạnh mẽ đến trí nhớ con người. Trong một báo cáo bởi Prezi, 80% khách hàng sẽ quên đi nội dung từ phía thưởng hiệu chỉ 3 ngày sau đó. Do đó, không thể đòi hỏi khách hàng phải nhớ tên thương hiệu của bạn nếu nó quá phức tạp, khó đọc. Một lời khuyên quan trọng giúp tên thương hiệu dễ nhớ hơn là tên có chứa các nguyên âm o, a, i, e. Hãy nhìn vào tên các thương hiệu lớn trên thế giới như Honda, Yamaha, Coca Cola, Amazon, Mercedes, Audi, Virgin, Motorola, Lenovo… Các nguyên âm sẽ giúp mặt chữ đẹp hơn, tên cân đối, dễ đọc và dễ nhớ hơn. Hiện nay, khách hàng đã và đang có quá nhiều nội dung phải tiếp nhận mỗi ngày. Do đó mà những cái tên đơn giản sẽ chính là yếu tố giúp doanh nghiệp ghi điểm trong tâm trí người mua hơn bao giờ hết.
LƯU Ý VỀ NHỮNG TỪ NGỮ XẤU XA, THÂM THÚY, CHÂM BIẾM NGƯỜI KHÁC/VĂN HÓA/ĐỐI THỦ
Một tên thương hiệu dí dỏm có thể rất hấp dẫn đối với đúng đối tượng. Tuy nhiên, khi nói đến một cái tên, đừng nên gắn liền với một ẩn dụ mơ hồ mà chỉ một số ít khán giả mục tiêu của bạn sẽ có thể nhớ nhanh chóng. Một cái tên khó có nghĩa là bạn sẽ mất một khoản chi phí ban đầu để giới thiệu, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của bạn.
PHIÊN DỊCH VÀ KIỂM TRA KỸ NẾU CHUYỂN ĐỔI THÀNH CÁC NGÔN NGỮ NƯỚC KHÁC
Đã có không ít trường hợp những công ty dở khóc dở cười với tên thương hiệu khi nó mang nghĩa tiêu cực tại thị trường nào đó. Hay có những tên không gặp vấn đề về nghĩa, nhưng nếu đọc thành tiếng thì âm của nó có thể được liên tưởng với những thứ tiêu cực, nhạy cảm. Vào năm 1991, hãng xe hơi Mazda đã tung ra dòng sản phẩm có tên gọi Laputa tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên vấn đề khiến nhãn hàng phải xem xét lại đó là “Puta” trong tiếng bản địa có nghĩa là “gái mại dâm”. Hoặc trường hợp mì Sagami tại Việt Nam thật không may khi trùng với tên của thương hiệu bao cao su Sagami tại Nhật Bản. Vì vậy, một vài nghiên cứu nhỏ về ngôn ngữ học cho cái tên của mình có thể giúp bạn loại bỏ được rất nhiều hiểu lầm nảy sinh sau này.
NÂNG CAO TIÊU CHÍ VÀ XOAY QUANH PHÂN KHÚC THỊ TRƯỜNG VÀ KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU
Nguyên tắc này cũng cần chú trọng rất nhiều bởi nó tác động trực tiếp tới hiệu quả của cả chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp trong tương lai, không bị chệch hướng. Khi đặt tên thương hiệu, hãy xác định rõ thị trường mục tiêu (Việt Nam hay nước ngoài), phân khúc (thấp – trung hay cao) và khách hàng mục tiêu là ai? Với phân khúc bình dân thì tên cần hướng tới sự đơn giản, dễ nhớ nhất có thể để khách hàng phổ thông, người lao động, nông thôn hay thành thị đều có thể đọc được. Ngược lại nếu thương hiệu của bạn định vị ở phân khúc cao cấp, hoặc một số ngành đặc thù như trang sức, thời trang cao cấp… thì tên cả âm cả chữ cần tạo được cảm giác sang trọng. Sẽ thật vô nghĩa nếu tên thương hiệu thành công trong việc thu hút nhóm khách hàng khác nhưng lại thất bại trước khách hàng mục tiêu. Do đó, hãy sáng tạo một cái tên độc đáo nhưng vẫn luôn phải nhớ hướng tới nhóm đối tượng của doanh nghiệp mình.
ĐẢM BẢO KHẢ NĂNG TÙY BIẾN, TẠO TÍNH MỚI
Đi cùng thời gian và sự phát triển của mỗi thương hiệu, sự thay đổi của thời đại có thể khiến cái tên dần không mang lại hiệu quả như mong đợi. Do đó việc thay đổi tên kịp thời có thể coi là cơ hội “đổi vận” cho chính doanh nghiệp..
Google – một trong những công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới đã từng có cái tên rất khác trong những giai đoạn đầu. Công cụ này từng có tên là BackRub, gợi nhắc tới cách các công cụ này phân tích backlinks. Sau đó cái tên đã được rút gọn lại và Google được đăng ký bản quyền vào ngày 15 tháng 9 năm 1997.
6/7/2006, Google đã trở thành một động từ mới trong từ điển tiếng Anh. Công ty xuất bản Merriam-Webster tuyên bố họ đã thêm Google dưới dạng động từ chuyển tiếp, nghĩa là “sử dụng công cụ tìm kiếm Google để lấy thông tin về một thứ gì đó trên World Wide Web.”
Xét đến một ví dụ khác: Có lẽ hầu hết chúng ta đều đã từng biết hoặc thử một lần Pepsi trong đời nhưng không phải ai cũng nắm rõ được câu chuyện hình thành cái tên này. Vào năm 1893, Caleb Bradham đã phát triển được một công thức đồ uống độc đáo từ hạt cola và tự hào đặt tên cho công thức này là Brad’s Drink theo tên của mình.
5 năm sau đó, Brad’s Drink đã đổi tên thành Pepsi-Cola, theo tên một enzyme hỗ trợ tiêu hóa là Pepsin. Thương hiệu này sau đó đã rút gọn lại thành Pepsi vào năm 1961 – cái tên mà theo nhiều người nhận định là mang lại cảm giác “tươi mát” hơn hẳn.
Tổng hợp
ATP SOFTWARE