John Bollinger là người sáng lập và chủ tịch của Bollinger Capital Management. Đây là một công ty chuyên cung cấp dịch vụ quản lý quỹ đầu tư và phát triển những nghiên cứu độc quyền cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại tại đây thì vẫn chưa đủ để ông dành được sự tôn trọng của Wall Street. Ông được biết đến bởi những yếu tố khác.
Thứ nhất, ông đạt được cả hai chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst ) và CMT (Chartered Market Technician). Ông là chuyên gia phân tích tài chính đầu tiên trên thế giới đạt được cả hai chứng chỉ này. Đây là điều gây nên sự chú ý của các nhà phân tích khác vì dân phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật thường hay xung khắc cũng như có những chiến lược đối lập nhau. Điều này dẫn đến một thực trạng là hiếm có ai chịu bỏ nhiều thời gian, công sức ra để học hỏi kiến thức của cả hai lĩnh vực này một cách bài bản.
Kể từ sau khi John Bollinger lấy được cả hai chứng chỉ này và ứng dụng thành công chúng vào thực tế thì ngày càng có nhiều chuyên gia tài chính của Wall Street tìm học và đạt được cả hai bằng này. Họ nhận ra rằng mỗi loại đều có những điểm mạnh riêng và tốt nhất là nên nghiên cứu cả hai để làm tăng khả năng thành công của mình.
Thứ hai, ông nghiên cứu và phát minh ra Bollinger Bands. Công cụ này đã trở nên quen thuộc và gần như mặc dịnh trong tất cả các phần mềm phân tích kỹ thuật hiện nay.
Bollinger Bands – Công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến nhất
Bollinger Bands là công cụ kết hợp giữa đường trung bình động (Moving Average) và độ lệch chuẩn.
Trung bình động (Moving Average) là một chỉ báo thể hiện giá trị trung bình của giá chứng khoán trong một khoảng thời gian. Khi giá chứng khoán thay đổi thì giá trung bình cũng thay đổi theo. Trong trường hợp của Bollinger Bands, trung bình động (đường middle) được tính từ giá đóng cửa (close price).
Dải trên (Upper Band): dải trên thường được tính bằng cách lấy đường trung bình cộng 2 lần độ lệch chuẩn. Dải này có vị trí nằm trên đường trung bình 20 ngày.
Dải dưới (Lower Band): dải dưới thường được tính bằng cách lấy đường trung bình trừ 2 lần độ lệch chuẩn. Dải này có vị trí nằm dưới đường trung bình 20 ngày.
Ứng dụng lớn nhất của Bollinger Bands là hiện tượng “thắt nút cổ chai”. Hiện tượng này đem lại hiệu quả đáng kể đối với người sử dụng.
Khi Upper Band và Lower Band co thắt lại thì đó là dấu hiệu cảnh báo sắp có một sự biến động giá mạnh trong tương lai gần. Tùy vào vị trí của giá so với đường middle (moving average) mà nhà đầu tư có thể dự đoán hướng biến động trong tương lai.
Thông thường thì sau khi bung nén giá sẽ bám vào Upper Band hoặc Lower Band. Trong ví dụ dưới đây của AMD thì giá gần như bám vào Upper Band từ cuối tháng 05/2017 đến đầu tháng 06/2017 và bám vào Lower Band từ cuối tháng 01/2018.
Bollinger Bands không phải ngẫu nhiên mà được các nhà đầu tư yêu thích như thế. Bởi tính hiệu quả, có thể áp dụng cho mọi thị trường, có thể biến hóa thành các phương pháp khác nhau và đặc biệt có thể kết hợp hài hòa với các công cụ chỉ báo khác. Và một đặc điểm của BBs không thể không nhắc tới đó là dễ sử dụng, dễ đến nỗi một nhà đầu tư chưa hiểu gì về thị trường chỉ cần tiếp cận một chút là có thể sử dụng ngay.
Do được cấu tạo từ đường trung bình giá và độ lệch chuẩn nên dải Bollinger cho chúng ta nhìn rõ xu hướng thị trường hiện tại và dự đoán xu hướng trong tương lai. Bollinger bands mở cho nhà đầu tư biên độ giá và xem giá hiện tại có thích hợp để mua hoặc bán hay không.
Nguồn: vietstock.vn
Xem thêm:
9 mục tiêu tài chính phải đạt được trước tuổi 30
SEO Youtube 2019 – Cách xếp hạng cho Video Youtube của bạn (Tài liệu + Infographic)
12 trang web so sánh giá uy tín và chính xác nhất năm 2019