Dưới đây là một số thông tin công nghệ thị trường biến động vừa qua: Xuất hiện mã độc mới đánh cắp tài khoản facebook, tin buồn cho những người kinh doanh facebook, mã độc trên android cần biết để né tránh.
App đánh cắp mật khẩu Facebook xuất hiện nhan nhản trên Google Play
TheHackerNews – Mặc cho nỗ lực thanh tẩy của Google, dường như chợ ứng dụng này vẫn tồn tại rất nhiều những app độc hại. Mới đây nhất, các nhà nghiên cứu từ Trend Micro và Avast đã tìm thấy một Malware mới tên là GhostTeam có khả năng đánh cắp username và mật khẩu Facebook. Malware này ẩn trong rất nhiều những ứng dụng thông thường và chỉ bị kích hoạt khi người dùng cài app vào máy. Khi cài app, ứng dụng sẽ yêu cầu được cấp quyền điều khiển máy, vì đa số người dùng thường hay bấm OK mà không đọc kỹ mình đang làm gì nên dễ dàng bị chiếm quyền điều khiển máy, từ đó gián tiếp giúp hacker có thể cài mã độc vào máy từ xa. Khi người dùng đăng nhập vào tài khoản Facebook, Malware sẽ tự động kích hoạt mở một trang web giả mạo yêu cầu người dùng nhập lại tên đăng nhập và mật khẩu Facebook một lần nữa để chứng thực. Và tất nhiên tất cả thông tin này sẽ được gửi đến cho hacker. Các chuyên gia nghi ngờ những tài khoản Facebook bị đánh cắp sẽ được dùng để phát tán tin tức giả hoặc phát tán virus đào tiền ảo. Ngoài ra, bị nhiễm GhostTeam cũng sẽ khiến bạn phải xem những quảng cáo không mong muốn. Điều đáng nói, dường như Malware này được phát triển bởi người Việt. Những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Việt Nam và Philippines. Để phòng tránh thì cách tốt nhất vẫn là không nên download và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Skygofree – mã độc mạnh nhất trên Android từ trước tới nay
Skygofree – Xuất hiện từ năm 2014 và sau 3 năm không ngừng cải tiển, có thể nói Skygofree là mã độc dung nạp được nhiều nhất sự tinh túy của các mã độc đời trước, đồng thời có thêm nhiều tính năng mới mà chưa từng xuất hiện trước giờ. Skygofree có thể:
– Chụp ảnh, quay video, ghi âm, đọc tin nhắn, dữ liệu vị trí, các sự kiện ghi trong lịch và các thông tin quan trọng khác lưu trong bộ nhớ của thiết bị.
– Đọc trộm tin nhắn WhatsApp
– Tự động kết nối thiết bị tới mạng wifi do hacker điều khiển
– Ghi chép những gì được gõ trên bàn phím (keylogger)
– Tự động ghi âm hội thoại trên Skype
Skygofree thường lây nhiễm thông qua các trang web mạo danh nhà mạng viễn thông và Italy hiện là nước có nhiều thiết bị bị lây nhiễm nhất. Tốt nhất là các bạn cũng nên đề phòng, đừng để bị nhiễm Skygofree.
Hacker khét tiếng của Mỹ vừa sa lưới
Zing – Cha đẻ của mã độc Fruitfly (ruồi trái cây – một loại côn trùng khá nhỏ bé) vừa bị bắt tại Mỹ sau 13 năm hoạt động và do thám hàng chục ngàn người. Fruitfly là mã độc được phát hiện lần đầu năm 2017, nhưng thực tế nó đã được sử dụng nhiều năm trước đó. Mã độc này có thể tấn công máy Mac, Linux và Windows, can thiệp rất sâu vào máy tính nạn nhân. Fruitfly có thể chụp ảnh màn hình, biến webcam và microphone thành công cụ gián điệp, đồng thời ghi tác vụ bàn phím, chuột và thực hiện các chỉnh sửa bất hợp pháp trên máy tính. Hơn 13 năm qua, hacker này đã đánh cắp hàng triệu ảnh và thông tin cá nhân của nạn nhân, tất cả những dự liệu này có thể đã bị bán, còn bán cho ai và mục đích gì thì chỉ có trời mới biết.
Facebook lại thay đổi thuật toán, gây nhiều bất lợi cho những người kinh doanh dựa vào mạng xã hội này
Báo Mới – Với mục tiêu xây dựng Facebook thành một nơi kết nối người thân và bạn bè thay vì biến thành một cổng thông tin đại chúng khổng lồ, Facebook đã công bố rất nhiều điều chỉnh mới. Một trong những điều chỉnh rất đáng chú ý là like sẽ không còn được tính là 1 tương tác. Nếu như trước đây, một bài viết được like nhiều thì cũng đủ để được hiển thị lên News Feed thì giờ điều đó đã là quá khứ. Nếu bạn quan tâm một ai, thích một fanpage hay group nào thì bạn sẽ cần phải chịu khó comment/share/reaction (thả tim, ghét, cảm ơn,…) thì may ra mới được thấy nội dung từ những nguồn đó tiếp tục xuất hiện trên News Feed của mình. Điều chỉnh thứ hai đáng chú ý là Facebook sẽ hạn chế hiển thị nội dung quảng cáo có đường dẫn đến website chất lượng thấp. Website chất lượng thấp được định nghĩa là các web treo đầu dê bán thịt chó, giật tít kêu nhưng nội dung lại kém chất lượng, gây shock, đưa tin sai sự thật, có quá nhiều quảng cáo. Nhìn chung những thay đổi này là khá tốt cho người dùng nhưng lại là cơn ác mộng đối với những người kinh doanh hay những trang tin tức có sự phụ thuộc lớn vào Facebook.
Nguồn: chonghack.com