Vĩnh Long có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với du lịch sinh thái miệt vườn vì có nhiều đình, chùa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và cấp Quốc gia.
Thời gian gần đây, chùa Phật Ngọc Xá Lợi được nhiều người biết đến bởi đây là một trong những điểm đến nổi tiếng không chỉ dành riêng cho các tín đồ phật tử, các bậc cao niên, các bạn trẻ trong tỉnh Vĩnh Long mà còn có rất nhiều du khách thập phương đến để tham quan, chiêm bái,…và cũng là nơi lưu lại những khung ảnh đẹp, điểm “check-in sống ảo” của giới trẻ thời nay.
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long ở đâu?
Vị trí: số 287A, Quốc lộ 80, ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long
Giờ mở cửa: cả ngày
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long được nhiều người ví như cổ trấn thu nhỏ ở vùng đất miền Tây Nam Bộ. Đây được xem là một trong những ngôi chùa linh thiêng, sở hữu vẻ đẹp bề thế nhất ở vùng đất Vĩnh Long.
Hàng năm ngôi chùa luôn chào đón hàng ngàn Phật tử đến tham quan và chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Không những thế, vào mỗi dịp rằm, lễ hoặc Tết, có rất đông khách thập phương từ khắp nơi tề tựu về đây để thăm viếng và vãn cảnh.
Mỗi năm, số lượng người đổ về Chùa Phật Ngọc Xá Lợi vô cùng lớn. Tuy nhiên, mọi người thường đến đây nhiều nhất vào mùa hè hay dịp tháng rằm tháng 7. Thời điểm từ tháng 11 đến tháng 4 rất lý tưởng để mọi người có thể thoải mái vi vu, khám phá khắp Vĩnh Long.
Đối với những người đam mê khám phá du lịch, thời điểm mùa hè là khoảng thời gian lý tưởng để họ có thể vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp tại Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long vừa khám phá nhiều điểm đến du lịch sinh thái nổi tiếng khác như: vườn trái cây thuộc Cù Lao An Bình, Chợ Nổi Trà Ôn...
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long như một thị trấn cổ thu nhỏ
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long được mọi người ví von như một thị trấn cổ thu nhỏ vì phong cách kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo của người Việt Nam. Với lối thiết kế khoa học, ngôi chùa sử dụng nhiều khoảng trống để tạo không gian nhẹ nhàng, thanh tịnh.
Lối kiến trúc nghệ thuật vừa tinh xảo vừa hài hòa của Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long khiến nhiều người vô cùng thích thú khi được check-in tại đây. Không những thế, hầu hết các hạng mục từ ngoài vào trong của ngôi chùa đều mang đậm nét văn hóa tâm linh đặc trưng của kiến trúc truyền thống Việt Nam nên đã vô cùng thu hút khách thập phương.
Check-in tại Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long có rất nhiều góc hấp dẫn, vô cùng đẹp tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ đến đây sống ảo. Từ mái chùa cong cong, bậc thang bề thế đến bảo tháp cao lớn, mỗi góc tại Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long đều có thể trở thành nơi tuyệt vời để bạn có thể thả dáng chụp ảnh.
Theo kinh nghiệm tham quan tại ngôi chùa này của nhiều bạn trẻ cho biết, mọi người nên dừng chân tại cổng tam quan để check-in. Với vẻ đẹp vô cùng uy nghiêm bề thế, đây chắc chắn là góc chụp mà bất kỳ ai lần đầu đến Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long cũng không nên bỏ qua.
Điểm nhấn đặc biệt nhất tại ngôi Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long chính là tòa bảo tháp cao 9 tầng nổi tiếng cao đến 49m. Tòa bảo tháp sở hữu vẻ đẹp cổ kính, nghiêm nghị và hùng vĩ vô cùng nhờ thiết kế hình lục giác, kết hợp các nét chạm trổ hoa văn hình rồng trên mái ngói độc đáo.
Chợ nổi là một nét văn hóa giao thương đặc sắc của vùng đất miền Tây sông nước. Các chợ nổi như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Cà Mau, chợ nổi Ngã Bảy hay chợ nổi Trà Ôn… là những địa điểm du lịch miền Tây đang thu hút ngày càng nhiều lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan mỗi ngày. Trong số những ngôi chợ nổi đó thì chợ nổi Trà Ôn là ngôi chợ nổi vẫn còn giữ lại nhiều nét đẹp văn hóa giao thương của miền Tây sông nước bởi chợ đã tồn tại hơn 1 thế kỉ.
Chợ nổi Trà Ôn nằm cách vàm Trà Ôn 250m. Chợ họp theo con nước nên cứ đến thời điểm nước lên là chợ lại tập trung nhiều thuyền bè buôn bán, giao thương tấp nập trên khúc sông Hậu dài hơn 300m. Có lúc nước lớn vào sáng sớm, chợ thu hút hàng trăm thuyền bè lớn nhỏ từ Vĩnh Long và các tỉnh gần đó đến đây buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Vị trí tụ họp chợ nổi Trà Ôn nằm cách TP.Vĩnh Long khoảng 40km. Nếu muốn đi chợ nổi Trà Ôn từ trung tâm TP.Vĩnh Long, du khách nên di chuyển theo hướng QL1A. Khi đến thị xã Bình Minh, du khách rẽ về QL54 rồi đi thêm 10km nữa là đến chợ nổi Trà Ôn.
Cũng giống như những ngôi chợ nổi khác ở miền Tây, chợ nổi Trà Ôn bắt đầu họp chợ từ lúc sớm tinh mơ. Khi nhiều du khách vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ thì chợ nổi Trà Ôn đã có thuyền bè qua lại giao thương hàng hóa. Thuyền bè từ khắp các tỉnh miền Tây quy tụ lại chợ nổi Trà Ôn buôn bán và trao đổi hàng hóa từ sáng sớm cho đến chiều tối mới tan hẳn nên du khách có thể đến tham quan chợ nổi Trà Ôn vào bất kì thời điểm nào trong ngày.
Tuy nhiên, theo chia sẻ du lịch Vĩnh Long của những du khách đã từng đi tham quan chợ nổi Trà Ôn thì thời điểm lý tưởng để tham quan chợ nổi là sớm tinh mơ (từ 5h – 6h sáng).
Trong màn sương mờ ảo của bờ sông Hậu lúc mặt trời chưa ló rạng, nhiều tàu bè chở đầy các loại hàng hóa khác nhau tập trung lại trên khúc sông Hậu gần vàm Trà Ôn để bắt đầu giao thương các loại hàng hóa chủ đạo của mình.
Những chiếc thuyền trên chợ nổi như những cửa hàng di động mang trên mình đầy ắp trái cây, rau củ, nông sản, hàng tiêu dùng… Thuyền hàng sẽ di chuyển qua lại quanh khu vực chợ nổi để tìm kiếm những chiếc thuyền có hàng hóa mà mình muốn trao đổi. Nếu muốn mua mặt hàng gì thì du khách chỉ cần ghé lại bên thuyền bán và trao đổi giá cả… tất cả mọi thứ đều diễn ra trên sông nên mới có cái tên chợ nổi.
Chợ nổi Trà Ôn hoạt động cả ngày nhưng đông nhất là khoảng thời gian từ 5h – 6h sáng. Theo kinh nghiệm khi đi du lịch Vĩnh Long thì du khách muốn khám phá và chụp ảnh tại chợ nổi Trà Ôn nên dậy thật sớm và thuê thuyền đến chợ nổi lúc trời còn chưa sáng vì đây mới là lúc chợ tấp nập nhất trong ngày.
Hầu hết các bến thuyền ở Trà Ôn đều cho du khách thuê thuyền ra tham quan chợ nổi Trà Ôn, tuy nhiên, du khách nên hỏi giá trước khi thuê để tránh bị chủ thuyền ép giá. Sau khi đã thuê được thuyền thì du khách chỉ cần ngồi lên thuyền và xuôi theo dòng nước sông Hậu đến chợ nổi Trà Ôn.
Khi thuyền vừa đến gần chợ nổi Trà Ôn, du khách sẽ bị không khí sôi động và náo nhiệt của chợ nổi làm cho mê mẩn.
Mỗi ngày, chợ nổi Trà Ôn quy tụ hơn 100 thuyền bè từ khắp các tỉnh miền Tây đến đây giao thương, buôn bán. Hàng hóa ở đây được bày bán trên các thuyền di động trên sông nên du khách muốn mua hàng hóa gì thì chỉ cần kêu chủ thuyền ghé lại chiếc thuyền bán mặt hàng mà mình muốn.
Hàng hóa được bày bán ở chợ nổi Trà Ôn rất đa dạng nhưng nhiều nhất là các loại trái cây miền Tây. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy những loại trái cây bình dân như chôm chôm, cam, chuối, ổi, xoài… và cả những loại trái cây cao cấp như măng cụt, sầu riêng, bưởi năm roi…
Trong chuyến đi thuyền tham quan chợ nổi Trà Ôn, nhiều du khách còn chụp được cho mình những tấm ảnh tuyệt vời bên những ghe thuyền đầy ắp trái cây và những cô bán hàng duyên dáng, dễ thương. Mặc dù cuộc sống vất vả, nay đây mai đó nhưng trên khuôn mặt của những chủ thuyền ở đây vẫn có những nụ cười niềm nở đón tiếp du khách đến mua hàng.
Những thuyền của các tỉnh khác đến chợ nổi Trà Ôn giao thương hàng hóa thường rời chợ lúc 8h. Sau thời gian này, chợ vắng bớt nhiều thuyền nhưng vẫn còn hàng chục chiếc thuyền của người dân Vĩnh Long qua lại và buôn bán hàng hóa.
Những ngôi chùa, miếu cổ kính, linh thiêng và vô cùng thanh tịnh, thích hợp cho du khách khi đến nơi đây vãng cảnh. Trong đó, không thể không nhắc đến Chùa Ông - Thất Phủ Miếu, một trong những công trình của người Hoa nổi tiếng ở đất Vĩnh Long.
Chùa Ông - Thất Phủ Miếu hay Vĩnh An Cung, ngoài ra còn có tên gọi khác là Hội Quán Phúc Kiến tọa lạc tại khóm 1, phường 5, thành phố Vĩnh Long. Người dân nơi đây thường gọi với cái tên thân mật hơn là “chùa Ông” nhưng đúng ra tên chính thức là Thất Phủ Miếu vì có tổng cộng 7 phủ của người gốc Hoa là: Ninh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Truyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu và Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) trực thuộc các tỉnh Trực Lệ, Phước Kiến và Quảng Đông.
Chùa Ông -Thất Phủ Miếu tại Vĩnh Long xuất hiện từ thời nhà Nguyễn. Dựa vào những ghi chép lịch sử của người xưa, vào đời nhà Thanh có rất nhiều người Hoa ở các địa phương vừa kể, sang nước ta lập nghiệp, nên Chúa Nguyễn cho phép họ lập hội Thất phủ, tương tự như hội Hoa kiều ngày nay.
Chùa Ông - Thất Phủ Miếu là công trình kiến trúc mang phong cách miền Hoa Nam, Trung Quốc, thịnh hành vào thế kỷ 19 trở về trước. Công trình được thực hiện bởi nhóm thợ tài hoa từ Phúc Kiến sang thi công từ năm 1892 đến 1909, đứng đầu là công trình sư Hà Tạo và nhiều nhóm nghệ nhân, cùng nhân công địa phương ở làng Tân Giai, Tân Nhơn…hợp sức xây dựng
Kiến trúc Miếu Thất Phủ làm theo kiểu “tứ hợp diện” Phía trước là Tiền đường, phía sau là Chính điện và hai bên là Đông sương và Tây sương (người Việt gọi là Đông lang, Tây lang). Diện tích khá rộng rãi, xung quanh được bao bọc bởi vách tường gạch kiên cố. Để một khoảng diện tích to rộng có đầy đủ ánh sáng, các công trình sư cho chừa những sân trống. Tuy các khu vực chính nằm xa nhau nhưng có thể thông hành qua lại nhờ các nhà nối, gọi là “hà cầu”, tức xem những sân trống là ao sen và những nhà nối ấy là những cây cầu bắc qua ao sen
Mái Thất Phủ Miếu lợp ngói âm dương được phong tô kỹ lưỡng. Chân mái ngói được viền bằng một loại ngói đặc biệt có tráng men màu xanh. Các rìa mái ngói cong vút và tầng mái gian giữa cao hơn tầng mái của hai gian bên, đều trạm trổ rồng phượng vô cùng thú vị.
Một đặc điểm nữa của Thất Phủ Miếu xây dựng theo kiểu cung đình, có năm cửa cái. Trên các vách cửa cái đều có vẽ hình các vị thần giữ cửa. Mặt tiền, cửa vào là ba khuôn cửa lớn, hai bên vuông góc là hai khuôn cửa hẹp hơn. Hình ảnh trang trí là những hình, tượng cổ sử, cảnh sinh hoạt dân gian; được đấp nổi bằng sành, sứ, các mảnh chén kiểu,,,, Từ phía ngoài cổng nhìn vào đã thấy thẩm mỹ hài hòa và cân đối.
Khi đến đây tham quan bạn chú ý quần áo lịch sự. Bạn cũng đừng quên nguyện cầu sức khỏe, bình an cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh nữa nhé!
Khu du lịch Vinh Sang khá nổi tiếng ở Vĩnh Long vì sở hữu khu vui chơi hiện đại, trường đua đà điểu độc đáo, chòi câu cá đậm chất dân dã phù hợp với mọi lứa tuổi.
Tọa lạc tại ấp An Thuận , xã An Bình, huyện Long Hồ, khu du lịch Bến Thành-Vinh Sang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến Vĩnh Long tham quan. Khu du lịch Bến Thành-Vinh Sang may mắn sở hữu được vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, với diện tích khoảng 2,2ha cùng lợi thế về cảnh quan cây xanh thoáng mát, hệ thống kênh rạch chằng chịt thông với nhau, Vinh Sang chính là một khu vườn thiên nhiên rộng lớn đa dạng các loại trái cây và là khu bảo tồn thu nhỏ một số loại chim, thú hoang dã quý hiếm.
Khu du lịch Bến Thành –Vinh Sang được xây dựng theo hình tam giác mà một cạnh nằm dọc theo bờ sông Cổ Chiên, đối diện với TP.Vĩnh Long, cũng vì sở hữu vị trí thuận lợi thích hợp cho các hoạt động vui chơi nên nơi đây hàng năm đón một lượng lớn du khách đến tham quan. Đến với nơi đây du khách không chỉ thu hút bởi vẻ quyến rũ ngọt ngào từ cảnh đẹp mà còn vì sự nồng nhiệt, chất phác của con người nơi đây. Điểm thu hút du khách khi đến đây chính là vườn trái cây rộng lớn với nhiều loại trái cây như chôm chôm, dâu, xoài…khách tham quan chỉ cần mua vé là có thể vào vườn tự tay hái trái thưởng thức.
Nếu đã cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống ồn ảo của phố thị thì khu du lịch sinh thái Bến Thành – Vinh Sang là sự lựa chọn của du khách muốn trải nghiệm một ngày trở về với tuổi thơ tát mương bắt cá rồi tự tay chế biến các món ăn mình thích, rủ bỏ bộ đồng phục thường ngày khoác lên mình bộ bà ba mộc mạc hòa mình với thiên nhiên để tận hưởng các không gian tĩnh lặng cùng cái không khí mát mẻ trong lành, thoáng đãng cực kỳ thoải mái, nó mang dáng dấp của phố và quê, giúp du khách tìm hiểu nét quê chân phương và người dân miền miệt vườn Nam Bộ.
Ngoài ra tại khu du lịch Bến Thành -Vinh Sang còn có một không gian vui chơi, giải trí hấp dẫn với nhiều trò chơi dân gian xen lẫn các trò chơi hiện đại vô cùng đặc sắc như: Trượt cỏ, bóng nước, đạp thiên nga, đạp xe đạp chậm, cầu lắc…rất thích hợp tổ chức team building, hay dã ngoại dành cho các bạn học sinh, sinh viên được một lần hòa mình vui chơi thỏa thích.
Nếu bạn yêu thích không gian nhà xưa đặc trưng Nam Bộ thì hãy đến xã Bình Hòa Phước, Long Hồ, Vĩnh Long để chiêm ngưỡng nhà cổ cai Cường. Hệt như trong những thước phim truyền hình, ngôi nhà toát lên dáng vẻ bề thế, cổ kính của một nhân vật quyền thế khi xưa.
Vào khoảng năm 1885, đại địa chủ của vùng là cai Cường cho khởi công căn nhà, hiện nay công trình này thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Phạm Văn Bổn. Theo năm tháng, nội thất bên trong vẫn được bảo quản rất tốt, các bức hoành phi, câu đối trạm trổ tinh xảo, tủ thờ, ghế, phản, cột nhà… đều được chế tác từ gỗ quý.
Điều đặc biệt với nhà cổ này chính là những hình tượng chạm khắc trên các bao lam và các vách gỗ quen thuộc nhưng độc đáo, không theo chuẩn mực kinh điển về hình tượng tứ linh, tứ quý như thường thấy. Các nghệ nhân khắc lên đây những con vật rất quen thuộc đối với vùng đất sông nước phương Nam buổi đầu như Khỉ, Ngựa, Chim, Nai, Hổ…,
Ngày nay, nhà cổ Cai Cường do ông Võ Huỳnh Long, 64 tuổi, con cháu đời thứ ba của dòng họ Phạm kế thừa, quản lý. Nhà cổ đang có những phục vụ cho khách du lịch Vĩnh Long như tham quan, biểu diễn Đờn ca Tài tử, hái trái cây tại vườn… Đặc biệt, du khách có thể nghỉ qua đêm tại hai phòng ngủ xưa của gia đình ông Cai Cường. Ngồi trên bộ trường kỷ trăm năm, hàn thuyên chuyện Đông chuyện Tây, ăn trái cây miệt vườn là những trải nghiệm thú vị trong gian nhà cổ trên đất cù lao Nam Bộ.
1611 bài viết
1360 bài viết
996 bài viết
720 bài viết
810 bài viết
215 bài viết