Con đường lập 1 cơ nghiệp thường trải qua 3 giai đoạn thăng trầm.
(Nằm trong chuỗi bài tâm sự đời làm chủ)
Bài học kinh doanh số 21 – Chuỗi giá trị và bài học từ việc “Sang nhượng quán”
Bài học kinh doanh số 22 – Tâm sự khi làm chủ doanh nghiệp
Bài học kinh doanh số 23 – Bất kiêm nhiệm hay Đa nhiệm?
Tâm sự con đường lập nghiệp
Ai khởi nghiệp kinh doanh trên 3 năm, trên 5 năm đều sẽ cảm nhận rõ ràng những giai đoạn thăng trầm trong sự nghiệp của con đường làm chủ, nếu không tỉnh táo sẽ dễ sụp đổ cơ nghiệp.
Có câu: xây dựng thì lâu chứ phá thì chỉ trong 1 ngày, và cơ nghiệp gầy dựng từ trí tuệ đi lên mới mong bền vững còn dựa hơi mối quan hệ hay cơ hội nhất thời để trục lợi thì khó bền lâu.
Mình đã từng viết 1 bài tâm sự nói về 4 giai đoạn phát triển của 1 doanh nghiệp trong chuỗi bài, mọi người có thể xem thêm để có cái nhìn đa chiều hơn. Tuy nhiên bài này mình không nói nhiều về hoạt động quản trị theo lộ trình lớn mạnh của doanh nghiệp mà nói nhiều về những biến cố mà bạn sẽ gặp phải liên quan chính tâm tính của bạn và các vấn đề từ đội ngũ mà ta sẽ đương đầu suốt quá trình tạo dựng 1 DN.
Thăng Trầm Chuyện Khởi Nghiệp:
{ Sau khi vận hành DN mới được 1 thời gian }
Sau khi mở công ty để khởi nghiệp thực hiện 1 ý tưởng để nhằm giải quyết 1 vấn đề cho xã hội, thì may mắn sẽ có những cá nhân vượt qua năm đầu tiên vì chọn đúng thị trường, đúng ngành nghề, nhu cầu cao,… nên KH đến ổn định, tiền về nhiều. Từ bàn đạp đó, các founder sẽ bắt đầu tuyển dụng thêm người cho đủ các vị trí để guồng máy chạy ổn định hơn vì công việc ban đầu thường Founder gồng gánh rất nhiều. Founder giỏi thì tầm vài tháng bắt đầu setup làm việc setup đội ngũ này sau khi test xong thị trường, chậm thì tầm 1 năm, có người gặp thời thì ngay từ năm đầu đã có lời hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều startup lại không sống nổi qua năm thứ 3, quản trị kém là 1 phần, nhưng mình muốn nói đến những trải nghiệm thực tế hơn từ chính bạn founder tự mang lại đại hạn cho mình.
1. Quá nóng vội khi Xây Dựng Team Nòng Cốt, dẫn đến Team Không Phù Hợp Ngay Từ Ban Đầu.
Bạn có thể không giỏi chuyên môn, bạn thậm chí không biết cả IT vẫn làm chủ được bình thường, cái chúng ta cần chính là cần NHÌN NGƯỜI THẬT CẨN THẬN khi đưa vào tổ chức.
Thấy 1 bé mình ad friend trên Facebook có vẻ am hiểu về Kế Toán là đã vội vã mời về công ty làm việc.
Thấy ai đó vừa thất nghiệp khó khăn là vội tạo cơ hội cho họ vô công ty làm việc.
Khởi nghiệp, team nòng cốt ban đầu cực kỳ quan trọng. Gãy team là bạn mất hết tất cả. Và thường ban đầu team bạn chỉ 4-5 người, họ chơi thân với nhau, 1 người nghỉ là thường kéo nhau nghỉ hết, nhất là lý do nghỉ đến từ bạn.
Cần thận trọng theo dõi thật kỹ người bạn muốn mời về.
Cần chú trọng hơn yếu tố phù hợp, với tính cách con người bạn, với giá trị kinh doanh cốt lõi bạn hướng đến.
Ex: có những người người tuy chỉ làm công nhưng cực kỳ mê tiền và hám tiền. Đụng chút việc gì cũng hỏi cái này được gì, công ty làm dự án, thấy ít tiền thì mất lửa… rõ ràng nếu bạn tuyển vô bạn sẽ mệt mỏi dù chuyên môn có thể giỏi.
Khả năng nhìn người, kết thân bằng hữu với những người bạn nghĩ phù hợp tổ chức mình là 1 kỹ năng vô cùng quan trọng, vì đôi khi chắc gì mời họ về ngay. Và đôi khi chưa chắc tâm tính họ phù hợp, kết thân làm bạn trước đã, không về cùng 1 thuyền thì làm partner, hay ít nhất công ty có thêm 1 người tin tưởng mình thì vẫn luôn tốt.
Dục tốc bất đạt, mong có đội ngũ đông cho hoàng tráng đi khoe thiên hạ, sẽ bào mòn giết bạn nhanh thôi.
Nên chú ý yếu tố trách nhiệm và cả trung thành. Ví dụ 1 người giỏi đang làm ở 1 đơn vị A, bạn ngỏ lời đề nghị là họ ok ngay và nói sẵn sàng nghỉ việc ngay bên kia thì bạn cũng cần xem lại. Họ làm vậy với bên A thì sớm muộn mình cũng là người tiếp theo. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.
Giai đoạn đầu lập nghiệp, hạn chế tìm người bằng kiểu phỏng vấn. Đọc hồ sơ 5-7 ứng viên sơ sơ, gọi đến 2-3 người tới, phỏng vấn thấy bé kia nói chuyện dễ thương, mặt xinh xinh, pha tý sexy… thế là nhận rồi sau đó trả giá. Công ty lớn họ có cả nghìn cv nộp, phỏng vấn nhiều đợt mới tìm ra ứng viên. Chưa kể lỡ không ổn họ ngưng không ảnh hưởng tâm lý nhiều vì công ty hàng trăm người, còn chúng ta chỉ 2-3 người, hay thậm chí chưa có ai, cứ hứng tuyển đại vô, sau 2 tháng thử việc không ổn đuổi thì coi chừng gãy cả team hiện tại.
Team sẽ nói với bạn “Tụi em thấy hơi hoang mang, sao anh lại đuổi bạn A, liệu có khi nào sắp tới là tụi em không?” Rồi, thế là xong!
Hãy chủ động đi tìm hơn là thụ động. Và tìm được thì khoan tin vội, hãy dùng các chiêu thử lòng liên tục để sàng lọc được 1 đội ngũ mạnh ban đầu.
Mình lâu lâu hay cố ý để quên tờ 500k trong phòng, xong nhờ 1 cộng sự phụ mình dọn dẹp phòng đó để thử lòng, đôi khi nhiều anh em lấy bỏ túi ngay nhưng cũng có anh em nói mình để quên tiền. Nhờ vậy giúp mình biết ai trung thực ai tham tiền mà sàng lọc sớm đỡ đau khổ về sau.
Vì mới startup cơ chế kiểm soát nội bộ rất kém, nếu lại chứa chấp toàn những người tham tiền có phải bạn dễ chết không!!!
Khởi nghiệp chọn sai người vô team, quản trị giỏi cỡ nào công ty cũng chết.
2. Bị động, không biết tìm sự hợp tác!
Mới ra đời làm ăn lần đầu, tâm lý thường cái gì cũng thích tự build. Tự mở kênh phân phối, tự làm marketing, tự kiếm KH… mắc quái gì hợp tác năn nỉ cho mệt.
Nhưng thử nghĩ mà xem, ví dụ bạn làm sản xuất mật ong, có KH mục tiêu là những người hay mua sp của bạn để ăn kèm với bánh mì, họ cũng là người hay mua thực phẩm sạch. Vậy sao không hợp tác cùng các bakery và các chuỗi rau củ quả sạch. Vốn ít thì kiếm đơn vị nhỏ như mình mà hợp tác. Họ cũng cần sp của bạn để quầy kệ họ phong phú cơ mà, sĩ diện mãi là chết.
3. Không Biết Buông Bỏ Kịp Thời.
Hãy nhớ, chỉ có giá trị kinh doanh cốt lõi là bất biến còn lại mọi thứ đều phải thay đổi linh hoạt theo thời thế. Như giờ làm gì còn ai xem phim qua băng từ, thậm chí DVD cũng lỗi thời nốt, bạn thấy không. Nhưng giá trị cốt lõi là đem phim ảnh đến mọi người thì bạn vẫn giữ nguyên, nhưng thay vì qua DVD thì làm mô hình là website xem phim, thu phí member.
Nếu như không thể buông bỏ những mô hình kinh doanh đã lỗi thời, những thị trường đi xuống, bất chấp sống chết mà giữ đến cùng, có lẽ ngay cả doanh nghiệp cũng chẳng còn chứ đừng nói đến chuyện giữ được thị trường, chưa kể ham hố vay nợ liên tục không trả thì trả giá bằng cả lao lý.
Thăng Trầm Chuyện Quản Nghiệp:
Vượt qua nhiều sóng gió 3 năm đầu, từ test thị trường, xây đội ngũ, có doanh thu ổn định, bắt đầu mở rộng,… tưởng chừng đã khỏe, nhưng thực tế, bạn sẽ bước vào những thăng trầm, đối diện nhiều bi ai khổ ải mà không biết than với ai.
Không kiếm ra tiền ở giai đoạn mới khởi nghiệp cũng khổ vì tiền dành dụm đội nón ra đi.
Mà quản không nổi cơ nghiệp đang kiếm ra tiền tỷ hàng năm còn đau đớn hơn rất nhiều.
Thường các rắc rối sẽ phát sinh từ năm thứ 3 trở đi mà lỗi hầu hết là do bạn mà ra.
1. Thiếu hiểu biết sâu sắc từng nhân sự của mình trong team.
Hiểu rõ anh em giỏi gì nhất.
Hiểu rõ anh em sở trường về gì.
Hiểu rõ thói quen từng anh em.
Vì lơ là và hời hợt.
Ngày xưa việc ít, anh em ai cũng kiêm nhiệm vài việc, nên không sao. Giờ muốn chuyên môn hóa, thế là cho ông A chỉ chạy Ads, ông B chỉ đi giao hàng…
Thế là ông A cự, ông B khó chịu…
Bạn thấy quen đúng không?
Hiểu lính mình cực kỳ quan trọng để sắp xếp anh em của mình vào đúng vị trí, đúng người đúng việc, khiến mọi người đều có thể phát huy được tối đa sức mạnh của mình cực kỳ quan trong sau 3 năm khởi nghiệp, khi công ty đã qua giai đoạn sinh tồn, giờ từ hình thức mỗi anh em đa nhiệm sang đơn nhiệm. Muốn làm tốt bắt buộc cực kỳ hiểu anh em.
Thực tế chúng ta rất ẩu việc này, chia việc theo ý cảm tính của mình chứ không bao giờ phân tích cả.
Người đơn giản cho làm việc thủ công.
Người đầu óc cho làm việc phân tích, kế hoạch
Người kỹ tính cho quản lý tiền bạc…
… vân vân
Miễn sao mỗi người đều có thể phát huy tối đa sức mạnh của mình, giúp dòng chảy DN luân chuyển tốt nhất.
2. Vẫn Chưa Có Chế Độ rõ ràng.
Xưa nghèo khó, anh em đi theo bạn lương sao cũng được, giờ công ty phát triển lên, bạn giữ nguyên chế độ cũ thì ai mà phục.
Rất nhiều Founder không biết cố ý hay vô tình, quên béng đi việc này, dẫn đến tỷ lệ từ bỏ công việc các nhân sự vào tổ chức từ ban đầu rất cao, thay ns liên tục thì kiểu gì công ty sụp đổ.
Chưa cần biết bạn quản trị dở hay giỏi nhưng có 1 cái mình thấy chúng ta hay quên với anh em và bạn hàng, đó là Biết Điều, biết cư xử, muốn ôm hết về mình khi thuận lợi.
Có nhiều founder còn quên cả các lời hứa hẹn cổ phần thưở lập nghiệp.
Thăng Trầm Chuyện Mở Rộng Cơ Nghiệp
Thường anh em sẽ gặp phải từ năm thứ 5 trở đi khi tìm cách gia tăng thị phần, mở rộng thị trường, ngành nghề, gia tăng sự hiện diện và tăng cả quy mô tổ chức cả về con người, hạ tầng, doanh thu,…
Muốn mở rộng thì phải có người tài về, vì 1 mình ta lúc này không thể coi quản hết mọi thứ, quán xuyến tất cả được. Vậy làm sao kéo người tài là nỗi đau nhiều người sẽ đối mặt. Nếu hào sảng, bạn mới vượt qua được thử thách này. Còn chỉ biết nghĩ lợi ích, lợi nhuận bản thân thì còn lâu.
Muốn mở rộng thì phải khai thác và mở rộng tối đa từ giá trị kinh doanh cốt lõi ban đầu thành cả 1 hệ sinh thái. Tức nếu bạn ra kinh doanh ban đầu đơn thuần chỉ là thấy ông A kiếm tiền ngon nhảy vô, không có giá trị cốt lõi, sứ mệnh gì hết thì đôi khi ôm mộng nhỏ sẽ an toàn cho bạn. Ham làm lớn mở nhiều ngành nghề không ăn nhập gì với nhau rồi thua lỗ mà thôi, bệnh này nhiều tập đoàn tư nhân VN hay gặp, đa ngành đa nghề theo trào lưu xu hướng.
Muốn mở rộng làm ăn lớn là phải có quan hệ lớn là bắt buộc. Giống các tập đoàn họ thiết lập mối quan hệ tới cấp chính phủ các nước như Vin, HAGL,…
Thiếu 1 trong 3 vấn đề này, thì thôi nên ôm mộng làm nhỏ, làm lớn dễ chết. Thiếu người liên miên, càng mở rộng càng lỗ vì sp rời rạc, …
– Doanh nhân. Nguyễn Tuấn Hùng –