Chúng ta luôn muốn nhiều hơn và thường chi nhiều tiền hơn để mua những thứ dù ta thậm chí không dùng đến cái có sẵn.
Bạn mua một quyển sách, nhưng trên giá sách nhà bạn vẫn còn cả tá sách chưa đọc.
Bạn mua mỹ phẩm mới, nhưng bạn đã có rất nhiều mỹ phẩm chưa dùng đến và hiếm khi được sử dụng trong tủ đồ.
Bạn sắm một chiếc điện thoại mới, nhưng chiếc bạn đang dùng vẫn hoạt động hoàn toàn ổn và có mọi chức năng bạn cần.
Trong cuộc sống của nhiều người, đây là “chuyện thường ngày ở huyện”. Tôi cũng không phải ngoại lệ.
Chúng ta luôn muốn nhiều hơn và thường chi nhiều tiền hơn để mua những thứ dù ta thậm chí không dùng đến cái có sẵn.
Tại sao vậy? Tại sao ta lại muốn nhiều hơn khi ta đã có nhiều rồi? Sao ta lại muốn cái mới khi đã có rất nhiều cái cũ?
Rốt cuộc thì cũng đều là do mong muốn, ta luôn mong muốn thứ mình không có. Những món đồ trong tủ đã thuộc quyền sở hữu của ta nên nó không khơi gợi lên sự khao khát gì. Mặt khác, ta thực sự muốn có những thứ còn ở cửa hàng hay đâu đó. Đơn giản chỉ vì ta chưa có chúng mà thôi.
Mong muốn liên tục được thỏa mãn dẫn tới những rắc rối về tài chính. Bạn dành toàn bộ số tiền của mình cho những trải nghiệm và các món đồ mới, và cuối cùng bạn lại cần chỗ để chứa nó. Tham vọng sở hữu nhiều thứ hơn sẽ làm bạn tiêu tốn tiền bạc.
Vấn đề là mong muốn chỉ là một cảm giác thoáng qua mà thôi. Nó tựa như vết ngứa trên lưng. Bạn đưa tay ra gãi và cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng ngay sau đó bạn lại thấy ngứa ở một chỗ khác. Mặt khác, nếu không gãi ngay từ đầu, bạn sẽ bị phân tâm đến phát điên, nhưng cảm giác đó chẳng kéo dài lâu. Nếu bạn bớt chú ý đến nó gần như sẽ không còn ngứa và bạn sẽ thấy mình gãi lúc nào mà chẳng được.
Nhận thức này sẽ cho bạn rất nhiều lời khuyên bổ ích về cách chế ngự mong muốn và ngăn nó phá hủy tương lai tài chính của bạn:
1. Nâng cao sự tự nhận thức
Hãy thừa nhận rằng bạn có mong muốn rồi suy nghĩ xem tại sao nó lại trỗi dậy trong bạn và nó có ý nghĩa gì hay không.
Hãy cố gắng tránh hành động theo tiềm thức để thỏa mãn mong muốn. Đó là khi ta mua sắm và hành động theo phản xạ thay vì suy nghĩ về việc ta đang làm và hậu quả mà nó mang lại.
Có rất nhiều cách để cải thiện. Một cách đơn giản là dùng giờ nghỉ giải lao để nghĩ về lý do bạn hành xử theo một cách nào đó trong một dịp gần đây, đó có phải là cách hành xử đúng không và có cách xử lý nào tốt hơn không. Bạn có thể làm điều này khi đang lái xe, trong thời gian chờ đợi hay bất cứ lúc nào bạn có thời gian rảnh.
Qua thời gian, kiểu tự nhận thức này cuối cùng có thể định hình các bản năng tiềm thức của bạn. Nhờ đó bạn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn và không bị điều khiển bởi mong muốn sở hữu nhất thời nào đó.
2. Sắp xếp thời gian để tận dụng những thứ bạn có
Tôi rất thích đọc sách và chơi trò chơi cờ bàn. Dần dần, thú vui đó đã chuyển thành sưu tầm sách và trò chơi cờ bàn; lúc nào tôi cũng muốn có những món mới.
Dù vậy, một phần lý do khiến tôi mong muốn nhiều hơn là tôi không có thời gian như tôi đã từng có để đắm mình vào một quyển sách hay ngồi 6 tiếng để chơi một ván trò chơi cờ bàn. Khi khoảng thời gian đó trôi qua trong khi mong muốn chưa được thỏa mãn, tôi bèn đáp ứng mong muốn đó bằng cách mua sách và trò chơi mà tôi định đọc/chơi vào “một ngày nào đó.”
Sự thực là mong muốn sưu tầm mọi thứ khi cuộc sống quá bận rộn chỉ là để khỏa lấp mong muốn dành thời gian cho những sở thích này, và giải pháp cho vấn đề này là chủ động dành ra thời gian cho nó.
Biến việc thực hiện sở thích mà bạn quan tâm thành một ưu tiên lớn. Việc này giúp bạn tập trung thực hiện hơn là sở hữu được mọi thứ. Nếu có mong muốn, tôi muốn nó phải liên quan đến việc thực hiện hơn là mua sắm.
3. Hãy thường xuyên sử dụng xoay vòng những thứ bên trong tủ đồ
Mỗi khi nổi hứng muốn mua sách hay trò chơi mới, tôi đều dành thời gian xem lại bộ sưu tập của mình. Tôi sẽ xem lại tủ đồ và sắp xếp lại mọi thứ trong đó.
Mong muốn trải nghiệm những việc này hiện ra trước mắt tôi, đẩy lùi mong muốn có nhiều hơn ban nãy. Tôi muốn chơi trò mà tôi đã bỏ quên, nên mong muốn mua trò chơi mới đã phai nhạt.
Mục tiêu là khám phá ra những thứ bạn đang sở hữu nhưng có thể đã quên, mong muốn sở hữu thêm món đồ mới được chuyển hóa thành mong muốn khám phá thứ mà bạn chưa kịp thử.
4. Áp dụng nguyên tắc 30 ngày
Nếu bạn hoàn toàn tập trung vào việc sở hữu một món đồ mới, hãy chỉ đơn giản là thử thách mong muốn đó. Khoan hãy mua món hàng đó trong vòng 30 ngày. Nếu sau 30 ngày mà bạn vẫn muốn món hàng này thì hãy mua nó.
Cách kiểm soát này giúp bạn chống lại bản chất thoáng qua của mong muốn. Thông thường, món đồ mà ta rất muốn mua tuần này sẽ không còn hấp dẫn vào tuần sau, và mong muốn sở hữu nó sẽ biến mất vào tuần sau nữa. Nếu bạn thử thách mong muốn đó trong một tháng, dường như nó sẽ không còn thú vị hoặc thậm chí là trở nên ngớ ngẩn trong mắt bạn.
5. Chuyển hướng sang một lĩnh vực khác
Nếu liên tục cảm thấy thôi thúc muốn mua cùng một loại hàng hết lần này đến lần khác thì bạn nên nghĩ đến việc chuyển hướng sự tập trung của mình sang một lĩnh vực khác.
Trước hết, hãy chủ động cắt giảm thời gian dành cho việc đọc sách và theo dõi các kênh truyền thông có liên quan đến lĩnh vực này. Nếu bạn đọc một trang web có liên quan đến sở thích này mỗi ngày, hãy xóa nó khỏi thanh dấu trang. Nếu bạn theo dõi một loạt trang mạng xã hội khiến bạn có mong muốn mua hàng mới, hãy dừng theo dõi các trang đó.
Thay vào đó, hãy tìm những sở thích khác trong cuộc sống. Những thú vui khác. Những đam mê khác. Hãy chuyển năng lượng và sự tập trung của bạn vào một nơi khác.
6. Chủ động tập trung vào hoàn thiện bản thân, như sức khỏe thể chất
Nếu bạn cần thứ gì đó để chuyển hướng sự tập trung vào từ thú vui đắt đỏ làm dậy lên trong bạn nhiều mong muốn, hãy thử tập trung vào một số lĩnh vực cải thiện bản thân một thời gian như: chế độ ăn uống, việc tập luyện cơ thể, các lĩnh vực học tập khác, xây dựng các mối quan hệ hoặc cải thiện sức khỏe tinh thần.
Đó là vì hoàn thiện bản thân cũng chỉ là tận dụng những thứ bạn đã có. Bạn đang sử dụng chính cơ thể mình, các cơ quan thần kinh của mình, chính tâm trí mình và các mối quan hệ xã hội của mình. Bạn không mong muốn những thứ mình không có.
7. Áp dụng phương pháp tưởng tượng tiêu cực để loại bỏ những mong muốn ít khẩn cấp
Đây là một phương pháp hiệu quả giúp bạn giảm mong muốn liên tục sở hữu nhiều hơn và củng cố sự trân trọng dành cho những thứ bạn đã có.
Bạn chỉ cần làm một việc đơn giản sau. Lập danh sách 3 điều bạn quan tâm nhất trên đời. Một người mà bạn yêu sâu đậm. Một việc bạn cực kỳ thích làm. Lĩnh vực yêu thích của bạn trong cuộc sống. Giờ thì hãy tưởng tượng từng thứ một, xem cuộc sống của bạn sẽ ra sao nếu không có những điều trên.
Cuộc sống của tôi sẽ ra sao nếu không có những lần đi dạo trong công viên vào một ngày nắng đẹp? Cuộc sống của tôi sẽ ra sao nếu tôi không thể đọc một quyển sách hay?
Cuộc sống của tôi sẽ trở nên trống rỗng hơn rất nhiều. Khi nghĩ về việc cuộc đời mình sẽ trở nên như thế nào, tôi nhận ra rằng thực ra mình đã có một cuộc sống quá dư dả. Đó là một cuộc sống khá tốt, vậy tôi còn cần nhiều hơn để làm gì?
8. Đặt trước hạn mức thực tế đối với chi tiêu để thỏa mãn mong muốn của bạn
Ngay cả khi bạn đã dùng mọi cách trên thì cũng sẽ có những lúc bạn muốn có được thứ gì đó hay trải nghiệm gì đó tốn tiền. Bản chất của con người là vậy. Những cách trên sẽ giúp bạn hạ thấp mong muốn đó xuống một chút, nhưng nó sẽ không biến mất được.
Đó là lý do tại sao việc lập ngân sách hàng tháng rất có ích, vì bạn sẽ có một khoản tiền mà bạn chủ ý dành ra để thỏa mãn vài ước muốn của mình. Tôi gọi đó là khoản “chi tiêu tự do”, có thể tiêu nó vào bất cứ thứ gì tôi muốn. Nếu tiêu hết thì tôi sẽ tự hiểu rằng gần đây mình đã tiêu tiền vào quá nhiều ước muốn và có thể đợi đến tháng sau. Nếu tiêu xài cẩn trọng, tôi sẽ đủ dùng cho một tháng hoặc hơn.
Nguồn: Cafebiz