Khái niệm “nền tảng” (platform) đã và đang nổi lên trong những năm gần đây như một minh chứng cho sức mạnh của cách mạng số đang diễn ra (digital transformation) trong các doanh nghiệp. Nền tảng đã và đang trở thành trụ cột chính của hệ sinh thái CNTT của các doanh nghiệp.
Vậy nền tảng là gì?
Nói một cách đơn giản, nền tảng là một mô hình cắm-và-chạy (plug-and-play) cho phép nhiều đối tượng (VD: khách hàng, nhà sản xuất) kết nối và tương tác với nhau thông qua dịch vụ và ứng dụng trên nền tảng, qua đó tạo nên giá trị cho các bên.
Nền tảng bao gồm hai khía cạnh: mô hình kinh doanh khi triển khai nền tảng và các thành phần công nghệ xây dựng nên nền tảng, với những đặc điểm cụ thể sau:
– Nền tảng là một mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ.
– Tạo điều kiện trao đổi giữa nhiều nhóm người dùng- ví dụ như người dùng cuối và người sản xuất – những người không nhất thiết phải biết nhau.
– Giá trị tỷ lệ thuận với kích thước của cộng đồng. Có hiệu ứng mạng. Nền tảng kỹ thuật số không đáng giá nếu không có cộng đồng của nó.
– Nền tảng là một nơi trao đổi đáng tin cậy : các điều khoản và điều kiện chung chung rõ ràng về sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu dữ liệu, tạo điều kiện để người tiêu dùng và các nhà cung cấp tin tưởng lẫn nhau trong mạng lưới nhờ các cơ chế ghi điểm (scoring mechanism).
– Có kết nối mở thông qua các API để chia sẻ dữ liệu với các nhà phát triển bên thứ ba nhằm tạo ra các dịch vụ mới và mở rộng hệ sinh thái nền tảng.
– Có thể phục vụ được lượng lớn người dùng mà không ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của nền tảng.
– Cung cấp trải nghiệm người dùng hấp dẫn: dễ sử dụng, không có nhu cầu đào tạo, tự phục vụ.
– Cung cấp mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên giá trị tức thời (immediate value).
Nền tảng mang đến những lợi ích gì cho doanh nghiệp ?
Trong thời đại kỹ thuật số, việc sử dụng nền tảng đã cho phép thực hiện các mô hình kinh doanh mới với hiệu suất cao. Như trong khảo sát dưới đây, , không cần phải là một công ty chuyên về CNTT để tận hưởng được những lợi ích của nền tảng.
Cụ thể, các doanh nghiệp lớn nhỏ trong tất cả các lĩnh vực đều có thể hưởng từ nền tảng những lợi ích sau:
– Tiếp cận các thị trường thương mại giao dịch điện tử lớn
– Tham gia đồng sáng tạo, đồng phát triển các sản phẩm mới
– Tạo ra những mô hình kinh doanh độc đáo
Sức mạnh của mô hình kinh doanh đã được chứng minh trong trong bảng xếp hạng những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực Internet năm 1995 và năm 2015, khi những doanh nghiệp mới trong lĩnh vực Internet bứt phá và vượt lên cả những doanh nghiệp về công nghệ lâu đời nhờ sử dụng nền tảng.
Trong danh sách doanh nghiệp có mặt năm 1995, chỉ có Apple vẫn trụ lại trong danh sách này vào năm 2015 nhờ chiến lược phát triển nền tảng và hệ sinh thái xoay quanh thư viện nhạc iTunes. Một nhận xét nữa đó là tất cả các công ty công nghệ dẫn đầu khác vào năm 2015 đều xuất phát từ một mồ hình theo kiểu nền tảng.
Cơ chế thị trường hai bên đã tạo nên những lợi thế của mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng
Về vấn đề này, nhà kinh tế học người Pháp, đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2014, ông Jean Tirole, trong một bài nghiên cứu năm 2002 đã tiết lộ những yếu tố chính tạo nên lợi thế của những mô hình kinh tế dựa trên các thị trường hai bên (two-sided markets).
Cụ thể, đặc trưng của một thị trường hai bên được xây dựng dựa trên một nền tảng là sự tồn tại của hai nhóm người dùng (hoặc nhiều hơn nếu là nền tảng đa diện): người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ đưa ra bởi nền tảng, và người đóng góp tạo nên giá trị nền tảng.
Trong một thị trường như vậy, mức độ tham gia của nhóm người dùng ở một bên sẽ ảnh hưởng đến khả năng tham gia của nhóm người dùng phía bên kia.
Do đó, để có thể thu hút được nhiều người dùng hơn nữa, một số nền tảng sẽ cung cấp dịch vụ miễn phí cho một bên của thị trường. Thông thường, việc cung cấp dịch vụ miễn phí có thể bị coi như một hành vi bán phá giá nhằm tẩy chay đối thủ, dẫn đến vi phạm luật về cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, trên thị trường hai bên, cách phân tích này sẽ không được áp dụng vì mô hình của hai nhóm khách hàng được nhìn nhận một cách tổng thể. Điều đó cho phép việc lãi được tạo ra bên này được dùng để bù trừ lỗ cho bên kia. Dịch vụ phá giá sẽ tạo nhiều khách hàng một bên làm tăng thu hút của thị trường với bên kia. Ví dụ: trong trường hợp của các trang báo miễn phí, chi phí sản xuất và phân phối sẽ được bù đắp bởi thu nhập nhận được từ các nhà quảng cáo.
Mô hình thị trường hai bên là một chủ đề quan trọng đối với các tổ chức, doanh nghiệp mong muốn tăng trưởng lớn nhất có thể dựa trên những đòn bẩy sau đấy :
Lợi ích của ngoại ứng mạng tới nền tảng
Song song đó, ngoại ứng mạng (network effects) là lực chi phối thị trường hai bên này chặt chẽ nhất, khi mà giá trị dịch vụ một người nhận được sẽ phụ thuộc vào những người dùng khác. Đây là những gì diễn ra trong các ứng dụng tin nhắn tức thời như WhatsApp hoặc mạng xã hội như Facebook.
Một hình thức cụ thể của ngoại ứng mạng là hiệu ứng mạng chéo xảy ra khi mức độ sử dụng nền tảng của một nhóm người dùng ảnh hưởng đến mức độ sử dụng của nhóm khác. Những hệ thống thanh toán thẻ tín dụng là một ví dụ cụ thể về hiệu ứng mạng chéo vì càng có nhiều cửa hàng chấp nhận loại thẻ đó, thì thẻ này càng trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng và ngược lại.
Hình dưới đây tóm tắt các ngoại ứng khác nhau của các nền tảng người với người (peer to peer):
Những ngoại ứng giữa các nhóm :
– Càng nhiều nhà cung cấp được kết nối với nền tảng này, người dùng càng có nhiều cơ hội tìm ra sản phẩm / dịch vụ phù hợp với nhu cầu của họ;
– Tương tự như vậy, càng có nhiều người dùng kết nối với nền tảng này, càng có nhiều cơ hội kinh doanh mở ra cho các nhà sản xuất.
Một số lượng lớn người tham gia, qua đó là một số lượng giao dịch lớn sẽ cho phép nền tảng nâng cao chất lượng dịch vụ trung gian. Cụ thể, càng việc có nhiều người dùng và giao dịch sẽ cho phép tập hợp thông tin từ nhiều phía về thị trường. Những cơ sở dữ liệu lớn này (big data) sẽ giúp cải thiện độ chính xác của những thuật toán được sử dụng trong những hệ thống đánh giá xếp hạng (reputation) hoặc gợi ý (recommendation), hoặc cải thiện chất lượng dịch vụ được cung cấp (service delivery).
Ngoại ứng cũng có thể xảy ra bên trong các nhóm người dùng. Cụ thể, phương thức truyền miệng có thể tác động tích cực như sau: nền tảng càng được sử dụng nhiều thì sẽ càng được người dùng nhắc đến nhiều hơn, qua đó nền tảng càng trở nên hấp dẫn đối với người dùng khác. Ngoài ra, ngoại ứng giữa những người dùng có thể ảnh hưởng đến cơ chế tính phí dịch vụ của nền tảng. Một ví dụ cụ thể cho trường hợp này là hệ thống taxi Uber được tính phí dựa trên tình trạng cung và cầu. Vậy nên, giá taxi Uber có thể tăng đột biến tại một địa điểm và một thời điểm như tại cửa ra rạp hát khi kết thúc các buổi hòa nhạc buổi tối và trời mưa.
Về phía các nhà sản xuất, ngoại ứng của nền tảng có thể là tích cực cũng có thể là tiêu cực. Hiệu ứng tiêu cực là khi nền tảng mang đến nhiều sự cạnh tranh. Ngược lại, nền tảng có thể mang đến hiệu ứng tích cực khi thu hút được những nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm phụ trợ (ví dụ. dịch vụ làm vườn và lau dọn phát triển xung quanh nền tảng cho thuê bất động sản Airbnb).
Tổ chức nền tảng
Có ba loại nền tảng chính phân theo mục đích sử dụng:
– Giao dịch (transactional): cho phép trao đổi hàng hoá và dịch vụ;
– Đổi mới (innovative): cho phép phát triển những sản phẩm và dịch vụ mới;
– Tích hợp (integrated): bao gồm giao dịch và đổi mới.
Qua đó, chúng ta có thể thấy nền tảng còn phục vụ nhiều cộng đồng khác ngoài nhà sản xuất và khách hàng. Đầu tiên, có thể kể đến các nhà phát triển sản phẩm và dịch vụ thêm, ví dụ như kho ứng dụng AppStore của Apple. Thứ hai là nhóm người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, là những người thông qua ý kiển của họ, có thể tác động đến cách sử dụng và hệ thống quản trị của nền tảng. Hệ sinh thái của một nền tảng bao gồm tất cả các nhóm người dùng với nhu cầu cụ thể liên quan đến nền tảng: buôn bán, doanh thu, danh tiếng, thông tin…
Dưới đây là sơ đồ biểu thị các nhóm nền tảng theo lĩnh vực kinh tế:
Như vậy, sự phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên việc hình thành các hệ sinh thái số sẽ rất khác biệt với các mô hình kinh doanh truyền thống và cần những kỹ năng chuyên môn mới.
“Vì hầu hết các giá trị của một nền tảng được tạo ra bởi cộng đồng người dùng, các hoạt động được thực hiện bởi nền tảng này phải được hướng tới bên ngoài. Vậy nên, doanh nghiệp sẽ bị đảo lộn và xáo trộn từ hoạt động tiếp thị, đến hệ thống thông tin và chiến lược. Những chức năng này sẽ tập trung nhiều hơn vào những người, tài nguyên và chức năng bên ngoài doanh nghiệp, và bổ sung hoặc thay thế những hoạt động trong những doanh nghiệp truyền thống.” Platform Revolution (Geoffrey G. Parker, Marshall W. Van Alstyne, Sangeet Paul Choudary, 2016
Nguồn : linagora.vn