Dạo 1 vòng Facebook thấy bài viết này hay quá nên ATP Software xin copy lại nguyên văn lời của tác giả là anh Vũ Anh Vũ – Group Tâm Sự Adam về câu chuyện khởi nghiệp mở quán cafe của mình. Hãy cùng theo dõi nhé!
Xem thêm
Cẩm nang kiến thức khởi nghiệp từ A đến Z
Khởi nghiệp online cần chuẩn bị những gì?
NGHỀ MỞ QUÁN CÀ PHÊ – Phần 1
Với kinh nghiệm gần 7 năm với cái nghề này cùng một chuỗi hơn 12 quán lớn tạm gọi là ổn đến ngày hôm nay. Mình chia sẻ một chút kinh nghiệm cho bạn nào đang có ý định hoặc đã đang mở quán cafe đọc tham khảo nhé.
Đối với một số người, mở quán cà phê là một điều đơn giản. Cứ thuê mặt bằng, thuê kiến trúc sư thiết kế, xây dựng, thuê nhân viên, bỏ bàn ghế vào và bán. Nhất là đối với những người chưa có kinh ngiệm, họ cứ dùng tiền để đầu tư thật hoành tráng, trả lương thật cao để thuê nhân viên thật đông và thật đẹp. Họ tưởng tượng một cách đơn giản rằng: Quán hoành tráng + Nhân viên đẹp + Khung cảnh lãng mạn = Đông khách = Hốt tiền.
Nhưng thực tế thì thường sau vài ba tháng kinh doanh, họ vỡ mộng vì hóa ra bán cà phê không đơn giản như họ nghĩ.
1. Nhân viên:
Nhân viên của một quán cà phê thường không ổn định. Đừng bao giờ nghĩ rằng cứ trả lương cao thì sẽ có nhân viên làm tốt. Đa số nhân viên làm ở quán cà phê không coi đó làm một công việc ổn định. Họ sẵn sàng nghỉ việc bất cứ lúc nào vì những lý do rất trời ơi như: Em ghét con nhỏ làm chung; Bạn trai em không cho em làm; Em không thức dậy sớm được; Đi làm cà phê bị người thân cấm, Ăn mặc hở hang quá;…
Đối với những quán có kỷ luật nghiêm khắc thì nhân viên làm việc bị áp lực nặng nề, dễ nghỉ việc. Đối với những quán có kỷ luật lỏng lẻo thì nhân viên làm việc cẩu thả, dễ mất khách.
Cái khó nhất trong quản lý nhân viên của một quán cà phê là hầu như không có nhân viên nào coi bán cà phê là một nghề (mặc dù thu nhập cao hơn nhiều so với làm văn phòng), từ đó, gần như không ai có ý thức chuyên nghiệp trong công việc.
2. Khách hàng:
Khách hàng của một quán cà phê thường đa dạng loại người. Mỗi người có một ý thích khác nhau. Cũng một ly cà phê như nhau, người thì khen ngon, kẻ thì chê dở, người thì lại bảo rằng cũng được. Nếu người chủ không có kinh nghiệm trong việc thưởng thức cà phê rất dễ bị tình trạng thay đổi lung tung, dẫn đến quán cà phê không có “gu” của riêng mình.
Ai cũng cho rằng: “Khách hàng là thượng đế”, “Khách hàng luôn luôn đúng”. Nhưng đối với nghề bán cà phê, có những lúc khách hàng sai, bởi vì họ chưa/không hiểu được phong cách quán đang muốn xây dựng là gì. Đa số khách hàng không hiểu rằng: Quán cà phê mở ra để phục vụ số đông chứ không phải phục vụ cho một mình họ.
3. Quản lý:
Đầu tư một quán cà phê thường phải bỏ ra một số tiền lớn (thậm chí rất lớn). Để cạnh tranh nhau, các quán cà phê hiện nay có suất đầu tư từ 3-5 tỷ đồng/quán là chuyện bình thường (có những quán đầu tư đến hàng chục tỷ). Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ một quán cà phê lại đến từ những thứ rất nhỏ. Người quản lý phải biết tính toán chi ly từng lạng cà phê, từng chút đường, từng miếng chanh, từng cái thìa, từng cái ly,… thậm chí phải tính đến từng cuộn giấy vệ sinh trong toalet.
Điều khó khăn nhất là phải làm sao cân đối hài hòa giữa chất lượng phục vụ và chi phí bỏ ra. Nếu quản lý không tốt, mặc dù quán có thể bán rất đông khách nhưng không có lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn chậm, thậm chí không thể thu hồi được vốn.
4. Cạnh tranh:
Càng ngày, các quán cà phê mọc ra càng nhiều với quy mô đầu tư càng lớn hơn. Do đó, để cạnh tranh nhau, các quán dùng nhiều cách khác nhau để lôi kéo khách:
a) Giảm giá bán: là một cách đang được nhiều quán lựa chọn. Đây là cách hiệu quả nhất, đơn giản nhất và nhanh nhất trong việc thu hút khách. Tuy nhiên, nếu giá bán thấp đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận và sẽ thiếu hụt tài chính để tái đầu tư. Do đó, phương pháp này chỉ phù hợp với những quán có mức đầu tư thấp, thời gian hoạt động ngắn. Còn đối với những quán lớn, quán có thời gian hoạt động dài, giảm giá là một cách làm không bền vững.
b) Tổ chức chương trình, sự kiện: cũng là một cách lôi kéo khách hiệu quả. Tuy nhiên, khi tổ chức sự kiện, phải đặc biệt quan tâm đến độ lôi cuốn (sự ép phê) của sự kiện, tuyệt đối tránh tình trạng quảng cáo thì hoành tráng mà chương trình thì sơ sài. Nhiều trường hợp tổ chức sự kiện không đạt dẫn đến tác dụng phụ, tiền mất – tật mang.
c) Tái đầu tư, nâng cấp: để thu hút lại khách hàng khi có đối thủ mới mở ra. Cách làm này khá tốn kém về chi phí nhưng bắt buộc phải làm để tăng sức cạnh tranh cho quán. Điều lưu ý khi tái đầu tư là phải tính toán cẩn thận để lựa chọn đúng hạng mục cần tái đầu tư, tránh tình trạng tốn tiền để sữa chữa, nâng cấp nhưng không đem lại cảm nhận cho khách về sự mới mẻ.
d) Quảng cáo: là con dao hai lưỡi. Chỉ tăng cường quảng bá, tiếp thị khi và chỉ khi đã hoàn toàn an tâm về chất lượng phục vụ của mình. Nếu không khéo, quảng cáo lôi kéo đông người đến quán chỉ để có thêm nhiều người chê/nói xấu về quán của mình.
Còn rất nhiều điều khác về nghề mở quán cà phê. Đây chỉ là những trải nghiệm của riêng mình muốn chia sẻ với những người có ý định mở quán cà phê, hy vọng sẽ giúp được một bạn bè nào đó có cái nhìn tỉnh táo hơn về nghề bán quán cà phê và sẽ không phải nói câu: “Tôi hối hận vì đã mở quán cà phê.”
NGHỀ MỞ QUÁN CÀ PHÊ – Phần 2
Tối nay ngồi uống cà phê ở quán mình. Có một người khách đến hỏi: “Anh hay khuyên mọi người không nên mở quán cà phê mà tại sao anh cứ mở quán liên tục vậy? Hay là anh sợ cạnh tranh?”
Mình cười: Thật ra anh vẫn đang cạnh tranh với chính mình đó thôi. Còn anh khuyên người khác vì anh hiểu rõ làm quán cà phê là như thế nào.
Sau nhiều năm làm nghề mở quán cà phê và nghiên cứu về nghề này, mình đúc kết ra kinh nghiệm chỉ có 4 loại người làm quán cà phê thành công:
1. Những người sản xuất cà phê. Họ mở quán cà phê là để tiêu thụ cà phê do họ sản xuất ra. Giá thành đầu vào rẻ nên họ có thu nhập tốt hơn người khác tự mở quán. Điển hình là: Milano, Hoàng Tuấn, Napoli,…
2. Những người làm nghề xây dựng hoặc trang trí nội thất. Chi phí đầu tư quán của họ rẻ hơn người khác rất nhiều nên khấu hao nhanh và có lợi nhuận. Loại này hiện nay khá nhiều.
3. Những công ty vận hành theo chuỗi. Họ được các quỹ đầu tư rót vốn nên nguồn vốn lớn, quy trình quản trị và kiểm soát rõ ràng, chuyên nghiệp. Họ làm theo mô hình thương hiệu, lấy thương hiệu làm điểm nhấn để thu hút khách. Điển hình như: Highlands, The Coffee House,…
4. Những người có mặt bằng sẵn, đẹp. Họ có lợi thế không phải thuê mặt bằng nên không ngại đầu tư, xác định làm để khai thác lợi thế mặt bằng của mình. Dạng này khá nhiều, tuy nhiên, chỉ có 1 ít người thành công, còn lại đa số là tiền lời cũng ngang với tiền cho thuê mặt bằng.
Còn lại, đa số những người thuê mặt bằng, thuê thiết kế làm quán, mua cà phê bột về bán đều không thành công. Ai may mắn thì thu hồi được vốn, lợi nhuận chỉ ngang với gửi ngân hàng. Nhiều người gần như mất trắng sau 6 tháng vận hành, phải đóng cửa quán do doanh thu không đủ bù chi phí.
Trường hợp cá biệt mình biết là thành công xuất phát từ 1 quán trở thành một chuỗi là hệ thống quán Đà Lạt Phố, Nhật Nguyệt ở Sài Gòn. Những người sáng lập nên nó là những người rất giỏi, biết cách nắm bắt khe hẹp của thị trường để phát triển và tạo ra nhận diện riêng cho mình.
Mình với ông anh startup mở quán cafe cũng 5-6 năm (số vốn ban đầu 200tr, còn lại vay mượn, nhà mình ko có điều kiện nên đừng nghĩ là ba mẹ cho), cũng sập tiệm 3 lần, mang nợ gần 7 tỷ, 2 năm mới trả hết rồi làm lại (và nợ tiếp) cứ đầu tư thêm quán là thêm nợ.
Hệ thống cà phê của cty mình ở Nha Trang đến nay được 15 quán là cả một quá trình vừa làm vừa học, có quán thành công, có quán phải bù lỗ. Ai nhìn vào cũng thấy đông khách nhưng đầu tư bao nhiêu, chi phí thế nào, lợi nhuận ra sao thì chỉ người làm trong cuộc mới biết. Ngay bản thân mình ngoài đầu tư các quán cafe vẫn phải đi làm thuê ăn lương nghề chính là Quản Lý Khách Sạn 3-4 sao ở Nha Trang để kiếm thêm thu nhập 1 phần, 1 phần vì cái nghề chính của bản thân đi theo nghiệp suốt cuộc đời, mà một phần quan trọng hơn là nền tảng để lỡ thất bại bên mảng cafe (đầu tư) thì cũng không lo vợ con phải ra đê ở!!!
Cho nên, trừ khi bạn xác định là sẽ gắn bó với cái nghiệp mở quán lâu dài, còn không, nếu chỉ vì kiếm thêm thu nhập thì mình vẫn khuyên là bỏ ý định mở quán đi trước khi hối hận.
Nhắc lại một câu nói mà mình thấy rất đúng: “Ghét ai thì khuyên họ mở nhà hàng, quán cà phê.”
Hôm nay có mấy bác trên Adams đăng bài có ý định mở quán cafe nên mình muốn chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân mình… Đừng nghĩ mình bàn ra mà nhụt chí, hãy chuẩn bị cho chu đáo và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong kinh doanh ko bao giờ thừa…
NGHỀ MỞ QUÁN CÀ PHÊ – Phần 3
Bài này áp dụng đc hết các ngành nghề, nhất là mấy bạn đang có ý định khởi nghiệp nên đọc nhé.!
Sáng nay ngồi uống cà phê ở Galaxy 8. Một người bạn hỏi: “Em muốn làm mà không biết vốn ở đâu? Thấy anh mở liên tục chắc nhà anh nhiều tiền lắm”.
Mình trả lời: Vốn không nằm ở nhà mà ở 3 cái: cái Tâm – cái Đầu – cái Thái độ.
Mình bắt đầu cùng với ông anh làm Galaxy với số vốn khởi điểm cả hai là 500tr đồng cách đây 7 năm. Mình lúc đó trên răng dưới dái,để có 250tr hùn hạp khởi nghiệp đó cũng là tiền thế chấp căn nhà của ba mẹ để làm, chỉ được phép mượn 250tr ko đc hơn. Hồi đó, ba mẹ sợ lắm không dám cho, tại thấy mình khởi nghiệp lúc sinh viên sập tiệm mấy lần nên sợ. Thuyết phục mãi mình mới nói: “Ba mẹ rồi cũng để lại cho con, nhưng nếu đến già rồi mới nhận thì lúc đó con làm được gì nữa. Thà thế chấp cho con từ giờ, con thất bại thì con chịu, còn may mắn thành công thì cái ba mẹ được không phải là tiền mà là Một đứa con thành công”.
Cái đó gọi là: Gọi vốn từ chính gia đình mình.
Khi đó, mình làm với 2 tâm thế: Chứng minh cho ba mẹ thấy sẽ làm được và Nếu không làm được thì đưa cả nhà ra đê.
Quán đầu tiên của hệ thống Galaxy bây giờ là Galaxy Coffee&Bar 03 Hòn Chồng (giờ hay gọi là Ga3). Làm xong cái quán hết 5 tỷ, nợ nhà cung cấp 4,5 tỷ. Ngày khai trương nhà thầu đến ngồi xếp hàng đòi nợ. Làm gì có tiền mà trả, mình chỉ đưa cái mặt ra cam kết: Doanh thu mỗi ngày sau khi trừ lương sẽ trả nợ cho các nhà thầu dần. Ai đòi gấp quá không chịu thì chấp nhận đi vay lãi cao 5-7%/tháng về thanh toán cho người ta. Cũng may là quán bán khá tốt nên trả dần được nợ, sau 2 năm mới thanh toán xong nợ nần. Bài học của lần này là: Hãy cam kết và trả nợ đúng hạn, các nhà cung cấp sẽ tin tưởng và cho bạn nợ.
Cái đó gọi là: Gọi vốn từ các nhà cung cấp.
Sau khi trả hết nợ của quán đầu tiên,anh em mình bắt đầu hợp tác với một người bạn làm nghề xây dựng để làm 2 quán tiếp theo là Windows và Avatar coffee. Bọn mình với anh bạn mình cam kết,anh bạn mình lo khâu xây dựng và nội thất, bọn mình lo khâu trang thiết bị và vận hành theo tỷ lệ anh bạn 7 – bọn mình 3. Bạn mình là dân xây dựng nên chi phí làm quán cũng rẻ, nợ được nhà cung cấp nên cũng không yêu cầu mình góp vốn gì, còn mình thì phải cắm đầu ra làm cho tốt để đem lại lợi nhuận.
Cái đó gọi là: Gọi vốn từ bạn bè.
Những quán tiếp theo thì tài chính lúc này cũng khá ổn từ dòng tiền của 3 quán đầu. Tuy nhiên, càng về sau tốc độ phát triển ngày càng nhanh, nhu cầu vốn ngày càng lớn. Mình bắt đầu đưa ra chính sách cho nhân viên của mình tham gia. Ai có ít tham gia ít, ai có nhiều tham gia nhiều. Nhân viên họ làm chính quán họ nên họ biết doanh thu và lợi nhuận của quán, do đó, họ thấy cứ góp tiền là có lợi nên khá nhiều người tham gia. Quan điểm của mình là: miễn sao nhân viên có lời thì họ sẽ đóng góp tích cực cho quán.
Cái đó gọi là: Gọi vốn từ nhân viên.
Rồi nhiều khách, nhiều anh chị đến uống cà phê tại Galaxy thấy thích phong cách quán nên nhờ mình tư vấn mở quán cà phê. Mình chia sẻ luôn những khó khăn, thuận lợi của nghề và nói: nếu thích mở quán có thể làm chung với em. Phân tích tài chính thấy quán nào cũng lợi nhuận tốt, mình sẵn sàng chia sẻ cho họ cái lợi nhuận đó nên nhiều người góp cổ phần vào hệ thống quán của mình.
Cái đó gọi là: Gọi vốn từ khách hàng.
Nhờ nhiều nguồn vốn đó nên Hệ thống Galaxy mới có vốn để phát triển nhanh được. Tổng vốn đầu tư hiện giờ so với 8 năm trước đây gấp gần 100 lần, doanh thu gấp 20 lần, lợi nhuận gấp 8 lần. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 120%/năm.
Vậy nên, khi làm ăn đừng bao giờ hỏi vốn ở đâu ra mà chỉ cần hỏi:
1. Mình có tự tin rằng hướng đi của mình sẽ đem lại lợi nhuận cho mọi người không?
2. Mình có sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận cho nhiều người không? Nghĩa là mình làm và người khác hưởng?
3. Mình có dám cam kết (bằng mạng sống, sự an toàn, sự hạnh phúc cá nhân) với mọi người rằng: Trừ khi tôi chết, tôi hứa với mọi người là sẽ bảo toàn đồng vốn cho mọi người.
Hãy nhận phần thiệt về mình và nhường phần lợi cho người khác, tự nhiên bạn sẽ thấy mọi người giúp đỡ bạn rất nhiều. Muốn làm nên việc lớn, đừng nghĩ đến làm giàu cho mình mà hãy tìm cách làm giàu cho người khác.
Bài liên quan
Bài học đau đớn khi khởi nghiệp thất bại trở lại làm thuê
40 câu hỏi dành cho người muốn khởi nghiệp
4 giai đoạn marketing trong khởi nghiệp