Mới cách đây mấy bữa, Quyên có chia sẻ với mng trong group về những kinh nghiệm tìm kiếm và làm việc trên Upwork. Trong bài mình có đề cập tới 1 khách hàng hiện đang thuê Q viết blog du lịch luxury với mức giá 100$/giờ và có nhiều bạn ib cho mình để hỏi thêm về kinh nghiệm “lựa khách” ntn để tìm được những khách “sộp”, làm content “sang chảnh” và tất nhiên là chi phí ngon lành.
Vậy nên hôm nay mình chia sẻ thêm với mng về chút kinh nghiệp ít ỏi của mình trong mảng viết content “sang chảnh” nha!Trước khi vô bài thì mình lưu ý rằng đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân của mình, áp dụng cho lĩnh vực mà mình đang viết (du lịch) và cho 2 loại content chính: bài viết cho các tạp chí và blog (cho cá nhân và khách hàng doanh nghiệp). Có thể nó cũng sẽ áp dụng được cho bạn và/hoặc cho lĩnh vực bạn đang làm, cũng có thể không, hên xui Chỉ hy vọng là khi đọc hết cả bài thì mng cũng sẽ có được thêm ít nhiều thông tin hữu ích.
1. CONTENT “SANG CHẢNH” LÀ GÌ & VÌ SAO MÌNH LẠI THÍCH LÀM NÓ?
Content “sang chảnh” dễ hiểu nhất là content cho những brand sang chảnh (Hèrmes, YSL, LV…) hoặc nhắm tới các sản phẩm thuộc phân khúc sang chảnh (rượu vang, nhà hàng haute cuisine/Michellin…)
Mình thích làm việc với họ vì 2 lý do:
- Giúp xây dựng và phát triển thương hiệu các nhân của mình (personal branding) rất tốt. Nếu khách hàng nhìn vào hồ sơ của một writer và thấy người này đã từng cộng tác với các brand nổi tiếng thì chắc chắn sẽ ấn tượng hơn hẳn, đúng hơm nè!
- Thu nhập tốt hơn. Cái này thì hiển nhiên rồi, không cần nói thêm. Hồi năm 2012, mình còn đi làm ở VN thì lương tháng là 7tr, nhưng một bài du lịch viết cho Harper’s Bazaar đã là tầm 2,5-3tr rồi!
2. LÀM CONTENT “SANG CHẢNH” KHÓ KHÔNG?
Đối với cá nhân Q thì câu trả lời là KHÓ!
Dễ thấy là với những content cho các sản phẩm/thương hiệu phục vụ số đông người tiêu dùng (thức ăn/uống, nội thất, hàng gia dụng, xe máy, xe hơi, điện thoại…) thì người viết content rất nhiều và viết rất dễ.
Lý do đơn giản là vì những cái này nó là một phần trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta – những người làm công ăn lương thu nhập trung bình khá và thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội.
Bây giờ tầm 25 tuổi, cv ổn định là có thể mua căn hộ, trả góp xe hơi, mỗi năm đi du lịch nghỉ dưỡng đôi ba lần. Vậy nên những thứ đó không phải là quá xa xỉ nữa.
Tuy nhiên, để viết được đúng và sâu về các sản phẩm/dịch vụ dành cho đối tượng cao cấp/thượng lưu thì lại rất khó, đơn giản là vì… mình không phải là họ.
Mình chưa từng sống trong thế giới của họ để có thể cảm nhận được việc mua một cặp vé hạng nhất nó đơn giản như mua vé xe đò, book một villa riêng để nghỉ dưỡng nó cũng như book cái khách sạn mà thôi, hay ăn tối ở một nhà hàng Michellin cũng không khác gì ăn buffet Hoàng Yến :)))
Những cái đó nếu không thực sự có một đống tiền trong tay để trải nghiệm thì phải nói là khó mà hình dung được lắm
Tất nhiên nếu bạn là một rich kid hay… em chồng Hà Tăng mà quyết định đi theo con đường làm freelance writer thì sẽ khác ha. Lúc đó bạn viết rốp rẻng luôn, ahihi!
3. LÀM SAO ĐỂ “NGƯỜI THƯỜNG” CÓ THỂ VIẾT ĐƯỢC CONTENT “SANG CHẢNH”
Ở phần này, theo Q thì những yếu tố sau đây sẽ giúp bạn dễ dàng làm việc và thành công với kiểu content và khách hàng này hơn.
- Chỉ tập trung vào MỘT, hoặc tối đa BA lĩnh vực mà bạn tự tin và có nhiều kinh nghiệm nhất. Cái này không chỉ riêng “sang chảnh” đâu mà trong tất cả mọi kiểu viết, bạn cũng đều nên như vậy. Việc tập trung như vậy sẽ giúp bạn có thời gian và điều kiện để tìm hiểu thật kỹ về lĩnh vực mà mình theo đuổi, giúp mở rộng kho kiến thức của riêng mình về lĩnh vực đó. Một khi kiến thức đã vững rồi thì mới có thể làm tiếp những bước tiếp theo (phía dưới).
- Khi đã xác định được lĩnh vực thế mạnh của mình, hãy đầu tư vào việc thu thập kiến thức trong lĩnh vực đó, từ căn bản tới nâng cao, tiếng Việt tiếng Anh, thậm chí tiếng khác nữa càng tốt. Kiến thức là nền tảng để bạn có thể viết ĐÚNG. Nói đơn giản như bạn viết content cho thương hiệu YSL đi. Người sáng lập là ai, sáng lập năm nào, hiện tại tình hình của cty ntn, v.v… Những cái này đều là kiến thức căn bản có sẵn, viết mà còn sai nữa là bó tay!
- Bạn có để ý là những thương hiệu cao cấp, bên cạnh chất lượng của sản phẩm thì họ còn hay nói nhiều đến TRẢI NGHIỆM không? Đó chính là đẳng cấp để tạo nên sự khác biệt. Mà trải nghiệm thì khó có thể nào học hay nắm bắt được qua sách vở lắm mà phải do chính bản thân bạn trải qua cảm giác đó, rồi bằng kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng ngôn ngữ của mình để diễn đạt nó thành một bài viết hoàn chỉnh. Trải nghiệm là thứ giúp cho bài viết của bạn được SÂU.
Tất nhiên không phải ai cũng đủ điều kiện để có thể trải nghiệm những thứ xa xỉ như vậy, và tất nhiên không lẽ cứ nhận bài cho brand nào là đi trải nghiệm liền brand đó, tiền đâu ra (trừ khi chính brand chủ động tài trợ cho writer trải nghiệm để viết bài).
Vậy giờ làm sao?
- Quay ngược lại ý đầu tiên – chỉ tập trung vào MỘT-BA lĩnh vực mà bạn tự tin nhất & cố gắng trải nghiệm những sản phẩm/dịch vụ đẳng cấp trong lĩnh vực này ít nhất nửa năm/lần.
- VD: lĩnh vực chủ yếu của Q là du lịch châu Âu, chiếm 90% khối lượng bài viết mà Q nhận từ khách hàng. 10% còn lại chia ra cho ẩm thực và lifestyle, ít nhiều cũng là 2 cái có liên quan tới du lịch. Trước Covid thì mỗi vài tháng/lần (tùy tình hình gia đình), mình sẽ cố gắng dành dụm để có thể trải nghiệm ít nhất 1 điều gì đó xa xỉ trong ngành du lịch. Đó có thể là một bữa học nấu ăn với đầu bếp riêng, học thưởng thức rượu vang & phô mai với sommerlier, đi du thuyền cao cấp, ở ks 5 sao, ăn nhà hàng (1 sao Michellin thôi cũng được), v.v…
Những cái này tất nhiên không hề rẻ, huhu. Nhưng cái mà mình có được chính là sự trải nghiệm tuyệt vời mà nếu không bỏ tiền ra để hưởng thụ thì có đọc 100 cuốn sách cũng không bao giờ có thể hiểu được cảm giác thật nó ntn.
Kiến thức giúp trải nghiệm được trọn vẹn. Rồi dần dà, những trải nghiệm ntn sẽ lại bổ sung ngược lại cho kho kiến thức của mình về lĩnh vực đó.
Tất nhiên cao cấp cũng có giới hạn, hay nói cách khác là “gió tầng nào mây tầng đó”.
Mình không thể lên tới level đi phi cơ riêng, thuê đầu bếp riêng về nhà nấu nướng (cái đó đẳng cấp elite/upper class rồi) và vì vậy cũng sẽ không bao giờ có thể làm việc với những khách hàng “cành cao” như vậy.
Tuy nhiên với những khách hàng thuộc phân khúc sang chảng theo kiểu luxury (vd như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, rượu vang, ẩm thực cao cấp, high-end bar v.v…) thì mình có thể viết tốt.
Thường khách cao cấp thì thu nhập cũng cao cấp theo luôn, hihi, nên mình coi những lần bỏ tiền trải nghiệm kia chính là những phi vụ đầu tư lâu dài vào nghiệp viết luxury này vậy.
Đọc tới đây, bạn sẽ thấy rằng cũng như mọi loại content khác, content “sang chảnh” cũng cần 2 yếu tố căn bản: ĐÚNG (thông tin, thông số kỹ thuật, lịch sử sản phẩm…) và SÂU (trải nghiệm của người dùng về sản phẩm đó).
Viết đúng thông qua việc học hỏi, đọc sách báo, coi TV…; còn sâu là thông qua chuyện chính mình tự trải nghiệm nó theo cách phù hợp nhất với bản thân.
Đó cũng là lý do vì sao bạn chỉ nên giới hạn rất ít mảng lại để viết thôi.
Cái này thô nhưng thật, đó là nhiều khi vì cám dỗ của thu nhập mà nhiều người cứ muốn viết nhiều đề tài, muốn viết cho brand cao cấp, khách hàng “sộp”, kiểu “nhạc nào cũng quẫy”.
Tuy nhiên thì… thu nhập đâu chưa thấy, chỉ thấy là nếu không đáp ứng được tiêu chí “sang chảnh” của brand, bị trả bài lại thì làm gì có tiền nữa.
Cá nhân mình nghĩ ntn, cái gì cũng vậy, muốn làm ra nhiều tiền thì trước nhất bạn phải chịu chi tiền.
Muốn làm thông dịch viên tiếng Hàn tiếng Nhật lương cao thì phải bỏ tiền ra đi học tiếng. Muốn làm bác sĩ kỹ sư thì phải tốn bao nhiêu công đèn sách. Vậy thì muốn làm freelancer cho khách hàng cao cấp cũng vậy, bạn cũng phải bỏ tiền ra để đầu tư ngược lại cho bản thân mình trước, sau đó thì mới có cái để mà trao đổi “ngang giá” lại với khách hàng
Hy vọng chút chia sẻ cá nhân này có thể truyền chút động lực & kinh nghiệm để mng có thể thêm tự tin khi làm việc với những khách hàng “sang chảnh” trong tương lai nha!
Nguồn: Quyên Lê Gjone