Làm việc trong lĩnh vực Marketing cho các SME cũng được 8 năm, khá nhiều lần phỏng vấn ứng viên tuyển dụng cho các vị trí của team, mình rút ra được những điều sau với các vị trí ở phòng Marketing – Mảnh đất tưởng chừng vô cùng thú vị nhưng cũng rất “khoai chuối” với các bạn trẻ.
Đã có rất nhiều định nghĩa về Marketing, các bạn có thể search thoải mái trên mạng học đọc sách thêm về nó. Còn với cá nhân mình, khi nói về Job Description của nhân viên Marketing trong doanh nghiệp SME là những công việc mà doanh nghiệp muốn triển khai và được phân bổ vào mảng Marketing chứ không phải Sales phục vụ các mục đích cụ thể về kinh doanh, truyền thông và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Những công việc cụ thể của một marketer sẽ được gắn với cách vận hành của bộ phận Marketing từng công ty.
Mỗi doanh nghiệp có một cách vận hành và đường hướng phát triển riêng nên cách vận hành bộ phận Marketing ở từng doanh nghiệp lại khác nhau. Với những doanh nghiệp lớn có ngân sách và hạn chế thuê ngoài hoặc Agency sẽ tổ chức cả bộ máy chạy dọc với từng vị trí và các phân công công việc chuyên biệt như Quản trị dịch vụ, Content, thiết kế, trưởng kênh digital phụ trách các nhân viên SEO, Google Ads, Facebook Ads…. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ thì nhân viên Marketing phải kiêm khá nhiều thứ từ những việc Marketing như lên các chương trình hỗ trợ bán hàng, khuyến mại hoặc các hoạt động truyền thông, Pr hoặc book bài trên các kênh báo chí, mời tài trợ…. Khá mơ hồ cho những bạn mới khi xác định làm công việc này. Thậm trí có những công việc thuộc về kinh doanh nhưng cũng bị gán cái mác Marketing khiến người mới vào nghề cảm thấy hoang mang và không biết phải làm như nào để phát triển nghề nghiệp của mình.
Vậy thì làm Markekting là làm gì?
CMO đầu tiên của mình đã nói với mình 1 câu về Marketing hồi mình mới bước chân vào nghề cách đây 8 năm và giờ mình vẫn nhớ như in khi nói về Marketing và Bán hàng. Marketing là công việc bán hàng trước bằng cách hiểu khách hàng, khiến khách hàng biết nhu cầu của mình, thực hiện mua nó một cách dễ dàng và tiện lợi. Còn Bán hàng là công việc tiếp theo, thực hiện chốt đơn hàng và mang doanh thu về cho doanh nghiệp. Với mấy câu đơn giản vậy thôi đã khiến mình làm Marketing với rất nhiều việc để đạt được mục tiêu khi được giao như chương trình hợp tác – liên kết kinh doanh, tổ chức sự kiện, chạy chương trình quảng cáo…
Tất nhiên, đó là thời gian đầu khi mới làm nghề, bạn nên làm nhiều việc để có kinh nghiệm, để trải nghiệm thực tế các hình thức marketing khác nhau nếu bạn muốn có background về nghề và phát triển lên vị trí cao hơn với cái nhìn tổng quát hơn.
Chắc chắn có một điều rằng, Marketing là làm việc theo team, team nội bộ của phòng marketing hoặc team liên phòng giữa các bộ phận trong công ty để cùng nhau đạt được mục tiêu của tổ chức. Cá nhân nhân viên marketing không thể làm hết được công việc trong một chương trình marketing cho dù chương trình đó là do nhân viên đó đưa ra. Vậy khi bắt đầu vào vị trí Marketing bạn cũng có thể xác định cho mình những công việc như làm Content (viết bài), chạy quảng cáo hoặc làm SEO, nếu có background tốt hơn thì có thể làm phụ trách marketing – đưa ra kế hoạch phát triển dịch vụ, sản phẩm và điều phối các thành viên trong team để đạt được mục tiêu của kế hoạch.
Học gì trở thành Marketer?
Liệu học marketing ở các khoa Marketing trong các trường Đại học, cao đẳng ra trường là có thể trở thành một Marketer? Không hẳn như vậy. Học bất kỳ ngành nào bạn đều có thể làm Marketing được. Tuy nhiên, nếu đã được đào tạo rồi thì bạn sẽ có những lợi thế căn bản và bắt nhịp nhanh hơn. Nếu không cũng chẳng sao nếu bạn muốn làm nghề một cách nghiêm túc. Bạn có thể học thêm để có kiến thức và làm nhiều để có những trải nghiệm thực tế. Kiến thức quan trọng nhưng trải nghiệm và cái nhìn về các vấn đề xung quanh là điều không thể thiếu đối với thành công của một Marketer. Với những bạn mới, mình có vài lời khuyên như sau:
1. Nắm vững khái niệm cơ bản về marketing:
Những thứ này có rất nhiều trong các sách vở và tài liệu về marketing. Cá nhân mình nghĩ nên đọc những tài liệu gốc bằng tiếng anh vì đôi khi có những sách dịch chưa thật sự sát nghĩa. Nhưng nếu khả năng tiếng anh của bạn chưa khá lắm thì cũng không sao, Google Translate có thể giúp bạn hoặc đọc những bản tiếng việt trước để hiểu những khái niệm nhập môn cũng là điều rất rốt.
2. Luyện tập cách truyền tải thông điệp một cách rõ ràng và mạch lạc:
Marketing liên quan rất nhiều với việc tiếp xúc với khách hàng bằng cách này hay cách khác. Nếu bạn không biết cách làm người khác hiểu suy nghĩ và thông điệp của bạn thì chắc chắn kế hoạch của bạn sẽ bị chặn đứng trước khi nó kịp ra khỏi phòng họp – nơi bạn trình bày ý tưởng của mình với Sếp.
3. Bắt đầu công việc với những kỹ năng cụ thể:
Bạn có thể viết một câu đầy đủ không? Bạn có thể thuyết trình? Có thể lập kế hoạch? Có thể lập báo cáo kết quả, có thể phân tích kế hoạch và kết quả kinh doanh? Có thể xử lý một bức ảnh hay 1 file power point? Hãy tự hỏi mình có thể làm gì và bắt đầu với những điều cụ thể nhất. Nếu chưa làm được hãy học và làm đó. Hãy nhớ, trước khi thành thầy thì người đó đã là một người trò, một người trò chăm chỉ & nỗ lực không ngừng.
4. Suy nghĩ theo kế hoạch, làm những công việc chi tiết:
Như phần trên mình đã nói, Marketing là làm việc theo team, bạn không thể làm việc một mình và đạt thành quả được. Tuy nhiên, trong team lại có nhiều công việc khác nhau. Kết quả công việc của người này là đầu vào của công việc của người khác. Ví dụ, một quản trị dịch vụ đưa ra kế hoạch cho dịch vụ, bản kế hoạch này sẽ là đầu vào cho các bạn content lên kế hoạch và viết bài. Những bài viết của content cũng là đầu vào của các bạn SEO…cứ như vậy, các công việc Marketing tương hỗ cho nhau giúp mang đến kết quả cuối cùng. Những kế hoạch, đường hướng cần được triển khai bằng những công việc cụ thể. Nếu bạn không bắt đầu, không thực hiện thì những suy tính của bạn mãi mãi chỉ nằm trên giấy.
5. Học tập và trải nghiệm:
Marketing luôn đòi hỏi sự sáng tạo về mặt ý tưởng, linh hoạt và đa dạng trong các trường hợp và lĩnh vực khác nhau. Không có gì chắc chắn rằng một chiến dịch thành công có thể đem đến thành công lần thứ 2 cho một chiến dịch khác. Tuy nhiên, việc nhặt nhạnh những điểm thành công và nhìn ra những điểm chưa đạt là hướng đi tốt nhất khi bạn không có thể hoàn toàn cho một chiến dịch mới luôn là một gợi ý tốt cho các marketer. Hãy học tập qua sách vở, qua những TVC bạn nhìn thấy hàng ngày, qua các mẫu quảng cáo bạn bắt gặp, qua các chiến dịch mà bạn biết… để nhìn vấn đề ở nhiều chiều khác nhau, tự tích lũy kiến thức cho mình. Tin tôi đi, chắc chắn trình độ và khả năng của bạn sẽ lên rất nhanh.
6. Bắt tay vào làm thôi:
Nếu là một sinh viên mới ra trường, hãy tìm kiếm và ứng tuyển vào những nơi đang cần tuyển dụng, hãy học và hỏi những điều chưa biết và nhớ đừng ngại việc. Không ai có thể dạy cho một đứa vừa chưa biết gì lại còn lười đâu. Nếu là đã đi làm, đừng chỉ dậm chân tại chỗ, không ngừng nỗ lực, sáng tạo và thực hành mỗi ngày thế giới có bao điều mới được cập nhật, thay đổi, đừng để mình bị đứng ngoài cuộc chơi
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, muốn chia sẻ với những bạn trẻ hơn em – rất mong được góp ý nhẹ nhàng vì tác giả là người rất dễ bị tổn thương)
Nguồn: QTvKN