Phương pháp lãnh đạo của tôi chính là một phần con người của tôi – nó nhất quán với tính cách. Khả năng lãnh đạo là thứ có thể học nhưng không thể bắt chước. Bạn có thể quan sát và học hỏi những nhà lãnh đạo khác khi họ làm việc. Nhưng nếu bản tính tự nhiên của bạn là bình tĩnh, lạnh lùng và hay quan tâm đến người khác thì bạn hãy cứ là như vậy. Bởi việc cố gắng thay đổi theo người khác là không khôn ngoan một chút nào.
Trên đây là một đoạn chia sẻ của Carlo Ancelotti, một huấn luyện viên nổi tiếng người Italy trong cuốn tự truyện “Lãnh đạo thầm lặng” của ông.
Carlo nói rằng “Khả năng lãnh đạo là thứ có thể học nhưng không thể bắt chước”.
Rất đúng. Và rất hay.
Lãnh đạo là học hỏi, những lãnh đạo chủ yếu đến từ tư chất & cá tính riêng.
Tư chất của lãnh đạo quyết định đến phạm trù quản lý quan trọng đối với doanh nghiệp: triết lý riêng của doanh nghiệp là gì?
Cái tôi cảm thấy muốn theo đuổi nhất là triết lý thương hiệu doanh nghiệp của mình là gì. Nó cứ ám tôi trong cả giấc ngủ.
Khi nghe một doanh nhân nói vậy, tôi mừng cho họ. Mọi thứ đều có thể bắt chước, trừ triết lý. Triết lý doanh nghiệp nếu tích cực sẽ tác động tích cực đến tinh thần của nhân viên, đến khách hàng và tất nhiên là hiệu quả kinh doanh.
Triết lý tiếng Anh là Philosophy. Từ philosophy nghĩa gốc tiếng Hy Lạp là Tình yêu – philo và Minh triết – sophia.
Chỉ có tình yêu mới ám ảnh đêm ngay.
Khi tôn thờ sự minh triết, một doanh nhân theo đuổi nó đến tột cùng.
Các nhà lãnh đạo có tầm và có tâm đều bị ám ảnh đau đáu với triết lý họ theo đuổi. Vì đó là lẽ sống họ đã chọn.
Carlo Ancelotti hay những vị huấn luyện viên đình đám như Alex Ferguson, Jose Mourinho và Arsense Wenger đều có triết lý lãnh đạo rất rõ ràng. Những câu lạc bộ (thực chất là các tập đoàn doanh nghiệp lớn), ở những mức độ khác nhau, đều có bản sắc (trong thời gian họ tại vị) tương thích với triết lý lãnh đạo của họ. Và đều không ai bắt chước được.
Real Madrid thời Mourinho gồ ghề, hiếu chiến & hiệu quả. Nhưng Real của Carlos lại mềm mại, hoà bình & ít xung đột ngoài sân cỏ hơn. Đó là vì Mourinho & Ancelotti có triết lý lãnh đạo khác nhau.
Tương tự, Man United dưới triều đại sir Alex vô cùng uyển chuyển, máu lửa nhưng không bao giờ đánh mất cái đẹp. United dưới bàn tay Mourinho, dù HLV người Bồ đã nỗ lực tiết chế tính cách khi về Old Trafford, cũng đã khác trước quá nhiều.
Vì khi theo đuổi triết lý, các nhã lãnh đạo không chỉ thể hiện tình yêu, họ còn cho thấy sự logic.
Triết lý tiếng Anh là Philosophy. Từ philosophy nghĩa gốc tiếng Hy Lạp là Tình yêu – philo và Minh triết – sophia.
Triết là cả tình yêu và sự minh triết.
Tình yêu là trái tim. Minh triết là trí tuệ.
Triết lý là kết hợp của cả cảm xúc và sự logic. Cảm xúc khiến doanh nghiệp thấy hạnh phúc. Trí tuệ giúp họ vững bước thương trường. Mọi thứ có thể bắt chước, trừ triết lý là vì vậy. Khó đến thì khó đi. Để hình thành được một triết lý rõ ràng hội đủ cả tình yêu và sự minh triết chủ doanh nghiệp sẽ trải qua bao đêm mất ngủ? Rất nhiều đêm, chắc chắn như vậy.
Trong thực tế công việc tư vấn thương hiệu của mình, một trong những điều thú vị nhất đối với tôi là được tương tác với nhiều doanh nhân với những phong cách lãnh đạo khác nhau, triết lý lãnh đạo khác nhau.
Nhân văn – đó là triết lý chúng tôi theo đuổi từ lâu. Nữ CEO của một tập đoàn doanh nghiệp tư nhân hàng đầu ở Việt Nam nói như vậy trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư và khách hàng. Những gì chị chia sẻ sau đó khiến tôi tin rằng, một từ nói ra, không đơn giản là vấn đề ngôn ngữ để truyền thông. Đằng sau câu nói của chị là cả một triết lý kinh doanh, là giá trị xuyên suốt của văn hoá doanh nghiệp.
Sự gắn bó lâu dài của nhân viên với một công ty nhiều khi không vì thu nhập (dù rất quan trọng). Nhân viên ở lại vì tình yêu của họ đối với công ty, cụ thể hơn là vì họ đồng cảm và yêu quý người chủ doanh nghiệp. Ở công ty của chị cũng vậy. Các cán bộ cấp trung và cao đều đã đi cùng chị ít là 5 năm, 10 thậm chí 20 năm. Giám đốc marketing là nhân sự cao cấp giỏi và được các head-hunter săn đón. Nhưng anh bảo với tôi rằng anh vui vì được ở lại. Mỗi ngày đi làm anh đều cảm nhận được không khí tôn trọng và quý mến lẫn nhau ở công ty. Anh bảo tự hào nói rằng anh yêu văn hoá nhân văn của doanh nghiệp anh đang làm.
Nhân văn là triết lý của lãnh đạo, và nó là gốc rễ hình thành nên văn hoá doanh nghiệp. Đã gọi văn hoá không bao giờ xây nên chỉ bằng dăm ba lời hứa suông. Văn hoá không đến từ những lời quảng cáo ồn ào sáo rỗng. Văn hoá đến cái tâm thực sự của người đứng đầu.
Những người kiến tạo nên những công ty làm rạng danh nước Mỹ đều đau đáu một khao khát là tạo ra một nền văn hoá mạnh mẽ trong tổ chức của họ. Công ty nào biết nuôi dưỡng bản sắc cá nhân của mình thông qua việc định hình các giá trị, tạo ra các anh hùng, định ra các nghi lễ và nghi thức và công nhận mạng lưới văn hoá sẽ vượt xa các đối thủ khác (David Ogilvy)
Triết lý kinh doanh là sức mạnh mềm trong cạnh tranh. Điều thú vị là ông chủ của những triết lý hay thường không chủ ý biến nó thành vũ khí nào cả. Đơn giản là triết lý là lẽ sống hình thành tự nhiên trong họ. Triết lý đối với họ như hít thở không khí vậy.
Lãnh đạo có thể học, nhưng không thể bắt chước.
Và triết lý thương hiệu của doanh nghiệp cũng không thể bắt chước.
Hiệu quả kinh doanh nhiều khi đến từ những nguyên nhân sâu xa như vậy. Như vậy gọi là phát triển bền vững.
Nguồn: Nguyễn Đức Sơn – CEO, Richard Moore and Associates