Amazon đang được mệnh danh là ông hoàng của các sàn thương mại điện tử. Tháng 3 năm 2018 Amazon chính thức gia nhập và Việt Nam. Điều này khiến các sàn thương mại tại Việt Nam như Lazada, Shopee, Tiki,… không khỏi lo lắng. Từ góc độ nhà quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, sự kiện này sẽ có ảnh hưởng gì đến họ? Liệu đây có phải là mối nguy cho doanh nghiệp TMĐT Việt Nam hay không?
Amazon – Thương hiệu đắt giá nhất thế giới
Amazon – Một thương hiệu luôn xuất hiện trong Top 10 thương hiệu đắt giá nhất Thế giới. Theo tạp chí World Trademark Review (Anh), trong bảng xếp hạng 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới (Brand Finance Global 500 ) mới nhất của công ty Brand Finance, Amazon đã giành vị trí quán quân mà Google từng nắm giữ năm ngoái. Giá trị thương hiệu Amazon đã nhạy vọt lên mức 150,8 tỉ USD (tăng 42%) được cho là có sự góp sức của nhiều nhân tố.
Một điều thú vị là mặc dù Amazon gây dựng thành công của họ chủ yếu từ không gian mạng, nhưng việc công ty này thời gian qua đã có những động thái đáng kể trong việc thâm nhập thị trường thực tế cũng góp phần không nhỏ cho bước tăng trưởng đáng gờm về giá trị thương hiệu của họ.
Trong báo cáo công bố ngày 31-1, công ty Brand Finance cho rằng, việc Amazon thâu tóm chuỗi cửa hàng Whole Foods với giá 13,7 tỉ bảng Anh rõ ràng đã tạo cho họ một chỗ đứng đáng kể trong thị phần kinh doanh với các cửa hàng thực tế.
Ưu thế vượt trội của Amazon được đồ rằng sẽ còn tiếp tục khi vừa qua tên công ty này xuất hiện trong rất nhiều tít báo nổi bật của truyền thông quốc tế với việc họ đưa vào triển khai cửa hàng bán lẻ Amazon Go không nhân viên phục vụ tại Seattle.
Cũng theo Brand Finance, sự hiện diện của Amazon trong các lĩnh vực như vận chuyển hàng hóa, tải phim và nhạc trực tuyến cùng với những đồn đoán trong giới về một thương vụ thâu tóm ngân hàng chuẩn bị diễn ra trong năm nay của họ cho thấy, phương thức tiếp cận thị trường đa dạng đang tạo một ưu thế thống lĩnh thị trường và củng cố giá trị thương hiệu cho họ.
Cùng với sự soán ngôi thương hiệu mạnh toàn cầu của Amazon, có thể thấy rõ công nghệ vẫn là lĩnh vực chủ chốt giành được ưu thế về giá trị thương hiệu hiện nay.
Không chỉ giỏi kinh doanh, Amazon còn là bậc thầy marketing
Bí quyết ‘đốn tim’ khách hàng của Amazon đến từ sự chăm sóc tận tình đến từng cá nhânkhiến khách hàng có trải nghiệm mua sắm online hài lòng không khác gì có một nhân viên tư vấn bên cạnh.
Cung cấp danh sách sản phẩm tham khảo chi tiết
Đây có thể là chiêu dễ nhất trong việc chăm sóc khách hàng mà chính Amazon là người tiên phong. Chiếm 60% trang chủ của Amazon là các sản phẩm tham khảo cho từng người dùng. Nghiên cứu của Forrester và Gartner cho thấy một chiến lược giới thiệu các sản phẩm liên quan được thực hiện tốt có thể tăng doanh thu tới 300%. Đó chính xác là điều Amazon đang thực hiện và khách hàng của họ không thể ngó lơ các món hàng xuất hiện ở danh sách sản phẩm đề nghị.
Mang đến cho khách hàng trải nghiệm cá nhân
Amazon thực hiện tốt điều này với từng người dùng khi nắm rõ lịch sử truy cập của từng người, phân loại những mặt hàng họ yêu thích, lựa chọn thêm những món đồ liên quan và trình bày một cách đẹp mắt mỗi khi người dùng truy cập vào. Không chỉ ở trang chủ, với mỗi tài khoản khách hàng, Amazon thay đổi thứ tự các hạng mục sản phẩm xuất hiện trong danh sách chung tới kết quả tìm kiếm để mọi sản phẩm xuất hiện phù hợp nhất với khách hàng. Nhờ vậy, họ nhanh chóng tìm kiếm ra món đồ cần thiết với mức giá phù hợp và còn được tham khảo đầy đủ thông tin cần thiết.
Trò chuyện với khách hàng theo cách thấu hiểu
Khi truy cập một website mua hàng nào đó, bạn thường nhận được tin nhắn hoặc thông báo về mã giảm giá một sản phẩm nào đó hoặc chương trình khuyến mãi. Amazon thực hiện điều này, nhưng với một sự am hiểu đến từng cá nhân – mỗi người khác nhau sẽ có những kiểu phản ứng khác nhau.
Sự kiện Amazon vào Việt Nam
Được biết Amazon vào Việt Nam dự kiến trong tháng 3/2018 và một trong những bước đi đầu tiên của doanh nghiệp này là hướng tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ và vừa.
Thông tin đại gia thương mại điện tử Mỹ đổ bộ thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ cuối năm ngoái khi Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) có buổi làm việc cùng đại diện của Amazon. Theo đó, doanh nghiệp Mỹ muốn hỗ trợ khách hàng Việt mua, bán hàng trên Amazon, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu trên Amazon.
Trước mắt, trong tháng 3, Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm rõ cách thức để đưa hàng hóa của mình bán trên Amazon, xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Việt Nam cho biết, trong cuộc họp giữa Hiệp hội và đại diện của Amazon, công ty này đang tiến tới phát triển thị trường thương mại điện tử mở rộng đến khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Chiến lược phát triển của Amazon vào Việt Nam gồm hai bước: nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài. Đồng thời, Amazon còn bày tỏ mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam xuất khẩu trên Amazon.
Chiến lược cụ thể của Amazon tại Việt Nam sẽ sớm được ông Mr. Gijae Seong – Trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu tại Singapore chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2018). VOBF 2018 sẽ diễn ra vào ngày 14/3 tại Hà Nội và 16/3 tại TP HCM gồm 4 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề về xu hướng phát triển, quản lý thuế, công nghệ mới, khởi nghiệp… với thương mại điện tử.
Liệu Amazon vào Việt Nam có là mối nguy doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam?
Thương mại điện tử là một lĩnh vực mới ở Việt Nam – nơi có dân số trẻ và nền kinh tế đang phát triển, do đó có tiềm năng rất lớn. Theo Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử mỗi năm của Việt Nam là 35%. Trong đó, tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ vào khoảng 20% vào giai đoạn 2016-2020, và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.
Theo thống kê từ Fado.vn, trong 3 năm (2014-2016), Fado hỗ trợ cho khách hàng Việt Nam mua trực tuyến khoảng 80 triệu sản phẩm trên Amazon, chủ yếu là quần áo, sản phẩm điện tử và các sản phẩm dành cho mẹ và bé. Trong khi đó, chỉ khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với chừng 100 sản phẩm, chủ yếu là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Hiện trên thị trường Việt Nam, người tiêu dùng có thể mua sắm trực tuyến thông qua một số kênh mua sắm trực tuyến lớn tại Việt Nam như:
- Các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki, Shopee
- Mua trực tiếp từ các trang web của các nhà sản xuất
- Mua qua các shop trên mạng xã hội như Facebook, Instagram
Tuy nhiên, vấn đề niềm tin và chất lượng thật sự của sản phẩm vẫn là điều khiến nhiều người ngần ngại khi mua hàng trực tuyến.
Trước Amazon, Alibaba – tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc cũng đã có động thái nhắm tới thị trường Việt Nam và Đông Nam Á nói chung thông qua việc thâu tóm lại trang thương mại điện tử Lazada. Jack Ma – nhà sáng lập kiêm chủ tịch Alibaba khi đặt chân tới Việt Nam hồi cuối năm ngoái cũng đánh giá rất cao tiềm năng phát triển thương mại điện tử của thị trường rộng lớn hơn gần 100 triệu dân.
VECOM đánh giá, thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 25% mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến 2020.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Lazada, đang khiến thị trường thương mại điện tử “nóng” hơn bao giờ hết. Lazada (cùng với Alibaba) có cơ hội rất lớn để trở thành sàn thương mại điện tử số 1 ở Việt Nam với sức mạnh về nhiều mặt: nguồn hàng, tài chính, kinh nghiệm,…
Trả lời báo chí, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki cũng không tỏ ra lo lắng về những đối thủ tầm cỡ thế giới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Theo ông, chính sự xuất hiện của những đối thủ khổng lồ đã khiến các quỹ đầu tư lớn vào Việt Nam đầu tư và rót vốn cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước. Tiki cũng đang phát triển rất tốt trong thời điểm Alibaba mua lại Lazada.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn và thách thức rất lớn khi cạnh tranh trên thị trường. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ phải tích cực, sáng tạo và nhìn ra thế giới đang thay đổi. Thế giới mới, người tiêu dùng cũng mới. Họ yêu cầu cao và ngành bán lẻ không thể giậm chân tại chỗ mà không có những chuẩn bị cho mình
Kết luận
Với sự thâm nhập của Amazon vào Việt Nam và các công ty bán hàng trực tuyến khác từ nước ngoài, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới. Đồng thời, thói quen mua sắm và chuỗi cung ứng hàng hóa ở Việt Nam có thể thay đổi đáng kể, bởi người tiêu dùng sẽ tiến tới mua sắm trực tuyến nhiều hơn thay vì trực tiếp lựa chọn hàng hóa tại cửa hàng. Hơn hết, ông lớn Amazon còn bày tỏ mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam xuất khẩu trên Amazon. Đây chắc chăn sẽ là bước tích cực với các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước về sự phát triển trong ngành.