Mấy tháng gần đây nhóm chúng tôi nhận nhiệm vụ của tổng công ty về việc bóc tách một số công trình chung cư khoảng 30 tầng bằng phần mềm Revit nhằm phục vụ công tác dự toán của tổng công ty vì phần mềm đã tự động hóa hết mọi quy trình bóc tách, khiến cho người thiết kế sau khi dựng công trình trên máy tính thì sau một số cài đặt cơ bản về thống kê, mọi thành tố vẽ ra nó đều được thống kê đầy đủ.
Từ bao nhiêu m3 bê tông đến khối lượng gạch xây hay diện tích lớp vữa trát hoặc sơn nội ngoại thất.
Làm việc với đội dự toán, họ nói riêng riêng việc này đã đỡ được hơn một chục người tính dự toán theo cách thông thường, tính chính xác và tự động hóa rất cao , thời gian rút ngắn lại nhiều.
Trước đây sau khi thiết kế xong, Bộ phận dự toán của các bên đều không thống nhất được kết quả dẫn đến mâu thuẫn trền miên nhưng dùng Revit để bóc kết quả thì điều đó được cải thiện đáng kể .
Tất nhiên nó vẫn chỉ là một phần tính năng rất nhỏ của phần mềm cũng như của công nghệ BIM nhưng nó đã giải quyết ngay được những vấn đề sát sườn ngay trước mắt.
Tôi thầm nghĩ đến : Automation chính là đây…
Bối cảnh :
Trong một số trào lưu đã, đang và sẽ diễn ra trên thế giới sắp tới sẽ thay đổi thị trường việc làm sâu sắc, dẫn đến việc thay thế một số mô hình cũ và chuyển sang nhưng mô hình mới hiệu quả hơn, kéo theo việc một loạt việc làm mới được tạo ra cũng như nhiều việc làm cũ bị giảm thiểu hay xóa bỏ :
+Sharing Economy ( nền kinh tế chia sẻ ): Nền kinh tế chia sẻ sẽ tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có của xã hội với các dự án tiêu biểu như Uber /Grab đang cạnh tranh với taxi và xe ôm truyền thống, AirBnB cạnh tranh với phân khúc nhà hàng, khách sạn , hay việc các nhà sản xuất ( Đặc biệt ở Trung Quốc )chia sẻ tài nguyên máy móc, dữ liệu phần mềm, nhân lực với nhau để tạo ra các sản phẩm giá rẻ cạnh tranh với các sản phẩm từ công ty hùng mạnh tại Âu, Mỹ.
+Automation ( tự động hóa )Với việc thay thế dần các công đoạn nhàm chán, lặp lại cho máy móc, phần mềm xử lý. Đứng trước trào lưu này, những người công nhân lao động bậc thấp đứng trước rủi ro cao nhất . Họ là những người công nhân lắp ráp, chế biến sản xuất sản phẩm công nghiệp. Công việc của họ sẽ sớm được robot thay thế.
+ Manufacturing Nationalization ( Quốc gia hóa việc sản xuất ) : Trước khi có từ khác chuẩn xác hơn, tôi tạm dùng từ này để miêu tả hiện tượng các quốc gia đầu não về sản xuất một hoặc nhiều sản phẩm công nghiệp đưa các quy trình sản xuất sản phẩm của họ tập trung lại quốc gia sở tại thay vì đưa ra nước ngoài như trước đây.
Vốn dĩ trước đây, họ chia các giai đoạn sản xuất sản phẩm lên nhiều quốc gia khác, mà trong đó mỗi quốc gia này có lợi thế để sản xuất một phần sản phẩm đặc thù. Ví dụ để sản xuất iphone, Apple nắm giữ bản quyền thiết kế,hệ sinh thái ứng dụng, còn cung cấp linh kiện phần cứng thì chia ra nhiều đối tác từ bộ vi xử lý của intel tại Mỹ,Màn hình của LG tại Hàn Quốc hay Toshiba tại Nhật Bản hoặc Wintek tại Đài Loan, Chip nhớ của Samsung…vv . Sau đó mới lắp ráp lại tại nơi có lao động cơ bắp giá rẻ như Trung Quốc -Nhà máy Foxcon.
Tuy nhiên trước sự tiến bộ của công nghệ Additive Manufacturing ( Sản xuất sản phẩm theo từng lớp một). Các nhà sản xuất toàn cầu hiện nay đã có thể sản suất gần như toàn bộ linh kiện sản phẩm trong nước thay vì phải đưa quy trình đó ra nước khác như trước. Cộng thêm xu hướng bảo hộ quốc gia gia tăng với chỉ dấu là vụ Brexit cũng như tư tưởng bảo hộ nền sản xuất trong nước của Đảng Cộng Hòa nước Mỹ trong đó nổi bật với ý kiến di dời các nhà máy về Mỹ của Tân tổng thống Mỹ Donald Trump và giá nhân công lao động của Trung Quốc đã không còn rẻ nữa, cộng thêm công nghệ robot đã rất phát triển và luật bảo vệ môi trường ở các nước đang phát triển chưa được chặt chẽ. Các nhà máy của các nhà sản suất toàn cầu đó sẽ dần dần chuyển sang các nước có ưu đãi chính sách nhiều hơn cũng như lao động rẻ hơn như các nước Đông Nam Á , trong đó có Việt Nam trước tiên và dần dần về chính quốc.
Vậy nên thực ra chúng ta cứ hay nói về Việt Nam thu hút đầu tư FDI nhờ lao động giá rẻ, kỳ thực điều đó đáng xấu hổ nhiều hơn. Cũng như không phủ nhận các tập đoàn đa quốc gia đến với chúng ta có đóng góp vào tăng trưởng GDP cũng như tạo ra nhiều việc làm hơn, nhưng họ đến đây vì lợi ích của họ, nếu ko có lợi ích họ sẽ ra đi.
*Công việc và kỹ năng trong tương lai sắp tới :
Nhìn vào biểu đồ dưới đây thể hiện sự thay đổi về một số ngành nghề trên toàn cầu từ những năm 80 cho đến 2012 ta thấy được những công việc có khả năng tăng trưởng chính là những việc yêu cầu kết hợp cả kỹ năng cứng và cả mềm, cụ thể là những công việc cần kỹ năng số học ( Math skills ) cũng như kỹ năng xã hội ( Social Skills ). Trong đó những công việc liên quan đến kỹ năng xã hội lại càng ngày càng có cơ hội phát triển trong khi cá công việc liên quan đến kỹ năng số học thì càng ngày càng giảm.
Lý do vì những công việc liên quan đến số học và lao động giản đơn sẽ sớm bị suy giảm, cạnh tranh và thậm chí sẽ bị thay thế bởi robot và phần mềm theo trào lưu Automation, Sharing Economy hay manufacturing Nationalization .
Một số nghành nghề sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn tới là
Toán học, nhân viên ngân hàng , Lái xe, Kế toán, kỹ sư vận hành máy , thợ cơ khí bậc cơ bản, thợ mộc và đặc biệt là nhưng người lao động đơn giản( lao động chân tay -blue collar jobs) …
Trong khi những nghành nghề phát triển lại là những ngành nghề yêu cầu kỹ năng xã hội cao( interpersonal skills ), điều mà máy tính, phần mềm và robot khó có thể thay thế, như luật sư, quản trị tài chính , nhà vật lý, các nghành liên quan đến chăm sóc sức khỏe, thiết kế…
Những kỹ năng mà sẽ có “vận tốc dương về mặt giá trị” trong những năm tới sẽ là Những kỹ năng mềm : kỹ năng chia sẻ ( sharing ), kỹ năng thương thuyết ( negotiating ), cộng tác ( cooperation), Đồng cảm ( empathy), quản lý, tổ chức ( management )…
ĐỒng thời các doanh nghiệp sẽ cần nhiều hơn những người BIẾT SÂU VÀI KỸ NĂNG thay vì CHUYÊN SÂU MỘT KỸ NĂNG . ( Single-skillset jobs in decline ).
Đặc biệt là có sự kết hợp giữa kỹ năng số học và kỹ năng xã hội thay vì chỉ một trong hai.
Vậy ngành nghề bạn đang làm có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc bạn có nhận định đúng dòng chảy của xã hội hiện nay và nhanh chóng đáp ứng được những yêu cầu của nó.
Nguồn : Minh Khôi