Được mệnh danh là 2 ông hoàng ở 2 lĩnh vực tại thị trường Việt Nam. Grap chiếm vị trí độc tôn về thị trường gọi xe nhanh, Vingroup đang vươn mình trở thành “Samsung” Việt Nam thâu tóm nhiều lĩnh vực. Thế nhưng, ngỡ tưởng “con ai người nấy nuôi”, thế nhưng gần đây, sự kiện Vingroup và Grab hợp tác với nhau để cùng tạo nên một mô hình cực xịn trong ngành thương mại điện tử (TMDT). Các thương hiệu trong ngành hiện sẽ phải rất dè chừng trước những thông tin trên, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu xem, sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cục diện trên thị trường.
Vingroup và Grab: Sự kết hợp không thể hoàn hảo hơn!
Hiện tại, thông tin về việc Vingroup và Grab hợp tác với nhau đã và đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các phương tiện truyền thông. Đây được coi là sự kiện khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử khác cảm thấy lo ngại. Được biết, Vingroup có hệ thống kênh bán lẻ rộng khắp cả nước, thêm vào đó, ngày 23/5 thì Vingroup công bố siêu thị ảo (Virtual Store) đầu tiên và hình thức “Scan & Go” cực kỳ mới lạ. Theo đó, với những đơn hàng từ 300 nghìn đồng khi sử dụng tính năng Scan & Go, Vinmart tặng lại voucher VinID trị giá 100 nghìn đồng và voucher 100 nghìn đồng cho Grab Food và Grab Express.
Sự kết hợp này được ví như “hổ mọc thêm cánh”, khi mà cả 2 thương hiệu này gần như là đơn vị dẫn đầu trong hai lĩnh vực bán lẻ và vận chuyển. VinID là thẻ thành viên được tích hợp ứng dụng ví điện tử của Vingroup, GrabExpress là đứa con cưng được Grab tích cực triển khai trong vòng 1 năm trở lại đây. Sự kết hợp của Vingroup và Grab là dấu hiệu cho thấy Vingroup sẽ tấn công mạnh vào thị trường thương mại điện tử và chiếm thị phần với phương thức vô cùng độc đáo.
Tiềm năng với thị trường nhưng đe dọa với các doanh nghiệp khác
Việc Vingroup và Grab kết hợp lần này đem đến một bất ngờ rất lớn. Thêm vào đó khi mà thị trường TMDT đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, thì việc gia nhập của cái tên Vingroup lại trở thành niềm vui với khách hàng và ác mộng với các thương hiệu cùng phân khúc.
Liên minh chiến lược giữa những doanh nghiệp lớn vốn rất phổ biến trong kinh doanh để cùng đạt mục tiêu chung. Theo đó các doanh nghiệp sẽ trao đổi và chia sẻ các nguồn lực khác nhau, để cùng phát triển hoặc phân phối hàng hóa và dịch vụ để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Xét về góc độ truyền thông, thì sự kết hợp này thu hút sự quan tâm rất lớn mà Adayroi khó lòng làm được. Vingroup và Grab cũng tạo nên rất nhiều giá trị lợi ích cho xã hội, Grab với lợi thế sở hưu hệ thống mạng lưới đối tác tài xế đông nhất hiện nay. Còn Vingroup sở hữu danh tiếng cũng như hệ thống chuỗi bán lẻ Vinmart+, Vinmart4.0, hợp tác với Vin thì Grab được hơn là mất. Việc kết hợp với 1 nền tảng có sẵn sẽ giúp Vinmart nhanh chóng giải được bài toán cam kết về thời gian giao hàng nhưng không phát sinh quá lớn chi phí.
Thực tế hiện nay các đơn hàng Scan & Go vẫn đang được hỗ trợ bởi hệ thống Logistics của nền tảng thương mại điện tử Adayroi với mức phí 25 nghìn đồng. Tuy nhiên theo chia sẻ của một nhân viên giao hàng, tại những khu vực không có nhân viên của Adayroi các siêu thị sẽ chủ động đặt Grab để giao sản phẩm cho khách hàng.
Mặc dù, chưa thể nói trước điều gì khi mà thị trường thương mại điện tử đang có rất nhiều chuyển biến tại Việt Nam. Các doanh nghiệp khác cũng “chẳng vừa đâu” khi được hậu thuẫn từ một loạt các tập đoàn lớn khác có máu mặt. Thế nhưng, với lợi thế chơi trên “sân nhà” và sở hữu hệ sinh thái dày đặc thì khả năng Vingroup và Grab kết hợp sẽ dễ dàng tạo được thành công lớn.
“Mặc dù chưa thể khẳng định Vingroup và Grab sẽ nắm tay nhau dẫn đầu thị trường TMĐT nhưng khả năng nằm trong Top 3 các đơn vị chi phối thị trường trong vòng 3-5 năm tới thì hoàn toàn có thể. Nguyên nhân là bởi họ là những đơn vị có nguồn lực mạnh, chịu chi, cũng như hệ sinh thái mạnh”, ông Tuyến giám đốc CTCP Công nghệ Sapo đồng thời là Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) nhận định.