Theo thống kê của công ty chuyên theo dõi các startup CB Insights, thế giới hiện có 335 startup kỳ lân. Riêng khu vực Đông Nam Á có 6 công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD, với 4 trong số này đến từ Indonesia.
Grab
- Định giá: 14 tỷ USD
- Nhà đầu tư: GGV Capital, Vertex Venture Holdings, Softbank Group
- Trụ sở chính: Singapore
Grab là ứng dụng gọi xe do Anthony Tan và Hooi Ling sáng lập năm 2012 tại Malaysia với tên gọi ban đầu MyTeksi. Tháng 8/2013, startup này đổ bộ vào thị trường Philippines dưới tên GrabTaxi. Năm 2014, GrabTaxi chuyển trụ sở chính sang Singapore. Đầu năm 2016, công ty đổi tên thành Grab.
Đến nay, sau 7 năm thành lập, Grab có mặt tại 8 nước Đông Nam Á. Ngoài dịch vụ gọi taxi, công ty tiếp tục mở rộng ra các dịch vụ khác từ gọi xe cá nhân, xe ôm, xe đi chung, giao hàng, giao đồ ăn, thanh toán di động…
Ra đời sau Uber 3 năm, ngay từ đầu Grab đã bị xem là ‘bản sao’ của của start-up do Travis Kalanick sáng lập. Xét về cả kinh nghiệm và giá trị công ty, Grab đều được xếp ở ‘chiếu dưới’. Thế nhưng, nhờ am hiểu thị trường địa phương và phát triển các giải pháp không theo khuôn mẫu, Grab khiến Uber bị tụt lại phía sau trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần. Thương vụ thâu tóm mảng kinh doanh của Uber Đông Nam Á năm 2018 đánh dấu thắng lợi của Anthony và Grab tại thị trường 620 triệu dân này.
Go-Jek
- Định giá: 10 tỷ USD
- Nhà đầu tư: Formation Group, Sequoia Capital India, Warburg Pincus
- Trụ sở chính: Indonesia
Từ một ứng dụng gọi xe ôm ra đời năm 2010, Go-Jek hiện nay đã phát triển thành một hệ sinh thái cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng: từ gọi xe, giao đồ ăn, đặt vé sự kiện, mát-xa tại nhà cho đến thanh toán di động.
Go-Jek là startup kỳ lân đầu tiên của Indonesia, cũng là công ty duy nhất ở Đông Nam Á được đưa vào Top 50 công ty thay đổi thế giới của Fortune năm 2017.
Đồng sáng lập và CEO Go-Jek – Nadiem Makarim cũng chính là bạn học tại Harvard của Anthony Tan – Đồng sáng lập và CEO Grab.
Tokopedia
- Định giá: 7 tỷ USD
- Nhà đầu tư: SoftBankGroup, Alibaba Group, Sequoia Capital India
- Trụ sở chính: Indonesia
Tokopedia là sàn thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, được thành lập năm 2009 bởi William Tanuwijaya và Leontinus Alpha Edison. Công ty nhanh chóng phát triển nhờ xu hướng sử dụng di động thông minh, mua sắm trực tuyến tại Indonesia.
Theo báo cáo gần đây của Google và Temasek Holdings Pte., Indonesia có nền kinh tế internet lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, dự báo đạt giá trị 53 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 1,7 tỷ USD của năm 2015.
Traveloka
- Định giá: 2 tỷ USD
- Nhà đầu tư: Global Founders Capital, East Ventures, Expedia Inc.
- Trụ sở chính: Indonesia
Traveloka là startup du lịch trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á. Công ty do 3 kỹ sư Ferry Unardi, Derianto Kusuma, Albert Zhang thành lập năm 2012. Traveloka hiện hoạt động tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Australia.
Bukalapak
- Định giá: 1 tỷ USD
- Nhà đầu tư: 500 Startups, Batavia Incubator, Emtek Group
- Trụ sở chính: Indonesia
Bukalapak được thành lập năm 2011, với tên gọi có nghĩa là “mở một gian hàng”. Startup này được xem là đối thủ của Tokopedia trên thị trường thương mại điện tử Indonesia.
Điểm đáng chú ý của Bukalapak là công ty này hướng tới những người tiêu dùng ngoại tuyến, bằng cách xây dựng mạng lưới kết nối với các đại lý, chủ yếu là các kiốt bán đồ tiện lợi quy mô gia đình hoặc các nhà hàng bán đặc sản địa phương.
Bukalapak cho phép người dùng đăng ký và mở một cửa hàng trực tuyến, đồng thời trở thành đại diện của công ty trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Khách hàng không thể kết nối mạng Internet, muốn mua thứ gì đó trên Bukalapak có thể tiếp cận các đại lý này để được trợ giúp trong việc đặt hàng trực tuyến.
Revolution Precrafted
- Định giá: 1 tỷ USD
- Nhà đầu tư: K2 Global, 500 Startups
- Trụ sở chính: Philippines
Công ty chuyên phát triển nhà ở dựng sẵn Revolution Precrafted là startup kỳ lân đầu tiên của Philippines. Công ty được thành lập bởi Robbie Antonio – xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh bất động sản.
Anh là người đứng sau các dự án hàng tỷ USD của gia đình hợp tác với những cái tên lớn như Forbes Media, Armani/Casa, Versace Home, Paris Hilton, và Tập đoàn Trump. Robbie chuyển sang thiết kế nhà chuyên nghiệp với giá phải chăng để có tiếp cận được với nhiều người hơn.
Thanh Tuyền
Theo brandsvietnam.com
XEM THÊM:
Marketing bằng video giúp nhận diện thương hiệu cần thiết cho doanh nghiệp – Phần 1
Kiến thức Marketing không thể thiếu cho doanh nghiệp
Luật doanh nghiệp mới nhất và những lợi thế được đem lại
Content Marketing là gì? Tầm quan trọng của content marketing
11 xu hướng Digital Marketing Việt Nam 2019: Nền tảng quan trọng cho những năm sau