Muôn hình vạn trạng các vị trí công việc trong nhà Marketing.Các bạn mới luôn vò đầu bứt tai vì không biết nên đặt mình ở đâu trong ngành này. Nên làm gì học gì? Nên có kỹ năng nào? Xem qua để biết xem đặc thù công việc cũng như những tố chất cần thiết cho vị trí mình mong muốn nhé!Nhìn sơ sơ thì nhân viên ATP đa năng phết :v 1 người có thể kiêm luôn gần all nguyên list :3
I. Strategic Planner (Hoạch Định Chiến Lược Truyền Thông)
Theo anh Hồ Hoài Công Phương, Strategic Planning Director tại Dentsu Alpha thì Strategic Planner là công việc kết nối quảng cáo với người tiêu dùng. Sáng tạo với chiến lược. Giúp kết nối truyền thông với tính hiệu quả. Giúp bán được ý tưởng.
Công việc chính của một Strategic Planner là lên kế hoạch thực hiện sản phẩm, làm việc với các team Designer, Copywriter…, tính giá cho mỗi dự án và kiểm tra thành phẩm trước khi giao hàng cho khách.
1. Một Strategic Planner cần làm những gì?
Với một Strategic Planner, công việc cụ thể như sau:
- Nhận Brief (bảng yêu cầu cụ thể) từ bộ phận Account Executive;
- Triển khai chiến dịch quảng cáo của khách hàng;
- Đề xuất chiến dịch tối ưu trong quá trình chạy quảng cáo. Tổng hợp báo cáo, phân tích và đề xuất các giải pháp cho khách hàng;
- Lập bảng báo giá và kế hoạch truyền thông theo yêu cầu khách hàng;
- Phân phối ngân sách khách hàng sao cho phù hợp và tối đa hóa lợi ích của khách hàng;
- Theo dõi chiến dịch, yêu cầu xử lý lỗi, thay đổi chiến dịch nếu cần;
- Quản lý và đánh giá các chỉ số của chiến dịch được triển khai trong hợp đồng;
- Tổng hợp báo cáo kết quả kinh doanh từng bộ phận theo yêu cầu của quản lý.
Mức lương vị trí Strategic Planner: 9,000,000 – 15,000,000 VND.
2. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có
Kinh nghiệm
Vị trí Strategic Planner là vị trí rất khó ứng tuyển vào Agency quảng cáo lớn vì thường đòi hỏi người có nhiều kinh nghiệm làm việc. Do vậy, bạn cần trang bị cho mình kinh nghiệm ở nhiều vị trí khác nhau trong Agency trước khi ứng tuyển cho vị trí này.
Chuyên môn
Học các chuyên ngành Quảng cáo, Marketing, Quan hệ công chúng, Truyền thông hoặc đa phương tiện, Quản trị kinh doanh.
Kỹ năng
- Strategic Planner phải làm việc với hầu hết tất cả mọi người trong và ngoài nội bộ công ty, từ Data Analysts, Art Director, Digital Strategist, Media Planner, Copywriter cho tới cả khách hàng. Ngoài ra còn tham gia vào rất nhiều khâu trong Marketing, từ quá trình phát triển sản phẩm mới, xây dựng kịch bản, lựa chọn người nổi tiếng, quản lý dự án, nắm bắt những xu hướng về ẩm thực, thời trang, giải trí, công nghệ. Do vậy, bạn cần có kỹ năng Giao tiếp tốt và biết xử lý các tình huống tốt để vừa có thể thuyết phục khách hàng vừa giải quyết những mâu thuẫn có thể xảy ra trong quá trình làm việc;
- Strategic Planner là vị trí quan trọng, cần có ở hầu hết các công ty. Họ là người sẽ đảm nhận vai trò làm chiến lược cho các chiến dịch quảng cáo. Vì vậy, Kỹ năng lập kế hoạch là rất cần thiết. Việc quan trọng của Strategic Planner là lên kế hoạch dựa trên yêu cầu của khách hàng. Bản kế hoạch càng chi tiết và sáng tạo thì Team Creative sẽ lên ý tưởng càng chính xác.
3. Nơi nào cho bạn những kỹ năng này?
Bạn nên tham gia các câu lạc bộ tổ chức sự kiện ở trường để làm quen với những công việc lập kế hoạch quảng cáo, truyền thông, thuyết phục người khác.
Ngoài ra bạn có thể làm cộng tác viên tổ chức sự kiện cho các công ty truyền thông hoặc làm những công việc bán thời gian liên quan đến Sales, Marketing ngay từ lúc đi học để tích lũy kỹ năng giao tiếp cũng như kiến thức chuyên môn.
Một cách hiệu quả nhất để bạn có thể học các kỹ năng về Hoạch định chiến lược truyền thông cũng như các kỹ năng phân tích cần thiết là tham gia các công việc thực tập. Bạn có thể dễ dàng tìm công việc thực tập cho vị trí này ở trang web adjob.asia.
Vì tiếng Anh là một kĩ năng cần thiết và quan trọng tại Agency nên bạn cần chủ động học tập và rèn luyện khi còn trên ghế nhà trường để luôn sẵn sàng dấn thân khi có cơ hội.
4. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
Tham gia các khóa học ngắn hạn để bổ sung kiến thức về lĩnh vực Marketing tại trung tâm AIM academy
Bạn cũng nên tìm hiểu thông tin, các bài viết chia sẻ về nghề, các case study hay tại Wecreative.life, toiyeumarketing, hay theo dõi các bài viết của Hồ Công Hoài Phương – người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong thế giới Agency về quảng cáo tại Việt Nam tại brandsvietnam.com.
Ngoài ra kiến thức thực tế vẫn là quan trọng nhất, vì vậy hãy cố gắng tham gia thật nhiều các hoạt động liên quan đến Marketing qua các chương trình ở trường để học hỏi các bước cần thiết khi cho ra một sản phẩm truyền thông.
5. Những công ty tiêu biểu trong ngành
Dentsu Vietnam: Tại Việt Nam, ban đầu Dentsu có ba công ty bao gồm Dentsu Alpa, Dentsu Media và Dentsu Việt Nam và cho đến nay, ba công ty trên đã sáp nhập lại thành một là Dentsu Việt Nam.
WPP Group: Có vị thế khá lớn, với hơn 23 văn phòng ở Thành Phố Hồ Chính Minh, WPP có mặt trong rất nhiều mảng của ngành.Tại Việt Nam, WPP có 7 công ty con trong mảng quảng cáo gồm: ADK, Bates CHI&Partners, Grey, JWT, Ogilvy & Mater Worldwide, OgilvyAction và Y&R.
Omnicom Group: Các thành viên của Omnicom là: Focus Asia, OMD Vietnam, XPR-Campaigns Group, PHD Vietnam (TNHH quảng cáo Phương Cách – Method Advertising).
6. Con đường sự nghiệp
Strategic Planner → Senior Strategic Planner → Strategic Planning Manager
Senior Strategic Planner
Sau khoảng thời gian từ 2-3 năm (tùy vào năng lực và công ty Agency) thì người Strategic Planner sẽ trở thành Senior Strategic Planner.
Strategic Planning Manager
Sau thời gian khoảng 5-6 năm nữa (tùy vào năng lực và công ty Agency) thì người Senior Strategic Planner sẽ trở thành Strategic Planning Manager. Công việc của họ chủ yếu sẽ ra quyết định về chiến lược cho khách hàng và quản lý bao quát những cấp thấp hơn.
7. Bạn sẽ làm việc với những ai?
- Designer
- Copywriter
- Advertising Executive
—
II. Copywriter (Chuyên Viên Sáng Tạo Nội Dung)
Chắc bạn đã biết đến slogan “hãy nói theo cách của bạn” của Viettel hay câu “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” của tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới Prudential. Tất cả những slogan mà hầu như ai cũng biết, chính là thành quả sáng tạo của các Copywriter (người sử dụng ngôn từ khéo léo để tạo sự thu hút từ khách hàng).
Các nhãn hàng hay tập đoàn nổi tiếng thường thuê các Agency (các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo, Marketing…) thực hiện các chiến dịch truyền thông, các clip quảng cáo thay họ. Và tất nhiên nội dung, câu chữ của toàn bộ các quảng cáo ấy là do các Copywriter “vắt óc” nghĩ ra.
1. Công việc chính của Copywriter là gì?
Vị trí của Copywriter tại Agency là ở bộ phận Creative, các “phù thủy con chữ” chịu trách nhiệm về ý tưởng quảng cáo, slogan… Công việc cụ thể như sau:
- Nghĩ ý tưởng chủ đạo cho chiến dịch quảng cáo;
- Viết headline, sub headline cho bài quảng cáo;
- Viết kịch bản TVC hoặc kịch bản Radio;
- Đặt tên cho một sản phẩm mới, một Event, một chương trình Game Show do nhãn hàng tổ chức;
- Viết slogan (tagline);
- Viết lời bài hát, đồng dao, vè…;
- Hỗ trợ tìm kiếm hình ảnh;
- Dịch tất cả thể loại tài liệu từ Anh sang Việt, Việt sang Anh.
Mức lương: 6,000,000 – 9,000,000 VND.
2. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có
Kinh nghiệm
Đối với người mới ra trường, nhà tuyển dụng không yêu cầu kinh nghiệm nhưng nếu bạn là blogger và có nhiều lượt tương tác hay Facebook của bạn nhận được nhiều chia sẻ bởi những bài viết hay thì có thể xem là một ấn tượng tuyệt vời.
Chuyên môn
Học các chuyên ngành Quảng cáo, Marketing, Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện hoặc Quản trị kinh doanh.
Nếu bạn là người học trái ngành, đừng quá lo ngại. Đây được xem là nghề sáng tạo và việc làm có được nhờ vào kinh nghiệm và khả năng của bạn. Nếu bạn là người có khả năng viết tốt, sáng tạo câu chữ thì bạn đã có thể trở thành một Copywriter rồi đấy!
Kỹ năng
- Kỹ năng viết và vốn từ phong phú là vô cùng quan trọng với Copywriter. Các Copywriter phải viết theo yêu cầu của khách hàng với nội dung cần có điểm nhấn, nổi bật. Rất nhiều câu chữ của các Copywriter đã trở thành xu hướng và là “câu cửa miệng” của nhiều người.
- Biết phân tích, tổng hợp thông tin: Copywriter cần có khả năng phân tích, tổng hợp thông tin của khách hàng và thị trường để đưa ra những nội dung phù hợp với chiến lược thương hiệu. Copywriter phải nắm bắt được tất cả những gì đang “hot” hiện nay, cần hiểu các chiến dịch trong quá khứ và xu hướng tương lai.
- Khả năng trình bày tốt: Bạn phải là người ăn nói lưu loát, thu hút và truyền đạt tốt ý tưởng của bạn đến đồng nghiệp để họ hiểu và bạn phải trình bày ý tưởng nội dung của mình một cách thuyết phục với khách hàng.
- Chịu được áp lực: Làm việc tại các Agency năng động với môi trường thoải mái sáng tạo là ước mơ của nhiều người nhưng bên cạnh đó “áp lực” là không thể tránh khỏi. Việc “deadline” dồn dập, ý tưởng bị phản bác hay phải giải thích nhiều lần về câu slogan tâm huyết là chuyện bình thường.
3. Nơi nào cho bạn những kỹ năng này?
Đọc thật nhiều, viết thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều: Với một Copywriter để tạo nên câu chữ hay thì cần phải có vốn từ phong phú (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh). Bạn phải là người đọc nhiều, am hiểu nhiều thứ. Việc đọc và viết thật nhiều sẽ giúp bạn có tư duy ngôn ngữ tốt hơn. Những trải nghiệm trên nhiều lĩnh vực mang lại cho bạn đa dạng góc nhìn hơn về cuộc sống.
Hãy tôn trọng sự khác biệt của bạn và phát triển nó. Đó là lời khuyên từ các Copywriter hàng đầu, với ngành “vắt óc” này thì có thể xem sự khác biệt của bản thân bạn là thứ cần được nuôi dưỡng nhất. Đừng ngần ngại, khác biệt mới làm nên sự thành công. Hãy tưởng tượng, tư duy khác biệt ngay từ bây giờ.
Viết blog cá nhân, viết content cho các fanpage bán hàng… đây là cơ hội để các bạn luyện tập kỹ năng viết, nắm bắt tâm lý người đọc và khách hàng. Nếu bạn hứng thứ với việc viết blog cá nhân, bạn hoàn toàn có thể đăng ký 1 tài khoản blog miễn phí chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút qua các nền tảng blog miễn phí như WordPress.com, Blogspot.com hay Medium.com…
4. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
Bạn có thể học các kiến thức về Copywriter cũng như các kỹ năng phân tích cần thiết tại các trang học online tại Vinalink. Ngoài ra, bạn nên nghiên cứu và cập nhật thông tin về lĩnh vực Marketing tại Brandsvietnam.com, Copywritervietnam.
Vì kiến thức thực tế vẫn là quan trọng nhất nên bạn hãy cố gắng tham gia thật nhiều các hoạt động liên quan đến Maketing, truyền thông để học hỏi cách viết tin quảng cáo.
Bạn nên đọc sách của các Copywriter hàng đầu như Dave Trott, bạn hãy đọc thử “Ý tưởng này là của chúng mình” của tác giả Sói Ăn Chay hay quyển sách “gối đầu” của dân Copywriter “Làm bạn với hình, làm tình với chữ” của tác giả Bút Chì. Bên cạnh đó, bạn nên tìm hiểu những chia sẻ thực tế về nghề của những Copywriter hàng đầu như: Kiến lang thang, Huỳnh Vĩnh Sơn…
Hãy góp nhặt những câu chuyện xung quanh bạn: lắng nghe và đừng vội phán xét những câu chuyện. Đó là lời khuyên mà các Copywriter đưa ra về cách tạo nên nét “đậm đà” khi làm nghề. Những câu chuyện vu vơ với nhóm bạn biết đâu lại trở thành ý tưởng tuyệt vời được khách hàng chấp nhận.
5. Những công ty tiêu biểu trong ngành
Dentsu Vietnam: Dentsu Vietnam chuyên về lĩnh vực Marketing và là công ty con của tập đoàn Dentsu ở Việt Nam. Khách hàng của Dentsu có thể kể đến: Ajinomoto, Canon, Dai-ichi life, Toyota, Panasonic, Sanyo, Toyota, Kirin, Ajinomoto…
Ogilvy & Mather: Đây là một công ty quốc tế chuyên về quảng cáo, Marketing và quan hệ công chúng có trụ sở tại Manhattan, và là một bộ phận của tập đoàn WPP. Công ty này hoạt động với 450 văn phòng tại 161 thành phố của 120 quốc gia trên toàn thế giới với khoảng 18.000 nhân viên.
Leo Burnett Vietnam: Là một công ty toàn cầu với 96 chi nhánh tại 84 quốc gia và trên 8000 nhân viên, Leo Burnett mong muốn trở thành một công ty truyền thông tiếp thị tốt nhất trên thế giới. Với một đội ngũ chuyên gia về thị trường táo bạo, Leo Burnett ’s đã có mặt được một thời gian dài và giúp phát triển những thương hiệu lớn nhất và thành công nhất ở Anh và ở nhiều nước khác nữa.
6. Con đường sự nghiệp
Junior Copywriter → Senior Copywriter → Creative Director (CD)
Junior Copywriter: Đây là cấp bậc khởi đầu khi bạn bước vào con đường “câu chữ” này. Tại vị trí Junior bạn sẽ thực hiện các dự án theo yêu cầu của cấp trên như viết và chỉnh sửa nội dung cho các mẫu quảng cáo, nội dung trên social network, viết báo cáo…
Senior Copywriter: Khi thăng tiến lên vị trí Senior, bạn được tham gia vào các hoạt động mang tính hoạch định như sáng tạo ý tưởng, lên concept cho dự án, phối hợp làm việc với Art Director, thuyết trình dự án với khách hàng, quản lý thực hiện dự án…
Creative Director: Đây là vị trí “cầm cân nảy mực” để những ý tưởng sáng tạo của đội nhóm thành hiện thực và tất nhiên là phải vừa lòng khách hàng và mang lại lợi nhuận cho công ty. Thông thường sẽ mất 8 – 10 năm để đạt được vị trí này.
7. Bạn sẽ làm việc với những ai?
- Strategic Planner
- Account Executive
III. Account Executive (Quản lý khách hàng)
Account Executive có thể hiểu cơ bản là người có trách nhiệm phục vụ cũng như nhận những yêu cầu từ khách hàng (Client) trong một công ty quảng cáo (Agency).
Account Executive là một nghề khá phổ biến ở Việt Nam, phù hợp với những bạn trẻ năng động và đam mê ngành Marketing.
1. Quản lý khách hàng sẽ phải làm gì?
Ở vị trí này, bạn sẽ phải thường xuyên:
- Gặp gỡ và liên lạc với khách hàng để thảo luận và xác định yêu cầu Marketing của họ;
- Làm việc với phòng kế hoạch để xác lập yêu cầu đến các nhóm kỹ thuật, thiết kế, truyền thông và triển khai công việc đến khi dự án hoàn thành theo yêu cầu;
- Duyệt nội dung trước khi gửi khách, đảm bảo thời gian và định hướng nội dung trong bản phác thảo;
- Kiểm tra tiến độ của các đội nhóm hàng tuần.
Đây là vị trí cầu nối liên lạc giữa khách hàng và công ty nên bạn cần thường xuyên liên lạc với cả hai phía nhằm bảo đảm việc giao tiếp diễn ra thật hiệu quả. Cụ thể, bạn cần:
- Trao đổi với khách hàng và nhân viên của công ty về chi tiết của chiến dịch;
- Nhận sản phẩm từ team thực hiện và trao đổi với khách hàng. Lấy các phản hồi của họ cũng như tư vấn cho khách hàng hướng thực hiện hợp lý và đúng đắn;
- Trao đổi với team thực hiện để cải tiến sản phẩm và làm khách hàng hài lòng với chất lượng sản phẩm.
Mức lương: 8,000,000 – 10,000,000 VND.
2. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có
Kinh nghiệm
Công việc đòi hỏi bạn có phải có chút ít kinh nghiệm vì vậy bạn nên tham gia các công việc thực tập từ 3-6 tháng ở các công ty Agency.
Chuyên môn
Chuyên ngành Quảng cáo, Marketing, Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện.
Kỹ năng
Là công việc tiếp xúc liên tục với khách hàng và các vị trí khác của công ty nên bên cạnh kiến thức chuyên môn thì các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, phân tích báo cáo,.. là rất cần thiết.
- Giao tiếp:
- Trong môi trường Agency năng động, bạn phải giao tiếp và truyền tải thông tin liên tục. Ngoài ra, ngoại ngữ là yếu tố quan trọng vì khách hàng của bạn rất đa dạng và cấp trên của bạn có thể là người nước ngoài;
- Khả năng đàm phán, nắm bắt được tâm lý khách hàng để đưa ra những quyết định đúng đắn phù hợp;
- Bạn cần phải là người thấu hiểu công việc và đảm bảo quá trình truyền tải nội dung kế hoạch đến khách hàng một cách đúng đắn nhất và đầy đủ thông tin;
- Xử lý thông tin và lập kế hoạch, báo cáo:
- Với người làm Account Excutive, bạn cần thành thạo kỹ năng này để lập báo cáo cho cấp trên;
- Nắm bắt, phân tích và xử lý thông tin nhanh, chính xác để đưa ra đề xuất với công ty và khách hàng.
3. Nơi nào cho bạn những kỹ năng này?
Bạn nên tham gia các câu lạc bộ tổ chức sự kiện, Marketing ở trường để làm quen với những công việc quảng cáo, truyền thông, thuyết phục khách hàng.
Ngoài ra bạn có thể đi làm cộng tác viên sự kiện cho các công ty truyền thông hoặc làm những công việc bán thời gian liên quan đến Sales, Marketing ngay từ lúc đi học để tích lũy khả năng làm việc nhóm cũng như kiến thức chuyên môn. Bạn có thể dễ dàng tìm công việc thực tập cho vị trí này ở trang web adjob.asia.
Vì tiếng Anh là một kỹ năng cần thiết và quan trọng với các công ty lớn nên bạn cần chủ động học tập và rèn luyện khi còn ngồi trên ghế nhà trường để luôn sẵn sàng khi cơ hội làm việc tới.
4. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
Bạn có thể tham gia các khóa học ngắn hạn chuyên và Marketing tại các trung tâm như VINALINK, AIM academy, Tomorrowmarketers…
Ngoài ra bạn cũng nên cập nhập những sự kiện trong ngành Marketing hay những case study thú vị tại Cafebiz.vn, Brandsvietnam…
5. Những công ty tiêu biểu trong ngành
JWT VIỆT NAM: Một Agency nổi tiếng không kém trong nhóm WPP là JWT (J. WALTER THOMPSON) với mạng lưới trải khắp 90 quốc gia. JWT là công ty đầu tiên đặt trụ sở tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang được JWT cung cấp dịch vụ bao gồm Unilever, SuntoryPepsico, Nokia, Nestle, Johnson & Johnson, Vietnam Airlines… JWT Việt Nam còn là công ty quảng cáo duy nhất tại Việt Nam đoạt giải thưởng tại Liên hoan Quảng Cáo Quốc tế Cannes Lion 2011.
OGILVY & MATHER VIỆT NAM: Ogilvy Việt Nam nằm trong WPP Group – nhóm Agency có vị thế lớn nhất trong số các tập đoàn Agency quốc tế ở Việt Nam, gồm rất nhiều mảng như: quảng cáo, PR, tổ chức sự kiện, digital media… Khách hàng của Ogilvy có thể kể đến như Vinamilk, ACB, BIDV, Unilever, Castrol…
TBWA VIỆT NAM: TBWA thuộc Omnicom – tập đoàn truyền thông tiếp thị có doanh thu cao nhất thế giới năm 2007. Chiến dịch “Think Different” khuynh đảo thế giới vào năm 1997 chính là nhờ bàn tay của TBWA.
6. Con đường sự nghiệp
Account Executive → Account Manager → Account Director
Account Manager
Sau khoảng thời gian từ 2-3 năm (tùy vào năng lực và công ty agency) thì người Account Executive sẽ trở thành Account Manager.
Account Director
Sau thời gian khoảng 5-6 năm nữa (tùy vào năng lực và công ty agency) thì người Account Manager sẽ trở thành Account Director (AD). Công việc của người AD chủ yếu sẽ ra quyết định về chiến lược cho khách hàng và quản lý bao quát những cấp thấp hơn. Thường khi ở cấp bậc này, người Account sẽ quản lý bộ phận Account của Agency và xây dựng mối quan hệ với khách hàng, nếu có sự cố gì xảy ra thì người AD sẽ là người phải giải quyết và chịu trách nhiệm toàn bộ.
7. Bạn sẽ làm việc với những ai?
- Account Manager
- Strategic Planner
—
IV. Marketing Executive (Nhân viên Marketing)
Nhân viên Marketing là người sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc quảng bá hình ảnh và sản phẩm công ty đến người tiêu dùng.
Marketing Executive là một vị trí đầy tiềm năng vì bạn được học hỏi kinh nghiệm trực tiếp từ nhà quản lý, đặc biệt là nếu bạn có cơ hội làm việc cho những thương hiệu lớn.
1. Nhân viên Marketing sẽ phải làm những gì?
Với vai trò chính là hỗ trợ cho Marketing Manager và giám đốc điều hành về các dự án nhằm tối đa hóa lợi nhuận của công ty và phát triển chiến lược bán hàng hoặc các chiến dịch tiếp thị, công việc cụ thể của nhân viên Marketing là:
- Thực hiện các công việc thuộc Marketing online (quản lý Fanpage, web). Bạn sẽ viết và đăng bài theo chủ đề, cập nhập thông tin về sản phẩm mới, khuyến mãi, sự kiện… của công ty, tương tác với thành viên, tổ chức chương trình minigame, tổ chức chương trình game online;
- Được tham gia hoạt động đề xuất và lên kế hoạch cho việc ứng dụng các công cụ Marketing online hiệu quả khác.
Bên cạnh đó, bạn còn tham gia các công việc thực tế:
- Tham gia các chương trình: bán hàng lưu động và các sự kiện khác của công ty;
- Đi thị trường: thu thập thông tin và báo cáo về sức bán sản phẩm của công ty, tìm hiểu thông tin của đối thủ cạnh tranh;
- Phối hợp với các bộ phận khác để hoàn tất công việc văn phòng khi có yêu cầu;
- Vị trí Marketing Executive là người hỗ trợ trực tiếp cho việc thực thi các dự án nên kinh nghiệm mà bạn có được là rất nhiều vì học hỏi được cách quản lý và điều hành Marketing từ Marketing Manager của bạn.
Mức lương: 6,000,000 – 9,000,000 VND.
2. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có
Kinh nghiệm
Vị trí này thường yêu cầu có kiến thức hoặc kinh nghiệm về Marketing.
Chuyên môn
Bằng cấp có liên quan đến một trong các lĩnh vực sau: Quảng cáo, Marketing, Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện, Kinh doanh quản lý, Tâm lý học;
Nếu bạn là người học trái ngành, đừng quá lo lắng vì chỉ cần bạn đam mê công việc này, hãy trau dồi cho mình kinh nghiệm tích lũy từ hoạt động thực tế hoặc tham gia một khóa học về Marketing.
Kỹ năng
- Ngành Marketing năng động yêu cầu bạn cần phải có nhiều kỹ năng như: giao tiếp, phân tích thông tin, quản lý công việc, làm việc nhóm, và trình độ ngoại ngữ nhất định. Trong đó, quan trọng nhất là giao tiếp và xử lý thông tin.
- Giao tiếp: Vì bạn phải làm việc với rất nhiều người trong quá trình thực hiện các chiến dịch Marketing nên kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống linh hoạt là điều cần thiết.
- Xử lý thông tin: Ở vị trí này bạn thường xuyên phải viết báo cáo, thu thập dữ liệu và xử lý chúng;
- Áp lực là không thể tránh khỏi nên bạn cần biết cách sắp xếp và tối ưu hóa công việc của mình.
3. Nơi nào cho bạn những kỹ năng này?
Những kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm… bạn sẽ được rèn luyện khi tham gia vào các đội nhóm về Marketing, các câu lạc bộ kỹ năng ở trường. Trong quá trình tham gia các hoạt động ấy, kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành của bạn cũng sẽ tăng lên.
Vì tiếng Anh là một kĩ năng cần thiết và quan trọng tại Agency nên bạn cần chủ động học tập và rèn luyện khi còn trên ghế nhà trường để luôn sẵn sàng dấn thân khi có cơ hội.
Một việc làm part time tại website, trở thành admin tại fanpage cũng mang lại cho bạn nhiều kinh nghiệm thực tế. Bạn có thể dễ dàng tìm công việc thực tập cho vị trí này ở trang web adjob.asia.
4. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
Tham gia các khóa học ngắn hạn để trang bị thêm kiến thức trong lĩnh vực này tại trung tâm AIM academy
Bạn nên tìm hiểu và nghiên cứu thêm thông tin thị trường tại Brandsvietnam, Wecreative.life…
Tham khảo qua các sách, báo chuyên ngành ví dụ như bộ sách sáng tạo của Dave Trott như “Sáng tạo thần sầu”, “Ngấu nghiến nghiền ngẫm”…
5. Những công ty tiêu biểu trong ngành
Bạn có thể làm việc tại Phòng Marketing của các tập đoàn hàng đầu như Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Samsung… qua những chương trình đào tạo thực tâp sinh.
6. Con đường sự nghiệp
Marketing Executive → Marketing Manager → Marketing Director
Marketing Manager: Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, bạn sẽ là người chịu trách nhiệm chính việc triển khai và giám sát các dự án từ cấp trên. Đồng thời, bạn còn thực hiện các hoạt động theo dõi và báo cáo tiến trình dự án.
Marketing Director: Với kinh nghiệm 3 năm tại vị trí Marketing Manager, bạn có thể sẽ được đề nghị lên chức Marketing Director – là người lập kế hoạch quản lý và thực hiện chỉ dẫn cho cấp dưới thực thi dự án.
7. Bạn sẽ làm việc với những ai?
- Marketing Manager
- Account Executive
—
V. Marketing Research Executive (Nhân Viên Nghiên Cứu Thị Trường)
Nghiên cứu thị trường là công việc quan trọng nhằm tạo bước khởi đầu chuẩn xác cho nhà sản xuất kinh doanh ra quyết định bán hàng. Nghiên cứu thị trường trả lời các câu hỏi: ai, ở đâu, khi nào, cho ai để bán hàng tốt nhất.
Người làm nghiên cứu sẽ thu nhập, phân tích và giải thích về thị trường, về sản phẩm hoặc dịch vụ được chào bán trên thị trường đó. Ngoài ra, họ còn phân tích về khách hàng trong quá khứ, hiện tại và tiềm năng đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty.
1. Nhân viên nghiên cứu thị trường sẽ làm những gì?
Công việc của vị trí Marketing Research Executive có thể tóm gọn như sau:
- Hỗ trợ cấp trên trong việc nghiên cứu thị trường;
- Thu thập, xử lý dữ liệu thông tin, nghiên cứu sâu về thị trường;
- Hỗ trợ cấp trên trong việc lập kế hoạch mới và các dự án kinh doanh từ yêu cầu của cấp trên;
- Thiết lập cuộc họp, thuyết trình và các cuộc trao đổi với khách hàng.
Mức lương: 6,000,000 – 8,000,000 VND.
2. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có
Kinh nghiệm
Nếu bạn từng làm thêm hoặc thực tập tại các vị trí chuyên ngành Marketing thì đều có thể ứng tuyển.
Chuyên môn
Bằng cấp có liên quan đến các lĩnh vực Marketing, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, kinh doanh quản lý, xã hội học.
Với những người học trái ngành, các bạn hãy tham gia những khóa học về nghiên cứu thị trường và tích lũy kinh nghiệm thực tế liên quan đến Marketing để có thể “dấn thân” vào công việc này.
Kỹ năng
- Kỹ năng phân tích, xử lý thông tin và lập báo cáo: Hằng ngày, nhân viên nghiên cứu thị trường phải thu thập số liệu từ thị trường thực tế và xử lý chúng về dạng thông tin hữu ích trước khi báo cáo.
- Kỹ năng giao tiếp và truyền tải tốt, kỹ năng làm việc nhóm: Bạn phải là người giao tiếp tốt, có khả năng thuyết trình để có thể phối hợp làm việc với nhiều bộ phận: trade marketing, quảng cáo… và tiến hành trình bày các bảng báo cũng như trực tiếp gặp gỡ nhiều đối tượng khách hàng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để làm việc tại vị trí này cần có thêm những kỹ năng:
- Kỹ năng tổ chức và quản lí thời gian;
- Có tính kỷ luật cao, tinh thần trách nhiệm
- Sẵn sàng chịu áp lực công việc;
- Sử dụng thành thạo tin học văn phòng;;
- Ngoại ngữ (tiếng Anh) lưu loát.
3. Nơi nào cho bạn những kỹ năng này?
Những kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm… bạn sẽ được rèn luyện khi tham gia vào các đội nhóm về Marketing, các câu lạc bộ kỹ năng ở trường, bên cạnh đó kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành của bạn cũng sẽ tăng lên.
Ngoài ra, bạn có thể học hỏi được rất nhiều kỹ năng cần thiết qua cuộc thi Nielsen Case Competition. Đây là cuộc thi được tổ chức hằng năm nhằm tạo cơ hội cho các bạn trẻ trau dồi kĩ năng và tiếp cận với thực tế. Hơn thế nữa, bạn còn có thể trở thành thực tập sinh của Nielsen sau cuộc thi này.
Nếu muốn trải nghiệm công việc này, các bạn cũng có thể nộp hồ sơ cho các tập đoàn hay công ty chuyên nghiên cứu thị trường hoặc các công ty có các phòng ban làm nhiệm vụ nghiên cứu thị trường như Nielsen, Gfk… trong các đợt tuyển dụng.
4. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều kiến thức hữu ích, những case study thú vị trong lĩnh vực Marketing tại Brandsvietnam, Wecreative.life, marketingai.admicro.vn…
Ngoài ra, bạn cũng có thể cập nhật xu hướng, tình hình thị trường tại Marketing chiến lược…
5. Những công ty tiêu biểu trong ngành
Nielsen: Là công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới. Nielsen chuyên cung cấp thông tin về hành vi khách hàng cho các ngành hàng tiêu dùng nhanh, Ô tô, Tài chính, Dược phẩm, Viễn thông, Công nghiệp Sản xuất, Bất động sản và Du lịch…
Taylor Nelson Sofres (được biết đến như TNS): Là một trong những tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu thị trường. Khác với Nielsen, TNS chuyên nghiên cứu và phân tích các khía cạnh của chiến dịch marketing như: Nhãn hiệu & thông tin, đổi mới và phát triển sản phẩm.
Growth from Knowledge (được biết đến như GfK): Là công ty chuyên nghiên cứu về thị trường công nghệ và bán lẻ.
6. Con đường sự nghiệp
Marketing Research Executive → Assistant Research Manager → Research Manager
Assistant Research Manager: Đây là vị trí hỗ trợ lên các kế hoạch nghiên cứu thị trường, phối hợp làm việc với bộ phận kinh doanh, thực hiện các khảo sát ý kiến người tiêu dùng.
Research Manager: Đây là vị trí dành cho những người làm trong lĩnh vực Marketing có kinh nghiệm 3-5 năm trở lên. Research Manager có nhiệm vụ quản lý, hoạch định chiến lược & ngân sách, giám sát và chịu trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động nghiên cứu thị trường.
7. Bạn sẽ làm việc với những ai?
- Brand Manager
- Research Manager
—
VI. Advertising Executive (Nhân viên quảng cáo)
Nhân viên quảng cáo có nhiệm vụ xây dựng các bài viết, hình ảnh, clip và sau đó xuất bản trên mạng xã hội hay trên diễn đàn, blog nhằm mục đích tiếp thị sản phẩm đến người dùng.
Nhân viên quảng cáo là người chịu trách nhiệm cho các chiến dịch quảng cáo trên Internet thông qua công cụ tìm kiếm Google hoặc các trang mạng xã hội như Facebook, Google+, Zing me…
1. Nhân viên quảng cáo sẽ phải làm những gì?
Công việc cụ thể của nhân viên quảng cáo có thể tóm gọn như sau:
- Xây dựng kế hoạch và trực tiếp triển khai chạy quảng cáo trên các kênh như Facbook ads, Google ads, Google GDN, Youtube, Zalo… đo lường đánh giá và điều chỉnh kịp thời để đạt hiệu quả nhất;
- Kết hợp các phòng ban để xây dựng ý tưởng cho các sản phẩm mới;
- Tìm kiếm, sử dụng thành thạo các công cụ Digital Marketing.
Mức lương: 6,000,000 – 8,000,000 VND.
2. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có
Kinh nghiệm
Ưu tiên kinh nghiệm chạy quảng cáo trên các trang mạng truyền thông.
Chuyên môn
Chuyên ngành Quảng cáo, Marketing, Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện.
Kỹ năng
- Tiếng Anh khá;
- Chịu được áp lực cao;
- Có khả năng phân tích số liệu để đánh giá được hiệu quả của chiến dịch quảng cáo;
- Sáng tạo, có khả năng lập kế hoạch tổng thể và quản lý kế hoạch đẩy mạnh hoạt động Marketing trên các kênh Social Media: Facebook, Google+, Youtube, Forum, Zalo, Email Marketing…
3. Nơi nào cho bạn những kỹ năng này?
Bạn nên tham gia các câu lạc bộ tổ chức sự kiện, Marketing ở trường để làm quen với những công việc quảng cáo, truyền thông, thuyết phục khách hàng.
Cách tốt nhất để có được kinh nghiệm thực tế là bắt đầu từ những công việc nhỏ. Bạn có thể làm part-time chạy quảng cáo cho các cửa hàng hay trở thành thực tập sinh tại các công ty quảng cáo, công ty chuyên thiết kế. Bạn có thể dễ dàng tìm công việc thực tập cho vị trí này ở trang web adjob.asia.
Vì tiếng Anh là một kỹ năng cần thiết và quan trọng với các công ty lớn nên bạn cần chủ động học tập và rèn luyện khi còn ngồi trên ghế nhà trường để luôn sẵn sàng khi cơ hội làm việc tới.
4. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
Bạn có thể tham gia các khóa học ngắn hạn để trang bị những kiến thức về Marketing tại các trung tâm như VINALINK, AIM academy hoặc tìm hiểu chuyên sâu về Digital Marketing tại marketingland, blog.marketo.
Bạn cũng nên tìm hiểu thêm các câu chuyện vui, những case study thú vị về nghề tại brandsvietnam, AdvertisingVietnam.
5. Những công ty tiêu biểu trong ngành
Các agency chuyên về truyền thông, quảng cáo thương hiệu luôn cần có các nhân viên chạy quảng cáo.
Cats Advertising (thành viên của Công ty Cát Tiên Sa): Cats Advertising là đối tác chính thức và cao cấp của Facebook, Google, Zalo và Cốc Cốc. Hiện nay, Cát Tiên Sa là một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chương trình, tổ chức biểu diễn và đặc biệt là các chương trình truyền hình.
Dentsu Vietnam: Tại Việt Nam, ban đầu Dentsu có ba công ty bao gồm Dentsu Alpa, Dentsu Media và Dentsu Việt Nam và cho đến nay, ba công ty trên đã sáp nhập lại thành một là Dentsu Việt Nam.
WPP Group: Có vị thế khá lớn, với hơn 23 văn phòng ở Thành Phố Hồ Chính Minh, WPP có mặt trong rất nhiều mảng của ngành. Tại Việt Nam, WPP có 7 công ty con trong mảng quảng cáo gồm: ADK, Bates CHI&Partners, Grey, JWT, Ogilvy & Mater Worldwide, OgilvyAction và Y&R.
Omnicom Group: Trước năm 2013, Omnicom vẫn chưa thật sự nổi trội ở Việt Nam. Tuy vậy, từ đầu năm, thị trường Việt Nam đã được Omnicom Media tập trung phát triển với việc bổ sung những chuyên gia cho team digital. Các thành viên của Omnicom: Focus Asia, OMD Vietnam, XPR-Campaigns Group, PHD Vietnam (TNHH quảng cáo Phương Cách – Method Advertising).
6. Con đường sự nghiệp
Advertising Executive → Senior Advertising Executive
Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, bạn có thể thử sức với vị trí quản lý, phụ trách những chiến dịch quảng cáo lớn hoặc làm vị trí in-house tại các tập đoàn lớn.
7. Bạn sẽ làm việc với những ai?
- Copywriter
- Account Executive
- Strategic Planner
—
VII. Graphic Designer (Nhân Viên Thiết Kế Đồ Họa)
Graphic Designer là người chịu trách nhiệm thiết kế trong các chiến dịch quảng cáo để giúp cho sản phẩm phẩm truyền thông dễ dàng tiếp cận với công chúng.
Nhiều người vẫn thường gọi Graphic Designer là nghề thời thượng mang lại mức thu nhập đáng mơ ước. Nếu Graphic Designer tại các doanh nghiệp được cho là khá nhàn nhã thì các Graphic Designer tại Agency lại có môi trường làm việc năng động hơn rất nhiều.
1. Một Graphic Designer sẽ phải làm những gì?
Công việc cụ thể của Graphic Designer có thể tóm gọn như sau:
- Thiết kế POSM (bộ nhận diện) theo yêu cầu;
- Phối hợp cùng Creative team thiết kế các nội dung Digital (Facebook photos, Infographics…) thuộc các chiến dịch truyền thông Marketing cho khách hàng;
- Làm việc cùng nhóm dự án tham gia xây dựng, đề xuất các ý tưởng sáng tạo về thiết kế phục vụ cho các mục tiêu chiến dịch;
- Nghiên cứu tìm hiểu, cập nhật các xu hướng thiết kế mới nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả các sản phẩm thiết kế.
Mức lương: 6,000,000 – 8,000,000 VND.
2. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có
Kinh nghiệm
Ưu tiên kinh nghiệm thiết kế cho truyền thông Marketing.
Chuyên môn
Bằng cấp liên quan các lĩnh vực thiết kế đồ họa, mỹ thuật.
Kỹ năng
- Thành thạo các phần mềm thiết kế là yêu cầu cơ bản (Photoshop, Illustrator, InDesign…) và tất nhiên bạn phải là người có khả năng sáng tạo;
- Chịu được áp lực cao: Nếu ai nghĩ rằng đây là công việc của những kẻ mộng mơ thì đó là một sai lầm lớn nhất là với Graphic Designer tại Agency. Ngoài sáng tạo và nắm bắt xu hướng bạn còn phải là người chịu áp lực cực kỳ tốt. Deadline đến với bạn liên tục và bạn không thể trễ. Việc trễ deadline sẽ làm mất khách hàng và ảnh hưởng đến cả công ty và việc “đập đi xây lại” tất cả các ý tưởng dù là tâm huyết nhất của bạn cũng là chuyện bình thường;
Đổi lại, bạn được tiếp xúc với đa dạng khách hàng, sáng tạo liên tục. Không chỉ thiết kế mà còn tham gia vào các cuộc họp lên ý tưởng, chiến lược. Khả năng giao tiếp tiến bộ qua từng ngày khi bạn phải phối hợp làm việc với các vị trí khác.
- Tiếng Anh tốt: Đây là yếu tố quan trọng để mở mang kiến thức và phát triển nghề nghiệp của bạn.
3. Nơi nào cho bạn những kỹ năng này?
Hãy tham gia các khóa học về thiết kế tại FPT Arena, Green Academy, DPI… nếu như bạn không phải là sinh viên chính quy tại các trường đại học có đào tạo chuyên ngành này.
Tuy nhiên, không có bằng cấp không có nghĩa là bạn không làm được. Tài năng, kinh nghiệm tích lũy và sự tin tưởng bản thân là yếu tố quyết định để bạn chinh phục nghề.
4. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
Cách tốt nhất để có được kinh nghiệm thực tế là thiết kế từ những công việc nhỏ. Bạn có thể làm part-time thiết kế quảng cáo, website cho các cửa hàng hay trở thành thực tập tại các công ty quảng cáo, công ty chuyên thiết kế… Bạn có thể dễ dàng tìm công việc thực tập cho vị trí này ở trang web adjob.asia.
Bạn sẽ có thêm kiến thức, những câu chuyện thực tế về nghề và những case study thú vị tại brandsvietnam.vn, Cộng đồng designer Việt Nam, Blog đồ họa, AdvertisingVietnam.
5. Những công ty tiêu biểu trong ngành
Các agency chuyên về truyền thông, quảng cáo thương hiệu luôn cần có các Graphic Designer sáng tạo.
Dentsu Vietnam: Tại Việt Nam, ban đầu Dentsu có ba công ty bao gồm Dentsu Alpa, Dentsu Media và Dentsu Việt Nam và cho đến nay, ba công ty trên đã sáp nhập lại thành một là Dentsu Việt Nam.
WPP Group: Có vị thế khá lớn, với hơn 23 văn phòng ở Thành Phố Hồ Chính Minh, WPP có mặt trong rất nhiều mảng của ngành. Tại Việt Nam, WPP có 7 công ty con trong mảng quảng cáo gồm: ADK, Bates CHI&Partners, Grey, JWT, Ogilvy & Mater Worldwide, OgilvyAction và Y&R.
Omnicom Group: Trước năm 2013, Omnicom vẫn chưa thật sự nổi trội ở Việt Nam. Tuy vậy, từ đầu năm, thị trường Việt Nam đã được Omnicom Media tập trung phát triển với việc bổ sung những chuyên gia cho team digital. Các thành viên của Omnicom: Focus Asia, OMD Vietnam, XPR-Campaigns Group, PHD Vietnam (TNHH quảng cáo Phương Cách – Method Advertising).
6. Con đường sự nghiệp
Graphic Designer → Art Director
Art Director: Sau 3 năm “cày” nhiệt huyết tại vị trí Graphic Designer bạn sẽ có thể thăng tiến lên vị trí Art Director. Đây là vị trí quản lý và chịu trách nhiệm về sản phẩm thiết kế của cả team. Art Director sẽ cùng với Creative Director, Account và Producer lên các kế hoạch chiến lược phát triển dự án theo ý khách hàng.
7. Bạn sẽ làm việc với những ai?
- Account Executive
- Strategic Planner
—
VIII. Assistant Brand Manager (Trợ Lý Quản Lý Thương Hiệu)
Trợ lý quản lý thương hiệu thường có nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng chiến lược thương hiệu, duy trì hình ảnh thương hiệu thông qua các chiến dịch quảng cáo và tối đa hóa doanh số bán hàng của thương hiệu.
Assistant Brand Manager là người hỗ trợ kế hoạch phát triển thương hiệu, phối hợp làm việc với bộ phận kinh doanh, thực hiện các khảo sát ý kiến người tiêu dùng để đảm bảo sự thấu hiểu khách hàng.
1. Công việc của một Assistant Brand Manager là gì?
Công việc cụ thể của Assistant Brand Manager như sau:
- Hỗ trợ cấp trên về quản lý thương hiệu cũng như hoạt động kinh doanh;
- Phát triển doanh số bán hàng, lập kế hoạch tiếp thị và quản lý thương hiệu/ sản phẩm cho mục tiêu ngắn hạn – trung hạn – dài hạn;
- Hỗ trợ cấp trên phát triển kế hoạch tiếp thị thương hiệu trong 01-03 năm để tiếp tục xây dựng mục tiêu kinh doanh;
- Xử lý và tổng hợp các báo cáo kinh doanh hàng tháng, xem xét tính hiệu quả của các chương trình khuyến mãi và chiến dịch quảng cáo.
Mức lương: 20,000,000 – 25,000,000 VND.
2. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có
Chuyên môn
Bằng cấp liên quan các lĩnh vực Marketing, truyền thông, kinh doanh, quản lý.
Kinh nghiệm
Để làm việc tại vị trí này, bạn cần có ít nhất 2 năm trong lĩnh vực tiếp thị, nghiên cứu thị trường hoặc kinh nghiệm khác liên quan về Marketing.
Kỹ năng
Với người làm Assistant Brand Manager thì khả năng nắm bắt thị trường và định hướng phát triển thương hiệu là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, bạn cần có thêm những kỹ năng sau:
- Khả năng giao tiếp tốt;
- Khả năng thuyết trình, lập báo cáo;
- Kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian;
- Có tính kỷ luật cao, tinh thần trách nhiệm
- Sẵn sàng chịu áp lực công việc;
- Sử dụng thành thạo tin học văn phòng;
- Ngoại ngữ (tiếng Anh) lưu loát.
3. Nơi nào cho bạn những kỹ năng này?
Tham gia câu lạc bộ, đội nhóm Marketing, hoặc các công việc liên quan như Sales, tổ chức sự kiện… sẽ giúp bạn tích lũy kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian.
Chủ động học hỏi, rèn luyện các kĩ năng mềm từ chính những người xung quanh bạn.
Tiếng Anh là yếu tố quan trọng giúp bạn thành công với công việc nên hãy trau dồi vốn tiếng Anh của bạn mỗi ngày.
4. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
Tham gia các khóa học ngắn hạn tại các trung tâm như VINALINK, AIM academy. Ngoài ra, các tập đoàn hàng đầu như Unilever, P&G, Samsung… cũng có nhiều chương trình thực tập mà ở đó bạn có thể học thêm rất nhiều kiến thức thực tế.
Tham gia các cuộc thi sáng tạo về Marketing tại Brandsvietnam để tăng hiểu biết về thị trường.
Tìm hiểu thêm các bài viết chuyên sâu, phân tích thị trường, thông tin về xu hướng phát triển thương hiệu tại Cafebiz.vn, Brandsvietnam.com.
5. Những công ty tiêu biểu trong ngành
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn nên thử sức với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty Start-up. Theo nhiều người thành công trong lĩnh vực kinh doanh, khoảng thời gian làm việc tại công ty Start-up sẽ tích lũy cho bạn nhiều kinh nghiệm quý giá, tạo bước đệm phát triển sau này.
6. Con đường sự nghiệp
Assistant Brand Manager → Brand Manager → Group Brand Manager
Brand Manager: Quản lý thương hiệu là người chịu trách nhiệm đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ của họ gây được tiếng vang với khách hàng.
Group Brand Manager: Đây là vị trí quản lý nhóm nhãn hàng (dành cho các công ty, tập đoàn lớn hoặc các công ty kinh doanh đa dạng mặt hàng).
7. Bạn sẽ làm việc với những ai?
- Marketing Executive
- Sales
- Marketing Research Assistant
- Trade Marketing
Theo 4sv.vn