Khi đọc "Tắt Đèn" của Ngô Tất Tố, chúng ta đau lòng khi thấy được số phận bấp bênh của con người. Quẩn quanh trong đồng thuế vô lý, bất lực trước sự tha hóa của lòng người, oằn mình trong vòng xoáy của cơm áo gạo tiền. Chưa bao giờ tính mạng con người lại trở nên rẻ rúng đến vậy.
“Tắt đèn” lấy bối cảnh của xã hội Việt Nam trước những năm 1945. Trung tâm của tác phẩm là gia đình chị Dậu, một trong những gia đình rơi vào cảnh đói nghèo bắt nguồn từ những chính sách vô lý của nhà nước. Ngô Tất Tố khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đẹp đẽ và quật cường đấu tranh cho số phận. Cuộc đời chị được khắc họa bằng những nét đau thương nhất, cùng cực nhất. Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, người đọc khó có thể tìm thấy chút tia sáng nào le lói trong cuộc đời chị, đến tận những trang cuối, cuộc đời chị vẫn chìm trong u tối.
“Tắt đèn” là bức tranh hiện thực tàn khốc nhất, song cũng chân thực nhất. Tác phẩm đã tái hiện rõ nét xã hội áp bức, bóc lột. Con người bị đẩy vào đường cùng của cuộc sống, bất lực vùng vẫy nhưng không thể nào thoát ra ngoài khiến người đọc ám ảnh và thương xót thay những số phận chỉ được coi như là rơm, rạ. Dù đã trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, tác phẩm này cho đến nay vẫn còn sáng nguyên giá trị của nó.
Một trong những tác phẩm văn học nổi bật và khắc họa rõ nét Việt Nam trước năm 1945 là "Chí Phèo". Dù đã trải qua hàng thập kỷ nhưng đây vẫn là một tác phẩm xuất sắc, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của Nam Cao. Khắc họa tấn bi kịch của một người nông dân bị tha hóa trong xã hội cũ, đồng thời cũng mang theo một ngòi bút nhân đạo sâu sắc và tràn đầy vị tha.
Truyện ngắn Chí Phèo, nguyên có tên là "Cái lò gạch cũ". Khi in thành sách lần đầu năm 1941, Nhà Xuất bản Đời mới – Hà Nội tự ý đổi tên là "Đôi lứa xứng đôi". Đến khi in lại trong Tập "Luống cày" (do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), Nam Cao đặt lại tên cho tác phẩm là "Chí Phèo".
Thông qua hình ảnh Chí Phèo – một người nông dân bị bần cùng, lưu manh hóa. Tuy vậy, Chí Phèo vẫn không mất đi sự lương thiện, những điều tốt đẹp mặc dù tưởng chừng bị xã hội vùi dập và đẩy tới đường cùng. Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân, trái lại nhà văn đi sâu vào nội tâm nhân vật để khẳng định nhân phẩm và bản chất lương thiện của con người, đồng thời kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo trước 1945.
Là một nhà văn hiện thực xuất sắc những năm 1940, đồng thời là người “khai hoang” cho nền văn học mới tại Việt Nam, Nam Cao đã để lại cho đời kho báu văn học mang đầy giá trị nhân văn, ý nghĩa và sâu sắc.
Đọc từng trang sách "Tuổi thơ dữ dội", ta cảm tưởng đang trở về với quá khứ xa xưa, dõi theo cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.
Cậu chuyện của một nhóm thiếu niên 13-14 tuổi hoạt động cách mạng trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Tác phẩm xoay quanh ba nhân vật chính: Mừng, Quỳnh Sơn ca và Lượm, tham gia cách mạng đã gieo vào lòng người mọi cung bậc cảm xúc: có căm ghét, có yêu thương, có niềm vui, nỗi buồn,… Càng đọc ta càng cảm nhận được hết những khó khăn, gian khổ mà nhân dân ta đã phải trải qua dưới ách thống trị thực dân Pháp.
Tuy nhiên, dù viết về thời chiến tranh nhưng Tuổi thơ dữ dội không hề mang âm hưởng u ám, trầm buồn. Tác phẩm vẫn rất hồn nhiên, hài hước, tươi vui bởi cách viết mộc mạc, giản dị và giàu tính chân thực của Phùng Quán. Nếu bạn chưa đọc Tuổi thơ dữ dội, hãy thử một lần đọc, chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng, đọc xong tác phẩm, bạn càng quý trọng và bảo vệ nền hòa bình mà ông cha ta đã đấu tranh để gìn giữ.
Sự trong sạch, bất khuất, kiên cường của các em nhỏ trong truyện khiến người lớn cũng phải xúc động và cảm phục. Tác phẩm có nhiều nút thắt, chạm đến mọi cung bậc cao nhất về về cảm xúc đã lấy đi nước mắt không biết bao nhiêu bạn đọc. Đây được coi là một tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi Việt Nam.
Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là "ông vua phóng sự đất Bắc Kì". Những tác phẩm của ông đều phản ánh hiện thực hết sức sâu sắc. Nổi bật là tác phẩm Số đỏ. Những câu chuyện trong đó khắc họa lối sống đầy tha hóa của bộ phận tư sản Hà Nội thời bấy giờ. Ông phê phán những thói hư tật xấu bị tạp nham và làm mất đi nhiều giá trị ban đầu vốn có của cuộc sống.
Chuỗi cười dài “Số đỏ” cũng là chuỗi những tình huống ngược đời kế tiếp nhau. Kể về nhân vật Xuân tóc đỏ, một tên lang thang, tóc của hắn vốn do mưa nắng mà thành màu như vậy ngẫu nhiên lại thành cái số mệnh hên, đỏ vô cùng cho hắn. Lớn lên trong môi trường vô giáo dục, lang thang kiếm sống với nhiều nghề phức tạp đã gia nhập vào môi trường của những kẻ giàu có, của những nhà cải cách, những ông bà văn minh của xã hội thành thị.
Và cũng bắt đầu từ đây, xã hội hổ lốn được mở ra. Con người chạy theo những giá trị tân thời mà bỏ quên đi truyền thống, văn hóa phương Tây du nhập với đầy những ngổn ngang, không có sự sàng lọc. Dẫn tới một xã hội hết sức buồn cười, đồng thời khắc họa rõ hiện thực nửa Tây nửa Ta thời bấy giờ. Ngòi bút châm biếm trào phúng xuất sắc, dùng tiếng cười để vạch trần xã hội một cách tinh vi.
Ngôn ngữ nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng thấm đẫm cá tính sáng tạo. Một thứ ngôn ngữ vừa gai góc, sắc nhọn, mỉa mai, chát. Cũng là thứ ngôn ngữ hướng đến sự phô bày, lên án, tố cáo những mặt trái của xã hội nhưng dữ dội hơn so với các cây bút hiện thực khác.
Tác phẩm này này là lời thủ thỉ về tuổi thơ, là áng văn khắc họa hình ảnh người mẹ tần tảo và yêu thương con vô ngần, là bức tranh tái hiện hiện thực Việt Nam ta trong những năm đầu thế kỷ 20.Tác giả đã cho người xem cảm nhận được những khó khăn, những tâm lý của nhân vật một cách sống động. Đồng thời cũng kịch liệt lên án, phê phán những cổ tục xưa đã hành hạ mẹ mình và phải cách xa mẹ một thời gian.
Tác giả phân biệt rất rõ rệt và cảm thông cho bà và cô của nhân vật Hồng, bà và cô của ông không có tội. Có chăng là họ đã bị những hủ tục lỗi thời và thối nát che lấp đi đi sự lương thiện của họ. Bằng ngôn từ trau chuốt nhưng cũng rất giản dị và đời thường, Nguyên Hồng đã lột tả sâu sắc nhất những suy nghĩ của nhân vật, những giằng xé, cao trào nội tâm của nhân vật Hồng.
Lời kết, tuổi thơ của tác giả đã có thể không đẹp, không đầy sắc màu đến thế nếu như sâu bên trong tác giả không có sẵn niềm tự hào, niềm yêu thương vô bờ bến với quá khứ. Với ngôn từ giản dị và trong sáng, "Những ngày thơ ấu" không chỉ đem đến cho độc giả câu chuyện bình dị, gần gũi với đời thường mà nó còn lột tả được một bối cảnh xã hội phong kiến, cổ hủ của Việt Nam thời xưa.
"Gió lạnh đầu mùa" tập hợp toàn bộ các tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, cuốn sách bao gồm các truyện: Đứa con đầu lòng, Nhà mẹ Lê, Trở về…Trong những truyện ngắn của ông người ta thấm thía nỗi khổ đau, bất hạnh, hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ vừa cảm nhận sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý, thiêng liêng.
Cái tài của Thạch Lam là thế, kể những câu chuyện thật bình thường, thật giản dị, để đôi khi vô tình người ta nhận ra hình ảnh cuộc sống quen thuộc quanh mình trong đó, để có thể lắng lòng mình trong một khoảnh khắc với cuộc đời. Thạch Lam luôn viết về các nhân vật của mình một cách trìu mến, thể hiện niềm thương xót của ông với cuộc đời đau khổ của họ, những người dưới tầng đáy xã hội, bị người đời khinh rẻ.
Thạch Lam đã gieo ngòi bút nhân đạo vào trong từng tác phẩm của mình, khắc họa cho người đọc những số phận lao động được tái hiện rõ nét mang đậm bóng hình của hiện thực. Không quá bi kịch, những truyện ngắn mà nhà văn Thạch Lam viết luôn có một đoàn tàu lấp lánh ánh sáng đợi rời ga.
Ớ đề tài người trí thức tiểu tư sản, đáng chú ý là các truyện ngắn: Giăng sáng, Truyện tình, Đời thừa, Mua danh… Nam Cao đặc biệt đi sâu vào những bi kịch tâm hồn của họ, qua đó, đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn.
Nam Cao đòi hỏi nhà văn phải có lương tâm, có nhân cách xứng với nghề, và cho rằng "sự cẩu thả trong văn chương chẳng những là bất lương mà còn là đê tiện." Nhà văn Hộ trong tác phẩm đời thừa phải chăng là hình ảnh của chính nhà văn Nam Cao hay chính là hình ảnh đại diện cho tầng lớp trí thức trong xã hội cũ? Anh mang trong mình niềm tin và nhiệt huyết sôi sục, muốn tạo ra một tác phẩm có thể lay động một kiếp người. Ấy thế nhưng, cơm áo gạo tiền, vợ con nheo nhóc đã ghì mộng tưởng của anh sát mặt đất.
Qua sáng tác của mình, Nam Cao thể hiện quan điểm nghệ thuật rằng, một tác phẩm văn học phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người.
Đây là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam hay nhất đang gây xôn xao trong đời sống văn học, bởi ở đó người ta tìm thấy sự dữ dội, khốc liệt của đời sống thôn dã qua cái nhìn của một cô gái. Bi kịch về nỗi mất mát, sự cô đơn được đẩy lên đến tận cùng, khiến người đọc có lúc cảm thấy nhói tim…
Tác phẩm là câu chuyện về cuộc sống lênh đênh của ba cha con ông Tư, cùng người đàn bà tên Sương. Họ là những mảnh đời bất hạnh, hẩm hiu tưởng chừng may mắn nắm lấy được nhau nhưng rồi lại bị chia rẽ đến mãi mãi. "Cánh Đồng Bất Tận", một áng văn rất đời, rất thực cho người đọc cảm nhận được từ cái dữ dội, khốc liệt cho đến sự cô độc, tuyệt vọng, mất mát đến tận cùng qua lăng kính của cô gái trẻ.
Thứ văn chương về nỗi buồn của “người đi kẻ ở” chưa bao giờ khiến người yêu văn lại không đắm chìm vào những bâng khuâng, chút nặng trĩu và xót xa. Và "Cánh Đồng Bất Tận" của Nguyễn Ngọc Tư chính là áng văn sâu sắc giúp người đọc thấm nhuần được những nỗi niềm ấy.
Qua dòng chảy thời gian, các tác phẩm văn học Việt Nam vẫn không bị mất đi giá trị của chúng được gởi gắm qua từng trang giấy. Hy vọng qua bài viết top 8 tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam sẽ giúp bạn tìm ra được tác phẩm phù hợp để thưởng thức nhé.
1611 bài viết
1360 bài viết
996 bài viết
720 bài viết
810 bài viết
215 bài viết